Sánh vai về chốn thư hiên

LÊ MINH NGUYỄN (BỈ) 01/06/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Đọc tin lướt sóng trong thời kỹ thuật số là chuyện thường, nhưng đọc sách để giải trí có khi lại được xem là thú vui…“tội lỗi”, nhất là với những người bận rộn, may ra chỉ có thể đọc sách vào kỳ nghỉ. Các khách sạn không bỏ lỡ cơ hội sử dụng thư viện như một phần của hoạt động tiếp thị, nhưng không phải khách sạn nào cũng thành công với thư viện.

Thư viện khách sạn The St. Régis New York

 

Hồi nhỏ đọc Françoise Sagan, thấy bà từng nói khi gặp ai lần đầu bà đều muốn hỏi: “Bạn có đang yêu không? Bạn đang đọc gì vậy?”. Riêng tôi, khi trò chuyện với ai lần đầu cũng muốn hỏi như bà, nhưng chỉ (dám) hỏi câu thứ hai, không thắc mắc câu thứ nhất.

Cứ tưởng quan niệm về đời sống tinh thần, về sách và những thú vui thanh nhã đã biến mất. Chừng như thư viện giờ chỉ tồn tại phần lớn ở các khách sạn của những vùng “văn hóa cũ kỹ”, có phần nệ cổ, nhắm vào tầng lớp khách trọ lâu dài trong thời thái bình. 

Tôi thường phải tới lui rất nhiều các khách sạn ở mọi nẻo, mọi châu lục… và ngạc nhiên thay, vẫn thấy thư viện ở các chốn lưu trú, thậm chí ở những nơi “tấc đất tấc vàng”, âm thầm tiếp tục tồn tại và giữ nguyên nét đẹp của sách.

Thư viện khách sạn: chẳng ai giống ai

Khi kết nối online trở nên cần thiết như hơi thở, việc đọc sách ở dạng vật lý của chúng ta ngày càng trở thành một thứ xa xỉ. 

Tương tác với một cuốn sách giấy trong sự tĩnh lặng, chẳng phải thực sự là một phần rất giàu cảm xúc trong toàn bộ trải nghiệm đọc đấy sao? Các khách sạn sang trọng ngày nay thật sự cần khái niệm đấy cho khách hàng…

Nhưng không thể hiểu đơn giản thư viện chỉ là tủ sách, mà là sách loại gì, đối tượng khách hàng của khách sạn đó là ai. Thế nên chẳng thư viện nào giống thư viện nào.

Có một công ty tên Ultimate Library chuyên về chọn lọc sách, truyền cảm hứng và xây dựng thư viện cho các khách sạn cao cấp trên khắp thế giới. Ultimate Library do Philip Blackwell thành lập từ niềm đam mê văn học cũng như tình yêu suốt đời đối với sách và du lịch của ông.

Ultimate Library tìm nguồn sách từ khắp nơi trên thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiểu thuyết đương đại đến các ấn bản hiếm, có minh họa, trải dài trong tất cả các giai đoạn lịch sử... 

“Chúng tôi chọn sách và xây dựng một thư viện để sách vở như thể đã được lần hồi vun đắp theo thời gian, với sự phong phú về thể loại, nội dung, vẻ đẹp tinh thần… chứ không phải từ đơn đặt sách online bằng một cú nhấp chuột vèo một phát!”, Philip giải thích.

Đã qua rồi cái thời mà thư viện khách sạn được tạo nên từ những cuốn sách khách bỏ lại; du khách sành điệu ngày nay yêu cầu một lựa chọn thông minh và chuyên môn hóa hơn.

 “Đo ni đóng giày” thư viện cho phù hợp từng khách sạn là một phần quan trọng trong dịch vụ của Ultimate Library và ngày càng trở nên thiết yếu hơn trong việc hợp tác chặt chẽ với khách sạn và các nhà thiết kế nội thất, để kiến tạo thư viện với tính chất phù hợp nhất với thương hiệu.

Như tại Six Senses Laamu ở quần đảo Maldives, Ultimate Library nhấn mạnh thông điệp sinh thái của khách sạn thông qua những ấn phẩm về môi trường, như cuốn An Inconvenient Truth (Một sự thật bất tiện) của cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore…

Library Book And Bed Tokyo, Tokyo

 

Những tên tuổi cũng nòi thư hương

Các khách sạn cao cấp thứ thiệt không chỉ là nơi cung cấp những trải nghiệm sang trọng, mà còn phải mang tính cá nhân hóa và chơn thực - authenticity, những yếu tố mà một thư viện có thể mang lại để bù đắp cho đời sống “số hóa” hiện đại ngày nay.

Ngoài ra, sách tạo nên linh hồn cho mọi nơi chốn, đặc biệt là cho các khách sạn, như Philip nói: “Intelligent luxury”. Xin điểm qua một vài tên tuổi được xem là những thư viện huyền thoại trong ngành khách sạn:

- Gladstone’s Library, Vương quốc Anh: Bản thân khách sạn là một thư viện, một khách sạn độc nhất vô song, núp mình trong một thư viện giữa khung cảnh hùng vĩ rộng lớn của Xứ Wales.

Chỉ có 26 phòng trong một tòa nhà từ thế kỷ 19, được thành lập bởi cựu thủ tướng cùng tên, thư viện khách sạn Gladstone lưu trữ hơn 250.000 tác phẩm, là nơi chốn tuyệt vời để được sống giữa thiên kinh vạn quyển.

- Book And Bed Tokyo, Tokyo: Tsundoku là thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ hành động mua một cuốn sách về để đấy, không bao giờ đọc. Rất may, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một cuốn sách nào bị bỏ quên tại khách sạn dành cho dân đi du lịch bụi này ở quận Ikebukuro, Tokyo. 

Khách có thể đọc trên giường - được thiết kế rất độc đáo như một ngăn trên giá sách; bạn có thể đọc chán chê cho đến khi tìm thấy đường vào “vùng đất gật gù”. Thư viện cung cấp rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, bao gồm cả một bộ sưu tập Manga hoành tráng.

- The Library, Koh Samui: Nếu ước mơ đi nghỉ là có thể dành thời gian đọc sách, thì qua ngay láng giềng Thái Lan thôi. Nằm trên bãi biển đảo Koh Samui, khách sạn The Library có hơn 1.400 cuốn, là thú vui cũ kỹ để thay thế cho những thứ gây xao nhãng của đời sống ngày nay. 

Thiết kế theo phong cách tối giản hiện đại, chỉ 46 phòng, The Library không phải là một khu phức hợp khách sạn với các tiện ích thừa thãi mà được tiết chế tối đa, tập trung vào ý tưởng sách vở.

Phòng chia thành hai loại: Pages (trang) và Chapters (chương), với cảm hứng kiến trúc từ sách, mang các tên: The Bookmark, The Writer, The Editor…

- The St. Régis, New York: Khi John Jacob Astor IV mở cửa The St. Regis New York cho khách vào năm 1904, chắc chắn không có cái gọi là Netflix! 

Sách ở thư viện khách sạn St. Régis New York được số hoá

 

Vì vậy, để giải trí cho những vị khách ưu tú, Astor đã cấp cho họ quyền truy cập vào thư viện lớn của ông nằm trên tầng hai của khách sạn với hơn 3.000 đầu sách được đặt từ nhà xuất bản đình đám Scribner & Sons.

Thư viện của The St. Regis New York đã được chuyên gia về sách hiếm Virginia Bartow của Thư viện Công cộng New York xem xét và phê chuẩn, ngày nay có sẵn cho khách ở dạng kỹ thuật số. 

Không kỳ vĩ như một chuyến viếng thăm thư viện ở tầng hai nhưng tiện lợi và nhanh chóng hơn, với một chiếc kindle bọc da được tải đầy đủ những tác phẩm nổi tiếng nhất của thư viện, từ Oliver Twist đến Alice ở xứ sở thần tiên, từ Jane Austen, Charles Dickens, Rudyard Kipling đến Mark Twain, Edgar Poe...

Nhà ta quý gỗ hơn… chữ

Xin lỗi nhà thơ Nguyễn Bính đã “nhại” câu thơ của ông “Nhà ta quý chữ hơn vàng” để nói về thư viện của một khách sạn trong nước.

 Bước chân vào tiền sảnh, thật sự ấn tượng là một bức tường ốp gỗ, làm thành một kệ sách cao chót vót từ sàn đến trần, chạy suốt bức tường chính. Các vật dụng trang trí được dụng công chọn lựa, có nét tao nhã của một thư viện xưa, từ tranh nghệ thuật đen trắng đến đồ gỗ mang hơi hướm vintage…

Rất tiếc, có lẽ “thư viện” ở đây chỉ đóng vai một trong các yếu tố trang trí nội thất, tô điểm cho quầy lễ tân. Nội dung “thư viện”, dù với cả trăm đầu sách - có lẽ cũng chỉ được sắm vội vã, sơ sài, thiếu hẳn sự tinh tế của một thủ thư yêu sách. Linh hồn của sách và thư viện ở đây chỉ được gói gọn đến thế! Kỳ vọng nhiều, thất vọng lắm!

Một lần khác, ghé Sài Gòn bị lỡ độ đường, phải tìm nơi cư ngụ qua đêm gần phi trường, tôi lạc đến một khách sạn nhỏ có tên rất đáng yêu cũng liên quan đến sách. Lại cũng rất tiếc, chẳng có lấy bóng dáng một quyển sách nào ở đây!

Khách sạn The Library Koh Samui

 

Du khách tìm chốn thư hiên

Rất nhiều khi, nơi đẹp nhất, quyến rũ nhất của một chốn lưu trú không phải là một phòng suite lộng lẫy rộng thênh thang, một quầy bar hay nhà hàng xa hoa với đủ đồ ăn thức uống tinh tế kỳ lạ, mà là thư viện, nơi những tay cuồng sách có thể cuộn mình trong thế giới sách cũ kỹ và chìm đắm vào chốn duy nhất trên thế gian mà hai người lạ có thể gặp nhau trong tình thân tuyệt đối, nơi người đọc và người viết cùng nhau tạo quyển sách. 

Không nghệ thuật nào khác có thể làm được như vậy. Không nghệ thuật nào khác có thể nắm bắt bản chất cốt yếu của đời sống loài người như văn học…Chả thế mà từ “bibliophile” (người mê sách, tay sành sách) có niên đại ra đời được ghi chép hẳn hoi, từ năm 1824.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà thi hào Nguyễn Du đã để cặp tình nhân Kim Trọng - Thúy Kiều, thuở đầu hẹn hò, mơ tưởng thư hiên là nơi “một cõi đi về”, không chỉ để xướng họa thơ văn mà còn nói chuyện vu vơ, trăm năm đầu bạc.

“Sánh vai về chốn thư hiên

Góp lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông”

Thuở nhỏ tôi mơ làm thủ thư vì yêu quý sự yên bình và tĩnh lặng tuyệt đối đến mùi đặc biệt của giấy lâu năm và gỗ đánh verni; thư viện đối với tôi luôn là chốn thần tiên… 

Khi lớn lại dấn thân vào nghề nghiệp phải lưu lạc khắp chốn, tất nhiên, các thư viện truyền thống như trong tuổi thơ của tôi không có giường - không thể ngủ lại, nhưng để bù đắp, nhiều khách sạn tôi trải qua lại có sách. 

Đôi lúc tẩn mẩn ngồi đọc lại dăm ba quyển sách cũ ở một chốn tĩnh lặng, đơn sơ như những thư viện của ngày xưa như tìm lại chút niềm vui… Tiếc thay, tôi lại tìm thấy niềm vui thơ ấu của mình ở thư viện khách sạn nơi xứ người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận