Bạn là tiếng vọng phải không?

NGUYỄN MẠNH SƠN 22/05/2021 04:10 GMT+7

TTCT - Câu chuyện kinh ngạc về một nữ nhà thơ trẻ bị quên lãng, trở thành nhà thơ được trẻ em yêu quý nhất Nhật Bản. Và giờ đây, vẫn là một tiếng thơ vỗ về an ủi, chữa lành những thương tổn sâu sắc cho người đọc…

 
 Bức tranh của họa sĩ Nhật Takeshirõ Kanokogi mô tả trận động đất dữ dội năm 1923 ở Kanto (Nhật Bản)

 Ngày 11-3-2011, thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Tohoku (Nhật Bản) khiến hàng vạn người chết, hàng chục vạn người mất nhà cửa, cảnh tượng tang thương bao trùm vùng Tohoku. Những ngày sau đó, vang vọng trên tivi một bài thơ:

Tớ nói: “Cùng chơi đi!”.

Nó cũng nói: “Cùng chơi đi!”.

Tớ nói: “Đồ ngốc”,

Nó cũng nói: “Đồ ngốc”.

Tớ nói: “Lần này không thèm chơi với cậu nữa”.

Nó cũng nói: “Không thèm chơi với cậu nữa”.

Vậy là, không lâu sau,

Mình tớ cô độc.

Tớ nói: “Xin lỗi nhé”.

Nó cũng nói: “Xin lỗi nhé”.

Là tiếng vọng phải không?

Không, không, chúng ta đều như thế.

Đó là những câu thơ trong bài Kodama desho ka? [Là tiếng vọng phải không?] của Kaneko Misuzu. Dung dị, dịu dàng, những vần thơ ấy trở thành nguồn an ủi, động viên cho những người gặp nạn đang rất cần sự yêu thương và đồng cảm. Họ nói rằng bài thơ mộc mạc ấy quả thực có công hiệu trị liệu.

 
 

 45 năm trước đó, vào năm 1966, khi đang đọc một cuốn sách khó hiểu, một nhà thơ Nhật Bản 19 tuổi là Setsuo Yazaki đã phát hiện ra một bài thơ khiến anh sững lại. Những câu thơ tỏ bày một sự đồng cảm hào phóng tới mức sửng sốt và sự thật hiện sinh được thể hiện một cách đơn giản tuyệt vời.

Bình minh ló rạng

Mẻ cá lớn

Cá mòi to

Mẻ cá lớn.

Trên bờ biển

Náo nhiệt như ngày hội

Nhưng dưới biển sâu

Có hàng ngàn vạn

Tang lễ cá mòi

Đang được cử hành.

(Tairyō - Mẻ cá lớn)

 
 Minh họa bài thơ Mẻ cá lớn (tranh màu nước) của nghệ sĩ Nhật Bản Toshikado Hajiri.

Bài thơ này đã được viết trước đó nhiều thập kỷ, của nhà thơ nữ trẻ bị lãng quên Kaneko Misuzu (11-4-1903 - 10-3-1930). Yazaki khao khát muốn tìm hiểu thêm về nhà thơ nữ bí ẩn này, nhưng anh đối diện một khoảng trống gần như vô tận. 

Bản sao duy nhất được biết đến của những bài thơ của Kaneko đã bị phá hủy trong trận đánh bom Tokyo trong Thế chiến II. Hiệu sách nơi cô từng làm việc đã biến mất từ lâu. Và không ai biết cô có người thân nào trong gia đình còn sống sót hay không.

Yazaki đã dành 16 năm để truy tìm thiên tài bí ẩn này, cho tới tận năm 1982, ông gặp được Ueyama Masasuke - người em trai 77 tuổi của Kaneko, người đã mang tới ba cuốn nhật ký bỏ túi cũ nát chứa những bài thơ còn sót lại trong số 512 bài thơ mà Kaneko đã viết trong cuộc đời ngắn ngủi như một cái chớp mắt của cô: 27 năm, và chưa từng được xuất bản.

Sau hành trình tìm kiếm của Setsuo Yazaki, năm 1984, toàn tập thơ của Kaneko Misuzu chính thức được xuất bản - cách năm cô qua đời 54 năm. Người Nhật lập tức mê đắm thơ Kaneko. Và đến nay, có thể nói Kaneko Misuzu là nhà thơ được quan tâm nhất tại Nhật, được độc giả biết tới nhiều nhất. 

Có lẽ bởi vì trong những vần thơ ấy có tất cả: đôi mắt quan sát, thấu suốt tự nhiên huy hoàng và đa dạng, sự chiêm ngưỡng với thái độ trân trọng những sinh vật diệu kỳ của sự sống và Trái đất, cái nhìn sâu sắc và bình dị về bản chất của mọi sự vật, sự khao khát yêu thương, lòng trắc ẩn và niềm đồng cảm mênh mang.

Kaneko Misuzu (tên thật là Kaneko Teru) sinh ngày 11-4-1903 tại tỉnh Yamaguchi. Tác phẩm của Kaneko chỉ được công bố trên các tạp chí khi cô còn sống. 

Trong đó bài Watashi to kotori to suzu to [Tớ, chú chim nhỏ và cái chuông] được tuyển chọn vào sách giáo khoa quốc ngữ bậc tiểu học, sau này còn được trích làm đề thi đại học của Trường đại học Tokyo.

Dẫu tớ dang rộng cánh tay

Cũng chẳng thể lượn bay giữa bầu trời

Nhưng chú chim nhỏ biết bay kia

Lại chẳng thể chạy nhanh trên mặt đất như tớ

Dẫu tớ lắc lắc thân mình

Cũng chẳng tài nào vang âm trong trẻo

Nhưng chiếc chuông nhỏ đang kêu vang kia

Lại chẳng biết được nhiều bài hát bằng tớ.

Chiếc chuông, chú chim nhỏ và tớ nữa

Chẳng giống nhau chút nào

Nhưng thảy đều tuyệt đẹp.

 
 Kaneko Misuzu, 1-1930

Kaneko sinh ra vào buổi bình minh của thế kỷ 20 tại một làng chài nhỏ. Mẹ cô, người trở thành một bà mẹ đơn thân sau khi cha cô qua đời khi cô lên ba, điều hành một hiệu sách và ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của giáo dục và việc đọc.

Không giống như hầu hết các bé gái Nhật thời kỳ đó thường kết thúc việc học sau lớp 6, Kaneko đi học đến năm 17 tuổi. Cô đọc ngấu nghiến về những vùng đất xa xôi và bị kích thích bởi sự tò mò đồng cảm về thế giới tự nhiên, nghĩ về việc tuyết sẽ ra sao và những con cá voi mồ côi đau lòng thế nào sau một cuộc săn cá voi.

Sau khi tốt nghiệp trung học, cô từ bỏ cơ hội học tiếp lên cao, sau đó theo mẹ xuống thành phố Shimonoseki. Đó là những năm 1920 - thời kỳ mà Natsume Soseki gọi là Đại Chính lãng mạn, Nhật Bản đang tiếp thu và mô phỏng mạnh mẽ văn hóa phương Tây, những người làm xuất bản nối nhau thành lập các tạp chí thơ, xác lập phong khí mới cho một nền văn học nhi đồng duy mỹ mới mẻ mà rất đông người sáng tác lẫn độc giả là người trưởng thành. 

Kaneko gửi những bài thơ ngắn viết cho trẻ em dựa trên những ký ức sống động từ thời thơ ấu của chính mình cho năm tạp chí thường xuyên tổ chức các cuộc thi dành cho các nhà văn trẻ. Bốn trong số năm tạp chí đã in thơ của cô vào cùng tháng 5-1923. Chẳng bao lâu, những bài thơ của cô bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí khắp cả nước. Chưa đầy hai mươi tuổi, cô đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng.

Những tạp chí chuyên ngành như Dowa [Đồng thoại], Kin no Hoshi [Kim Tinh] mà Kaneko đăng bài đều có mục đồng dao, và là những tạp chí có sức ảnh hưởng nhất đối với giới sáng tác văn học thiếu nhi thời đó. Những nhà văn cự phách viết cho thiếu nhi như Kitahara Hakushu hay Saijō Yaso phụ trách tuyển chọn tác phẩm cho các mục này. Saijō Yaso vô cùng tán dương tác phẩm của Kaneko, cho rằng tác phẩm của cô “vượt ngoài sức tưởng tượng” thông thường, gọi cô là “ngôi sao lớn trong làng thi nhân đồng dao”.

Năm 1925, Kaneko được tiến cử trở thành hội viên Hội Thi nhân đồng dao Nhật Bản, và Kaneko trở thành một trong hai nữ hội viên của hội trong toàn quốc - nhân vật nữ còn lại là Yosano Akiko, nổi tiếng với tập thơ Migaregami (Tóc rối).

Tháng 2-1926, khi Kaneko 23 tuổi, cô kết hôn với một nhân viên trong tiệm sách của cha dượng, họ sinh hạ được một cô con gái. Người chồng của Kaneko vốn sinh hoạt phóng đãng, lại ngăn cấm Kaneko tiếp tục sáng tác thi ca, khiến cuộc hôn nhân của họ chỉ duy trì được chưa đầy bốn năm. 

Sau khi ly hôn không lâu, Kaneko uống thuốc độc tự sát, để lại di thư yêu cầu chồng từ bỏ quyền nuôi con gái. Cái chết của cô được xem là vụ thương thuyết hòng giành lại cuộc sống bình yên cho con gái, sau đó con gái cô được bà ngoại nuôi dưỡng.

 
 

 Thơ của cô có ngôn từ vô cùng chất phác, rất ít hình dung từ. Với cô, ngôn ngữ là công cụ biểu đạt thẳng thắn, không cần dùng tới ẩn dụ và hoán dụ. Ví như bài Tsumotta yuki [Tuyết đọng]:

Tuyết ở trên trời

Chắc là lạnh lắm

Bởi ánh trăng lạnh lẽo chiếu vào

Tuyết ở mặt đất

Chắc là nặng lắm

Nên hàng trăm người giẫm lên

Tuyết ở không trung

Chắc cô đơn lắm

Bởi chẳng thấy trời, đâu nhìn thấy đất.

Thơ của Kaneko nhìn thấy những nơi sâu xa mà người khác không thấy được, bởi cô dùng ánh mắt thuần khiết nhất để thấu hết thảy mọi vật. Cô có thể biểu đạt được những thứ dung dị nhất trong một áng thơ lay động. Có lẽ chỉ những người đã trải qua rất nhiều bất hạnh mới có thể khởi phát được tâm từ bi để an ủi chính mình thông qua những thứ rất đỗi tầm thường đến thế. 

Bất luận là thứ to lớn hay nhỏ bé, là con người hay sự vật, Kaneko đều dùng ánh mắt thuần khiết đó để quan sát. Vì thế Yazaki Setsuo mới nói rằng: “Khi Kaneko Misuzu nhìn áng mây tía thì cô ấy chính là áng mây tía, khi nhìn chua me đất hoa vàng thì cô ấy chính là cây chua me đất hoa vàng, khi nhìn con kiến thì cô ấy chính là con kiến”.

Ai tớ cũng không kể,

Liệu có được hay không? 

Chuyện về buổi sáng nọ,

Nơi góc vườn trước sân

Bông hoa kia bé nhỏ,

Khẽ ứa thầm nước mắt.

 Chẳng may câu chuyện này,

Bị đồn ra bên ngoài,

Truyền đến

Tai ong mật.

 Nó sẽ cảm thấy như

Mình làm chuyện hổ thẹn

Rồi sẽ liền bay lại, 

Trả mật cho nhụy hoa. 

(Tsuyu [Hạt sương mai])

Chất liệu cho các bài thơ của Kaneko đều là những thứ rất đỗi bình dị trong cuộc sống thường ngày, những phong hoa tuyết nguyệt bốn mùa, trời xanh, biển lớn, mây trắng, đá nhỏ bên đường, cây cỏ, thậm chí cả con chó của nhà hàng xóm... 

Có lẽ vì thế mà khi đọc những bài thơ của cô đã sáng tác cách nay cả thế kỷ, ta vẫn chẳng cần tốn chút tâm sức nào để hiểu được. Và một lần nữa, cùng cô cảm nhận những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường ngày. ■

512 bài thơ đồng dao của Kaneko Misuzu được Yasaki Satsuo tuyển chọn và xuất bản trong Toàn tập Kaneko Misuzu, do JULA xuất bản cục phát hành năm 1984.

Sau này Yasaki Satsuo còn xuất bản tuyển tập riêng các bài đồng dao tiêu biểu của Misuzu mang tên Watashi to kotori to suzu to [Tớ, chú chim nhỏ và cái chuông], và cuốn sách Thi nhân đồng dao - Cuộc đời của Kaneko Misuzu (năm 1993). 

Năm 1995, đài truyền hình NHK phát song chương trình Vương quốc của con tim - Thế giới của thi nhân đồng dao Kaneko Misuzu

Cuộc đời và các tác phẩm của cô trở thành chủ đề cho hàng loạt loại hình nghệ thuật, từ tiểu thuyết tới truyện tranh, phim tài liệu, phim truyền hình. Ngày nay, trên trang bìa các sách đồng dao dành cho thiếu nhi, người ta đều thấy cái tên Kaneko Misuzu: bộ Sách tranh về thơ Kaneko Misuzu do Kin no Hoshi sha xuất bản năm 2005; một số sách tranh và tuyển tập thơ Kaneko Misuzu được xuất bản thành ba cuốn với các tựa đề Konomichi wo yukou yo [Hãy đi theo hướng này]; Watashi to kotori to suzu to; Akarui hou e [Đi theo hướng tươi sáng] do Froebel-Kan xuất bản năm 2020.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận