Việt Nam 2045: Khơi dậy động lực, khai sáng để phát triển

TTCT - Khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh tiềm tàng của động lực xúc cảm và khai sáng là sự lựa chọn tốt nhất để thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ để người Việt ngàn năm sau vẫn cảm kích và tự hào.

Phóng to
Cầu vượt bằng thép nút giao thông Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM được thông xe sáng 27-8 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Chỉ còn hơn ba thập kỷ nữa Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của đất nước. Trên con đường đi đến tương lai, có lẽ không người Việt Nam nào không khắc khoải một ước mơ chung: một quốc gia hùng cường, một dân tộc phồn vinh, một xã hội chứa chan lòng nhân bản, sâu sắc về đạo lý, anh minh về công lý.

Những hi sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam trong hàng nghìn năm qua cho công cuộc dựng nước và giữ nước là minh chứng mạnh mẽ về khát vọng cháy bỏng của dân tộc trong thực hiện ước mơ mãnh liệt này.

Hai động lực chủ đạo của phát triển

Thế nhưng điều đáng xót xa, trăn trở là khi đất nước yên hưởng cảnh thanh bình với vô vàn điều kiện thuận lợi cho phát triển, nhưng vẫn còn đâu đó say sưa với phô trương, vụ lợi cá nhân... Lời cảnh báo của người xưa “gian khó tạo anh hùng, an nhàn sinh hèn yếu” có lẽ đang ít nhiều vận vào một bộ phận trong chúng ta.

Khi một dân tộc bị rơi vào hoàn cảnh này, thường họ phải nghiêm túc xem lại hai động lực chủ đạo của phát triển: xúc cảm (emotion) và khai sáng (enlightenment). Xúc cảm trỗi dậy từ khát vọng đưa dân tộc đi đến phồn vinh với một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới, từ nỗi lo lắng tới sự tồn vong của dân tộc, hiểm họa an ninh của đất nước và từ ý thức trách nhiệm sâu sắc với thế hệ mai sau. Thiếu động lực xúc cảm, con người thường rơi vào sự tham lam, ích kỷ và trở nên vô cảm với nỗi đau và niềm khát khao cháy bỏng của đồng bào mình.

Khai sáng là sự khai mở mạnh mẽ về tư duy, là sự dũng cảm tháo bỏ sự lạc hậu, là sự khát khao học hỏi tri thức tinh hoa nhân loại. Thiếu tính khai sáng thường dẫn đến hai khuyết nhược lớn sau đây: thứ nhất, quy kết các khó khăn, thất bại gặp phải vào nguyên nhân khách quan; thứ hai, các quyết sách thường mang tính đối phó - xoay xở, thiếu tính kiến tạo nền tảng và đột phá chiến lược.

Khơi dậy sức mạnh xúc cảm tiềm tàng và kiến tạo sức mạnh khai sáng là bước đi nền tảng khởi đầu công cuộc phát triển của dân tộc. Sức mạnh khai sáng được kiến tạo bằng nỗ lực nâng cao năng lực học hỏi thông qua bốn kênh chủ đạo: (i) tìm kiếm, thu nhận và khai thác, sử dụng nhân tài; (ii) dũng cảm thử nghiệm các ý tưởng và quyết sách mới; (iii) so sánh bản thân và đất nước mình với những mẫu hình xuất sắc nhất để noi gương học hỏi; (iv) không ngừng cải tiến hoàn thiện mình.

Những kinh nghiệm phát triển thần kỳ

Sáu thập kỷ trước đây, rất lâu trước khi xuất hiện sự phát triển thần kỳ của châu Á, nhà kinh tế danh tiếng trong lĩnh vực kinh tế phát triển Arthur Lewis đưa ra nhận định rằng: “Tất cả các dân tộc đều có cơ hội phát triển, nhưng chỉ những dân tộc hội tụ đủ được lòng dũng cảm và ý chí mới có thể nắm bắt được chúng”. [1]

Sự sâu sắc và chí lý của nhận định này đã được chứng minh bằng kinh nghiệm phát triển thần kỳ của châu Á. Các dân tộc có hội đủ sức mạnh xúc cảm và khai sáng đã tạo nên những bước đi làm kinh ngạc thế giới. Dưới đây là một vài ví dụ về nỗ lực cải cách và học hỏi của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore để chúng ta cùng tham khảo và suy ngẫm.

Nhật Bản

Người Nhật Bản trước sự đe dọa của phương Tây đã trỗi dậy với sức mạnh dân tộc của tinh thần Nhật Bản và sức mạnh khai sáng thể hiện qua năm lời thề trong bản tuyên thệ trước công chúng của vua Minh Trị tháng 4-1868:

1. Các hội đồng suy xét sẽ được thành lập khắp nơi và mọi vấn đề sẽ được quyết định qua thảo luận của công chúng.

2. Mọi tầng lớp nhân dân, dù ở vị thế nào, sẽ muôn lòng như một trong nỗ lực mạnh mẽ tham gia công cuộc quản trị đất nước.

3. Người dân bình thường, không kém quan trọng hơn quan chức nhà nước hay sĩ quan quân đội, được khích lệ theo đuổi mọi ước mơ mà lòng mình thôi thúc để sự bất bình xã hội không còn chỗ đứng.

4. Những hủ tục của quá khứ sẽ bị loại bỏ và mọi việc sẽ được dựa trên quy luật công bình của trời đất.

5. Tri thức sẽ được truy tìm khắp nơi trên thế giới để gia cường sức mạnh quốc gia. [2]

Một điều đáng kinh ngạc là một nửa số quan chức cao cấp của chính quyền Minh Trị thực hiện chuyến hành trình học hỏi dài 21 tháng sang châu Âu và Hoa Kỳ để tìm kiếm mô hình tốt nhất mà Nhật Bản có thể áp dụng cho công cuộc cải biến xã hội và hiện đại hóa đất nước của mình.

Đặc biệt, khi tham khảo bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, ông Kido Takayoshi đã đọc đi đọc lại nó suốt đêm và khẳng định với cả đoàn: “Đây là một tài liệu tuyệt vời, chúng ta sẽ không bao giờ để tinh thần của nó thay đổi”. [3]

Hàn Quốc

Tổng thống Park Chung Hee được coi là người đặc biệt coi trọng học hỏi kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản và rất chú trọng tập hợp trí tuệ của lực lượng trí thức, đặc biệt là các giáo sư đại học, để hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế táo bạo của mình.

Đặc biệt, cuộc họp hằng tháng với tổng thống của hội đồng thúc đẩy xuất khẩu, bao gồm quan chức, doanh nhân và học giả tại dinh tổng thống để cùng thảo luận tìm lời giải tốt nhất cho mỗi thách thức được coi là rất hiệu quả.

Singapore

Ông Lý Quang Diệu ngay từ ngày đầu cầm quyền đã nhận thức ngay rằng: “Chúng tôi thấy có một trách nhiệm sâu sắc trong việc thiết lập một chính phủ trong sạch và hiệu lực. Khi các bộ trưởng giành được sự kính trọng và tin tưởng của nhân dân, các quan chức chính phủ mới có thể ngẩng cao đầu và tự tin ra quyết định”. [4]

Ông Lý cho biết chính phủ của ông khi thành lập vào năm 1959 biết rất ít về điều hành chính quyền và giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội. Tuy nhiên, mọi người tìm ra công thức thành công là học hỏi không ngừng qua công việc và liên tục cải tiến.

Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ là tù nhân của bất kể lý thuyết nào. Điều chỉ dẫn tôi là mục đích và thực tiễn… Tôi gần như không bao giờ lặp lại một sai lầm lần thứ hai và luôn nỗ lực học từ thất bại của người khác”. [4]

Ông Lý phát hiện rằng rất ít bài toán khó mà chính phủ của ông phải đương đầu còn chưa được gặp phải và giải quyết ở đâu đó. Vì vậy ông tạo thành thói quen tìm hiểu thấu đáo lời giải mà các nước đã có cho các bài toán mà chính quyền của ông gặp phải, từ việc xây dựng sân bay đến cải tiến phương pháp giảng dạy, ông luôn gửi cán bộ tới các nước có lời giải tốt nhất để nghiên cứu triệt để. Ông coi việc đứng trên vai người khổng lồ đi trước là một cách học hỏi hiệu quả nhất.

Việt Nam sẽ ở vị thế nào vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của mình: quốc gia sẽ hùng cường hay bạc nhược; đất nước sẽ phồn vinh hay kiệt quệ trong nợ nần; xã hội sẽ tươi sáng trong niềm tin nhân bản và sự thượng tôn những giá trị cao quý hay mù mịt trong vòng xoáy của sự vô cảm, tham nhũng và làm ăn chụp giật?

Chúng ta chỉ còn hơn ba thập kỷ nữa và thời gian đang trôi đi rất nhanh. Khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh tiềm tàng của động lực xúc cảm và khai sáng là sự lựa chọn tốt nhất và duy nhất để thế hệ người Việt Nam hôm nay có thể làm nên một công cuộc phát triển thần kỳ để người Việt ngàn năm sau vẫn cảm kích và tự hào.

____________

Tham khảo:
[1]: Lewis, W.A. (1955). The theory of economic growth. Homewood, IL: Richard D. Irwin, Inc.
[2]: Tsunoda, R., De Bary, W., and Keene, D. (1958). Sources of Japanese tradition. New York: Columbia University Press.
[3]: Jansen, M.B. (2000). The making of modern Japan. Cambridge, MA: Belknap Press of Harvard University Press.
[4]: Lee, K.Y. (2000). From third world to first: The Singapore story 1965–2000: Memoirs of Lee Kuan Yew. Singapore: Singapore Press Holdings.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận