Hồi hương cổ vật: Làm gì để những báu vật quay về?

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 13/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, đã tới lúc cần có một sách lược tổng thể để "hồi hương" những di vật đó.

Pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm của Việt Nam hiện là "tài sản" của bảo tàng Guimet (Pháp) 

 Ngày 11-12-2021 báo Ngày Nay đăng bài “Tượng Quan Âm độc nhất vô nhị Việt Nam sắp ‘hồi hương’ nhờ công nghệ số”, phản ánh việc pho tượng Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm, được tạo tác từ thế kỷ 19 và xuất xứ từ chùa Báo Ân ở Hà Nội, nhưng nay là tài sản của Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), sắp được “hồi hương” bằng phiên bản in 3D.

Vì bản gốc tượng không thể hồi hương, nên bài báo coi việc hồi hương bản sao là một thành công. Trong khi đồng ý với nhận định đó, tôi vẫn lấy làm tiếc và buồn trước câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao chúng ta không tìm cách hồi hương bản gốc các cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài?

Đường đi của cổ vật

Trong khoảng thời gian 1997 - 2016, tôi đã nhiều lần đi du học, công tác và du lịch ở nước ngoài, nên có cơ hội viếng thăm nhiều bảo tàng và bộ sưu tập cổ vật ở xứ người. Qua tìm hiểu, tôi được biết cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo những con đường sau:

(1) Các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân, đế quốc từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ 19 và 20 đã cướp đoạt nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật của các triều đại phong kiến Việt Nam.

(2) Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính từng tham chiến ở nước ta đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước, coi đó là vật kỷ niệm một thời của họ ở Việt Nam.

(3) Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài mang theo cổ vật gia truyền, rồi những món gia bảo ấy được rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin, New York… Những cổ vật này được các bảo tàng hoặc nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại.

(4) Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sưu tầm tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của họ.

(5) Nạn buôn bán cổ vật trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là trong các thập niên 1980 - 2000 và đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Hệ quả của tình trạng chảy máu cổ vật là các bảo tàng công lập hay nhà sưu tập ở Việt Nam hiếm có cơ hội lưu giữ và trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật Việt Nam cho công chúng Việt Nam thưởng lãm, học hỏi, tìm hiểu. 

Trong khi đó, nhiều quốc bảo của Việt Nam lại đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật lẫn trên các trang web thương mại.

 Lọ gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ XIII. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels.

 Những năm 1990, tôi đã được xem nhiều đồ gốm sứ Việt Nam ở các bảo tàng Nhật Bản, gồm Bảo tàng Machida ở ngoại ô Tokyo, Bảo tàng mỹ thuật Fukuoka, Bảo tàng gốm sứ Kyushu… 

Ví dụ, năm 1992 diễn ra triển lãm Betonamu no Toki (Gốm Việt Nam) ở Bảo tàng mỹ thuật Fukuoka, giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam có niên đại thế kỷ 12 - 18 thuộc sở hữu của 13 bảo tàng khắp Nhật Bản. Đây là cuộc triển lãm quy mô nhất về gốm cổ Việt Nam từ trước đến nay ở Nhật Bản.

 Tháng 2-1998, tôi đến thăm Bảo tàng Machida ở ngoại ô Tokyo và gặp tiến sĩ Yajima, quản thủ kho gốm sứ, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Gốm Việt Nam thời Lê” ở Đại học Tokyo. Tôi được tiến sĩ Yajima hướng dẫn đi xem tất cả đồ gốm Việt Nam đang trưng bày và bảo quản ở đây. 

Theo lời ông, phần lớn đồ gốm Việt Nam trong bảo tàng này là quà tặng của ông Yamada Yoshio, thương gia kiêm sưu tập gia, người từng kinh doanh ở các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam từ trước Thế chiến II.

 Cổ vật Việt Nam ở châu Âu

Từ năm 2001 đến nay, tôi đã sang Bỉ nhiều lần và được xem rất nhiều cổ vật Việt Nam đang trưng bày, lưu giữ trong các bảo tàng ở đây. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia ở Brussels và Bảo tàng hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz là những nơi có nhiều cổ vật Việt Nam nhất.

Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia sở hữu gần 3.000 cổ vật Việt Nam, có phòng nghệ thuật Việt Nam riêng. Sưu tập cổ vật Việt Nam quan trọng nhất ở bảo tàng này 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, được đánh giá là sưu tập trống đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại. 

Phần lớn cổ vật Việt Nam ở bảo tàng này xuất xứ từ sưu tập của Clément Huet, một nhân vật lừng danh trong giới sưu tập, khảo cổ và bảo tàng ở châu Âu những năm 1910 - 1940.

Ngoài sưu tập trống đồng, bảo tàng còn có 12 tủ cổ vật Việt Nam, gồm cổ vật thời tiền sơ sử, đồ đồng Đông Sơn và Sa Huỳnh, cổ vật trong các mộ Hán khai quật ở Thanh Hóa và Hải Phòng, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, sưu tập chân đèn và lư hương thời Mạc, đồ gốm và đồ đồng Champa, tượng đá Champa, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn…

Ngoài ra, còn có pho tượng Phật bằng đồng niên đại vào thế kỷ 9, do Huet sưu tập ở Thanh Hóa, là trân bảo của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam trước thời tự chủ. 

 Tượng Phật bằng đồng, thế kỷ IX, do Clément Huet sưu tầm ở Thanh Hóa. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels.

 Trong nhóm cổ vật Champa, ngoài những tượng Vinus, Apsara, vũ nữ… bằng đá có nguồn gốc từ Trà Kiệu và Mỹ Sơn, còn có chiếc bình tế bằng đồng, cũng được giới khảo cứu và sưu tầm cổ vật Champa tôn xưng là báu vật.

Địa chỉ thứ hai ở Bỉ có nhiều cổ vật Việt Nam là Bảo tàng hoàng gia Mariemont. Sưu tập cổ vật Việt Nam ở đây có khoảng 150 hiện vật, gồm nhiều cổ vật đặc sắc và giá trị. Bảo tàng Mariemont cũng mua được vài chục món từ sưu tập của Huet vào năm 1952. 

Trong những năm 1990, các quản thủ của bảo tàng này thường xuyên có mặt trong các cuộc bán đấu giá cổ vật Việt Nam thuộc các sưu tập Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long… do Binoche-Ventes và Loudemer-Ventes tổ chức ở Paris.

Tháng 7-2004, tôi được Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cấp học bổng sang Đức “học nghề” bảo tàng và triển khai nghiên cứu cổ vật Việt Nam ở Đức trong 3 tháng. Nhờ vậy mà tôi có dịp tiếp cận nhiều cổ vật Việt Nam ở Đức. 

Trong số đó có những món là trân bảo của nghệ thuật chế tác gốm sứ Việt Nam ở Bảo tàng nghệ thuật Dresden: 1 chiếc đĩa lớn và 1 cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê. Tôi cho rằng hai cổ vật này xứng đáng được xếp vào “chiếu trên”, thuộc nhóm hàng “độc” của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê.

 Đĩa gốm hoa lam, thế kỷ XV-XVI. Bảo tàng Zwinger.

 Bảo tàng Dân tộc học München, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin và Bảo tàng Dân tộc học Linden Stuttgart là những nơi khác sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam, với nhiều chiếc mai bình (meiping) men trắng và đĩa gốm men ngọc thời Lý; thố hoa nâu thời Trần; nhiều thạp, hũ hoa lam thời Lê; chân đèn thời Mạc… 

Trong số đó có lẽ phải kể chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40cm, trang trí đồ án chim phượng và mây; các cổ vật Champa rất đặc biệt: một kosa-linga bằng vàng và một bức tượng Siva bằng đồng; các tượng đá, đồng cùng hàng chục món đồ gốm Champa…

Gallery đồ cổ Asiatica Georg L. Hartle ở trung tâm thành phố München mà tôi có dịp ghé qua cũng bày bán hàng chục chiếc đĩa gốm Chu Đậu trục vớt từ con tàu đắm Cù lao Chàm, với giá rao từ dăm bảy trăm đến cả chục ngàn euro. 

Nơi đây còn bày bán một sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn khoảng mươi món, rất hoàn hảo; một trống đồng Đông Sơn được đề giá 6.400 euro; một cặp độc bình pháp lam Huế giá 7.900 euro… 

Tôi hỏi Mathias Spanaus, người phụ trách gallery: “Tất cả những cổ vật được bày bán trong gallery này đều có nguồn gốc hợp pháp?”. Ông đáp: “Các cổ vật này có thể có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi chúng đến châu Âu. Tuy nhiên, khi đã được rao bán trong các gallery, hay trong các cuộc đấu giá ở châu Âu thì chúng đều trở thành hợp pháp”.

Tôi sang Pháp vào tháng 10-2004, tìm đến Bảo tàng Guimet ở Paris để viếng thăm sưu tập cổ vật Champa lừng danh ở đây. Bảo tàng này hiện có hơn 100 cổ vật Champa, trong đó có 3 hiện vật xứng đáng liệt hạng quốc bảo:

- Tượng thần Siva ngự trên tòa sen làm bằng sa thạch (thế kỷ 11 - 12), nguyên thủy được thờ trong tháp Bánh Ít ở Bình Định; 

- Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda (thế kỷ 8 - 9) làm bằng sa thạch, có lớp tô màu đỏ phủ bên ngoài, là pho tượng Champa duy nhất có tô màu được biết đến từ trước đến nay;

- Linga bằng bạc có gắn kosa bằng vàng (thế kỷ 8). Hiện nay, chỉ có 7 kosa được nhận diện trong các bảo tàng và sưu tập trên khắp thế giới, trong đó Bảo tàng Guimet đang sở hữu 2 kosa.

 Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda, thế kỷ VIII- IX. Bảo tàng Guimet.

 Bảo tàng Quân đội (Musée de l’Armée) thuộc Điện Phế binh quốc gia (Hôtel National des Invalides) ở Paris đang trưng bày thanh Thái A kiếm. Theo nhà nghiên cứu Dominique Rolland, đây là bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại Nội Huế nhưng đã bị người Pháp cướp đi sau vụ “thất thủ kinh đô” vào tháng 7-1885.

 Thái A kiếm của vua Gia Long đang trưng bày tại Bảo tàng Quân đội thuộc Điện Phế binh quốc gia ở Paris. Ảnh: Dominique Rolland

 Bảo tàng Mỹ thuật Rennes (vùng Bretagne) cũng là nơi có nhiều cổ vật Việt Nam, bao gồm sưu tập pháp lam của hai triều Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847). 

Đó là những quả hộp, chậu kiểng và các bộ đồ uống trà trong hoàng cung Huế. Trên những món pháp lam này còn dán những chiếc tem nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Annam (Trung Kỳ). 

Hiện tại, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đang sở hữu hơn 100 món pháp lam, nhưng không có bộ đồ uống trà nào, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Rennes lại sở đắc đến 3 bộ đồ trà bằng pháp lam Huế. 

Tiến sĩ Françoise Coulon, quản thủ bảo tàng, cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, bảo tàng chúng tôi nhận được một nhóm cổ vật do những người lính lê dương quê ở vùng Bretagne, từng tham chiến ở Đông Dương, hiến tặng, trong đó có những món đồ này”.

Ngoài những cổ vật Việt Nam mà tôi thấy tận mắt ở những nơi nêu trên, tôi còn thu thập thông tin về cổ vật Việt Nam đang thuộc sở hữu các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những bảo vật từng được rao bán trong các phiên đấu giá ở Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ…

 Đĩa gốm hoa lam, thế kỷ XV-XVI. Bảo tàng Zwinger.

 Những tia hy vọng

Trước sự đấu tranh kiên trì của các nước có di sản văn hóa bị cướp bóc trong thời thuộc địa, bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép, các quốc gia từng là thực dân ở châu Âu đã dần thay đổi quan điểm với di sản văn hóa của nước khác đang “lưu lạc” ở nước họ. 

Nhiều chính khách có quan điểm tiến bộ ở các nước phát triển đã vận động thay đổi luật lệ, tạo hành lang pháp lý để hoàn trả cổ vật cho “các nước bị đánh cắp di sản văn hóa”.

Áp lực toàn cầu tăng lên với các bảo tàng và phòng trưng bày ở châu Âu, đòi họ phải trả lại cổ vật về cội nguồn suốt nhiều thập kỷ đã tác động đến thái độ và chính sách của các nước thực dân cũ.

Từ năm 1977, đã có những vụ dàn xếp để hoàn trả cổ vật về bổn quán giữa Bỉ và Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) và giữa Hà Lan và Indonesia. 

Gần đây hơn, những vụ việc như vậy diễn ra liên tục: Năm 2005, Ý trả lại cho Ethiopia hiện vật 1.700 năm tuổi bị quân đội của Benito Mussolini lấy đi năm 1937; năm 2018, Na Uy trao lại các vật phẩm lấy từ đảo Phục sinh của Chile; năm 2018, Chính phủ Pháp trả lại cho Benin 26 tác phẩm nghệ thuật thuộc vương quốc Dahomey (Benin ngày nay); năm 2020, Thượng viện Pháp bỏ phiếu nhất trí thông qua đạo luật trả lại những hiện vật thời thuộc địa cho Benin và Senegal; năm 2021, Mỹ đã trả lại hàng loạt cổ vật cho Campuchia…

Những sự kiện trên là tín hiệu tốt với các quốc gia có cổ vật bị đánh cắp cho thấy họ hoàn toàn có thể khởi động những chiến dịch hồi hương cổ vật, trong đó có Việt Nam.

 Kosa bằng vàng, thế kỷ VIII. Hãng đấu giá Spink rao bán năm 2004.

 Làm gì để hồi hương cổ vật?

Theo tôi, Bộ VH-TT&DL Việt Nam nên nhanh chóng thành lập các tổ công tác gồm những nhà sử học, chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành rà soát tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở Việt Nam, các kho lưu trữ tài liệu thời Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có cổ vật bị mất cắp trước đây, để lập danh sách di sản văn hóa Việt Nam bị mất cắp, thất thoát.

Sau đó cử chuyên gia đến các bảo tàng ở nước ngoài, nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam để xác minh, lập hồ sơ cổ vật. Đó là chứng cứ trình lên Chính phủ Việt Nam để liên hệ với chính phủ các nước liên quan kêu gọi, vận động họ ban hành chính sách nhằm hồi hương cổ vật Việt Nam.

Đối với các cổ vật đang được rao bán trên thị trường, Nhà nước Việt Nam cần ban hành chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập mua lại những cổ vật này chuyển về nước.

Theo tìm hiểu của tôi, trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. 

Vì thế khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang rao bán, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất tham gia.

 Kosa bằng vàng gắn trên linga bằng bạc, thế kỷ VIII. Bảo tàng Guimet.

 Mặt khác, các bảo tàng và các nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam rất hạn chế trong việc nắm bắt thông tin. Các bảo tàng ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thường tiếp nhận thông tin đấu giá cổ vật do các hãng đấu giá cung cấp từ 3 - 6 tháng trước khi diễn ra. Họ còn cử chuyên gia thường xuyên đi “săn lùng” cổ vật Việt Nam ở các cửa hiệu đồ cổ và sưu tập tư nhân.

 Chiếc bàn trà bằng sứ của vua Tự Đức được trả lại cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sau phiên đấu giá cổ vật của “Monsieur X.” ở Paris (Pháp) năm 1988. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Nguồn lực là một vấn đề khác. Ngoài số tiền phải trả để mua cổ vật, thường là không hề nhỏ, còn phải tính tới chi phí đóng gói và vận chuyển, hoặc bảo quản đặc biệt. Việc chỉ trông cậy vào nguồn ngân sách nhà nước, do đó, sẽ rất khó khăn. 

Thất bại trong việc mua đấu giá bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ. Sự tham gia của các nhà hảo tâm, những người có nguồn lực và tâm huyết với văn hóa nước nhà, khối tư nhân và các tổ chức xã hội ở đây sẽ là rất cần thiết.

Ngoài ra, thủ tục, quy định mà một bảo tàng công lập phải tuân thủ khi mua cổ vật cũng là một trở ngại đáng kể. Một bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép thì phải thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật (và cả lai lịch của bên bán), đàm phán về mức giá… Nhiều thành viên hội đồng không thực sự am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật, nhưng lại có quyền can thiệp quá sâu và không cần thiết vào việc mua cổ vật.

Tóm lại, để không “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam, chúng ta cần:

 (1) ban hành văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài; 

(2) hình thành một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp trong nước, được Nhà nước thừa nhận và bảo trợ; 

(3) các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia về thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam; 

(4) khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân; 

và (5) Nhà nước cần có chính sách thích hợp để khuyến khích hồi hương cổ vật, mà cách làm của các nước Hàn Quốc và Nhật Bản có thể là ví dụ.■

Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực hiện thành công việc hồi hương cổ vật bằng nhiều chính sách rất linh hoạt và hữu dụng

- Áp dụng thuế suất nhập khẩu 0% và đơn giản thủ tục nhập khẩu với tất cả vật phẩm văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… có niên đại hơn 100 năm. Nhờ vậy, họ không chỉ hồi hương được các cổ vật đã mất, mà còn thu hút được di sản văn hóa của các quốc gia khác nữa.

- Cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho cổ vật của đất nước, đặc biệt là bảo vật quốc gia, đang lưu lạc ở nước ngoài và in thành vựng tập. Sau đó mời các nhà sưu tập, bảo tàng nước ngoài đang sở hữu cổ vật đưa chúng về nước trưng bày, triển lãm với quan điểm “chưa thể đưa về hẳn thì tạm thời đưa về để công chúng trong nước được tận mắt chiêm ngưỡng”.

- Thương lượng để trao đổi hoặc mua lại cổ vật. Nhà nước vận động những người giàu có bỏ tiền mua cổ vật để đưa về nước, nếu được thì tặng cho bảo tàng công lập. Những người này sẽ được chính phủ miễn, giảm thuế thu nhập nhờ vào các hoạt động hiến tặng cổ vật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận