Sau một cái chết

TTCT - Sáu giờ, thợ hồ trên chiếc Dream tàu đến chỗ làm, ngang qua nghĩa trang Lạc Thái. Cái gì tụ tập đông vậy kìa? Một chiếc - cũng Dream - ngã ngang bên đường. Chắc tai nạn. Nhưng không phải.

Phóng to
Minh họa: Trương Tiến Trà

Già Đen đứng kế chiếc xe, dưới chân là con chó tầm trên chục ký đã ngủm củ tỏi. Không cần hỏi, vì từ trong nghĩa trang cả tốp chục thằng thanh niên lôi ra một gã. Bốn Đen kêu lên:

- Đập chết mẹ nó cho tao, đồ cái thứ ăn trộm.

À, thì ra mấy thằng chuyên trộm chó. Nhà nào có chó là nơm nớp lo. Trong xóm nhà thờ, chả có ai chưa từng chửi bọn khốn, thề rằng tao mà bắt được là tụi bây đi pháp. Hôm nay thằng này chắc no đòn.

- Hai thằng lận mà - Bốn Đen hỏi - Còn thằng nữa đâu?

- Nó chạy nhanh quá, bọn tui theo không kịp.

- Chạy lên trời, cứ thoi thằng này buộc nó khai thằng kia ra.

Thợ hồ kêu:

- Thôi đi chú Đen, nó có tội giao cho chính quyền xử lý, đánh người là vi phạm pháp luật à.

- Dẹp. Hôm trước nhà tao bị trộm đường dây điện, đưa lên xã bữa trước, bữa sau đã thấy bọn khốn nhơn nhơn ngoài đường. Thôi, đập chết mẹ nó cho tao Đỏ. Có gì tao chịu cho.

Đỏ là con trai già Đen. Nó phang một cú đấm vô ngay mặt trộm chó. Khỏi né, trộm đã bị hai thằng khóa chặt tay sau lưng. Một thằng khác phang cho cú đá, trước mặt sau lưng toàn dân đánh hôi. Nguy tai, cứ mỗi đứa một đấm có mà vong mạng. Thợ hồ kêu:

- Ông Đen... nó chết là nguy à.

- Cho nó chết. Còn mày nữa, không việc gì đến mày. Mày đâu có bị mất mà tức...

- Đập thấy bà ông luôn bây giờ - Đỏ kêu lên - Biến.

Thợ hồ lắc đầu. Thôi vọt cho rồi. Mà cũng không mắc gì mình...

Chiều, thợ hồ về. Bà xã kể hồi sáng có một thằng bị chết ở nghĩa trang Lạc Thái. Sao chết? - thợ hồ hỏi.

Bà xã nói ai mà biết, chắc mấy thằng mới sáng uống ba cái cồn pha nước lạnh vô đứt gân máu chết. Nó nằm bên chiếc đờ-rim. Mười giờ mới thấy gia đình. Có cả công an đến, rồi mang xác đi. Ông cũng uống vừa thôi, không dám tin vô ba cái rượu nữa. Nghĩ đi, chục ký gạo ra mười lít rượu, gạo mười ngàn một ký, mười lít lời năm chục chưa kể công cán lửa củi. Chỉ có điên mới không pha cồn... Làm cái gì mà thần mặt ra vậy, bộ sợ tui không mua rượu cho ông hả. Thắm ơi, mang chai rượu cho ba nè...

Thợ hồ vừa nhâm nhi, vừa nghĩ đến vụ trộm chó. Biết ngay mà. Trên một chục thằng đánh một bị thúc ké... Vụ này lớn đa. Chết người không là chuyện chơi.

Nhưng... không chơi cũng hóa chơi. Vụ này công an cũng bó tay chịu phép. Không phải sao? Cái xác nằm đó, thập phương qua lại, chỉ trỏ, xem một tí rồi đi. Công an hỏi, ai cũng:

- Tui không biết, mới đi ngang có biết gì đâu.

Chẳng ai biết vụ này. Nếu có thì làm sao? Có ai đứng ra chứng chiếc gì không? Rách việc. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ... Thợ hồ ám ảnh suốt cả tuần. Đi ngang nhà Bốn Đen, định hỏi vài câu, nhưng Đen thoáng thấy thợ là lẩn mất. Thấy chưa? - thợ nhủ thầm - Nói không nghe, bây giờ là sốt vó, ba vụ chết người nghe nói hồ sơ không bao giờ khép. Pháp y họ biết liền. Bây giờ thì chưa nhưng sẽ có một ngày. Hãy đợi đấy.

Nhưng thằng em của người chết không đợi được. Nó bỏ ngang chuyện học hành. Đang chuẩn bị ôn thi đại học thì sự cố xảy ra. Thằng anh nhường cho em trai và em gái đi đến cái đích của học vấn. Bà mẹ nữa, ôm xác con mà khóc mướt. Con ơi con hỡi, trộm cắp làm chi để chết tức tưởi như vầy... chắc đau lắm hả con? Thiên hạ ơi... sao mà các người độc ác... Cha của người chết hết đứng lên lại ngồi xuống bên cái xác lạnh giá. Chân cẳng khập khiễng. Xi cà que, tội nghiệp gì đâu.

Em thằng chết suy nghĩ chỉ có rượu là bí mật phun ra. Thằng đồng bọn của anh nó tuy không nhận ra ai là ai, nhưng chắc chắn là anh nó đã bị dân Lạc Thái cho lên thiên đường:

- Thực ra không phải lỗi của tao - trộm chó còn sống nói - Anh mày nói gần đến sinh nhật em gái mà không có quà nên xin theo...

Thằng em ghé quán Mộc Tồn làm cái lẩu cầy. Chiều thứ bảy, thợ hồ ghé ngang. Làm sương sương cái coi, mai chủ nhật tha hồ ngủ:

- Ê - chủ quán hỏi - Bữa nay thầu không cho nhậu à?

- Có nhưng ngửi mùi là biết rượu pha cồn, tới đây cho chắc.

- Vậy... rượu quán tao đảm bảo chất lượng.

- Biết rồi.

- Làm chai ba xị đi tao với mày cưa đôi. Nè chú nhỏ - chủ quán gọi em thằng chết - Qua đây chơi với bọn tao. Thất tình hay sao mà uống một mình mậy?

Nhập cuộc liền. Mày ở đâu? Học lớp mấy rồi? Thấy mày nhâm nhi ba sợi mà tao đau cho thời thế. Tương lai đất nước nằm trong tay bọn bây mà dính vô rượu là sao?... Ê, vụ chết hôm bữa chắc chìm xuồng quá, tội nghiệp cái thằng chết quá chừng... Mày biết vụ đó không?

Rượu vô là chả có gì giấu được:

- Sao không? Vụ đó hỏi tui nè. Bữa đó...

Em thằng chết lấy điện thoại ra bấm bấm. Nó ghi âm lại toàn bộ câu chuyện của thợ hồ. Trưa chủ nhật, liên lạc viên xã ghé nhà. Thợ hồ nhận giấy mời, nhíu mày. Vụ gì vậy kìa? Ủa, chớ ông làm cái gì mà công an mời? - vợ hỏi - Ai biết, biết chết liền. Thợ trả lời.

***

Bốn Đen lắp bắp trả lời khi công an xã hỏi:

- Sao thằng Đỏ không đến chú Bốn?

- Dạ... dạ... hồi hôm nó đi đâu đó không về.

Thợ hồ hoang mang, mình đâu có gì mà bị lôi lên vậy ta? Không hề nghĩ đến sự kiện xảy ra ở Mộc Tồn quán. Bữa đó say quá mà.

Công an huyện đưa mỗi người vào một phòng, lúc đầu thợ hồ còn “em đâu biết gì mà khai”. Sau, công an gài thẻ nhớ vô di động, nghe chính giọng mình kể đầu đuôi vụ trộm chó bị đánh... Công an yêu cầu viết tường thuật. Khổ. Thợ xong lớp hai là bỏ đi đá dế, chữ nghĩa quên sạch, tay cầm cuốc, sau đó chuyển qua cầm bay. Thôi thì công an hỏi sao anh trả lời vậy. Xong.

Thợ được về. Bốn Đen ở lại. Những kẻ tham gia vụ việc lần lượt về huyện. Cha mẹ ơi có cả thằng Cả, mới mười lăm tuổi cũng tham gia cú đá, nguy cho nó là thằng kia xỉu nó còn bồi thêm... Tổng cộng mười bốn nhân mạng được đưa đi trại tạm giam tỉnh. Yên vị đi, củng cố xong hồ sơ là ra hầu tòa.

Thợ hồ dài hơi thở. Bà cha nó ba giọt rượu, làm mất lòng cả mười mấy hộ trong cái xóm ba chục nóc gia. Chả thiết ăn uống, việc làm. Thầu khoán mắng vào mặt mày không làm tao kêu thằng khác à... Chán quá bà xã càu nhàu:

- Tui đã nói rồi, cứ tụm năm tụm ba. Ông thấy chưa? Nhiều chuyện làm chi... Bây giờ hễ tui mò ra chợ là thiên hạ nói tại ông này nọ...

Tại là tại làm sao? Nói ra một sự thật là có tội à? Mà thợ có hại chi ai, kể lại một chuyện mắt thấy tai nghe, đâu có ai ngờ thằng kia chơi trò gián điệp. Mà anh ruột nó bị chết, nó không truy cứu đâu phải con người... ừ thì thôi vậy, không tụ năm ba nữa, thợ tì tì một mình. Đời nghèo không rượu chán lắm.

Thợ vậy. Còn thân nhân những kẻ tham gia vụ chết người đôn đáo vái tứ phương. Kháo rằng tình hình Bốn Đen nguy nhất, ổng là đầu đảng vụ này, xúi con đánh nữa, nặng tội à... Thằng Cả mới thậm nguy, đã xỉu mà còn bồi... Lại chép miệng, học sinh giỏi lớp chín, vậy là xong phim. Mãi chín tháng sau, mười bốn hộ của xóm nhà thờ được mời đến tòa án nhân dân tỉnh để tham gia sơ thẩm vụ án.

***

Dân xóm bỏ công việc đi xem gần hết. Ở nhà còn lại ông già bà cả, con nít. Ai cũng trông người thân về kể cho tường vụ việc. Khởi hành lúc bảy giờ sáng, mãi bốn giờ chiều mới thấy ló mặt. Sao rồi kể nghe coi?

Thì xử rồi chớ sao. Già Đen bốn năm nhưng hưởng án treo. Thằng Đỏ cũng bốn nhưng giam. Ôi, thằng nào cũng giam hết. Nặng nhất bốn năm, nhẹ hai... Riêng thằng Cả, nhờ đang vị thành niên nên không thành án, nhưng bị đi giáo dưỡng hai năm.

- Thà xin tù một năm rồi về, giáo dưỡng hai năm là coi như bỏ học luôn.

- Thôi cha nội, giáo dưỡng không có án vẫn còn ngon. Tù về ba bữa trong lý lịch phết vô ba chữ có tiền án là xong phim luôn.

- Sao nữa?

- Thì vậy chớ sao?

- Trời đất, đi cả ngày có chừng đó thôi ha? Kể tỉ mỉ nghe coi?

- Ý ông là kể luôn mấy cái báo cáo đó hả? Ông nội ơi, mấy giả mang kiếng đọc nhanh như chớp, biết sao mà kể lại cho ông?

- Theo mày xử vậy nặng không?

- Ai biết nặng nhẹ, ông làm như tui là... Vậy là có chiếu cố rồi đó.

- Chiếu cố gì?

- Ông già của thằng chết xin với tòa án giảm nhẹ hình phạt cho những người tham gia đánh con ổng.

- Dzậy sao? Xin làm sao? Mới à... cặn kẽ tao nghe coi.

- Tui cũng chẳng biết kể lại làm sao... Đại khái là... Mà thôi, đợi báo đăng đưa ông coi cho chắc. Tui thấy phóng viên theo vụ này đông lắm. Sau khi xử xong thấy họ bu quanh ông xi cà que...

- Ai xi cà que?

- Cha thằng chết chớ ai. Lúc ông già đứng lên phát biểu, tui nghĩ ổng um lên chớ, vậy mà thừa nhận lỗi của con mình rồi xin giảm hình phạt. Tui bất ngờ luôn.

- Bất ngờ cái con khỉ. Chắc là mấy gia đình kia đã chung cho gia đình giả nhiều tiền để xin cho con cái họ được chút nào hay chút đó. Đại diện bên bị hại mà xin là hiệu quả lắm. Tao nói thiệt, mỗi đứa một năm giảm là nhờ giả. Giả xin là vì có tiền. Đúng hông?

- Ông lúc nào cũng tiền..

***

- Ê, thằng Lâm đang vừa đi vừa đọc kìa. Chắc có báo rồi. Lâm mang vô đây đọc với coi.

- Mua mà đọc.

- Thấy ghét, mẹ... tao cũng đi mua.

- Muộn rồi con. Tờ tao đang cầm là tờ cuối... Nói chơi thôi, đọc đi, đọc lớn lên cho mỗi người nghe một chút.

Rồi thì đọc. Tay phóng viên đã gộp hết ý chính của phiên tòa và lời xin của đại diện người bị hại. Người cha đã thừa nhận con mình có tội. Tuy không đáng chết nhưng đã chết bởi sự manh động của đám đông, và sở dĩ đám đông cuồng loạn vì họ từng là nạn nhân của tệ nạn trộm cắp. Đã hùa theo một cách vô ý thức. Kẻ thỏa mãn cơn giận dữ, người hôi vài cú đấm... Tại sao giận và tại sao làm đau đớn đồng loại của mình?

Người cha nói rằng ông và gia đình không hề muốn tố cáo ai đã giết con họ, nhưng họ muốn truy cứu cho bằng được người đã gây ra cái chết. Những người này chỉ là đầu của cái búa, kẻ cầm cái búa có thể là ông Bốn Đen, nhưng cái đầu điều khiển cái búa ở đâu? Nó ở đâu? Thưa quý tòa?

Nó do sự thiếu hiểu biết mà ra.

Những người này. Ngoại trừ Lừng Đình Cả đang học lớp chín, hầu hết họ sinh ra, lớn lên trong cơ cực. Trong quan niệm sống của họ và gia đình, học không làm no bụng. Sự thiếu học thức đã dẫn đến không có tri thức. Bước ra đời sớm, và nhiễu nhương của xã hội đã làm họ gần như vô cảm trước tất cả. Chỉ có một cái luôn hiện hữu trong tâm hồn là sự giận dữ, nó chực bột phát khi có dịp.

Không được sống trong môi trường giáo dục, gia đình đã vì miếng cơm manh áo mà đẩy con cái vào cuộc mưu sinh. Tuổi trẻ, thậm chí cả tuổi nhỏ, chỉ biết và được dạy rằng vật chất quyết định tất cả. Rất tự nhiên tâm hồn họ chai sạn.

Vậy họ có tội hay không khi không hiểu biết? Tôi xin quý tòa hãy xét mà giảm nhẹ hình phạt cho họ, để họ có cơ may làm lại đời.

Cái nguyên nhân mỗi bị cáo được giảm một năm tù là từ những lời xin này của ông già đại diện bị hại.

- Nghe thủng chưa, ông con? Ông còn nói vì tiền nữa không?

- Mày xạo... tao nói là phải có.

- Có và vì tiền là hoàn toàn khác nhau.

- Thôi yên đi cho tao nhờ cái coi. Một hồi là có chuyện bây giờ à.

***

Buồn nhất là thợ hồ. Vì cái miệng bép xép mà bể ổ. Để giải quyết cơn sầu, thợ làm một xị một mình. Tụ tập với bất kỳ ai là bà xã lôi về ngay tắp lự, còn phán: Ông bỏ rượu đi cho mẹ con tui nhờ.

Vậy mà chiều đó có bạn đến thăm. Ai vậy? Em thằng chết chớ ai. Nó cầm theo một chai ba xị và một cà mèn thịt... chó. Thợ hồ hấp háy mắt:

- Ủa, đi chơi hả con trai? Mày kỳ cục quá, tới chơi là quý rồi, mang theo làm chi, không lý chú mày không lo được ly rượu sao?

- Dạ không... Con đến để cảm ơn chú.

- Có gì đâu... Ngồi đi...

Thợ hồ nghèo nên chả bàn ghế gì, bệt xuống nền ximăng là xong ráo. Thằng trẻ tuổi tâm sự:

- Con đến để cám cái ơn chú đã giúp con khám phá sớm vụ án. Con biết chú băn khoăn và chắc đã nghĩ rằng vì mình mà anh em, bà con sa vô tù tội. Thực ra nếu không có chú thì trước sau cũng phải thòi ra. Nhanh hay chậm mà thôi.

Thợ hồ thần mặt, nhìn bà xã. Đúng à. Mình chỉ kể lại cái mình biết, điều đó hoàn toàn không có tội. Thợ gục gục đầu. Trẻ nói tiếp:

- Hôm nay con đến uống với chú ly rượu có thể gọi là cuối. Con đang lên kế hoạch đi học lại.

Thợ hồ lại thần mặt. Sau cả năm lặn lội truy vụ việc, bây giờ đi học lại. Hay vậy? Còn mình? Thợ ngẫm nghĩ, tệ thiệt, không có lấy cái bàn cho bầy trẻ... Cha, phải tính lại cái coi. Thợ hỏi:

- Chú nghe nói ba má thằng Cả nhờ gia đình mày xin cho cái phúc thẩm, sao rồi con?

- Về rồi chú. Hổm rày nó ôm sách lên nhà con nhờ ôn để học lại.

Trẻ ra về. Vợ thợ hồ nhìn theo, còn thợ nhìn chai rượu. Thợ cầm lên rồi vỗ mạnh xuống mền ximăng. Choang.

- Ông bị khùng hả? Đập vậy rồi đừng có uống nữa à.

Thợ nhìn miểng chai vương vãi. Nhìn lâu lắm. Rồi không hiểu nghĩ gì, thợ nói: Tui bỏ rượu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận