Xuất khẩu cà phê: Chủ quan là mất tiền

NGUYỄN QUANG BÌNH 17/01/2017 21:01 GMT+7

TTCT - 2016 là năm xuất khẩu cà phê được cả lượng lẫn giá. Đợt bão lũ vừa qua liệu ảnh hưởng đến mặt hàng xuất khẩu chủ lực này ở mức độ nào cho niên vụ mới?

2016 là năm cà phê xuất khẩu thuận lợi về giá -Tiến Thành
2016 là năm cà phê xuất khẩu thuận lợi về giá -Tiến Thành

Trong kinh doanh hàng hóa thương phẩm, lịch sử diễn biến thị trường thường lặp lại. Nhưng chắc sẽ rất khó có năm nào như năm 2016 đối với ngành hàng cà phê Việt Nam. 

Suốt 12 tháng qua, dù giá không đạt được đỉnh cao nhất đã lập ở các đợt tăng cũ, thị trường cà phê nội địa và kỳ hạn robusta London vẫn tạo được dấu ấn khó phai đối với người kinh doanh sản xuất loại nông sản đầy lôi cuốn này.

Một năm được giá

Từ những tháng cuối năm ngoái, hết đợt lũ lụt này đến trận bão bùng khác, cho đến đầu năm 2017, thời tiết ẩm ướt vẫn còn làm chậm chân thu hoạch cà phê cho niên vụ mới (từ 1-10-2016 đến 30-9-2017). Nói mưa bão làm giá cà phê nóng lên cũng chưa đúng hẳn.

Cho rằng tồn kho trong nông dân đã cạn tại thời điểm “giáp hạt” ở giai đoạn tháng 9 và 10-2016 giúp giá lên vẫn thiếu sức thuyết phục.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm vừa qua đạt mức kỷ lục với 1,79 triệu tấn, thu về trên 3,5 tỉ USD, tăng 25% về lượng và 21% về kim ngạch so với năm 2015 (1,34 triệu tấn và 2,7 tỉ USD).

Tính theo lịch, đấy là năm có khối lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Càng bán, giá càng tăng.

Trên thị trường nội địa, từ 30 triệu đồng/tấn đầu năm 2016, giá nội địa nhích dần lên đỉnh 46 triệu đồng/tấn vào các tháng cuối năm để rồi đến những ngày đầu năm 2017 giá đang đứng ở quanh mức cao 45 - 45,5 triệu đồng/tấn.

Trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi cà phê Việt Nam thường sử dụng làm giá tham chiếu, nếu như đóng cửa phiên đầu năm 2016 giá sàn này chốt tại 1.528 USD/tấn thì đến cuối tháng 2-2016 xuống mức sâu gần 1.300 USD/tấn do áp lực tâm lý từ thông tin quyết định tăng lãi suất đồng đôla Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Đến giữa tháng 3-2016, khi chắc chắn Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ (cho đến cuối năm ngoái mới áp dụng), giá cà phê robusta “được nước” tăng dần, vượt khỏi mức 2.200 USD/tấn, dù có lúc chao đảo như cuối tháng 6-2016 trong dịp Brexit, khi người dân Vương quốc Anh quyết định rút chân khỏi EU.

Như vậy, so với ngày giao dịch đầu năm ngoái, giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta tăng 610 USD/tấn chốt ngày 30-12-2016 ở mức 2.138 USD/tấn, tăng 28,5% (xem đồ thị).

Diễn biến giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn London -ft.com
Diễn biến giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn London -ft.com

 Trên sàn arabica New York, nơi cà phê Brazil và Colombia thường lấy giá niêm yết làm cơ sở tham chiếu, không được toại nguyện như sàn London, trong cùng kỳ chỉ tăng chừng 10% do một đợt bán thanh lý mạnh trên sàn kỳ hạn này khi nghe các nước sản xuất arabica được mùa.

Thế giới thiếu cà phê?

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ra định kỳ vào giữa tháng 12-2016 cho thấy cà phê vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thế giới do “xuất khẩu cà phê tính đến hết tháng 11 vẫn ở mức cao 112,4 triệu bao (60kg x bao), chỉ giảm 0,6% so với cùng kỳ một năm trước đó là 113,02 triệu bao”.

Tuy nhiên, nếu tính riêng từng loại cà phê chè tức arabica và cà phê vối là robusta, xuất khẩu loại arabica tăng 3,9%, đạt 71,9 triệu bao; trong khi robusta giảm đến 7,7%, chỉ 40,5 triệu bao.

Arabica là loại cà phê quyết định chất lượng ly cà phê và được tiêu thụ nhiều hơn, còn robusta thường được dùng để phối trộn và làm cà phê hòa tan, một loại thức uống công nghiệp rẻ tiền và thuận tiện.

Dịp cuối năm ngoái, không ít dự báo sản lượng của nhiều nhà phân tích chuyên nghiệp đều cho rằng cà phê arabica được mùa do chương trình tái canh của các nước xuất khẩu chính là Brazil, Colombia và cả Honduras vừa hoàn thành.

Nhờ vậy, trong vòng năm ba năm tới đây, khối lượng arabica có mặt trên thị trường khó thuyên giảm. Bên phía robusta, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết thất thường El Nino đầu năm và La Nina cuối năm tại hầu hết các vùng trồng cà phê loại này trên thế giới, từ Việt Nam đến Brazil, Indonesia và Ấn Độ, nên sản lượng robusta được thị trường tin sẽ giảm thực sự.

Bộ Nông nghiệp Brazil ước năm nay sản lượng robusta của nước này chỉ 7,99 triệu bao so với năm ngoái là 11,2 triệu bao, nhưng bù lại arabica được mùa lớn, từ 32,05 triệu bao (năm 2016) lên 43,4 triệu bao.

Tuy nhiên, thấy giá arabica cuối năm đổ mạnh trong khi robusta tăng, người ở nước xuất khẩu robusta cho là do thiếu cà phê, trong khi nông dân tại các nước sản xuất arabica thấy giá được là cứ bán.

Theo thống kê xuất khẩu từ các cơ quan chức năng tại Colombia và Honduras, xuất khẩu ba tháng đầu niên vụ mới 2016-2017 (tính từ tháng 10 đến 12-2016) tăng 12,3% và 72,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù là nước sản xuất chủ yếu robusta, Ấn Độ thông báo xuất khẩu năm 2016 tăng 18% nhờ cà phê được giá.

Thị phần xuất khẩu: chớ chủ quan

Hạn hán đầu năm, mưa bão cuối năm đang làm giảm sản lượng cà phê của Việt Nam. Đến những ngày đầu năm 2017, nhiều nơi tại vùng cà phê trọng điểm ở Tây nguyên vẫn còn thiếu nắng.

Thiếu nắng, cà phê sấy lâu khô, hàng không ra nhanh được. Điều này đã giúp giá sàn kỳ hạn robusta giao dịch thời gian này ngấp nghé mức 2.200 USD/tấn.

Ở những lúc giá cà phê tăng nóng thường xuất hiện nhiều luồng thông tin mang tính đầu cơ như rủ nhau trữ hàng thực hay kêu nhau mua khống hàng giấy trên các sàn kỳ hạn.

Suy cho cùng, chủ yếu do các tay đầu cơ tài chính kích thích tâm lý hám lợi, khuyến khích ôm hàng chờ giá cao, nhưng quên rằng thị phần xuất khẩu robusta nói chung, cà phê Việt Nam nói riêng rất dễ mất thị phần trở lại vào tay các nước xuất khẩu arabica.

Vừa qua Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cảnh báo rõ rằng coi chừng “thị phần robusta tại các nước tiêu thụ giảm, từ 35,6% trong niên vụ 2015-2016 xuống còn 35,1% năm nay và chỉ 34% trong năm 2018”!

Thị trường tài chính trong đó có các sàn kỳ hạn nông sản đang trở mình kể từ khi có tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Các quỹ đầu tư tài chính đang muốn “xóa bài chơi lại ván mới”. Trên thị trường vốn, các công ty môi giới chứng khoán và tài chính phái sinh ở Trung Quốc đang mọc lên như nấm sau mưa. Vốn ở đấy sẽ tràn vào các sàn hàng hóa rất mạnh, hứa hẹn giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng tiếp.

Giá cà phê tăng trên sàn thường được giải thích bằng các lý do thiếu hàng, tồn kho giảm, cung ứng hụt... mà quên yếu tố tài chính và tiền tệ. Chúng tác động rất lớn đến giá hàng hóa trên sàn kỳ hạn.

Không cần viện dẫn yếu tố cung - cầu, chỉ riêng tác động từ phía vốn và tài chính đã có thể thấy giá cà phê còn vững trong các tháng đầu năm 2017.

Còn nếu xét về cung - cầu, có lẽ nên chia sẻ cách nhìn của ICO nói ở trên. Thị trường đang cấy giá theo các thông tin hiện có. Giá còn tăng nữa trong thời gian trước mắt nhưng các tháng cuối năm còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động đầu tư và đầu cơ trên sàn.

Chỉ cần lưu ý đến “cái bẫy thần tài” này để tránh một năm 2017 xuất khẩu cà phê Việt Nam khỏi mất thị phần do nhiều người thấy giá cà phê tăng mà quên phân tích cẩn thận để có định hướng kinh doanh phù hợp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận