Không hối tiếc cũng là một cách học

DUY 26/08/2012 02:08 GMT+7

TTCT - LTS: Khác với một số bạn trẻ từng tham gia diễn đàn, hai bạn trẻ vừa qua tuổi 20 kỳ này cho rằng dám mạo hiểm và biết học từ những sai lầm cũng là một phần của sự trưởng thành, thay vì chỉ hối tiếc...

Tôi muốn thêm vào những tình yêu thươngMột chuyện "điên rồ" của tôiTuổi 20 của mỗi ngườiThưở đôi mươi lặng thầm của tôi

Minh họa: bích khoa

1. “Tuổi 20 của mỗi người” là một góc nhìn khá thú vị của Sofie Rye. Còn tôi, tôi nói gì về tuổi 20? Tôi còn quá trẻ, và chung quy thì ít khi nhìn lại mà hối hận (trừ một vài lần ngày bé bị cô giáo bắt viết bản kiểm điểm mặc dù chẳng thành tâm hối cải cho lắm). 

Lấy bản thân tôi để làm một minh chứng e rằng hơi đường đột và phiến diện, nhưng lấy câu chuyện của một người bạn tôi thì tôi nghĩ mỗi người sẽ có câu trả lời cho tuổi trẻ của mình.

Ngày bé, bạn tôi ước mơ trở thành bác sĩ. Bạn tôi không sinh ra trong một gia đình khá giả, cũng không phải là một học sinh xuất sắc, nên bạn tôi thi rớt trường y. Không than vãn, không phản kháng, bạn tìm niềm vui trong việc nuôi gà để giúp gia đình có thêm thu nhập. Mua được cuốn sách dạy kỹ thuật nuôi gà, bạn mày mò làm thử. 

Tỉ lệ thành công lên đến 94%. Rồi nhà bạn chuyển sang làm nghề thiếc ở khu Vĩnh Viễn, Q.10, bạn trở thành một nhân công của gia đình. Những cải tiến gia tăng hiệu suất lao động giúp bạn đoạt giải nhất trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo của Thành đoàn TP.HCM.

Tôi có lần thắc mắc sao bạn thông minh vậy thì bạn chỉ cười bảo: “Khi chú tâm làm việc sẽ hiểu sâu lĩnh vực của mình. Nếu nhà tôi bán mì gõ, chắc chắn là sau một thời gian, tôi sẽ biết tung hứng từng vắt mì và thông thạo việc bán mì!”.

Bạn tôi từng đi làm. Công việc bạn được giao liên quan đến lập biên bản vi phạm xây dựng. Bạn kể có lần phát hiện một ngôi nhà vi phạm xây dựng, bạn vào lập biên bản. Chủ nhà bất phục bởi là người có vai vế trong xã hội. 

Bạn tôi về, buồn và suy nghĩ. Không ra quyết định thì trật tự xây dựng không đảm bảo, mà ra quyết định thì công việc của bạn tôi cũng không an ổn. Vậy mà bạn tôi đã ra quyết định đình chỉ xây dựng công trình.

Quyết định đó gây ầm ĩ cơ quan. May mắn cho bạn tôi đã gặp người lãnh đạo hiểu biết. Rồi khi đã lên đến vị trí mà nhiều người mong muốn, bạn tôi quyết định xin nghỉ. Tôi hỏi: “Có bao giờ bạn ân hận về quyết định của mình?”. Bạn tôi bảo: “Nếu ân hận thì giờ đâu có ngồi kể chuyện thoải mái vậy”.

“Bạn” tôi - nay đã gần 60 tuổi. Còn tôi, chính xác là hơn 20 tuổi. Chẳng biết cơ duyên nào mà cả đám lóc nhóc chúng tôi tự nhận là bạn của bạn và hay lân la hỏi chuyện. Cái nhà nuôi gà ngày nào của bạn từng được người dân Thủ Đức gọi là sở gà bởi nơi đó là điểm tập trung bán gà nổi tiếng. 

Còn giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo bạn đạt được năm 1985. Cuộc đời bạn chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của đất nước, bản thân ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng.

Qua đến dốc bên kia của cuộc đời, cuộc đời bạn có nhiều bí mật thú vị, mà lâu lâu bạn lại tiết lộ một chút để thỏa chí tò mò của mấy đứa nhóc chưa hiểu chuyện đời chúng tôi. Bạn tôi có lối sống an nhiên, chẳng trách đời, cũng chẳng trách mình.

Nhân câu chuyện Những việc lẽ ra tôi đã phải làm, tôi hỏi bạn: Nếu được quay trở lại thời trẻ, bạn có chọn cách sống khác không? Bạn bảo: “Cuộc đời người ta có nhiều ngã rẽ, rẽ trái hay rẽ phải chúng ta đều không biết trước điều gì đang chờ đợi mình. Vì vậy nếu đã chọn lối đi cho mình, hãy đi vững vàng bằng hai chân để không bao giờ phải ân hận điều gì”.

2. Những người già luôn là một cuốn sách bí ẩn đối với thế hệ trẻ. Một người bạn khác của tôi, một biên tập viên sách, kể lại câu chuyện của cô ấy với một người già khác bằng một niềm xúc động mãnh liệt.

Khách hàng biên tập sách lần này của cô ấy là một người lớn tuổi. Cuộc đời người đàn ông này trải qua những ngày thơ ấu cơ cực, nhưng ông luôn tìm được động lực để sống. Nhiều cánh tay của bằng hữu đã chìa ra giúp đỡ ông những lúc khốn khó nhất, nên ông luôn tâm niệm phải đáp lại những ân nghĩa đó của cuộc đời.

Trong quá trình làm việc, cô bạn tôi liên tục gặp phải những đòi hỏi khắt khe của người khách già. Mặc dù còn nhiều thời gian mới đến hạn chót phải hoàn tất sách cho khách, nhưng người khách luôn giục bạn tôi phải hoàn thành sớm. Khi đã thân hơn, trong một buổi làm việc, ông hỏi bạn tôi:

- Con có bán tuổi trẻ không? Đắt mấy bác cũng mua.

Bạn tôi tròn mắt hỏi lại “Tại sao bác muốn mua tuổi trẻ?”. Lúc đó người khách mới trầm ngâm:

- Bác còn quá nhiều dự định với cuộc đời này nhưng e là không làm kịp. Giá mà trẻ lại 10 tuổi bác sẽ làm được nhiều việc hơn.

Có lần, cô bạn rủ chúng tôi xuống nhà người khách già chơi. Đường xa, nhà lại ẩn sâu trong một trang trại. Do không thống nhất về số lượng người và thời gian nên chủ nhà phải đi xe ra ngoài nhiều lần để đón khách. Cô bạn chủ trò ngày hôm đó áy náy quá, lí nhí nói lời xin lỗi. 

Sau đó, câu trả lời của người khách già được cô bạn tôi viết hẳn hoi lên email thông báo với tất cả chúng tôi, nội dung như sau: “Nếu con làm mọi việc được chu toàn, con đã là một bà già hơn 70 tuổi. Con mới hơn 20 thôi, hãy cho mình cơ hội để được sai lầm”.

3. Câu chuyện về hai người già. Một người đã đi được hơn nửa con dốc cuộc đời. Một người đã đi gần hết con dốc ấy, nhưng tuyệt nhiên không nói đến “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm”, mà chỉ là tư thế “Tôi sẽ làm”. 

Tư thế ấy khích lệ việc dấn thân và học hỏi từ những trải nghiệm của chính bản thân mỗi người, dù đó là trải nghiệm tốt hay xấu.

Tôi không biết câu chuyện này có tác động gì đến suy nghĩ của những bạn trẻ tuổi 20 của Việt Nam không, riêng với tôi, tôi tự nghiệm ra bản thân mình phải tự viết nên từng trang sách của cuộc đời tôi. 

Ít hay nhiều, sớm hay muộn là tùy thuộc vào tôi và tùy thuộc vào câu chuyện mà tôi muốn viết. Sẽ không có khoảnh khắc dành cho hối tiếc, vì tôi biết rằng đó là lúc mình đang học những bài học sinh động của cuộc sống.

 

Tìm giấc mơ của chính mình

Thuở bé, tôi thường nghĩ về tuổi 20 như một cột mốc trọng đại. 20 tuổi là khi mình đã vào đại học, đủ lớn để hiểu được bản thân và tìm được con đường của mình. Nhưng rồi tôi vừa đi qua tuổi 20. Không phải bằng lòng vững tin mà là sự hoài nghi. Thậm chí, mỗi bước đi tới sự trưởng thành là một bước tôi nhận ra mình dường như chưa hiểu gì về bản thân.

Trước khi trở thành sinh viên năm cuối, tôi cũng từng băn khoăn con đường đã chọn liệu có phải là con đường thật sự dành cho tôi? Tôi biết nỗi hoang mang này không chỉ của riêng mình. Rất nhiều người bạn đồng lứa của tôi cũng chất vấn bản thân những điều tương tự. 

Cảm giác chung của chúng tôi: có phần bối rối lẫn sợ hãi. Dường như trong kỳ vọng chung của xã hội, những người trẻ chúng tôi, sau bao năm đèn sách, đã đến lúc phải ra đời với một lý tưởng rõ ràng. Xã hội kỳ vọng vào chúng tôi, một thế hệ phải “hậu sinh khả úy”.

Viết đến đây tôi lại nghĩ đến thời 20 của cha mẹ tôi, những người đã mạnh mẽ lên rừng xuống biển với niềm tin tuổi trẻ. So với tuổi 20 của họ, tôi thấy mình non dại. Rồi tôi tự vỗ về là vì mình đã không lớn lên trong một tuổi thơ nhọc nhằn, không phải va chạm nhiều với thực tế nên chưa kịp “chín tới” ở tuổi 20.

Rằng thời đại của tôi cũng không có quá nhiều đấu tranh khốc liệt để tôi chọn ra được lý tưởng đời mình. Rằng tôi chống chếnh vì không có một sức ép lớn nào ở phía sau.

Ở tuổi 20, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa kịp lớn và bối rối trước một thế giới mà toàn cầu hóa giúp mở hết mọi ngóc ngách của nó, quá là rộng lớn để ta có thể chọn một chỗ cho mình...

Khi hỏi mẹ tôi về ngã rẽ của bà năm 17 tuổi, khi bà quyết định đi thanh niên xung phong thay cho thi đại học, bà nói: “Với nhiều người, đó có thể là bước đi sai, nhưng với mẹ, đó là việc mẹ thích và thấy cần làm khi đó”. T

ôi hiểu ra rằng để tìm ra những mong muốn, những mục tiêu ngắn hạn của đời mình thì không khó, nhưng để tìm thấy một lý - tưởng - hằng - số, không đổi thay từ những năm tháng tuổi trẻ đến tận cuối đời là chuyện phi thường.

Với những ai từ khi còn rất trẻ đã tìm ra giấc mơ tuổi 20 của mình thì họ đã chắt chiu được vô vàn thời gian và năng lượng để tập trung cho sứ mệnh của mình. Còn không? Ta phải đi tìm. 

Tôi tin mỗi người đều được sinh ra với một sứ mệnh, dù khác nhau nhưng tất cả đều có sức ảnh hưởng và đáng trân trọng như nhau. Điều quan trọng nhất là trong quá trình tìm kiếm và biến giấc mơ thành hiện thực, chúng ta đã đóng góp khả năng thiên bẩm và sự sắc sảo của mình cho thế giới.

Giấc mơ tuổi 20, mặc dù là một khái niệm mang tính cá nhân, thật sự chưa bao giờ tách biệt khỏi những dấu ấn của xã hội, của đời sống. Thứ nhất, giấc mơ luôn gắn liền với hơi thở và nhu cầu của thời đại. (Thí dụ nếu thời của mẹ tôi là chuyện lên rừng xuống biển, thì thời của tôi là việc “định vị” được mình và dân tộc mình giữa toàn cầu, tôi nghĩ vậy).

Thứ hai, giấc mơ sẽ được coi là lý tưởng hoặc là ngớ ngẩn, cũng theo cách nhìn của thời đại mà ra cả. Nhưng ai dám nói những bạn trẻ ôm những giấc mơ táo bạo và đi ngược với thời đại thì không góp phần sáng tạo thế giới? Nên nếu bạn mơ hát trên sân khấu nhạc kịch Broadway hay bảo tồn tuồng cổ Việt Nam chẳng hạn, thì hãy làm tất cả để đạt được điều bạn mong muốn.

Vậy nên với tôi và với những người bạn tuổi 20 vẫn còn loay hoay đi tìm giấc mơ của mình, tôi có một gợi ý. Nói theo nhà triết học Pháp J.P.Sartre: “Hãy dấn thân”. Hãy thử và chấp nhận, nếu sai. Đó có thể là cách duy nhất để chúng ta chạm đến lý tưởng đời mình. Còn không thì tôi và bạn đơn giản sẽ lầm tưởng giấc mơ của số đông là giấc mơ của chính mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận