Được cái là có ý chí...

AN THUYÊN 27/03/2013 21:03 GMT+7

TTCT - Quê tôi có một con kênh đào lâu đời, ngày xưa người ta bắc một cây cầu sắt, sau giải phóng được thay bằng một cây cầu bêtông bề thế hơn.

Song chỉ thay cầu chứ đường dẫn lên cầu vẫn như xưa, một cung đường cong queo hóc hiểm, tài xế lên hay xuống cầu đều mặt bạc trán cau, sơ sểnh chút là tai nạn.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Ai cũng làu bàu than vãn sao ông nhà nước không rón tay phóng luôn một con đường thẳng cho dễ đi đứng, nhưng rồi cũng không biết hỏi ai.

Bao nhiêu năm như thế, rốt cuộc mới đây người ta đã làm một đoạn đường mới nối thẳng cầu với hương lộ. Một đoạn đường chỉ vài trăm mét song giải quyết được bao nhiêu vấn đề, xe cộ thông thoáng, tai nạn ít hẳn đi mà cảnh quan lại sáng sủa lạ, kiểu như phong thủy đã được cải sửa. Người đi đường qua lại không còn xốn xang con mắt. Không thể không khen, và người ta thông cảm đoán sở dĩ đường dẫn cong queo lâu nay chắc là tại không có tiền làm đường mới. Trăm cái khó, cái khó vì tiền dễ được tha thứ nhất.

Nhưng khổ nỗi, đường mới cộng với đường cũ thành một cái ngã ba ngay dưới dốc cầu, đoạn cong cũ đi thẳng vào chợ, đoạn thẳng nối với hương lộ. Mới cũ chen nhau, thành ra... một cột điện kềnh càng cao vút “án ngữ” khúc giữa, “phát sinh” một cái khó nữa cho dân quê: lề đường ở trong, cột điện... ở ngoài!

Nhiều khi sáng tình tang đi thể dục phía bên trong cột điện mà vẫn giật mình vì xe gắn máy vô tư phóng ngang sát rạt. Dân quê lại thắc mắc không hiểu sao lại có cái cột điện vô duyên vậy. Bác xe ôm cắm chốt ở đấy lại “thông cảm” đoán: có lẽ mấy ông điện lực khi trước cắm cột không biết sau này người ta mở con đường thẳng.

Những chuyện đại loại như thế có đầy. Những đường chờ cầu, những cầu chờ đường, những thông cảm thở dài ừ thì mai mốt em có tiền em lại hoành tráng cho coi... Những dự trù tính toán xem làm cầu bao nhiêu, làm đường bao nhiêu, tương lai gần mở đường chỗ nào để cắm cột điện cho ổn... là ba cái chuyện nghe chừng lẻ tẻ, tới đâu tính đó. Những điện lực, viễn thông, giao thông như một đội bóng chạy loạn xạ trên sân, bóng một nơi, người một nẻo, khán giả ngồi hồi hộp coi, chẳng biết khi nào bóng rớt trúng đầu.

Cũng ở quê tôi, người ta làm cái chợ nhà lồng to đùng, tiền tỉ đổ vào đấy giữa thời gạo châu củi quế. Đến ngày “khai trương” chỉ có mấy mống hàng họ vào đấy bán buôn, hằng hà sa số chị em vốn gắn bó với chợ cũ bao đời, cưỡng chế họ cũng không vào. Thế là diễn ra cảnh khổ: một khu thương mại khủng vắng hơn chùa Bà Đanh, còn cách đấy mấy trăm bước chân là cảnh bán buôn sôi động trên nền chợ cũ.

Không hiểu sao người ta không làm cái “tiền khả thi”, khảo sát chút tập quán truyền thống bán buôn của bà con dân quê, phỏng vấn họ kiểu xã hội học một cái xem “tâm tư nguyện vọng”... rồi hẵng đổ tiền xây chợ mới. Tiền tỉ bay như khói, cùng lắm thì rút kinh nghiệm, chẳng những không chết ai mà còn giúp khối người nên cơm nên cháo, nên dại gì mà... nhịp nhàng?

Ở làng vẫn thấy những tay thợ vụng, sáng vác vá đi đắp bờ, gặp độ nhậu thì tấp vào, “mai làm cũng chẳng chết ai”, nên cái bờ mẫu ngoằn ngoèo như rắn lượn cũng là chuyện nhỏ. Mọi sự theo thời tiết nắng mưa thất thường, hưỡu đãi từ từ không có chi là chuyện lớn cả. Vừa làm vừa ca vọng cổ cũng chả chết ai.

Rời làng lên phố, vẫn lại thấy những tay ấy “tới đâu thì tới”, những dự án chi li, chặt chẽ, những con số tuyệt đối, giờ giấc như sơn, hiệu quả là nguyên tắc sống còn, làm phải chịu trách nhiệm... của đời sống công nghiệp là chuyện xa lạ đẩu đâu. Nên đường cong ư, từ từ rồi mần đường mới.

Cột điện lòi ra ư, vài bữa nữa anh sẽ nhổ dời đi; cần cầu vượt ư, cứ bình tĩnh có tiền anh sẽ làm cầu cho mà vượt... Đừng ngại, tốn tí tiền chứ bao nhiêu, gì chứ được cái là ý chí thì anh có thừa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận