"Chỉ sợ không còn nhiều thời gian..."

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 07/05/2012 02:05 GMT+7

TTCT - Gặp lại GS Chúc Ngưỡng Tu ở Nam Kinh, tôi nhớ lần đầu tiên diện kiến ông tại hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội vào đầu năm 2010.

Ít ai biết vị GS xấp xỉ tuổi 70 này (ông sinh năm 1943) có một “mối tình” dài và sâu đậm với Việt Nam.

Phóng to
Minh họa: VIIP

ng từng chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của người Hà Nội trong chiến tranh khi sang Hà Nội du học từ năm 1965-1969, rồi lại tiếp tục nâng cao tiếng Việt vào những năm 1994-1995. Trở thành một trong những học giả ngôn ngữ và văn hóa Việt, ông tập trung nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa truyền thống và văn học Việt. Với thâm niên trên 40 năm giảng dạy về ngôn ngữ và văn hóa Việt tại các đại học Trung Quốc, ông đã giúp hàng nghìn sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu và độc giả Trung Quốc có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về Việt Nam.

Hi vọng một chương trình bài bản từ phía Việt Nam

Tuy nhiên, GS Chúc Ngưỡng Tu tâm huyết nhiều hơn cho việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam: "Cho đến thời điểm hiện tại, người Trung Quốc rất ít quan tâm đến văn học Việt Nam, mà quan tâm nhiều đến văn học của các cường quốc về kinh tế như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Văn học Việt Nam vẫn bị xem như văn học của nước thứ ba. Thêm vào đó, một số người Trung Quốc bây giờ "no cái bụng, đói cái đầu". Họ đọc rất ít, đọc sách báo trên mạng là chính. Việc xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam ở Trung Quốc vì thế rất khó khăn".

Trở về từ hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, GS Chúc Ngưỡng Tu đã miệt mài bắt tay vào dịch tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm này vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, song ngữ Việt - Trung. Ông cho biết: "Tôi sẽ cố gắng giới thiệu tác phẩm với nhà xuất bản Trung Quốc. Hiện nay nhà xuất bản Trung Quốc hầu như không nhận in tác phẩm nếu họ không đảm bảo rằng sẽ bán được 5.000 quyển là con số hòa vốn cho mỗi bản in. Các tác phẩm văn học Việt Nam vì thế rất khó in ở Trung Quốc nếu không có sự hỗ trợ tài chính".

Theo GS Chúc Ngưỡng Tu, Chính phủ Trung Quốc có một chương trình giới thiệu văn học Trung Quốc khá bài bản, bao gồm kế hoạch dịch và giới thiệu những tác phẩm văn học chủ đạo, cùng với một nguồn quỹ giúp cho việc in ấn và phát hành tác phẩm ở nước ngoài. "Tôi hi vọng một ngày gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng có sự đầu tư thích đáng và bài bản như thế vào việc giới thiệu văn học Việt Nam".

Bản dịch so với văn Ðỗ Chu chỉ là "bà già xấu xí"

Hầu như hằng ngày ông đều bỏ thời gian để dịch văn học Việt. Ông đọc rất nhiều truyện ngắn của các tác giả cổ điển và đương đại Việt Nam rồi dịch ra tiếng Trung, để thỏa đam mê chứ không màng đến tiền công dịch thuật và việc liệu tác phẩm có được in ấn hay không.

"Dịch văn học khó lắm. Dù thông thạo tiếng Việt, tôi vẫn chưa dám dịch thơ Việt Nam sang tiếng Trung vì công việc đó chỉ một nhà thơ mới làm tốt được. Dịch văn xuôi dễ hơn thơ nhưng cũng rất khó, khó hơn dịch thông thường rất nhiều. Làm sao bản dịch phải hay, phải chuyển tải được hồn cốt, vẻ đẹp, văn phong của tác phẩm. Cũng có tác phẩm văn xuôi làm tôi "bó tay", vì ngôn ngữ - văn hóa giữa hai dân tộc Trung - Việt có nhiều nét bất đồng nên khó tìm thấy được khái niệm tương ứng.

Ví dụ gần đây tôi mất gần hai tuần để dịch truyện ngắn Cánh đồng truyền thuyết của nhà văn Đỗ Chu, nhưng không dám đưa đi in vì tôi chưa thỏa mãn với chất lượng dịch. Trong bản tiếng Việt của Đỗ Chu, nếu ví Cánh đồng truyền thuyết là một cô gái đẹp thì trong bản dịch của tôi, cảm tưởng đó chỉ là một bà già xấu xí. Có lẽ tôi chỉ nên gửi tặng bản dịch cho ông Đỗ Chu làm kỷ niệm chứ không thể cho in được" - ông nói.

GS Chúc Ngưỡng Tu đã kể rất nhiều về những truyện ngắn Việt Nam mà ông dịch gần đây của các tác giả như Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Trọng Tân... Ông nhớ rõ từng chi tiết của các tác phẩm, và nói về chúng say mê như nói về những người con tinh thần của chính mình.

Nghe ông nói mới biết rằng ông đã đắm chìm vào từng tác phẩm đến nhường nào, mới biết ông thật sự đam mê với nghề dịch văn học của mình, mặc dù nó không đem lại cho ông thu nhập - so với những tài liệu kinh tế và kỹ thuật mà ông có thể "dịch không cần suy nghĩ, và có thể đem lại thù lao rất tốt".

Thật vui khi những tác phẩm truyện ngắn mà GS Chúc Ngưỡng Tu đang đầu tư công sức để chuyển ngữ sẽ được ra mắt trong tuyển tập Truyện ngắn đương đại Việt Nam, do dịch giả Điền Tiểu Hoa chủ biên, Nhà xuất bản Nhân Dân Thiên Tân ấn hành. Qua những tác phẩm này, hi vọng độc giả Trung Quốc sẽ có cái nhìn thân thiện hơn về vẻ đẹp và chiều sâu của văn học Việt Nam.

Chuyến tàu chở tôi rời ga Nam Kinh, tôi ngoái lại nhìn dáng của GS Chúc Ngưỡng Tu đang đứng vẫy tay tạm biệt giữa nhà ga ồn ào và đông đúc. Mắt tôi cay khi biết hằng đêm, GS vẫn một mình cặm cụi chuyển ngữ những trang văn học Việt, giữa một thành phố của những dòng xoáy vươn mình về những nấc thang tiền tài và danh vọng.

Mắt tôi cay khi nghĩ về lời tâm sự của GS Chúc Ngưỡng Tu: "Gần đây, khoảng hai năm một lần, tôi được mời sang Việt Nam dự một sự kiện văn học. Không biết lần tới được mời tôi có đủ sức khỏe để sang không. Tuổi 70 sắp tới, tôi sợ mình không có nhiều thời gian nữa để dịch và giới thiệu văn học Việt".

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận