Ba Lan tỉnh cơn mê

TRUNG NGHĨA (TỪ WARSAW) 30/06/2012 06:06 GMT+7

TTCT - Ba Lan kết thúc vai trò là nước chủ nhà Euro 2012 vào đêm 28-6 khi tổ chức xong trận bán kết Đức - Ý. Đây có lẽ là thời khắc họ “ra khỏi cơn mê”.

Phóng to
Không phải người dân Ba Lan nào cũng hào hứng với Euro - Ảnh: TR.N.

Kết quả thi đấu tệ hại của đội tuyển quốc gia tại Euro khiến người Ba Lan chán chường vì họ đã kỳ vọng quá lớn cho một đội bóng không có nhiều thực lực. Giới truyền thông Ba Lan đã “tế thần” chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ba Lan Grzegorz Lato. Tuy nhiên, đó chỉ là chỉ trích nhắm vào một cá nhân. Cái đáng lo hơn trên bình diện rộng chính là lợi ích kinh tế ít ỏi mà Ba Lan nhận được sau khi đã đổ quá nhiều tiền cho việc tổ chức giải.

Khi đội tuyển nhà xỏ giày ra trận ở vòng bảng, người Ba Lan còn quên đi tất cả để cuồng say theo dõi kết quả từ sân cỏ. Khi đội nhà bị loại, họ vẫn còn rung đùi ngồi làm khán giả theo dõi những trận cầu đỉnh cao châu lục (và cũng là thế giới) giữa những đội bóng hấp dẫn nhất như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Nay đã bình tâm, họ mới nhìn lại thiệt hơn từ việc tổ chức giải đấu.

Euro cũng không làm bùng nổ lượng du khách bởi Ba Lan không phải là quốc gia mạnh về công nghiệp du lịch như Bồ Đào Nha, nước chủ nhà Euro 2004

Daniel Mason, nhà phân tích của trang tin Dịch vụ công cộng châu Âu, cho rằng “lợi ích kinh tế mà Ba Lan và Ukraine hi vọng từ giải đấu Euro bị chìm đắm trong khủng hoảng chung của khu vực đồng euro”.

Ba Lan đã đầu tư 1,3% GDP (25 tỉ euro) cho việc tổ chức giải. Cũng may là họ đã biết rút kinh nghiệm từ các “tiền nhân” Bồ Đào Nha và Hi Lạp, hai quốc gia đăng cai Euro và Olympic 2004 và giờ chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, khi chỉ dành 2,3 tỉ euro cho việc xây sửa bốn sân vận động. Hơn 3/4 nguồn quỹ đầu tư được dành cho cơ sở hạ tầng (xây đường sá và đường xe lửa) được xem là tương đối thích đáng.

Dù vậy, Ba Lan vẫn không hoàn thành được đầy đủ mục tiêu xây dựng đường cao tốc và bán cao tốc mà họ đề ra từ năm 2008. Chưa kể khâu xây dựng có những bê bối mà sự kiện các công nhân chặn con đường chính vào sân vận động ở Gdansk ngay trước trận đấu Croatia - Tây Ban Nha để đòi nhà thầu trả lương là một tiêu điểm.

Nhà kinh tế Ryszard Petru từ Ngân hàng BRE ở Warsaw lên tiếng rằng “các khoản đầu tư xây sân vận động đã không được tính toán lợi ích kinh tế một cách rõ ràng”. Ông Petru nói Ba Lan có thể gặt hái trong việc “đánh bóng” hình ảnh nhờ giải Euro trên sân nhà, nhưng không nhiều kỳ vọng từ lợi ích kinh tế.

Euro cũng không làm bùng nổ lượng du khách bởi Ba Lan không phải là quốc gia mạnh về công nghiệp du lịch như Bồ Đào Nha, nước chủ nhà Euro 2004. Theo thống kê, chỉ trên 600.000 du khách nước ngoài đã nhập cảnh Ba Lan trong ba tuần diễn ra Euro.

Anh Gniezdilov Volodymr, 38 tuổi, người chơi đàn accordeon tại Cung điện hoàng gia, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Warsaw, cho chúng tôi biết anh thấy “lượng khách tham quan nơi đây cũng bình thường trong mùa Euro”.

Volodymr, người gốc Ukraine, cùng vợ sang Ba Lan sinh sống đã được ba năm, vốn là giáo viên dạy nhạc nhưng ngày nghỉ ra đường chơi đàn để kiếm thêm những đồng xu lẻ từ khách bộ hành. Với những người lao động như Volodymr, Euro là sự kiện xa xỉ và không nằm trong mối bận tâm của anh.

Cô Anna, một nhân viên kế toán và tư vấn luật ở Warsaw, cũng nằm trong số những người Ba Lan thờ ơ với bóng đá và hoài nghi về mức đầu tư tốn kém mà chính phủ dành cho giải, đặc biệt là việc xây các sân vận động hào nhoáng để làm hài lòng UEFA, trong khi đằng sau việc xây dựng đó là nỗi lo về “sự hoang phí, tham nhũng” trong việc tiêu xài tiền thuế của dân.

Khi trao quyền đăng cai VCK Euro cho những nước Đông Âu như Ba Lan và Ukraine, chủ tịch UEFA Michel Platini nói ông muốn đưa bóng đá đến những nơi chưa phát triển cao và tạo sự bình đẳng cơ hội cho những quốc gia nghèo vẫn có thể tổ chức giải đấu. Nhưng nếu sau giải đấu các quốc gia này… nghèo hơn vì gánh nặng kinh tế và phải trả các khoản nợ lớn thì sao?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận