Bơi phượt đường dài từ 6 tới 89 tuổi

KHƯƠNG XUÂN 10/05/2018 14:05 GMT+7

Hiếm có cuộc thi thể thao nào mà VĐV tham dự có cả những em bé mới 6 tuổi và những cụ ông, cụ bà đã ở tuổi xưa nay hiếm, 89 tuổi. Thế nhưng CLB bơi phượt đường dài (Wild Swimming Club) đã tổ chức những giải bơi như thế.

Họa sĩ Bùi Quốc Hùng (trái) hoàn thành cự ly 12,6km ở hồ Thác Bà. Ảnh: Như Ngọc
Họa sĩ Bùi Quốc Hùng (trái) hoàn thành cự ly 12,6km ở hồ Thác Bà. Ảnh: Như Ngọc

Mới đây nhất, ngày 6-5, CLB bơi phượt đường dài đã tổ chức giải bơi vượt hồ Thác Bà (Yên Bái) với sự tham dự của 150 VĐV, người bơi dài nhất đã hoàn thành cự ly 13km.

Bơi để hòa mình với thiên nhiên

CLB bơi phượt đường dài được sáng lập vào tháng 7-2014, do anh Đỗ Minh Thơ (công tác tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) làm chủ nhiệm. Xuất phát từ tình yêu với bơi lội nhưng lại không thích bị bó buộc trong các bể bơi tại thành phố, những thành viên CLB bơi phượt đường dài hướng đến việc bơi, tổ chức thi đấu ở những hồ nước ngọt ngoài trời. Cự ly mà các VĐV bơi phượt tham gia cũng thường dài hơn rất nhiều so với các cự ly mà giới chuyên nghiệp thi đấu. Bơi dài, hòa mình với thiên nhiên, cùng nhau bảo vệ môi trường là cách sống mà những thành viên CLB bơi phượt đường dài hướng tới.

Hà Nội chỉ có 6 tháng mùa hè, còn lại thời tiết giá lạnh hoặc mưa, nhưng không vì thế mà phong trào bơi lội ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không phát triển. Những ngày đầu sáng lập CLB, anh Thơ cho biết đã ra sông Hồng, hồ Tây, nơi có nhiều nhóm người bơi đường dài hay tập luyện để mời họ tham gia CLB. “Tôi biết phong trào bơi hiện nay rất tốt và những người có khả năng bơi đường dài không phải ít, nhưng họ chưa có một sân chơi để cùng nhau tập luyện, thi thố. Có nhiều ông cụ 70-80 tuổi nhưng mỗi ngày vẫn bơi 2-3km ở hồ Tây hay sông Hồng. Trời nóng hay lạnh với họ không thành vấn đề, bởi có những ngày lạnh 8-9 độ C nhưng sáng nào các cụ cũng xuống hồ bơi” - anh Thơ nói.

Từ khi ra đời vào năm 2014 đến nay, CLB thường tổ chức nhiều cuộc thi bơi để các thành viên tham gia trổ tài. Các hồ lớn phía Bắc như Ba Bể (Bắc Kạn), Núi Cốc (Thái Nguyên), Thác Bà (Yên Bái), Na Hang (Tuyên Quang)... đều biến thành địa điểm tổ chức các cuộc thi cho CLB. Những năm đầu CLB chưa phát triển thì việc tổ chức giải ít, hai năm gần đây đến mùa hè thì cứ 1-2 tháng CLB lại tổ chức một giải bơi. Tổ chức một giải thể thao trên cạn đã phức tạp, tổ chức ở dưới nước lại càng khó khăn, nhất là khi đối tượng dự thi không phải VĐV chuyên nghiệp và địa điểm thi đấu là những hồ sâu và rộng bao la.

Để chuẩn bị, trước khi giải diễn ra cả tháng, anh Lê Trọng Kiên, thành viên ban quản trị CLB, phải đến khảo sát địa điểm thi đấu để kiểm tra nước, vẽ sơ đồ đường bơi, đo mực nước, xin phép chính quyền địa phương, tổ chức phương án cứu hộ... Với chiều dài hơn 80km, chiều rộng 8-10km, nước sâu 40-50m cùng 1.331 đảo nhỏ, hồ Thác Bà là thử thách lớn với các kình ngư nghiệp dư và ban tổ chức giải ngày 6-5, nhưng rồi tất cả kình ngư đều về đích an toàn, không có sự cố nào xảy ra. Anh Nguyễn Anh Giao còn xác lập kỷ lục mới cho bản thân và CLB khi là người bơi dài nhất với 13km.

Gìa, trẻ, gái, trai... tất cả đều chia sẻ niềm vui thể thao. (Ảnh: Khương Xuân)

 

Cả nhà cùng bơi

Tham dự cuộc thi vượt hồ Thác Bà ngày 6-5 có nhiều cụ ông, cụ bà độ tuổi 60-90. Cụ Nguyễn Hữu Tài là VĐV lớn tuổi nhất đoàn, năm nay 89 tuổi, hoàn thành cự ly 2km thật gọn ghẽ. Vốn là cán bộ quản lý các hoạt động của thể thao quân đội trước đây, cụ Tài cho biết ngày nào cũng bơi 1km. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Tài hiếm khi đau ốm, hằng ngày vẫn đi xe máy đến bể bơi tập luyện, trí óc vô cùng minh mẫn. Về đến đích khi vẫn còn sung sức, cụ Tài chia sẻ: “Bơi lội đã cho tôi sức khỏe tuyệt vời. Nếu không bơi, chắc chắn tôi không được như thế này”.

Không chỉ có cụ Tài, cụ Lê Sỹ Cát (81 tuổi) cũng là một trong những VĐV đã về đích an toàn khi bơi 3km. Đến chinh phục hồ Thác Bà, đi cùng cụ Cát còn có hai người con là anh Lê Sỹ Hà (con trai) bơi 5km, chị Đặng Thu Huyền (con dâu). Cụ Cát chia sẻ: “Hằng ngày tôi dậy sớm đi bơi 2km. Trong gia đình, ngoài tôi và con trai, con dâu, hai cháu nội của tôi hằng ngày cũng bơi để rèn sức khỏe”.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (49 tuổi) cho biết: “Bơi trong bể thường rất hại da và tóc bởi bể bơi có nhiều hóa chất. Bơi trong bể ít nước nên bơi nặng, không khí bí bách, bể dài nhất cũng chỉ có 50m nên muốn bơi dài VĐV phải quay nhiều vòng. Khi bơi ngoài hồ thì có thể thoải mái hòa mình với thiên nhiên, bơi thư thái nhẹ nhàng rất sảng khoái”. Là người làm trong lĩnh vực kinh doanh nhưng chị Kim Anh đã hoàn thành cự ly 10km tại hồ Thác Bà với thời gian hơn 5 giờ bơi liên tục. Cùng bơi với chị Kim Anh còn có chồng - anh Bùi Quốc Hùng (họa sĩ) - cũng hoàn thành cự ly 12,6km. Những cự ly mà các phượt thủ vượt qua ngay đến một kình ngư chuyên nghiệp cũng phải bái phục.

Bơi phượt không chỉ dành cho người lớn, các giải bơi do CLB bơi phượt đường dài tổ chức còn có rất nhiều trẻ em tham gia. Đó là người thân, con cái của các thành viên CLB, nhiều bé mới 3-4 tuổi. Cá biệt như gia đình anh Lê Trọng Kiên, ngoài anh ra thì cả ba con của anh là Lê Quốc Cường (15 tuổi), Lê Trang Linh (13 tuổi) và Lê Trọng Huy (6 tuổi) đều tham gia bơi phượt. Trong cuộc thi ngày 6-5 tại hồ Thác Bà, hai bé Cường và Linh hoàn thành cự ly 5km. Anh Kiên cho biết bé Huy mới 6 tuổi nhưng đã có thể bơi liên tục hơn 1km.■

Bơi để tận hưởng thiên nhiên

Anh Nguyễn Mạnh Thưởng (kỹ sư xây dựng) - người về nhất cự ly 5km tại cuộc thi vượt hồ Thác Bà - chia sẻ cảm giác bơi giữa hồ nước bao la, nhìn ngắm mây trời là điều tuyệt vời nhất mà anh được trải nghiệm. “Khi bơi ở đây, tôi cảm nhận được giá trị của những gì mà thiên nhiên ban tặng, ý thức hơn để gìn giữ những gì thuộc về thiên nhiên” - anh Thưởng nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận