Ngán ngẩm với 3D

HIẾU TRUNG 10/04/2011 00:04 GMT+7

TTCT - Sau thành công lớn của Avatar (Thế thân), công nghệ ba chiều (3D) được kỳ vọng là “con gà đẻ trứng vàng” của Hollywood. Tuy nhiên, trào lưu 3D đang có dấu hiệu hụt hơi sau hàng loạt bộ phim gây thất vọng.

Phóng to
Một cảnh trong Rio, phim hoạt hình 3D mới nhất của Hollywood, ra mắt vào đầu tháng 4-2011 - Ảnh: IMDB

Cuối năm 2009, đầu 2010 Avatar thu về tới 2,7 tỉ USD tiền vé. Sau đó, Alice in wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) cũng kiếm được tới 1 tỉ USD. Hollywood đã phát hiện công thức mới hoàn hảo để tăng thêm lợi nhuận (nhờ bán vé xem phim 3D với mức giá cao hơn) và thu hút thêm khán giả muốn tìm kiếm trải nghiệm điện ảnh mới. Bởi từ năm 2002, lượng vé xem phim bán ra tại Mỹ liên tục sụt giảm do sự cạnh tranh dữ dội của Internet và DVD. Hollywood vội vã vào cuộc và cơn sốt 3D bùng lên. Năm 2010, Hollywood sản xuất hơn 20 phim 3D, năm 2011 lên tới gần 40 phim.

Thế nhưng, ngoại trừ các phim hoạt hình như How to train your dragon (Bí kíp luyện rồng), Toy story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3), Despicable me (Kẻ trộm mặt trăng) và phim vũ đạo Step up 3D (Vũ điệu yêu thương 3D), phần lớn tác phẩm 3D khác đều gây thất vọng về chất lượng hình ảnh ba chiều. Ra mắt sau How to train your dragon, phim thần thoại Clash of the titans (Cuộc chiến của các vị thần) dù đạt doanh thu cao nhưng bị chê là 3D hàng nhái vì hình ảnh mờ, tối, không có độ sâu cần thiết.

Cũng chuyển đổi từ bản gốc 2D sang 3D như Clash of the titans, những phim “bom tấn” như The last airbender (Tiết khí sư cuối cùng), Piranha 3D (Cá ăn thịt người 3D), The chronicles of Narnia: The voyage of the dawn treader (Biên niên sử Narnia: Chuyến viễn du của tàu Bình minh) hay Gulliver’s travel (Gulliver du ký) đều thất bại về doanh thu. Cả khán giả và giới phê bình đều chỉ trích kịch liệt chất lượng hiệu ứng 3D của các bộ phim này.

Và lượng khán giả mua vé vẫn không tăng. Theo trang web điện ảnh Boxofficemojo.com, 2010 là năm có số lượng vé bán ra tại Mỹ thấp nhất kể từ năm 1995. Tình hình từ đầu năm 2011 đến nay còn tồi tệ hơn. Doanh thu từ tháng 1-2011 đến nay chỉ đạt 2,2 tỉ USD, giảm 19% so với năm ngoái dù từ đầu năm đến giờ có sáu phim 3D. Số lượng vé bán ra cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các phim 3D từ đầu năm 2011 đến nay, Drive angry (Sứ giả địa ngục) và Mars needs moms (Sao Hỏa cần mẹ) là những thất bại tài chính nặng nề đối với Hollywood. The green hornet cũng khiến giới phê bình và khán giả thất vọng.

Nguyên nhân vì đâu? “Sự mới mẻ đã mất đi - nhà phê bình Anne Thompson của blog Thompson on Hollywood nhận định - Các nhà làm phim sử dụng 3D như một trò câu khách và khán giả đủ thông minh để nhận ra. Đó là lý do vì sao doanh thu các phim 3D sụt giảm”.

Nhà phê bình Butler cho biết điều quan trọng nhất vẫn luôn là nội dung và chất lượng nghệ thuật của bộ phim. Các phim hoạt hình kể trên đạt doanh thu cao bởi chúng thật sự hay, có nội dung hấp dẫn và sâu sắc. Ngược lại, rất nhiều phim 3D bị giới phê bình chỉ trích là tồi tệ, xem xong rồi quên.

Ở Hollywood đang dấy lên phong trào phản đối 3D. Trên báo Chicago Sun-Times, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Roger Ebert cho rằng ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như Avatar, phim 3D nói chung chẳng mang lại trải nghiệm gì xuất sắc.

Tất nhiên 3D sẽ không chết. Nhưng khán giả đã dạy cho Hollywood bài học rằng không phải 3D mà chất lượng nghệ thuật mới là điểm quan trọng nhất giúp bộ phim ăn khách. Giới phê bình dự báo tác phẩm 3D đầu tiên của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg là The adventures of Tintin: The secret of the Unicorn (Những cuộc phiêu lưu của Tintin: Bí mật của tàu Ngựa thần) sẽ là bài thử quan trọng đối với trào lưu 3D. Nếu bộ phim này thất bại thì màn hình hai chiều sẽ giành lại ưu thế trong nhiều năm tới.

  • Tags:
  • 3D
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận