Con đường bình minh

TRẦN HUIỀN ÂN 02/03/2012 02:03 GMT+7

TTCT - Con đường chạy dài giữa chân núi và bờ sông, mang tên Đông Trạch. Người xưa không đặt tên đường mà ai đó gọi rồi cùng nhau gọi đến thành quen.

Nhưng ở đây không phải gọi một cách tình cờ, bất chợt, mà theo chữ nghĩa hẳn hoi, ắt là bắt đầu bởi một bậc túc nho: Đông Trạch - là vùng nước nằm ở phía đông, đó là nơi hội lưu giữa một đại giang và hai dòng sông đàn em, trở thành một cửa biển.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Con đường không lớn nhưng không phải nhỏ, không thẳng tắp nhưng không quanh co, chỉ uốn lượn như con rắn trong tư thế gần bò thẳng. Thật ra, con đường không tiếp cận hẳn với bờ sông mà được ngăn chặn bởi một hàng tre đã lão, cây nhỏ, tầm thấp. Cứ một đoạn có ngõ trổ để cho thủy bộ không hoàn toàn cách biệt. Sử dụng nhiều nhất các lối ra vào này là lũ trẻ con sáng chiều nô đùa với nước, với cát, những phụ nữ giặt giũ quần áo mền chiếu, những người đánh cá vác cây dầm lên xuống bến.

Lá tre khô màu mốc rụng đầy, thân lá dai, chân người giẫm lên không vỡ vụn, ngọn tre soi bóng xuống mặt sông. Những đêm không trăng nơi gốc tre rải rác đốm lân tinh nhấp nháy, vài ba chiếc sõng nhỏ theo dòng thả câu, giăng lưới, ngọn đèn mờ ảo, lung linh, tiếng mái chèo khua nhẹ, tiếng vỗ vào be thuyền nghe rõ hơn và dội xa hơn. Những hôm có trăng, tối rồi đò ngang vẫn còn qua lại, trong số khách tất bật xuống lên sao khỏi có lời hẹn hò nhắn gửi cho ngày mai, ngày mốt.

Trên các chuyến đò lúc mờ sáng chất đầy rau dưa, hoa quả tươi ngon xanh mướt đưa sang bên này. Trái dưa gang bổ ra có màu vàng mịn, trái dưa hấu bổ ra màu đỏ thắm, điểm xuyết mấy hạt đen tuyền. Nói đùa hay nói thật khi bày tỏ một chút phân vân e ngại: Muốn về bên ấy ăn dưa. Sợ e sông nước đãi đưa nhiều lời.

Bên trong đường, từ hướng tây xuống hướng đông, nhiều cơ sở kinh tế quan trọng như chợ Dinh, sở rượu, vựa muối, bến mắm, kho dầu..., nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như các ngôi đình, ngôi chùa cổ của người Việt và người Hoa, miếu thờ Thiên Y A Na thánh mẫu, lăng Ông thờ cá voi, đã có từ thuở xa lơ xa lắc khi vùng này mới được quy dân lập ấp, là những thôn, phường nhỏ, nằm trong tổng, thuộc, chưa được gọi là xã.

Bất chợt, một nghĩa trủng đơn sơ, năm bảy ngôi mộ, vài ba ngôi vun đất, vài ba ngôi xây gạch đá, vài con quạ đen đang thong dong quệt mỏ thì bị người ra xáng đuổi. Quạ ở xứ mình không được nói đến một cách ưu ái như bên phương Tây, không được cư trú nơi lâu đài cổ tích. Đặc biệt, xưa hơn hết là di tích tấm bia khắc trên đá núi lời cầu nguyện của một đại vương Champa. Dân chúng mỗi ngày thêm đông đảo, làng xóm qua bao nhiêu lần đổi tên, thêm một bước lột vỏ trưởng thành.

Đó là chuỗi ngày tháng êm đềm còn trong hồi ức. Bây giờ nhiều địa danh chỉ tồn tại trong sách vở của các nhà nghiên cứu. Thời gian đi qua trải nhiều biến cải, nhưng đáng mừng biết bao không phải là biến cải tang điền thương hải. Không còn vựa muối, bến mắm, kho dầu, nhà xẹc (Cercle = câu lạc bộ), nhưng vẫn còn đình miếu, chùa cốc, được trùng tu nguy nga và thâm nghiêm hơn.

Dòng sông không bị bồi lấp thành ra ruộng đồng. Trên màu sắc mới ta vẫn nhận ra hình bóng cũ. Đường Đông Trạch không còn nguyên vẹn, nó đã hóa thân một nửa vào đường Bạch Đằng, hàng tre biến mất, lòng đường trải nhựa, lề đường lót gạch bông, trồng cây, hoa cỏ... Nó là con đường bình minh của thành phố.

Mùa lạnh từ 5 giờ sáng - mùa nắng sớm hơn - đôi khi còn một vành trăng mỏng và vài chấm sao nhạt, đã có rất nhiều người đi bộ tập thể dục, gồm đủ thành phần nam phụ lão ấu. Trời đất còn lờ mờ vẫn biết được những khuôn mặt, vóc dáng quen thuộc, vẫy nhau hay nói một câu chào.

Người cao tuổi từng bước chậm rãi, dừng lại giơ tay co chân nhẹ nhàng. Những cô gái trẻ đi thoăn thoắt, thanh thiếu niên chạy lúp xúp, động tác hít thở nhanh nhẹn. Cũng có tốp vài ba người dông dài trò chuyện. Dưới lòng sông có hôm nước cạn để lộ bãi đá đen sì, có ngày dâng lớn cho cá lội biệt tăm, vài ba chiếc thuyền nhỏ bây giờ chạy bằng động cơ, tiếng nổ êm đềm.

Trên đường bộ ôtô và xe máy rọi đèn từ xa, trên đường sắt hai chuyến tàu buổi sáng qua cầu kéo những toa dài, ánh sáng xanh dịu tỏa ra từ mỗi ô cửa, hàng bánh lăn có phần thong thả, hình như chẳng phải vội vàng bởi đã biết trước chiều nay sẽ đến Sài Gòn, sáng mai sẽ đến Hà Nội. Gió biển theo con nước ngược dòng phả lên mát rượi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận