Kỳ thủ Lê Quang Liêm: Kỳ tích tầm thế giới và áp lực tại SEA Games

TẤN PHÚC (thực hiện) 08/05/2022 17:00 GMT+7

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm đã khiến làng cờ Việt ngất ngây khi lần lượt đánh bại các cao thủ tầm cỡ thế giới như vua cờ Magnus Carlsen, nhà vô địch World Cup Jan-Krzysztof Duda, kỳ thủ hạng 10 thế giới Anish Giri... tại Oslo Esports Cup 2022.

“Tôi vui nhất là mình đã lần đầu tiên đánh bại vua cờ Magnus Carlsen, không chỉ 1 mà đến 2 ván và thắng cả trận. Ngoài ra, đánh bại nhà vô địch World Cup cờ vua Jan-Krzysztof Duda - người sau đó vô địch giải - cũng khiến tôi rất vui. Trước đây, tôi cũng từng có chiến thắng trước kỳ thủ Ba Lan này, nhưng số ván thua lại nhiều hơn. Chung cuộc, tôi đã đoạt ngôi á quân của giải”, Quang Liêm chia sẻ niềm vui sau Oslo Esports Cup 2022.

 
 Lê Quang Liêm trong trận thắng lịch sử Magnus Carlsen. Ảnh: Chess24

Sau chiến thắng trước Carlsen, anh có nói rằng kỳ thủ Na Uy chưa thi đấu đúng sức?

- Hình như Carlsen đang bị bệnh nên không có được thể lực tốt nhất. Anh ho nhiều và vẻ mặt rất mệt mỏi. Các thành viên dự giải đều cảm nhận như thế. Vì vậy, tôi cho rằng Carlsen đã không có phong độ đỉnh cao tại giải này. Nhưng anh ấy thật đáng khâm phục khi luôn thi đấu rất nghiêm túc và nỗ lực. Dù mệt nhưng tại giải này, anh vẫn có những ván đấu rất hay.

Vì sao giải này thi đấu cờ nhanh trực tuyến nhưng vẫn mời VĐV tập trung về Oslo (Na Uy)?

- Việc đánh cờ online phát triển khá mạnh và trở thành xu hướng trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 vừa qua. Giải cờ vua Oslo Esports Cup 2022 cũng được tổ chức thi đấu trực tuyến. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, ban tổ chức muốn làm theo mô hình các môn thể thao điện tử (e-sports) nên tập trung các kỳ thủ lại. E-sports đang có sức hút rất mạnh và tiếp cận được số lượng lớn người hâm mộ trong xã hội.

Nhìn cách bài trí phòng thi đấu ở giải này thật khác lạ, ví dụ như hai kỳ thủ dù ngồi đối diện nhau nhưng chăm chú nhìn vào máy tính mà không dùng bàn cờ truyền thống, ánh sáng thì sử dụng đèn màu như e-sports... Hình thức tổ chức này có khiến anh bỡ ngỡ?

- Phải nói đó là một sân khấu đúng nghĩa, ánh sáng màu lung linh nhưng vẫn đủ sáng để VĐV thi đấu. Thi đấu trong điều kiện như vậy lúc đầu mang đến trải nghiệm lạ lẫm nhưng dần cũng quen và không ảnh hưởng chuyên môn, bởi tôi chỉ tập trung vào ván đấu của mình. Nhưng với người hâm mộ, họ sẽ theo dõi phấn khích hơn vì nó hao hao thi đấu e-sports.

Chuyện không dùng bàn cờ truyền thống cũng như thi đấu thể thức cờ nhanh là một đề tài đang gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng cờ tiêu chuẩn mới là thước đo chuẩn mực trình độ kỳ thủ. Tuy nhiên cũng có người nói ngược lại, như chính Carlsen. Anh cho rằng giải vô địch thế giới nên tổ chức thật nhiều ván bằng cờ nhanh vì cờ nhanh vẫn có chất lượng tốt, lại ngắn thời gian nên đánh được nhiều ván, tạo sự phân hóa rõ giữa các VĐV. Còn dùng bàn cờ hay máy tính thì cá nhân tôi vẫn thích cảm giác được cầm quân cờ thật để thi đấu hơn là “click chuột”, dù nó không ảnh hưởng nhiều đến chuyên môn.

Bí quyết nào giúp anh có được phong độ đỉnh cao khi đã bước sang tuổi 31, độ tuổi mà nhiều kỳ thủ ở Việt Nam đã có dấu hiệu chựng lại?

- Tuổi nghề của VĐV cờ vua khá dài so với nhiều môn thể thao khác. Sau tuổi 30, nhiều kỳ thủ vẫn có thể trụ vững ở top thế giới. Ví dụ kỳ thủ Mỹ Levon Aronian vẫn đang xếp hạng 9 thế giới ở tuổi 40 hay Anand Viswanathan (Ấn Độ) có đến 4 lần vô địch thế giới và 2 lần tranh chức vô địch thế giới với Carlsen giai đoạn 2007 - 2014 dù ông sinh năm 1969. Còn bản thân, tôi nghĩ mình đã bố trí kế hoạch làm việc nghiêm túc, nuôi dưỡng đam mê với cờ. Nếu một ngày nào đó tôi không còn cảm thấy đam mê nữa thì tôi sẽ dừng lại lập tức, dù đang ở thứ hạng nào trên thế giới, bởi đó là điều kiện tiên quyết để thành công.

Ngoài ra, tôi có lợi thế hơn so với các đồng nghiệp trong nước là làm HLV tại Đại học Webster nên được làm việc thường xuyên với các sinh viên của mình - đồng thời cũng là những kiện tướng quốc tế. Chúng tôi cùng nhau nghiên cứu cờ để cùng nhau tiến bộ.

Chưa kể, việc được thi đấu thường xuyên với những cao thủ như Carlsen, Giri, Duda... cũng giúp tôi tiến bộ. Nhờ vậy, khi trở về dự SEA Games 31, tôi rất tự tin.

SEA Games chỉ là đấu trường Đông Nam Á. Thực tế nhiều VĐV đạt đến đỉnh cao thế giới sẽ coi đây là “ao làng” không về dự. Còn VĐV cờ vua thì sao?

- Bất kỳ sự kiện nào được khoác áo đội tuyển Việt Nam thì tôi đều thấy quan trọng và sẽ cố gắng hết sức... Ở khu vực Đông Nam Á hiện tôi là kỳ thủ duy nhất có mặt trong top 100 thế giới, nhưng đã bước vào thi đấu thì khó nói trước kết quả. Bằng chứng là tại SEA Games 30, tôi chỉ được 1 HCB cờ chớp. Vì vậy, tôi không xem SEA Games là “ao làng”. Chúng ta phải tôn trọng mọi đối thủ.

Có bất lợi gì không khi anh phải đối đầu với các kỳ thủ có thứ hạng thấp hơn khá xa mình tại SEA Games 31? 

- Là kỳ thủ có thứ hạng cao nhất là lợi thế nhưng cũng là áp lực lớn. Nếu thất bại, tôi sẽ bị trừ rất nhiều điểm Elo. Thậm chí là đạt thành tích huy chương vẫn bị trừ Elo như khi đoạt HCB tại SEA Games 30, tôi đã bị trừ hàng chục điểm vì đối thủ có hệ số Elo quá thấp. Đó là áp lực và một chút mạo hiểm với tôi.

Như vậy, anh đặt mục tiêu SEA Games 31 ra sao?

- Tại đại hội năm nay, tôi sẽ thi đấu 4 nội dung của nam là cờ nhanh (cá nhân, đồng đội) và cờ chớp (cá nhân và đồng đội). Đã thi đấu thì tôi luôn muốn giành chiến thắng ở tất cả nội dung mình tham dự.

Khi nào anh trở về Việt Nam?

- Có một số vướng mắc về thủ tục để tôi trở về Việt Nam thi đấu SEA Games 31. Tuy nhiên, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Dự kiến ngày 8-5 tôi sẽ lên máy bay trở về Việt Nam.

Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công ở đấu trường “nguy hiểm” SEA Games 31!■

Champions Chess Tour trao tiền thưởng kỷ lục

Năm 2020, COVID-19 khiến hàng loạt giải cờ vua truyền thống phải hủy hoặc hoãn, Magnus Carlsen cùng Công ty cổ phần Play Magnus Group, mà anh là một trong những người sáng lập và cổ đông lớn, đã tổ chức giải cờ nhanh trực tuyến Magnus Carlsen Invitational 2020 có sự tham dự của anh và nhiều cao thủ để tranh 250.000 USD tiền thưởng, mức kỷ lục với một giải cờ trực tuyến. Giải đấu lập tức gây được tiếng vang và thu hút tài trợ để phát triển thành Magnus Carlsen Tour gồm 4 giải nhỏ và vòng chung kết có tổng tiền thưởng 1 triệu USD. Năm 2021, giải đổi tên thành Champions Chess Tour gồm 10 giải nhỏ và tổng giá trị tiền thưởng lên đến 1,5 triệu USD. Năm nay, với việc thu hút được nhiều nhà tài trợ, Champions Chess Tour chỉ có 9 giải nhỏ nhưng tổng tiền thưởng là 1,6 triệu USD.

Quang Liêm đang thay đổi mạnh mẽ

“Giải Oslo Esports Cup 2022 có rất nhiều kỳ thủ mạnh và Quang Liêm đã thi đấu rất tốt. Chính tôi cũng khá ngạc nhiên khi Quang Liêm ngày càng sắc sảo trong lối chơi dù đã bước sang tuổi 31. Theo tôi, Quang Liêm đang chơi cờ với tất cả đam mê, không bị chi phối bởi nhiều yếu tố ngoài cờ như các đồng nghiệp trong nước và tiến bộ nhanh nhờ mạnh dạn thay đổi để hoàn thiện mình. Trước đây, ván cờ của Quang Liêm thường nghiêng về lối chơi thế trận - nghĩa là “thủ bộ” trước, chờ đối phương mắc sai lầm. Nhưng giờ Quang Liêm đã hoàn thiện mình hơn khi dám thi đấu phối hợp, tức là chủ động ra đòn tạo xung đột và biết cách giải quyết xung đột để giành chiến thắng. Lối chơi này đòi hỏi VĐV phải suy nghĩ nhiều hơn, rủi ro cao hơn, nhưng sức công phá mạnh hơn” - HLV đội tuyển cờ vua Việt Nam Lâm Minh Châu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận