Vaccine COVID-19 cho trẻ: Những lưu ý cần thiết

HỒNG VÂN 27/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - So với người lớn, trẻ em có hệ miễn dịch mạnh hơn nên thường bị phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Bé Eloise LaCour, 3 tuổi, được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech trong thử nghiệm lâm sàng sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Ảnh: Stanford Medicine

 Phản ứng miễn dịch mạnh hơn

Với vaccine cho trẻ từ 12 - 15 tuổi, Pfizer-BioNTech cho biết liều lượng vaccine được dùng tương tự liều lượng dùng cho người từ 16 tuổi trở lên (mỗi liều 30 microgam hoặc 0,3ml). 

Tuy nhiên, ở trẻ 5 - 11 tuổi, mỗi liều tiêm chỉ 10 microgam cách nhau 21 ngày. Thử nghiệm cho thấy 2 liều tiêm này được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ cũng được so sánh với những người trong độ tuổi từ 16 - 25 đã được tiêm vaccine cùng loại. 

Hiện vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Bác sĩ MichaelKilkenny - giám đốc Sở Y tế Cabell Huntington, bang West Virginia (Mỹ) - cho biết: Có vẻ như hệ miễn dịch của trẻ phản ứng với vaccine này mạnh hơn một chút so với hệ miễn dịch của người lớn. 

Vì vậy, một tỉ lệ lớn trẻ em sẽ bị các phản ứng phụ, đặc biệt là sau liều thứ hai. Theo ông Kilkennym, khi xảy ra phản ứng miễn dịch càng mạnh, trẻ càng dễ “bị hành” sau tiêm. Người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn trẻ em, vì vậy họ không có phản ứng miễn dịch đáng kể nhưng trẻ em thì nhiều khả năng có phản ứng miễn dịch mạnh và mệt mỏi nhiều hơn sau tiêm.

Những tác dụng phụ phổ biến với thanh niên trong độ tuổi từ 12 - 15 được Bệnh viện Mayo clinic ghi nhận ở Mỹ là: đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt... Khoảng chưa tới 10% trẻ em được tiêm gặp các dấu hiệu này. Với trẻ từ 5 - 11 tuổi, cha mẹ cũng nên chuẩn bị là trẻ sẽ gặp những biểu hiện sau tiêm tương tự.

Vấn đề viêm tim

Tại Mỹ, theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã có báo cáo về các ca viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine công nghệ mRNA ngừa COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), đặc biệt là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên là nam giới. 

Các trường hợp bị tác dụng phụ hiếm này thường xảy ra sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng vài ngày. Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim được chăm sóc y tế đều phản ứng tốt với thuốc. 

CDC khuyến cáo những người đã được chẩn đoán viêm cơ tim nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch nếu muốn tập thể dục hoặc chơi thể thao trở lại. Cả hai trường hợp trên đều có các triệu chứng đau ngực, hụt hơi, cảm giác nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch.

Với các trường hợp viêm tim, các nhà nghiên cứu ở Mỹ nhận định các bé trai khỏe mạnh có thể bị nhập viện do tác dụng phụ gây viêm tim của vaccine của Pfizer-BioNTech nhiều hơn là do bệnh COVID-19. 

Phân tích dữ liệu y tế trong khoảng 4 tháng cho thấy các bé trai từ 12 - 15 tuổi không có bệnh lý nền, có nguy cơ bị viêm cơ tim liên quan đến vaccine cao gấp 4 - 6 lần so với việc nhập viện do COVID-19. Các tác giả cho biết khoảng 86% trẻ em có dấu hiệu bị tác dụng phụ được chăm sóc tại bệnh viện.

Saul Faust, giáo sư miễn dịch học nhi và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Southampton (Anh), người không tham gia nghiên cứu, nhận định: những phát hiện này lý giải cho cách tiếp cận thận trọng với vaccine dành cho thanh thiếu niên của Ủy ban Hỗn hợp về vaccine và tiêm chủng của Vương quốc Anh.

Trong nghiên cứu mới, chưa được cộng đồng khoa học đánh giá, tiến sĩ Tracy Høeg của Đại học California và các đồng nghiệp đã phân tích các phản ứng bất lợi với vaccine COVID-19 của trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Họ ước tính tỉ lệ viêm cơ tim sau hai mũi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech là 162,2 trường hợp/1 triệu trẻ em trai khỏe mạnh từ 12 - 15 tuổi và 94 trường hợp/1 triệu bé trai khỏe mạnh từ 16 - 17 tuổi. Tỉ lệ ở bé gái lần lượt là 13,4 và 13 trường hợp/1 triệu trẻ.

Tại Anh, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Vương quốc Anh cho biết tỉ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech là 6/1 triệu mũi tiêm. 

Do phần lớn các trường hợp viêm cơ tim xuất hiện sau liều thứ 2, các cố vấn y tế của Chính phủ Anh cho rằng chỉ nên tiêm một mũi vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi ở nước này. Mũi tiêm sẽ bảo vệ trẻ phần nào, làm giảm sự gián đoạn việc học đồng thời giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ cho trẻ.

Hiện vaccine COVID-19 được tiêm cho trẻ em phổ biến là Pfizer-BioNTech dù một số ít quốc gia có tiêm cho trẻ em vaccine Moderna. FDA Mỹ tạm thời chưa cấp phép tiêm vaccine COVID-19 do Công ty Moderna phát triển cho trẻ vị thành niên. 

FDA cần thêm thời gian để xem xét các dữ liệu và đánh giá về nguy cơ gây viêm tim ở người trẻ của vaccine này. Một số nước Bắc Âu đã ngừng hoặc không khuyến khích tiêm vaccine này sau khi có thông tin vaccine của Moderna có nguy cơ gây viêm cơ tim nhiều hơn so với Pfizer-BioNTech.

 
 Viện Vaccine Finlay ở Havana, Cuba đã thử nghiệm ba loại vaccine COVID-19 là Soberana 1, 2 và Plus. Vaccine Soberana 2 và Soberana plus đã được phối hợp tiêm cho trẻ em ở nước này. Ảnh: nature.com

 Bồi thường do tai biến sau tiêm

Tháng 5-2021, Thái Lan công bố chính sách bồi thường cho gia đình của người dân bị chết hoặc thương tật do tiêm vaccine COVID-19 của các cơ sở nhà nước cung cấp. 

Theo đó, người thừa kế của người chết sẽ được bồi thường 400.000 baht (gần 12.000 USD), do Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan (NHSO) chi trả. Trường hợp bị thương tật ảnh hưởng đến sinh kế, người đã tiêm vaccine được bồi thường 240.000 baht (7.100 USD). 

Trường hợp có vết thương hoặc đau lâu dài, nguyên nhân trực tiếp do tiêm (bác sĩ xác nhận), người được tiêm được bồi thường 100.000 baht (3.000 USD). Tiền bồi thường này không được chi trả nếu người dân tiêm vaccine từ các dịch vụ tư nhân. Trường hợp không đồng ý với số tiền bồi thường, gia đình nạn nhân có thể khởi kiện. 

Theo báo Bangkok Post ngày 15-10, gia đình một sinh viên 20 tuổi tử vong ngày 14-10, 10 ngày sau khi tiêm liều 1 với vaccine COVID-19 của Sinopharm đã được trả số tiền bồi thường là 400.000 baht.

Tại Úc, chính quyền đã thông qua một cơ chế đơn giản, không yêu cầu người dân phải khởi kiện, để bồi thường cho những người bị các phản ứng vừa đến nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine COVID-19. 

Cơ chế bồi thường này sẽ chi trả các trường hợp bị đông máu giảm tiểu cầu liên quan đến vaccine AstraZeneca và viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim liên quan đến vaccine Pfizer và các thương tật khác. 

Mỗi trường hợp bị biến chứng được trả 5.000 USD. Những người yêu cầu bồi thường từ 5.000 - 20.000 USD phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh các chi phí y tế và thiệt hại về thu nhập.

Ngày 22-2-2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Công ty bảo hiểm Chudb Limited ký một thỏa thuận thay mặt Cơ chế COVAX để quản lý chương trình bồi thường cho 92 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình đủ điều kiện nhận hỗ trợ vaccine thông qua Cam kết Thị trường trước (AMC) của COVAX. 

Cách tính tiền bồi thường minh bạch theo công thức: GDP bình quân đầu người của nền kinh tế đủ điều kiện có liên quan x 12 x hệ số gây hại do vaccine hoặc việc sử dụng vắc xin. Hệ số gây hại được quy định cụ thể cho các trường hợp bị thương tật hoặc tử vong cụ thể. Các cá nhân đủ điều kiện có thể nộp đơn xin bồi thường tại trang web https://covaxclaims.com. 

Sẽ có vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Ngày 7-10, Hãng Pfizer đã nộp đơn đến Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xin phê duyệt cho vaccine phòng COVID-19 mà công ty cùng BioNTech phát triển cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Dự kiến ngày 26-10, ban cố vấn của FDA sẽ họp để thảo luận về việc cấp phép cho vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Việc tiêm chủng có thể bắt đầu ngay khi giám đốc CDC đưa ra khuyến nghị chính thức về cách thức tiêm. 

Ủy ban vaccine của CDC dự kiến họp vào ngày 2 và 3-11-2021. Dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng dự đoán khả năng được “bật đèn xanh” là rất lớn. Nếu vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech được phê duyệt để sử dụng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, từ các bé mẫu giáo năm cuối và học sinh các cấp sẽ được bảo vệ, việc đi học trực tiếp ở trường, gặp gỡ bạn bè của trẻ sẽ được nối lại.

Pfizer-BioNTech đang nghiên cứu vaccine cho trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi. Albert Bourla, tổng giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết kết quả thử nghiệm cho nhóm trẻ này sẽ có trước cuối năm nay, sau đó đệ trình lên FDA.

Từ ngày 6-9, Cuba triển khai tiêm vaccine COVID-19 tự sản xuất, hiện chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên bằng cách kết hợp 2 liều Soberana 2 và liều thứ 3 là vaccine Soberana Plus. Soberana 2 là vaccine liên hợp kết hợp miền liên kết thụ thể của kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 với một dạng uốn ván đã vô hiệu hóa để tăng cường phản ứng miễn dịch. 

Vaccine Soberana Plus dựa trên các protein tái tổ hợp từ vùng virus liên kết với thụ thể trên tế bào người và hai phân tử của protein này được ghép nối để tăng tính miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng ở người lớn và 1 nhóm nhỏ trẻ em đã chỉ ra rằng phác đồ tiêm chủng kết hợp này có hiệu quả hơn 90% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận