Chỉ số tã giấy

TRÚC ANH 20/09/2020 19:09 GMT+7

TTCT - Giá cả của tã giấy phơi bày một sự thật về thị trường đơn nhất (single market) mà Liên minh châu Âu (EU) luôn tự hào: cái gọi là chung, đồng nhất thật ra lại đầy khác biệt.

Giá cả không đồng nhất trong thị trường đồng nhất EU. Ảnh: europa.eu
Giá cả không đồng nhất trong thị trường đồng nhất EU. Ảnh: europa.eu

Năm 1986, tờ The Economist đưa ra chỉ số Big Mac (Big Mac Index) để so sánh sức mua của các đồng tiền khác nhau bằng cách so giá bánh hamburger Big Mac của Hãng McDonald’s ở từng nơi với nhau. 

Trong số báo cuối tháng 8-2020, The Economist lại đưa ra một chỉ số mới tương tự Big Mac - chỉ số Pampers, lấy theo tên hãng tã lót nổi tiếng của Mỹ. Chỉ số Pampers không cho thấy một đồng tiền bị định giá thấp hay cao như Big Mac, mà chỉ ra rằng thị trường đơn nhất của EU thật ra đầy bất bình đẳng.

Theo The Economist, một hộp Pampers cỡ lớn có giá 168 euro trên trang Amazon ở Tây Ban Nha, nhưng trên Amazon của Anh thì chỉ có 74 euro. Nếu đặt mua từ Anh, chịu luôn phí vận chuyển cực đắt thì cuối cùng vẫn tiết kiệm được 42 euro.

Trong khi đó, máy pha cà phê Nespresso trên Amazon Pháp giá 460 euro, còn Amazon Đức chỉ có 301 euro. Điều này cho thấy “EU có thị trường đơn nhất, nhưng các sản phẩm không có cùng một giá”.

Trong một thị trường hội nhập, giá cả được kỳ vọng sẽ sát lại gần nhau. Tiến trình này đã khựng lại ở châu Âu từ năm 2008; giá của cùng một món hàng ở các nước EU không những không xích lại gần nhau, mà chênh lệch ngày càng xa.

Dĩ nhiên có những sự chênh lệch không tránh khỏi, chẳng hạn một cửa tiệm ở trung tâm Paris phải tính giá cao hơn cho cùng một món hàng so với siêu thị ở rìa một thị trấn cỡ vừa.

Nhưng với tã - mặt hàng có thể mua trực tuyến từ bất kỳ đâu ở châu Âu, việc tồn tại sự chênh lệch giá lớn (trung bình 0,11 - 0,61 euro/chiếc trong khối EU), ngay cả khi mua online, lại rất kỳ khôi. Nếu Big Mac là chỉ số để so sánh đồng tiền các nước trên thế giới thì chỉ số Pampers sẽ là “thước đo thô cho thấy công dân EU nào đang phải trả giá đắt hơn thực tế”, theo The Economist.

Tận dụng việc chênh lệch để mua được với giá tốt không đơn giản. Vẫn có những vấn đề liên quan đến biên giới trong giao thương ở EU. Với đa số doanh nghiệp, băng qua ranh giới giữa hai bang ở Mỹ không có thay đổi gì trong chuyện làm ăn; nhưng ở EU, điều này đồng nghĩa với một nền tư pháp mới, cùng với ngôn ngữ và văn hóa khách hàng khác biệt.

Các quan chức EU sẽ phải thở dài mà thừa nhận rằng Mỹ là thị trường hội nhập hơn châu Âu rất nhiều. Chính thế mà Amazon sẽ chào cùng một giá cho người mua ở Alabama và California.

Với người tiêu dùng muốn mua từ nước ngoài để được giá rẻ hơn trong nước, mọi thứ cũng không dễ dàng hơn: phí vận chuyển thường cắt cổ, phải chờ mòn mỏi hàng mới đến nơi. Tình hình còn tệ hơn ở các nước nhỏ, và nhà cung cấp lại không có mấy động lực để khắc phục vấn đề: các nhà bán hàng không hào hứng với việc sản phẩm từ thị trường giá rẻ lại tuồn vào nơi có mặt bằng giá cao.

EU thật ra cũng đã có vài hành động. Các trang web bị cấm không được từ chối khách hàng từ nước khác mà không có lý do chính đáng. EU cũng lập cơ sở dữ liệu về phí vận chuyển, hi vọng các nhà bán hàng sẽ sử dụng để giảm giá.

Những can thiệp này dường như đã có tác dụng. Năm 2010, cứ 10 công dân EU thì chỉ có 1 người mua hàng trên mạng từ một nước khác, sang năm 2018 tỉ lệ là 28%.

Trong thời dịch bệnh, EU đang trải qua kỳ suy thoái sâu sắc nhất trong lịch sử, có phải nói chuyện giá cả chênh lệch thì vụn vặt quá không? The Economist kêu gọi “đừng để thị trường đơn nhất trở thành đứa con bị lãng quên của tiến trình hội nhập châu Âu”, vì rằng “đôi khi tã Pampers đắt đỏ cũng quan trọng như chính trị cấp cao”.

Người tiêu dùng cũng phải hành động. Người Anh có từ booze cruise, chỉ việc sang Pháp mua vang cho rẻ, và mỗi nước EU khác lại có một phiên bản địa của riêng mình - người Luxembourg đi siêu thị ở Đức để được giá tốt, còn dân Thụy Điển qua Na Uy để gom mua tã giá rẻ. Việc đến đúng nơi để được giá tốt sẽ dễ thực hiện hơn, nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm.

Tận dụng chênh lệch giá khi mua sắm trực tuyến có thể trở thành động cơ không ngờ đến của hội nhập ở châu Âu, nhưng thành bại tùy vào các công dân EU. EU có thể đang quản trị theo kiểu top-down (từ trên xuống) nhưng cũng như tã giấy, có những thứ phải bắt đầu từ dưới lên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận