Đọc sách cùng Sara Lidman

HỒ ANH THÁI 27/10/2003 06:10 GMT+7

TTCN - Nữ văn sĩ Thụy Điển Sara Lidman năm nay vừa đúng 80 tuổi. Ban tổ chức Hội chợ sách quốc tế tổ chức tại Gothenburg (Thụy Điển) đã phải rất dụng công mới mời được bà tới để... đọc tác phẩm của bốn nhà văn VN trước công chúng.


Sara Lidman và Lê Minh Khuê

Sara Lidman tới. Một người đàn bà dong dỏng, nói năng nhỏ nhẹ. Bà bảo nghe nói có các nhà văn VN tới là bà nhận lời ngay. Một không khí kính trọng từ phía các nhà văn Thụy Điển lan truyền sang đoàn ta. 

Ông giám đốc Nhà xuất bản Tranan cho tôi biết Sara Lidman là một trong những tên tuổi được kính trọng bậc nhất trên văn đàn Thụy Điển. Không chỉ là một nhà văn lớn, bà còn là nhà hoạt động xã hội năng nổ. Chẳng hạn trong chiến tranh VN, tiếng nói của bà có tác dụng bằng cả vạn người. Một lời kêu gọi của bà đúng là được cả hàng chục ngàn người đáp lại, xuống đường cùng bà biểu tình chống chiến tranh, ủng hộ VN. 

Bà chính là người đã nói một câu rung động: “Ước gì sau một đêm ngủ dậy, tôi sẽ trở thành người VN”.

Rất có thể câu nói đó khi đặt ra ngoài hoàn cảnh lịch sử sẽ chỉ còn là một sự lập ngôn cho hùng hồn. Một số người sau khi lập ngôn, hồn nhiên hoặc vụ lợi, có thể đã tuyên bố khác. Nhưng Sara Lidman bây giờ vẫn còn nhắc đến VN với niềm xao xuyến khó tả. Những phút đầu, bà hầu như lặng đi, không nói được gì, chỉ nhìn chúng tôi như nhìn người ruột thịt đi lâu lắm mới về. 

Nghe nói nhà văn Lê Minh Khuê từng phục vụ trên đường mòn Hồ Chí Minh, bà hỏi lại: “Thế à? Có thể chúng ta đã gặp nhau hồi đó rồi phải không?”. Chị Khuê lắc đầu: “Những năm ấy bà sang VN nhiều lần, tôi chỉ nghe tin qua đài phát thanh”. 

Năm 1965 Sara Lidman sang VN lần đầu tiên thì cô học sinh 16 tuổi Lê Minh Khuê mới bắt đầu lên đường mòn Hồ Chí Minh. Sara kể khi đó bà có vào Thanh Hóa, lên cả đoạn đường vùng núi, đúng lúc bị một trận bom dữ dội. Những chuyến đi đến VN thời chiến đầy nguy hiểm bất trắc đã được thể hiện trong tập bút ký Trò chuyện ở Hà Nội (Samtal i Hanoi). 

Khi bàn sang chương trình đọc sách sẽ thực hiện trước công chúng sau nửa giờ nữa, bà bảo: “Tôi sẽ kể những kỷ niệm với VN, kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khía cạnh một nhà thơ”. Bà thích một bài thơ trong tập Nhật ký trong tù đã được dịch ra tiếng Thụy Điển, đại ý bông hoa hồng nở ra rồi lại rụng xuống mà không ý thức được sự nở và rơi rụng của mình... Chúng tôi nhớ ra đó là bài Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng - Hoa tàn hoa nở cũng vô tình - Hương hoa bay thấu vào trong ngục - Kể với tù nhân nỗi bất bình

Phan Thị Vàng Anh chép ngay lại những dòng tiếng Việt để lát nữa chị Lê Minh Khuê sẽ đọc song song với bản dịch tiếng Thụy Điển của bà Sara. 

Bà lên dẫn chương trình. Nói khá lâu về VN, thỉnh thoảng lại cầm những cuốn sách, tập thơ bà viết về VN giơ lên cho mọi người thấy. Khó hình dung được bà già mảnh mai khẽ khàng này từng đội mũ sắt dưới bom đạn VN thời chiến, lại đã từng thách thức chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi đến mức bị họ bỏ tù năm 1960-1961, mãi sau mới được thả tự do nhờ dư luận quốc tế phản kháng.

Rồi mới đây nhất, năm 1996, ở tuổi 73 bà vẫn còn làm chấn động văn đàn Thụy Điển bằng cuốn tiểu thuyết Nguồn cội sự sống (Lifsens Rot) về số phận người phụ nữ, về tính dục và tình yêu cuồng nhiệt.

Cuộc đọc sách hôm ấy Sara Lidman đã đọc bằng tiếng Thụy Điển đoạn trích từ truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, Tháng bảy của Phan Thị Vàng Anh, Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, Món tái dê của Hồ Anh Thái. Hình như nhờ có bà mà thính giả Thụy Điển đã ngồi nghe một cách cung kính mặc dù không phải truyện nào trong số đó cũng nên tiếp nhận theo kiểu ấy.

Sang phần đối thoại với thính giả và độc giả, Nguyễn Huy Thiệp làm Sara Lidman bất ngờ với những quan điểm “nổi loạn”: “Tôi nhìn hàng ngàn người đến hội chợ sách này mà ái ngại cho thế hệ trẻ Thụy Điển, họ trân trọng sách và chữ nghĩa, nhưng chữ nghĩa viết ra mười phần thì chín phần nhảm nhí và vô dụng”. Bà chỉ còn biết ô lên ngỡ ngàng. Ô ô. Kẻ “nổi loạn” ngày xưa ở Nam Phi, kẻ “nổi loạn” ngày trước ở VN thách thức với chính quyền Mỹ, nay đối thoại trực tiếp với một kẻ “nổi loạn” trong văn chương. 

Cuộc đọc sách và đối thoại kết thúc trong một tràng cười vui. Phục Sara Lidman. Khác quan điểm tranh luận nhưng vẫn giữ được thái độ thật đôn hậu. 

Buổi đọc sách hôm ấy trùng giờ với chương trình của nhà văn Hungary vừa mới đoạt giải Nobel 2002, Imre Kertész. Tôi đoán trước là ông sẽ “lấy hết khách” của tất cả các nhà văn khác cùng giờ và buổi đọc của đoàn ta sẽ vắng như chùa Bà Đanh. Không đến nỗi thế. Có phải một phần là nhờ Sara Lidman?

Đó là một trong sáu cuộc đọc sách ở Thụy Điển của các nhà văn VN. Hội chợ sách Gothenburg là hội chợ thường niên, đã thành truyền thống 19 năm nay. Hội chợ 2003 (từ 19-9 đến 4-10), ban tổ chức đã mời được các nhà xuất bản và nhà văn của 54 nước. 

Các tên tuổi lớn có mặt: ngoài nhà văn mới đoạt giải Nobel kể trên, còn có ứng cử viên Nobel số một của châu Á là nhà văn lão thành gần 80 tuổi của Indonesia, Pramoedya Ananda Toer, hai nhà văn kỳ cựu của Brazil là Paulo Coelho (tác giả tiểu thuyết Nhà giả kim) và Paulo Lins (tác giả tiểu thuyết Thành phố thần linh, dựng thành bộ phim đề cử Oscar 2003)... Một khu vực tiêu điểm dành cho các nhà văn Ba Lan. Tờ báo của hội chợ ghi trang trọng: “Đặc biệt có bốn nhà văn VN tham dự hội chợ năm nay”.

Xem ra vây quanh đoàn ta toàn những tên tuổi lớn. Như ở hầu hết mọi liên hoan nhà văn quốc tế, quá nhiều tên tuổi lớn tập trung ở một chỗ thành ra hầu như chẳng ai biết ai. Nhà văn nổi tiếng bỗng trở nên vô danh ở một nơi xa lạ, lẫn với độc giả nườm nượp ra vào. Cùng lúc có hơn mười diễn đàn ngay trong nhà hội chợ hoặc trong các khán phòng. Các nhà văn nối tiếp nhau lên đọc sách và đối thoại với độc giả. Mỗi cuộc như thế thường chỉ kéo dài nhiều nhất là 50 phút. Hết giờ phải tự động ngừng để cho nhà văn khác bước lên. 

Sau buổi đọc sách, độc giả tới xin chữ ký của các nhà văn VN vào cuốn sách mới mua. Nhiều người đi qua, nhận ra Sara Lidman, dừng lại xin chữ ký. Bà mỉm cười ký đáp lễ rồi lặng lẽ hòa lẫn vào dòng người, như một người đi mua sách giữa hội chợ. Tôi nhớ một câu bà nói hôm ấy: “Người phụ nữ khi sinh con thì tuổi thơ cũng chấm dứt. Sinh con ra là thêm một nỗi đau khổ. Suốt đời tôi sống không con cái, tôi muốn giữ mãi tuổi thơ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận