Mỹ học nào cho váy áo và cơn mưa

VŨ THÁI HÀ 14/02/2017 17:02 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng, những tranh luận công khai về cái đẹp lại bùng lên như một minh chứng cho sự năng động trong tư duy và sự phong phú trong cảm nhận của cộng đồng xã hội.

Minh họa: Cao Thị Được
Minh họa: Cao Thị Được

Và lần này câu chuyện liên quan đến chiếc áo dài. Chiếc áo dài quen thuộc đã từng được cách điệu nhiều lần, đã từng đi với quần jean hay kaki thay cho quần vải mềm, nhưng lần này thì khác: áo dài đi với váy, mà nhiều nguồn tin gọi luôn là chiếc “váy đụp”.

Khác nữa là lần này bộ trang phục áo dài “váy đụp” được nhiều người mặc dạo phố, đón tết, như lễ phục trong dịp đầu xuân. Và thế là sóng gió!

Thế nào là đẹp? Cái gì khơi gợi và làm nên cảm xúc thẩm mỹ bên trong mỗi chúng ta khi ngắm một bông hoa, đọc một áng văn hay nghe một đoạn nhạc?

Những câu hỏi như thế đã được xếp vào hàng kinh điển, không phải chỉ vì các biến thể của chúng luôn có mặt trong phần mở đầu của bất cứ quyển sách nào về mỹ học, là môn khoa học nghiên cứu về cái đẹp, mà còn bởi vì sự phổ biến của nó trong đời sống thường nhật: có ai không tự đặt cho mình câu hỏi như thế ít nhất một lần trong đời!

Băn khoăn về cái đẹp chẳng phải là độc quyền của bất cứ ai, cho dù trong lịch sử có khi người ta đã cố tình gán ghép nó với giai cấp, với dòng giống, với sản nghiệp hay với đức tin.

Đứng trước cái đẹp, người ta chỉ thấy mình bị khuất phục vô điều kiện, không cách gì giải thích được. Bức tranh ấy, bộ trang phục ấy, gương mặt ấy, dáng người ấy là đẹp; chỉ vậy thôi. Đẹp bởi vì đẹp; chấm hết.

Loay hoay giải thích thường làm câu chuyện dở đi, bởi mọi phân tích đều phải phân rã khách thể đang được xem là đẹp thành hàng loạt những thành tố bình thường, có khi là tầm thường, và có thể tìm thấy dễ dàng ở những khách thể khác, không đẹp.

Lẫn lộn giữa những tranh cãi có khi là nảy lửa trên các mạng xã hội và các ý kiến chính thức của những người làm chuyên môn, người ta rất khó tìm thấy những khẳng định dứt khoát để bênh vực cho bộ trang phục đang ở “trong tầm lửa đạn” rằng nó đẹp.

Rất có thể có ít người thấy nó đẹp, hoặc người ta thấy nó đẹp mà không có ý kiến, nhưng thật ra cái khó nằm ở chỗ chẳng có cuộc tranh luận nào chịu dừng lại ở khẳng định: “Đẹp. Chấm hết!”. Bởi sau đó sẽ là các phân tích: Đẹp ở chỗ nào? Xuất xứ của kiểu ăn mặc này là từ đâu?

Áo dài có còn là áo dài nữa không? Truyền thống đâu mất rồi?... Cứ thế, câu hỏi rằng nó có đẹp hay không sẽ bị bỏ xa dần, xa dần.

Trong sự giao cảm của chủ thể và khách thể dẫn đến sự nảy sinh của cảm xúc thẩm mỹ, không có bên nào là trọng, bên nào là khinh.

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ, đã hẳn là như thế. Nếu bộ trang phục áo dài “váy đụp” là một khách thể đã tạm thời đứng yên thì chủ thể đang nhìn vào nó lại chưa bao giờ ngừng vận động: chúng ta chịu đủ thứ tác động từ môi trường xung quanh, từ tiểu tiết là chính những tranh cãi đang diễn ra cho đến những thành kiến và định kiến đã hình thành từ rất lâu, rất lâu trước khi có ai đó nghĩ ra bộ váy áo ấy.

Khi mà câu chuyện váy áo vẫn đang ở độ cao trào thì cơn mưa trái mùa của những ngày đầu xuân mới cũng không khỏi làm cho lòng người xao xuyến. Nó báo hiệu gì cho những ngày sắp đến? Cơn mưa đem đến tin tốt hay lại là điềm báo của những thách thức, những bất an vẫn rình rập giữa dòng chảy cuồn cuộn của đời sống? Mưa rơi không cần phiên dịch bởi mỗi người nghe mưa đã có sẵn trong mình một phiên dịch viên và hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả phiên dịch ấy mà cảm xúc của từng người sẽ khác nhau. Đấy là cảm xúc thẩm mỹ thực thụ, đi liền với nó có thể là hân hoan, mà cũng có thể là buồn chán.

Cái đẹp phải chăng được quy định bởi một ý thức siêu việt nào đó và chỉ có những gì gần đạt đến ý thức ấy mới được xem là đẹp? Hay cái đẹp là thực tiễn đời sống được cách điệu, được tô điểm, được hình tượng hóa? Các nhà lý luận mỹ học đã tốn rất nhiều giấy bút cho cuộc tranh cãi bất tận chưa có hồi kết thúc. Còn chúng ta, những người bình thường, thì luôn có cho mình một chọn lựa đầy minh triết: “Đẹp hay không là do con mắt của người nhìn!”. Và thật may là chúng ta vẫn còn trăn trở về cái đẹp.

Bộ trang phục áo dài hay cơn mưa đầu xuân xứng đáng với cái nhìn dưới con mắt nào? Đấy là câu hỏi đầy vương vấn mà mỗi người rồi sẽ phải tự trả lời lấy cho mình, như một cách tự phiên dịch để tìm lấy những ý nghĩa hữu dụng nhất từ thực tế đã ít nhiều khách quan, không còn và không thể chịu ràng buộc và quy định bởi bất cứ định chế hay thiết chế nào do chủ quan của con người áp đặt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận