Nhìn xa hơn chiến thắng trước U23 Thái Lan

HUY ĐĂNG 29/03/2019 15:03 GMT+7

TTCT - Vượt trội Thái Lan ở tất cả các giải đấu suốt một năm qua, và giờ đây đè bẹp đối thủ ở vòng loại U23 châu Á 2020, liệu CĐV Việt Nam đã thực sự có lời giải đáp cho nỗi đau đáu muôn thuở - chúng ta đã vượt qua người Thái - và đã có thể thực sự nhìn xa hơn những sân chơi khu vực?

Quang Hải tả xung hữu đột giữa hàng thủ Thái Lan. Ảnh: Nguyên Khôi
Quang Hải tả xung hữu đột giữa hàng thủ Thái Lan. Ảnh: Nguyên Khôi

 Nỗi sợ ăn sâu

Có một chi tiết khá thú vị trước thềm trận U23 VN - U23 Thái Lan ngày 26-3. Lướt một vòng Facebook, chúng ta thấy không ít status của những người hâm mộ Việt cầu mong... U23 Brunei thắng Indonesia. Chuyện đó thì liên quan gì đến cuộc đấu VN - Thái Lan? Đó là bởi thể thức khá kỳ lạ của vòng loại U23 châu Á 2020.

Trừ nước chủ nhà Thái Lan đã giành vé (các trận vòng loại với riêng họ chỉ như những trận giao hữu, còn tất nhiên, với đối thủ của họ thì không thế), có tổng cộng 15 tấm vé tham dự vòng chung kết cho 11 bảng đấu vòng loại. 11 đội nhất bảng hiển nhiên giành vé, kế đến là 4 đội nhì bảng có thành tích tốt. Các đội nhì bảng vì vậy phải so thành tích với nhau, nhưng có một khúc mắc nằm ở bảng F - bảng chỉ có 3 đội do Pakistan bỏ cuộc. Điều này khiến ở mọi bảng đấu, khi xét thành tích đội nhì bảng phải trừ đi kết quả với đội bét bảng.

Chính vì vậy, nếu Brunei thắng Indonesia chiều 26-3, họ sẽ vươn lên vị trí thứ 3, còn Indonesia xuống bét bảng. Khi đó U23 VN sẽ được tính thành tích trận thắng Brunei (thắng 6-0) thay vì Indonesia (chỉ thắng 1-0), một kết quả có lợi hơn hẳn trong cuộc đua... nhì bảng. Và như vậy, trong thâm tâm, nhiều CĐV VN vẫn chuẩn bị cho một tình huống vốn đã quen thuộc với họ bao năm qua: không thắng được Thái Lan và cam chịu xếp sau đối thủ.

Không hẳn là người hâm mộ VN thiếu lòng tin ở đội tuyển, nhưng Thái Lan từ lâu đã phủ cái bóng rất lớn của họ lên bóng đá khu vực, chứ không riêng gì VN (mà thất bại tan tác 0-4 của Indonesia trước đối thủ này trong lượt trận thứ nhất là một ví dụ điển hình).

Tâm lý đó vẫn dai dẳng, bất chấp suốt một năm qua bóng đá VN có thành tích tốt hơn Thái Lan gần như trên mọi đấu trường, từ cấp độ trẻ cho đến đội tuyển (dù công bằng mà nói, chúng ta không có nhiều trận đối đầu trực tiếp với đối thủ mạnh nhất khu vực này).

Ở VCK U23 châu Á 2018, VN vào chung kết trong khi Thái Lan bị loại ở vòng bảng, rồi AFF Cup 2018, Asian Cup 2019...

Sự e ngại người Thái Lan còn thể hiện chính trong cái cách mà CĐV VN ăn mừng. Ở Asian Cup 2019, nhiều CĐV VN, trong sự ngạc nhiên, tỏ ra hài lòng khi chứng kiến Thái Lan thảm bại 1-4 dưới tay Ấn Độ.

Tương tự, cũng có những người cho rằng chức vô địch AFF Cup 2018 là chưa “trọn vẹn” vì VN đã không có cơ hội đối mặt với Thái Lan ở trận chung kết. Sự so đo với người Thái như thế phần nào cho thấy sự e dè đã ăn sâu ra sao trong tâm lý người hâm mộ.

Những chiến thắng ngoạn mục đã trở nên quen thuộc với bóng đá VN dưới thời HLV Park Hang Seo. Ảnh: Nguyên Khôi
Những chiến thắng ngoạn mục đã trở nên quen thuộc với bóng đá VN dưới thời HLV Park Hang Seo. Ảnh: Nguyên Khôi

 Vẫn cần một trận “chung kết”

Nhưng thật may mắn, cái “ký ức tập thể” đó có vẻ không ảnh hưởng gì tới tâm lý thi đấu và tinh thần của thầy trò HLV Park Hang Seo. Mọi chuyện đã thay đổi quá nhanh với bóng đá VN kể từ khi chiến lược gia người Hàn Quốc đặt chân đến mảnh đất hình chữ S - mà với bao nhiêu thành tích ấn tượng thời gian qua, những ai không theo dõi kỹ sẽ ngạc nhiên biết rằng quãng thời gian đó mới được hơn một năm rưỡi.

Suốt một giai đoạn dài 2010-2017, VN gần như luôn thảm bại dưới tay Thái Lan trên mọi đấu trường. Dưới thời HLV Toshiya Miura là trận thua 0-3 của đội tuyển ở vòng loại World Cup 2018, rồi HLV Hữu Thắng cũng thúc thủ với tỉ số tương tự ở SEA Games 2017.

Đâu là cú “ngoặt bóng” khiến VN đột ngột vượt qua Thái Lan? Có thể kể ra 3 yếu tố: 1. Tài năng của HLV Park Hang Seo, 2. Dàn tân binh từ các học viện trẻ, 3. Động cơ thi đấu mạnh mẽ. Không còn gì phải bàn về yếu tố đầu tiên.

Hiệu ứng từ các học viện cũng quan trọng chẳng kém tài năng của ông thầy người Hàn Quốc. Và đó thật ra mới là sự thay đổi lớn nhất của bóng đá VN trong vòng chục năm trở lại đây.

Dấu ấn của các học viện trẻ đã được nhắc đến trong chuỗi thành tích ấn tượng của thầy trò HLV Park Hang Seo suốt một năm qua, và càng rõ ràng hơn ở vòng loại U23 kỳ này. Khoảng 1/3 dàn cầu thủ của đội là từ các học viện PVF, Viettel hay HAGL, đóng góp những cái tên như Hà Đức Chinh, Nguyễn Hoàng Đức, Đinh Thanh Bình, Trần Danh Trung, Trần Thanh Sơn, Triệu Việt Hưng, Đỗ Thanh Thịnh...

Với người Thái, “học viện bóng đá” đã là một khái niệm tồn tại hàng chục năm qua. Nhưng với bóng đá Việt thì còn rất mới, và những điều mới mẻ luôn đủ để tạo ra hiệu ứng.

Động cơ thi đấu của các cầu thủ VN - ở một góc độ nào đó cũng mạnh mẽ hơn người Thái rất nhiều. Ngoài tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo, thì tỏa sáng để đổi đời luôn là một động cơ lớn trên con đường thể thao gian khổ. Và điều này thì cầu thủ VN có động lực mạnh hơn.

Bảng GDP 2018 cho thấy GDP đầu người/năm của Thái Lan là khoảng 7.000 USD, còn VN chỉ là 2.500 USD. Thu nhập cầu thủ ở Thai-League vào khoảng 30.000 USD/năm - gấp 4,3 lần GDP đầu người ở nước này, còn cầu thủ VN là 15.000 USD/năm - gấp đến 6 lần. Tức đại khái, cầu thủ VN dễ “đổi đời” hơn khi đến với bóng đá.

Tuy nhiên, sau tất cả những chiến thắng, nói chung người hâm mộ VN vẫn chưa đủ tự tin để khẳng định hoàn toàn “chúng ta đã hơn người Thái” - vì vẫn còn thiếu một trận quyết đấu chung cuộc. Chức vô địch AFF Cup 2008 vẫn “đã” hơn vì Công Vinh và các đồng đội đã quật ngã chính tuyển Thái Lan trong trận chung kết.

Còn ở thời điểm này, VN chỉ mới nhỉnh hơn Thái Lan khi xét tổng thành tích, hoặc đánh bại đối thủ ở cấp độ U23. Và cũng cần nhắc lại, Thái Lan đến với vòng loại U23 châu Á kỳ này với tư cách giao hữu.

Tháng 6 tới, VN nhiều khả năng sẽ chạm trán Thái Lan trong khuôn khổ King Cup 2019. Đó cũng chỉ là một giải đấu giao hữu do người Thái đăng cai, nhưng là một giải rất được tôn trọng, lâu đời (tổ chức lần đầu năm 1968), với sự tham dự của đội hình 1 các đội tuyển quốc gia, và nhiều giá trị truyền thống, văn hóa gắn với nó, bao gồm sự kiện quốc vương Thái Lan sẽ làm lễ đăng quang trước giải không lâu.

Đó sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Park Hang Seo - trong một lần chung cuộc, khẳng định bóng đá VN đã thực sự vượt qua người Thái hay chưa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận