Olympic Tokyo 2020: Bữa tiệc công nghệ không trọn vẹn

HUY ĐĂNG 01/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Xe hơi bay, robot phục vụ, ứng dụng theo dõi dịch bệnh, công nghệ nhận diện khuôn mặt chuẩn xác từng milimet... là những “đồ chơi công nghệ” mà nước Nhật hứa hẹn trình diễn ở Olympic Tokyo 2020.

Trước thềm Olympic Tokyo 2020, báo Bloomberg nhận định kỳ Olympic này sẽ là sự kiện mà giới khoa học công nghệ Nhật Bản tận dụng tối đa để lấy lại uy thế trước láng giềng Hàn Quốc. 

“Một sự sỉ nhục, khi đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc với Tập đoàn Samsung đang qua mặt Nhật Bản ngày càng xa trong lĩnh vực sản xuất điện thoại và chip thẻ nhớ” - Bloomberg bình luận.

Cảnh tượng hoành tráng khi các máy bay không người lái tạo thành quả địa cầu khổng lồ trong lễ khai mạc. Ảnh: DroneDJ

 

Ngành công nghệ tự động hóa

“Tái hiện thành công của Olympic Tokyo 1964” trở thành khẩu hiệu của người Nhật trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Họ không nói về thể thao, mà là về công nghệ. 

“Lần gần nhất Tokyo đăng cai một kỳ Olympic, vào năm 1964, họ cho ra mắt đoàn tàu cao tốc đạt tốc độ 210km/h. Đó là báo hiệu cho buổi bình minh của kỷ nguyên công nghệ cao ở Nhật” - Bloomberg nhắc lại.

Vậy hướng đến Olympic Tokyo 2020, nước Nhật có gì? Câu trả lời là ngành công nghệ tự động hóa. Suốt 2 năm qua, ban tổ chức Tokyo đã nhiều lần “nhấn nhá” khía cạnh này khi phủ sóng hình ảnh 2 linh vật Miraitowa và Someity khắp các kênh truyền thông. 

Bộ đôi linh vật hoạt hình này không xuất hiện dưới dạng những bộ đồ nhồi bông quen thuộc, mà là những chú robot hẳn hòi.

Miraitowa - Someity khổng lồ đi bắt tay, vui đùa với trẻ em ở các trung tâm thương mại, còn phiên bản nhỏ hơn được giao nhiệm vụ hỗ trợ du khách như chỉ đường, mang hành lý, cung cấp thông tin sự kiện... 

Các chú robot này còn tham gia phục vụ một số môn thể thao quăng ném dụng cụ như ném lao hay ném tạ. Có khoảng 10 loại robot khác nhau đã được lên kế hoạch sử dụng ở Olympic Tokyo.

Tiếc cho xe hơi bay

Nhưng ảnh hưởng của đại dịch đã khiến bữa tiệc công nghệ mà người Nhật hứa hẹn không được trọn vẹn. Robot đã sẵn sàng hỗ trợ du khách nước ngoài, nhưng rốt cuộc lại không có du khách nước ngoài nào cả. 

Phạm vi hoạt động của những chú robot này vì thế thu hẹp lại trong làng Olympic và các sân thi đấu.

Một công nghệ khác hứa hẹn sẽ trình làng tại Olympic Tokyo cũng đã không được triển khai là xe hơi bay. Dự án có tên SkyDrive của hãng xe hơi số 1 thế giới Toyota dự tính chuyên chở các đối tượng đặc biệt trong các sự kiện ở Olympic Tokyo 2020, thậm chí là tham gia thắp đuốc Olympic trong lễ khai mạc. 

Nhưng vì đại dịch, ban tổ chức phải cắt giảm chi phí và một số hoạt động không cần thiết, bao gồm SkyDrive. Thay vào đó, Tokyo giới thiệu loại xe không người lái, cũng do Toyota hậu thuẫn.

Loại xe e-Palette này có nhiệm vụ đưa đón VĐV và quan chức giữa làng Olympic và các địa điểm thi đấu. Lần đầu tiên ra mắt năm 2018, e-Palette được thiết kế với ý đồ thiết lập tiêu chuẩn cho các ứng dụng đặt xe và giao nhận trong tương lai gần. 

Mỗi chiếc có thể chở tối đa 20 người hoặc 4 người ngồi trên xe lăn và được cung cấp năng lượng bằng các bộ pin ion lithium có thể sạc nhiều lần. Phạm vi hoạt động của xe cho mỗi lần sạc là khoảng 150km. 

Toyota là một trong những nhà tài trợ chính của Olympic Tokyo, sử dụng khoảng 3.700 phương tiện để vận chuyển VĐV, 90% trong số đó chạy bằng điện.

Một công nghệ mới khác cũng lỡ hẹn ở Olympic Tokyo là phần mềm theo dõi nhằm hạn chế sự lây lan bệnh dịch. 

Ban tổ chức đã đặt hàng một công ty xây dựng phần mềm này với giá 67 triệu USD, nhưng giờ phạm vi sử dụng của nó chỉ còn gói gọn trong vài chục nghìn VĐV, HLV, nhân viên ban tổ chức... thay vì cho cả xã hội.

Vẫn là một kỳ Olympic văn minh hiện đại

Phải tinh giản nhiều thứ vì đại dịch, Olympic Tokyo 2020 vẫn mở màn ấn tượng với bữa tiệc công nghệ đặc sắc. Trong lễ khai mạc, người hâm mộ đã được dịp trầm trồ với hình ảnh quả địa cầu ánh sáng khổng lồ liên tục chuyển động và lơ lửng trên bầu trời sân vận động quốc gia Nhật Bản. 

Quả địa cầu này được tạo thành bởi 1.824 máy bay không người lái - đặc sản của Tập đoàn công nghệ Intel. Những chiếc máy bay này không chỉ biểu diễn ở lễ khai mạc, chúng sẽ còn làm nhiều công việc khác trong suốt giải đấu, như giám sát an ninh.

Một số sự kiện đặc biệt ở Olympic Tokyo 2020 cũng được phát sóng với độ phân giải 8k, lần đầu tiên ở một kỳ Olympic. Những sự kiện còn lại cũng được phát sóng với độ phân giải 4k.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt là một điểm nhấn khác ở Olympic Tokyo 2020. Đây không phải là điều mới, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, Tập đoàn NEC giới thiệu một phần mềm nâng cấp đủ sức nhận diện chuẩn 99,9% khuôn mặt từng người kể cả khi... đeo khẩu trang và toàn bộ quá trình nhận diện chỉ mất đúng 1 giây.

Cuối cùng, tất cả những công nghệ ấn tượng này ở Olympic Tokyo 2020 đều xoay quanh một tôn chỉ: sử dụng năng lượng sạch. 

E-Palette hay máy bay không người lái đều chạy điện. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã đặt mục tiêu sử dụng 100% điện tái tạo tại các địa điểm tổ chức Olympic. Khoảng 30 - 35% lượng điện này sẽ đến trực tiếp từ các nguồn xanh, chủ yếu là năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học.

Bữa tiệc Olympic Tokyo 2020 có thể chưa trọn vẹn, nhưng nước Nhật đã tiếp tục cho cả thế giới thấy thế nào là một sự kiện đỉnh cao.

Cuộc chiến bảo mật

Có những thứ không thể trình làng được nhưng lại không kém phần quan trọng, như công nghệ bảo mật. 

Ban tổ chức các kỳ Olympic phải lưu trữ thông tin cá nhân của mấy chục ngàn người, sức ép bảo mật thông tin là rất lớn. Trong quá khứ, Olympic luôn là đối tượng tấn công của tin tặc.

Ở Olympic mùa đông 2018, phần mềm độc hại “kẻ hủy diệt Olympic” từng gây trục trặc hệ thống bán vé. Còn ở Rio de Janeiro 2016, các điểm truy cập WiFi giả đã lén truy cập thông tin cá nhân của khán giả. 

Cũng ở Brazil 5 năm trước, dữ liệu y tế của VĐV từng bị rò rỉ khiến Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) một phen điêu đứng. WADA cho rằng họ bị một nhóm hacker Nga tấn công và đó là hành vi trả đũa sau khi Nga bị WADA phanh phui các vụ bê bối doping. 

Ở Olympic Tokyo 2020, ban tổ chức tự tin rằng tin tặc “không thể chiến thắng hệ thống bảo mật hiện tại”. Đơn vị chịu trách nhiệm là Trung tâm Sẵn sàng cho sự cố và chiến lược an ninh mạng quốc gia Nhật Bản (NISC).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận