Đào tạo mỹ thuật tại Thái Lan: Linh hoạt và cân bằng

TTCT - Về bối cảnh ra đời, có thể nói mỹ thuật hiện đại Thái Lan và Việt Nam tuy có độ chênh về thời gian song cũng có nét tương đồng. Năm 1925, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội theo sự đề nghị và vận động khoảng ba năm của họa sĩ Victor Tardieu, Pháp.

LTS: Chương trình, cách thức đào tạo sinh viên mỹ thuật tại Việt Nam gần như không thay đổi trong nhiều thập niên qua, trong khi những loại hình nghệ thuật mới liên tục xuất hiện (xem bài “Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu” trên TTCT số ra ngày 28-7). Một cái nhìn vào cách thức đào tạo của các nước láng giềng có thể giúp tham chiếu cách thức đào tạo tại Việt Nam?

Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu...

Phóng to
Hiệu trưởng cùng thi nặn chân dung với giảng viên trước sự chứng kiến của sinh viên - Ảnh: V.X.H

Tại Thái Lan, theo ý nguyện nhà vua, năm 1943 Trường Silpakorn được nhà điêu khắc Corrodo Feroci (Ý) thành lập. Việc đào tạo cả hai trường lúc bấy giờ mang phong cách hàn lâm và bám sát các trào lưu nghệ thuật đang thịnh hành ở châu Âu. Tuy nhiên, về sau do hoàn cảnh lịch sử và thể chế chính trị nên giữa Việt Nam và Thái Lan đã có nhiều khác biệt.

1. Mỹ thuật Thái Lan đã gặt hái được nhiều thành quả nhờ việc tiếp thu phương pháp sáng tác hàn lâm châu Âu song hành cùng việc đào sâu nghiên cứu nền mỹ thuật cổ giàu bản sắc và thành tựu.

Cùng lúc, Thái Lan nhanh chóng thể nghiệm các xu hướng đào tạo mỹ thuật trên thế giới. Nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc các biến cố văn hóa, chính trị, xã hội theo nhiều thủ pháp và khuynh hướng khác nhau, kể cả sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa - thời điểm năm 1972-1973 khiến nhiều họa sĩ bị tù tội, thậm chí bị bắn.

Giai đoạn hiện nay, Thái Lan đào tạo mỹ thuật theo mô hình các nước châu Âu và Mỹ dựa trên ba xu hướng chính: tổng quát/đại cương - Free Art, tinh hoa/ưu tú - Elite (Mỹ) và hàn lâm/kinh viện - Academic. Có thể nêu vài tên tuổi điển hình thời kỳ đầu như Fua Haripitak, Pitoon Muamgsomboon, Haloo Nimsamer, Misiem Yipinsoi, Kien Yimsiri, Pratuang Emjaroen và hiện nay như Montien Bonma, Araya Rasdjarmearsooli, Surasi Kulsongwong, Navin Rawanchaikul, Rirurit Tiravanija...

Phóng to
Ảnh: V.X.H

2. Chương trình đại học mỹ thuật bốn năm và cao học hai năm. Sinh viên nhập học thông qua xét tuyển, phỏng vấn. Trong đào tạo, sinh viên được phép tiếp cận và thử nghiệm mọi thủ pháp, khuynh hướng, trào lưu trên thế giới. Bên cạnh môn nghệ thuật thị giác (Visual art) bao gồm hội họa, điêu khắc, đồ họa, nghệ thuật đa phương tiện còn có thêm môn học thể nghiệm nghệ thuật thị giác (Experimental visual art) hoặc gọi là bố cục nâng cao (Advance composition).

Ở môn này, tác phẩm có thể là sự kết hợp nhiều chất liệu sẵn có từ đất, đá, vải, bông, len, mây tre, rác thải công nghiệp hai chiều hoặc ba chiều. Sinh viên trình bày bài ở mọi không gian từ trần, tường, nền nhà, hành lang, góc sân trường, trên cây... Sinh viên cũng được tập thuyết trình cá nhân và hội thảo nhóm hoặc tìm hiểu sự đánh giá của công chúng qua hệ thống các câu hỏi của môn thống kê xã hội học.

Môn nghệ thuật đương đại giúp sinh viên cập nhật thông tin về các tác giả, tác phẩm, sự kiện nghệ thuật hiện nay ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Và để phát triển cân bằng, bên cạnh việc đào tạo sinh viên theo xu hướng đương đại, các trường mỹ thuật Thái Lan còn có chuyên ngành Thai Arts nhằm đào tạo sinh viên bảo tồn vốn mỹ thuật cổ và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống trong các tác phẩm đương đại.

Các chất liệu, kỹ thuật truyền thống được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy như kỹ thuật dát vàng trên sơn mài - sơn mài Thái, dệt/nhuộm, khảm...

Phóng to
Tạo hình trâu từ rễ cây và lúa non - Ảnh: V.X.H

3. Một điểm đặc biệt trong đào tạo mỹ thuật Thái Lan: không dạy sinh viên vẽ cái gì mà dạy sinh viên vẽ như thế nào. Chất liệu, loại hình phục vụ cho ý tưởng. Sinh viên phải bảo vệ trước giáo viên hướng dẫn và hội đồng theo lộ trình từ nguồn gốc cảm hứng, chủ đề, ý tưởng, khái niệm, hình thức tạo hình, chất liệu, kỹ thuật, tiến trình. Hai học phần quan trọng là nghệ thuật thị giác và thể nghiệm nghệ thuật thị giác luôn song hành và hỗ trợ nhau.

Sinh viên có thể linh hoạt chuyển đổi phương tiện tạo hình để cuối cùng tìm ra một ngôn ngữ tạo hình phù hợp nhất với ý tưởng của mình. Ở trình độ đào tạo cao học mỹ thuật, việc chấm bài do một hội đồng quốc gia quy tụ các giáo sư giỏi thực hiện, cứ mỗi học kỳ có hai lần hội đồng chấm bài, điểm tối đa là 50. Sinh viên có điểm dưới 35 phải thi lại. Bên cạnh hội đồng là các giáo viên hướng dẫn, không nhất thiết là thành viên của hội đồng.

Tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên là cụm nhiều tác phẩm (tám tác phẩm đối với hội họa, điêu khắc) có cùng chủ đề và hình thức nghệ thuật. Nếu là sắp đặt hoặc video art, sinh viên buộc phải phát triển một tác phẩm mới dựa trên ý niệm (concept) đã thực hành vào giai đoạn trước đó (terminal project).

Phóng to
Sinh viên trưng bày bài học để hội đồng chấm - Ảnh: V.X.H

4. Hệ thống gallery và triển lãm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian cho nghệ thuật phát triển và nâng cao nhận thức của công chúng, trong đó có sinh viên mỹ thuật. Đứng hàng đầu là gallery của quốc gia, hoàng gia. Ở Bangkok có khoảng 77 gallery chuyên nghiệp và 108 phòng trưng bày tranh.

Trong quá trình học, sinh viên được đi tham quan một số bảo tàng và gallery tiêu biểu. Với các triển lãm mang tầm quốc gia, sau triển lãm chính tại Bangkok, các tác phẩm quan trọng sẽ được tiếp tục giới thiệu khắp Thái Lan theo bốn khu vực chính: đông bắc, bắc, trung và nam. Điều này tạo cơ hội cho mọi người thưởng thức, sinh viên học tập và ít nhiều giảm sự chênh lệch quá lớn giữa sự hưởng lợi các sản phẩm văn hóa đương đại ở thủ đô và các vùng.

Tại đây Chính phủ Thái cho xây dựng bảo tàng, nhà triển lãm có quy mô khá lớn, đủ để tổ chức các triển lãm khu vực và quốc gia.

Có thể nói mô hình đào tạo Thái Lan có tính linh hoạt và cân bằng. Một mặt Thái Lan cố gắng bảo tồn và phát huy các giá trị mỹ thuật, chất liệu, kỹ thuật truyền thống thông qua ngành nghệ thuật Thái - Thai Arts. Mặt khác họ tiếp cận có chọn lọc các xu hướng đào tạo mỹ thuật đương đại trên thế giới.

Phóng to
Bài tốt nghiệp của sinh viên chụp tại khoa mỹ thuật - ứng dụng ĐH Mahasarakham - Ảnh: V.X.H

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận