Cứ giải tán xem sao!

HUY THỌ 31/10/2020 20:10 GMT+7

TTCT - Người làm bóng đá mắc bệnh ỷ lại và thậm chí có tư tưởng “Chí Phèo” rằng “ngân sách không nuôi thì giải tán”.

 

 

Thật ra ở một số nước, việc nhà nước hỗ trợ bóng đá chuyên nghiệp cũng có, ví dụ ưu đãi về chính sách thuế chẳng hạn. Bởi bóng đá đâu chỉ là khoanh vùng ảnh hưởng đến những ai tham gia cuộc chơi mà thôi. 

Nếu nhìn rộng hơn, các giải bóng đá phát triển sẽ góp công lớn cho xã hội phát triển lành mạnh. Cụ thể, người dân nói chung, giới trẻ nói riêng thích xem bóng đá, chơi bóng đá thì đời sống khỏe mạnh về cả tinh thần lẫn thể xác. Đó là những yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển, lành mạnh.

Với ý nghĩa đó, nên nhà nước có trích tiền từ ngân sách để chi cho bóng đá nói riêng, các môn thể thao khác nói chung cũng là điều bình thường. Vấn đề chi bao nhiêu là hợp lý?

Tôi tìm hiểu về chi phí để nuôi một đội bóng dự V-League hiện nay thì được biết nó vào tầm 45-50 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đáp ứng đủ 5 tiêu chí phải có ở một đội bóng chuyên nghiệp thật sự: thể thao, cơ sở vật chất, nhân lực và hành chính, pháp lý và tài chính thì phải 60-70 tỉ đồng/năm mới đủ.

Với tình trạng bóng đá Việt chưa có nguồn thu đáng kể từ truyền hình, bán vé và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến đội bóng... thì khó có thể kiếm đủ tiền để duy trì hoạt động. Vì vậy, nên xem chính quyền các địa phương có đội bóng chuyên nghiệp như một nhà tài trợ có điều kiện, nghĩa là phải đưa ra lộ trình để giảm dần số tiền tài trợ từ ngân sách.

Chứ như hiện nay, đã bước sang năm 21 của bóng đá chuyên nghiệp mà vẫn cứ ngửa tay nhận quá nhiều từ ngân sách là không hợp lý. Điều này dẫn đến một thực trạng: người làm bóng đá mắc bệnh ỷ lại và thậm chí có tư tưởng “Chí Phèo” rằng “ngân sách không nuôi thì giải tán”!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận