Người giữ kho báu dân gian

HUỲNH VĂN MỸ 19/08/2016 02:08 GMT+7

TTCT - Nghe ông kể chuyện truân chuyên cầu tìm cái chữ, chuyện nghiên cứu văn hóa dân gian khi đã ở tuổi 50, lại đang lúc nặng gánh áo cơm, rồi nhìn cả một chồng 15 quyển sách do ông biên khảo, dịch thuật bằng cả ba ngôn ngữ Việt, Chăm, Răglai… đã xuất bản, nhớ lời người xưa rằng có người được sinh ra để gánh vác những việc như được dành riêng cho họ.

Ông Sử Văn Ngọc bên một số tác phẩm văn hóa dân gian Chăm, Răglai được ông biên khảo, dịch thuật đã được xuất bản -Huỳnh Văn Mỹ
Ông Sử Văn Ngọc bên một số tác phẩm văn hóa dân gian Chăm, Răglai được ông biên khảo, dịch thuật đã được xuất bản -Huỳnh Văn Mỹ

Đến những làng Chăm, làng Răglai ở tỉnh Ninh Thuận hỏi ông Sử Văn Ngọc, có lẽ ít ai không biết. Hơn 20 năm nay, ông tới lui, ăn ở nơi những làng quê này để tìm kiếm, thu thập các nguồn văn hóa dân gian của người Chăm, người Răglai cho công việc nghiên cứu mà từ khi dấn thân vào, ông tự nhận đây là công việc phải gắn bó đến trọn đời.

Từ truyền ngôn của một vị lão nông

“Mình có cái may mắn là được làm con dân của Bàu Trúc, là cái làng Chăm có nghề gốm được cho là cổ xưa nhất ở Đông Nam Á còn “sống” được đến giờ. Cái không khí văn hóa của làng từ lâu đã cho mình cảm hứng tìm tòi, nghiên cứu những gì mà dân mình được ông bà truyền lại...” - ông Ngọc kể.

Trong ngôi nhà nằm trên chân ruộng ở ngoại ô thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), vừa từ Hà Nội về sau khi ra giúp tu sửa những ngôi nhà Chăm ở Bảo tàng Dân tộc học, ông quay lại ngay với việc viết. “Tranh thủ viết cho xong hai quyển Truyện kể RăglaiThành ngữ, tục ngữ Răglai để kịp giao cho Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam in đây...” - ông nói.

Văn hóa dân gian như một hấp lực đối với cuộc đời ông. Những năm 1977-1978, khi nghỉ làm ở trạm y tế xã, trở lại với ruộng vườn, nông dân Sử Văn Ngọc tìm đến “sư phụ” Thiên Sinh Cảnh ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận học chữ Chăm.

Từ câu hỏi: “Mầy lớn rồi, học chữ Chăm để làm gì?”, vị thầy được cho là một trí thức Chăm có tiếng sau đó không lâu đã vui mừng “mời” học trò Sử Văn Ngọc cùng cộng tác với mình làm tự điển Chăm - Việt.

“Văn học dân gian đã khai ngộ mình” - ông Ngọc nói, giải thích càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, ông càng thấy một kho tàng tri thức ẩn chìm, lấp lánh của người xưa hiển lộ, lại càng lo thấy văn hóa dân gian ngày càng mai một.

Ông nhớ ơn một lão nông Chăm, người đã cho ông lời khuyên chí thiết ngay từ khi ông còn chưa biết chữ Chăm nào: “Đời này lắm đá tảng, không có viên ngọc. Dân ta lúa ít cỏ nhiều... Cháu phải cố mà tìm tòi, học hỏi văn hóa dân gian của dân mình...”.

Niềm vui đầu tiên là ngày bài viết “Đám ma người Chăm ở Thuận Hải” (tức Ninh Thuận, Bình Thuận) của ông được giáo sư Phan Lạc Tuyên chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo dân tộc học năm 1978.

Bước “khởi nghiệp” hanh thông, nhưng rồi khó khăn cơm áo cho cả một gia đình chồng chất, ông đạp xe chở đồ gốm quê mình rong ruổi khắp nơi bán dạo để nuôi con và nuôi... ước mơ làm văn hóa dân gian.

Năm 1994, ở tuổi 50, ông được giáo sư Phan Lạc Tuyên khuyên nên vào làm hợp đồng ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận để có điều kiện nghiên cứu. “Lương không nhiều, hễ ngơi việc điền dã là mình lại ra sức cày cục ruộng vườn để có lúa gạo nuôi con.

Cũng nhờ vậy mà đến năm 2004, khi hết hợp đồng với trung tâm, mình có được một phần tư liệu để viết sách...” - ông kể, không quên niềm sung sướng khi được lĩnh lương tháng đầu “mua về nhà được mấy lít nước mắm, mấy lít mắm cái, đặt gần một trăm bạc còn lại lên bàn khiến vợ con vừa ngơ ngẩn vừa mừng”, vì trước đó cả nhà ông chỉ biết ăn nước muối!

Cho dân tộc Răglai anh em 

Niềm hứng khởi từ việc nghiên cứu văn hóa dân gian của ông Ngọc được chia đôi cho cả hai dân tộc Chăm và Răglai.

“Mình là người Chăm, được nghiên cứu, được viết về văn hóa dân gian Chăm làm mình thật sung sướng. Nhưng tiếp xúc với văn hóa dân gian Răglai, mình có thêm một nỗi sung sướng nữa vì văn hóa dân gian Răglai rất hấp dẫn, rất độc đáo...” - ông hân hoan bày tỏ.

Từ chối nhận rằng thành tựu nổi bật trong nghiên cứu văn hóa dân gian Răglai của mình là biên dịch đại sử thi Sa Ea (trong số các sử thi Tây nguyên và vùng phụ cận đã được sưu tầm và xuất bản, sử thi Sa Ea của dân tộc Răglai được cho là đồ sộ nhất), ông Ngọc chỉ cho rằng đây quả là một việc làm đã giúp ông mài giũa năng lực biên dịch lời của người xưa tốt hơn rất nhiều so với sử thi Anaow Jaosh Raong (cũng của người Răglai) ông từng biên dịch.

Năm 2002, ông Ngọc cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã “mừng như bắt được vàng” khi tìm được bà Ca Tơ Thị Cuống và con gái bà là Ca Tơ Thị Sính - hai người phụ nữ Răglai còn “giữ được trong đầu” sử thi Sa Ea để hát kể cho ông ghi âm.

“Hồi ấy bà Cuống quá già nên chỉ hát kể Sa Ea được vài ngày đầu, còn lại nhờ bà Sính hát kể, chỗ nào quên thì được mẹ nhắc, hơn một tháng mới xong. Cũng may là mình làm kịp trước khi cái “đầu khôn người già” Ca Tơ Thị Cuống khuất núi” - ông Ngọc kể lại bên cuốn sử thi Sa Ea với 22.278 câu, được chính ông “gỡ băng”, ký âm tiếng Răglai bằng mẫu tự Latin và dịch sang tiếng Việt.

Niềm vui trước một “tượng đài văn hóa” lớn của một dân tộc được phát hiện nhắc ông phải cẩn trọng hết sức trong dịch thuật, nên cứ dăm bảy hôm ông lại đạp xe vượt hơn 50km đến nhà bà Cuống ở huyện miền núi Bác Ái để hỏi lại, nắm bắt ý nghĩa của “rừng” từ ngữ có không ít ẩn dụ của Sa Ea. “Sa Ea như thăng hoa cho tâm hồn, trí tuệ mình.

Nó chứa những giá trị nhân văn, là kho tàng ngôn ngữ, lễ tục, luật tục, cả đến binh pháp của người xưa. Người Răglai không có chữ viết nhưng lại có ngôn ngữ phong phú, nên có được một sử thi Sa Ea đồ sộ so với sử thi của các dân tộc anh em khác...” - ông Ngọc nói.■

“Ông Sử Văn Ngọc “rút ruột” ra viết về văn hóa dân tộc Chăm của mình và của cả dân tộc Răglai anh em. Ông chịu khó học hỏi, rất giỏi tiếng Việt lại hiểu từ Chăm, từ Răglai cổ nên chuyển dịch ra tiếng Việt rất sinh động.

Nhờ tính tỉ mỉ trong nghề y nên trong nghiên cứu văn hóa ông rất chi ly, chuẩn xác, khoa học...” - GS.TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận