Văn hóa đại chúng: Một thị trường nghịch lý

TRUNG TRẦN 20/07/2022 06:08 GMT+7

TTCT - Sự bùng nổ của văn hóa đại chúng nhờ công nghệ đang đầy những nghịch lý.

Gần 20 năm trước, một nhà sản xuất tu nghiệp ở nước ngoài công bố kế hoạch tham vọng về một sân khấu kiểu Broadway ở Sài Gòn: "Siêu đô thị này có hàng chục ngàn người trẻ rời công sở sau 6h tối, một phần họ sẽ có nhu cầu thưởng thức nền kịch nghệ tương đương với trình độ của thế giới chứ". Giấc mơ Broadway bình dân đấy chưa có thêm bước tiến nào sau gần hai thập niên.

Văn hóa đại chúng:  Một thị trường nghịch lý - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: Tư liệu

Lần gần nhất bạn đến nhà hát mua vé xem kịch đã bao lâu rồi? Chuyện đó lại càng xa vời khi mà ở thị trường kịch nghệ đỏ đèn khả dĩ nhất là Sài Gòn, số nhà hát ít ỏi sống được trước dịch bệnh, giờ cũng đã tuyên bố đóng cửa hay giảm hoạt động gần hết. 

Tương tự, bộ phim Việt Nam nào bạn cảm thấy ấn tượng sau khi đi xem ở rạp về? Cuốn sách nào của một tác giả Việt Nam làm bạn bàng hoàng? Hay bài hát nào gần đây bạn tâm đắc?

Văn hóa đại chúng, nhờ Internet băng thông rộng và điện thoại thông minh, đã bùng nổ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Mỗi cá nhân giờ đều có thể là nghệ sĩ và tự phát hành sản phẩm nghệ thuật.

Dẫn chứng thuyết phục nhất là loa bluetooth kết hợp với YouTube nhạc karaoke trở thành bộ công cụ thần thánh giúp mỗi dịp lễ hay cuối tuần đẹp trời, hàng chục nghìn ca sĩ tự nguyện biểu diễn trên khắp cả nước, gồm không ít người bỗng nhiên nổi danh, dù nhiều khi chỉ trong thoáng chốc.

Nhưng sự bùng nổ này lại đầy những nghịch lý.

Có thể lấy âm nhạc đại chúng làm ví dụ. Lớp trẻ hát nhạc gì, người lớn không biết đã đành. Đến cả lớp trẻ hát gì, chính họ cũng hoang mang. Vào những năm 2020 mà Hồng nhan, Bạc phận, Hoa nở không màu… vẫn là những bài hit hàng tháng trời của giới trẻ. 

Hiếm hoi mới có ca sĩ kể được câu chuyện của thế hệ mình, như Đen Vâu - lại là một nghệ sĩ độc lập và đi lên từ tay ngang. Hầu như không còn tác phẩm của các nhạc sĩ "hàn lâm" đến được với công chúng sau thế hệ của Giấc mơ trưa, Bà tôi…, tức là cũng trên dưới 15 năm rồi.

Điện ảnh cũng vậy. 30 năm trước, Hội Điện ảnh Việt Nam có khẩu hiệu: "Chấn hưng nền điện ảnh Việt Nam". Kết quả của 30 năm chấn hưng là cứ mỗi lần có một bộ phim tư nhân ở Sài Gòn ra rạp có doanh thu lớn, thì báo giới - mục văn hóa - lại chia thành hai phe, thực dụng và dè bỉu. 

Chưa hết, vô số những chuyện dĩ vãng lại được lôi ra để ăn mày - bất kể dĩ vãng đấy có ra sao. Một biểu hiện của sự nghèo nàn ý tưởng, chính là những ý tưởng phản đối và chê bai.

Tivi và truyền hình cáp kéo nhu cầu thưởng thức văn hóa vào phòng khách. Điện thoại thông minh và WiFi đưa nó vào tận phòng ngủ. Điều này đúng khắp nơi trên thế giới, nhưng bản thân nền văn hóa và các cơ quan quản lý của mỗi quốc gia phải có một sức mạnh nội sinh để hạn chế phần nào sự cào phẳng bản sắc mà những news feed, reel và clip gây ra.

Văn hóa đại chúng, nhờ sự năng động với nhu cầu của thị trường, sẽ sản sinh ra những hạt nhân nổi trội để hướng nhu cầu thưởng thức và xu hướng thẩm mỹ lên một tầm cao hơn và phần nào đó giữ lại bản sắc cho mình. Nhưng nó vẫn cần được dẫn dắt bởi một tầng lớp nhất định - có trí thức, tài năng và tầm nhìn đi trước.

Những con người này đang ở đâu? Nhà nước hay những doanh nhân thành đạt có đang bảo trợ để họ đủ điều kiện thực hiện chức năng đấy. Hay cơ chế nhà nước đang bào mòn nhiệt huyết và tài năng của họ? Còn áp lực chạy theo thị trường của các nhà tài trợ tư nhân làm họ chọn con đường an toàn, có lợi cho KPI của phòng marketing và bắt đúng trend giới trẻ?

Câu chuyện đấy lại liên quan đến tư chất và dũng khí của nghệ sĩ Việt Nam, giới mà trong quá khứ, từng nhiều lần đứng vững và tự xây dựng được bản sắc riêng, trên cái nền văn hóa đại chúng thời kỳ của họ. 

Không xa xôi lắm, một ví dụ là ban nhạc rock thuần Việt đầu tiên năm 1970 tại Sài Gòn: Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, những người đầu tiên sáng tác rock bằng tiếng Việt, phản ánh nỗi niềm của thế hệ mình.

Hay cũng chỉ hơn 30 năm trước, thế hệ của Thanh Tùng, Hình Phước Liên, Trần Tiến… đã làm nhạc trẻ trong nước không bị nhạc hải ngoại lấn át. Những nghệ sĩ đấy vẫn sống tốt nhờ thị trường, thậm chí Trần Tiến còn nổi tiếng bằng những bài hát cổ động sinh đẻ có kế hoạch, và vẫn dẫn dắt được thẩm mỹ xã hội theo con đường hướng thượng.

Rất nhiều nhạc sĩ hàn lâm đương đại lên tiếng phản đối phong trào "toàn dân bolero", nhưng làm sao để đẩy lùi nó thì họ không đủ dũng khí, chứ không nói đến tài năng - như thế hệ đi trước. Tài năng thì khó so sánh, nhưng nếu phải chỉ ra một lý do, thì đó có thể là nền tảng văn hóa của một thế hệ.

Giữa muôn trùng vây của TikTok và Instagram, có cảm giác sức đề kháng văn hóa trong mỗi con người Việt Nam đang yếu dần đi, một cách nguy hiểm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận