Nước hoa: Vũ khí vô hình của (anh) chị em

DƯƠNG LIỄU 11/03/2021 23:00 GMT+7

TTCT - Ngày nay, vị thế của nước hoa là vị thế của một thứ vũ khí vô hình, có sức quyến rũ không thể chối từ. Vấn đề với nước hoa cũng là với vũ khí: dùng thế nào. Đây là điều mà rất nhiều phụ nữ không nắm rõ.

 

 

Tuy gần như phụ nữ nào nghe hai chữ “nước hoa” cũng biết đó là gì, nhưng ít ai biết được loại nước hoa cổ xưa nhất “mặt mũi” như thế nào. 

Nay là nước thơm, xưa là khói thơm...

Tổ tiên của nó không phải là chất lỏng mà là khói - khói đốt các hương liệu thơm. Chữ nước hoa trong tiếng Anh là “perfume”, có gốc từ tiếng Latin “per fumus” nghĩa là “bằng khói”. Người Ai Cập đã dùng nhựa thơm của cây để đốt trong các nghi lễ từ 3.000 năm trước Công nguyên. Nhưng trước đó 500 năm, người Trung Quốc cổ đã biết chiết xuất hương liệu. 

Những hương liệu đắt đỏ được nhắc đến vài lần trong Kinh Thánh. Theo Kinh Cựu Ước, phần Nhã Ca Solomon (Songs of Solomon), trong bài hát ca ngợi vẻ đẹp của tân nương có câu: “Ta sẽ đi lên núi mộc dược, đi đến đồi nhũ hương” và “Em ngan ngát hương thơm, hơn muôn loài phương thảo”.

 

 Mộc dược

Mộc dược (myrrh) và nhũ hương (frankincense) đều là hai hương liệu quý vẫn được sử dụng đến ngày nay. Hai món hương liệu này còn xuất hiện lần nữa trong Kinh Tân Ước, khi Ba Vua mang đến ba món quà tặng cho Chúa Hài Đồng gồm: vàng, mộc dược, nhũ hương. 
Nhũ hương còn được dùng để cuốn thân thể của Chúa khi Chúa được hạ khỏi thập giá. Người xưa hay người nay đều hiểu: mùi thơm là một trong những yếu tố của sang trọng.

Thế kỷ 17 đánh dấu sự phát triển chưa từng có của ngành nước hoa, nhất là thời vua Louis XIV. Các ông bà quý tộc thời đó tin rằng việc tắm táp thường xuyên sẽ dễ khiến họ bị bệnh, thành ra họ cần sử dụng hương thơm để át đi mùi cơ thể ít tắm.

 
Nhưng “Hun khói thơm” thôi không tác dụng. Thứ nước hoa sơ khai là hỗn hợp tinh dầu các loại hoa, thảo mộc và hương liệu để tạo thành loại nước thơm có thể dùng để ngâm quần áo, rửa tay, thấm vào khăn trải bàn. Nhưng đây vẫn chưa phải là loại nước hoa ngày nay.

Phải đến thế kỷ 19, khi dung môi cồn phổ biến rộng rãi và từng nhà nước hoa có những kết hợp táo bạo giữa tinh dầu tự nhiên và hợp chất nhân tạo thì nước hoa hiện đại mới ra đời. 

Năm 1989, nhà nước hoa Guerlain tạo ra một sự đột phá khi ra mắt một mùi hương pha trộn giữa hương hoa dễ chịu và mùi ngai ngái của da động vật, khiến người dùng bị sốc lúc đầu nhưng càng ngửi thì càng nghiện.

Năm 1910, nhà Coty hợp tác với một nhà thiết kế nữ trang cho ra lọ nước hoa có hình bông hoa huệ chúm chím, trên có đúc hình một cô gái Hi Lạp cực kỳ tinh xảo - lọ nước hoa trở thành một vật trang trí đắt tiền thay vì chỉ là đồ đựng.

Chai nước hoa danh tiếng của nhà Coty năm 1910. Ảnh: Heritage Auctions

Đến năm 1921, nhà Chanel ra mắt nước hoa Chanel No.5, sử dụng hợp chất aldehyde kết hợp vô số hương hoa, tạo ra một mùi nước hoa phức tạp không giống với bất cứ thứ gì trong tự nhiên, một bông hoa tổng hợp của mọi loại hoa và sạch tinh tươm như làn da vừa tắm xong.

 Nhưng Chanel No.5 chỉ trở thành huyền thoại, khi Marilyn Monroe nói đầy khiêu khích: “Tôi mặc gì đi ngủ à? Tôi chẳng mặc gì cả ngoài Chanel No.5”.

 

 Marilyn Monroe và chai Chanel No.5 nổi tiếng. Ảnh: Harpersbazaar

Không chỉ có nước và có hoa

Nước hoa ngày nay có thành phần chính là hỗn hợp tinh dầu, absolute trong dung môi cồn. Tinh dầu nước hoa có thể được chiết xuất từ thiên nhiên hoặc được điều chế trong phòng thí nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau như chưng cất, ép lạnh, dùng dung môi để chiết xuất hoặc ướp hoa. Thêm vào đó là một số hương liệu, tùy nhà.

Một số loại hương liệu tự nhiên quý hiếm đã bị cấm khai thác và được thay thế bằng hương liệu nhân tạo. Ví dụ điển hình là xạ hương. Xạ hương tự nhiên trong nước hoa được lấy từ… tuyến nội tiết của hươu đực. 

Xạ hương trong tiếng Anh là “musk”, dựa theo tiếng Phạn “muṣká”, có nghĩa là “hòn dái”. Việc khai thác quá mức đã đe dọa sự tồn tại của loài hươu xạ, hiện việc săn chúng đã bị cấm hoặc hạn chế tối đa tùy từng quốc gia.

Phòng thí nghiệm với các công thức bí mật và các chất nhân tạo đã làm nên thế giới nước hoa hiện đại: đa dạng, độc đáo, ai cũng có thể tiếp cận. Nhưng cuộc đua không chỉ ở “tốt gỗ” mà còn phải ở cả “tốt nước sơn” và thế giới của các chuyên gia thiết kế lọ nước hoa mở ra. 

Một số lọ đựng nước hoa đắt tiền là do các nghệ nhân nổi danh chế tác; giá trị chai có khi còn lớn hơn cả giá trị nước hoa, ví dụ lọ Shumukh, ra mắt năm 2019, được các nghệ nhân Ý, Pháp, Thụy Sĩ chế tác suốt 3 năm, gắn hơn 3.000 viên đá quý, trị giá tới 30 tỉ đồng. Mùi gì thì chưa biết nhưng người mua có lẽ sẽ mua chỉ để ngắm lọ.

 

Nước hoa

Cái gì xa xỉ thì hay đòi hỏi. Nước hoa lại là thứ không màu sắc hay hình dạng nên đòi hỏi phải có một “danh xưng” thật đáng nhớ để bù đắp. Có nước rồi, có lọ rồi, các nhà nước hoa còn phải suy nghĩ đau đầu trong việc đặt tên cho các lọ nước hoa của mình. Một cái tên hay sẽ giúp khơi gợi cảm xúc, kích thích trí tưởng tượng và tốn nhiều giấy mực để kẻ khác bàn luận. 
Nhà Kilian có nước hoa Good Girl Gone Bad - “Gái Ngoan Hóa Hư” với hương huệ và trái cây ngọt ngào, chủ đề là sự táo bạo, hư hỏng đầy quyến rũ. Đang chuẩn bị đi chơi mà lại nghe người yêu nói: “Đợi em xức ít Gái Ngoan Hóa Hư đã” thì làm sao có thể bình thản được. Đến giờ, chai nước hoa này vẫn là top bán chạy của nhà Kilian, đủ thấy nhiều người muốn “hư” thế nào.
 

Chai Gái ngoan gái hư của nhà Killian

Dùng mùi hương như dùng vũ khí

Ngày nay, vị thế của nước hoa là vị thế của một thứ vũ khí vô hình, có sức quyến rũ không thể chối từ. Vấn đề với nước hoa cũng là với vũ khí: dùng thế nào. Đây là điều mà rất nhiều phụ nữ không nắm rõ.

Theo một nghiên cứu của Chemical Senses trên tuần báo Oxford thuộc Đại học Oxford, mùi hương có khả năng mang đến những cảm xúc khác nhau, nên khi dùng nước hoa cũng nên lường trước bối cảnh mà mình sắp bước vào. 

Thu thập dữ liệu của tình nguyện viên vào năm 2005 chỉ ra mùi vani sẽ khiến người ngửi thấy hấp dẫn và kích thích hơn, trong khi mùi quýt lại giúp họ thư giãn nhiều hơn. 

Tận dụng điều này, các nhà nước hoa đã tạo ra những mùi hương phù hợp với mỗi khung cảnh và sự kiện (đám cưới sẽ khác lễ tưởng niệm… ). Riêng với những mùi hương tạo sự quyến rũ thì sẽ ít nhiều có mùi hoa huệ, xạ hương hay vani.

Sai lầm lớn nhất khi dùng nước hoa là khi người sử dụng chưa hiểu rõ bản thân mình. Nước hoa trong tiếng Anh là để “mặc” (wear). Mà mặc một thứ mình không phù hợp hay không yêu thích sẽ chẳng giúp gia tăng sự quyến rũ lẫn tăng ấn tượng về bản thân. Cơ thể mỗi người khi kết hợp với nước hoa có thể tạo thành một mùi hương riêng biệt, khác với mùi gốc trong lọ và giữa người này khác với người kia.

Điều này thể hiện rõ nhất qua mùi Molecule 01 của hãng Escentric Molecules với một chất tạo hương duy nhất là Iso E Super

 

 

Với mỗi người, chất này sẽ kết hợp cùng hệ sinh thái trên da và tạo ra mùi hương khác nhau, có người ra mùi gỗ, có người lại chẳng ra mùi gì cả. Bởi thế mới có chuyện người ta xịt thì thơm mà mình xịt thì… 
Cũng như vũ khí, nước hoa chỉ hữu dụng khi ta biết dùng nó đúng cách. Không phải lúc nào dùng nước hoa cũng là lựa chọn tốt. Tiêu biểu như việc mùi cơ thể quá nặng kết hợp với nước hoa sẽ tạo thành một hỗn hợp mùi rất khó ngửi.

Cuối cùng, cái gì dùng nhiều cũng không tốt, nước hoa lại càng vậy. Xịt nước hoa quá tay sẽ khiến mùi hương trở nên quá nồng, đặc biệt trong môi trường kín, có thể khiến người xung quanh khó chịu. 

Trong một cuộc thảo luận về mùi hương bị ghét nhất trên trang Fragrantica, mùi La Vie Est Belle của hãng Lancôme được nhắc đến khá nhiều, lý do thông dụng nhất là vì mùi quá đậm, át hết mọi thứ và người ta cứ phải ngửi thấy ở khắp mọi nơi đến phát ngán. 

 

 Chai La Vie Est Belle. -Ảnh: lancome.com.au

Nhưng đây là một chai nước hoa bán rất chạy, ở Việt Nam luôn lọt top 10 tìm kiếm (theo số liệu của trang perfumista.vn), và có lẽ đó là lý do khiến ở đâu người ta cũng ngửi thấy nó chăng? ■

Có người thích dùng nước hoa kiểu chung thủy, có người lại thích dùng kiểu pha trộn hoặc mỗi ngày mỗi khác. Phái chung thủy lập luận vì con người có thể ghi nhớ mùi hương cho nên mới có thuật ngữ ký ức khứu giác (olfactory memory). Mà đã nhớ mùi thì cũng sẽ nhung nhớ cả mùi nước hoa. 

 

 

Chuyện kể rằng khi bị hoàng đế Napoleon bỏ rơi, hoàng hậu Josephine đã đổ cả một lọ nước hoa mùi violet của mình vào phòng để mùi hương của nàng mãi nằm lại đó cho người ta không sao quên được. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà hoàng hậu kế nhiệm là Marie Louise cũng dùng chính hương thơm này. 
Rồi cũng chẳng biết có phải do mùi nước hoa ấy không mà khi Josephine mất, Nepoleon đã cho phủ hoa violet lên mộ bà.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận