TTCT - Nhiều thư tịch cổ Trung Quốc đã sử dụng từ “Đông Hải” để chỉ vùng biển ở phía đông Việt Nam, tức danh xưng “Biển Đông” hiện giờ không có gì mới mẻ - với Việt Nam là đương nhiên, nhưng ngay cả với Trung Quốc nữa. 秋月照西河,沙石化成金玉聚,春星射東海,風濤亂湧寳珠來(Tạm dịch: Thu nguyệt chiếu Tây Hà, sa thạch hóa thành kim ngọc tụ, xuân tinh xạ Đông Hải, phong đào loạn dũng bửu châu lai)Câu văn trên, của Thích Đại Sán (Hải ngoại kỷ sự, quyển 1) có thể hiểu là “Trăng thu rạng rỡ Tây Hà [sông Hương], vàng ngọc tụ hội từ cát đá chuyển mình, sao xuân lấp lánh Đông Hải, châu báu theo về trong sóng gió ầm ào”.Vào đầu năm 1695, tăng nhân Trung Hoa Thích Đại Sán từ Quảng Đông đến Huế đã viết như vậy trong bài Khải dâng lên Chúa Nguyễn nhân mới đến đất Nam Hà, ca ngợi sự giàu có nơi thủ phủ nhà Chúa cũng như tiềm lực của vùng biển nhiều phong ba bão táp.Tác giả đã dùng từ “Đông Hải” để chỉ Biển Đông và từ “Tây Hà” để chỉ con sông phía tây kinh thành Huế. Người Trung Hoa gọi Đông Hải nhằm chỉ vùng biển phía đông Đại Việt không phải bắt đầu từ Thích Đại Sán, mà từ nhiều quan chức ngoại giao Trung Hoa, với những ghi chép về hải ngoại hồi triều Minh, tức trước Hải ngoại kỷ sự hơn trăm năm. Trong thư tịch cổ Trung Hoa, tên Đông Hải vốn để chỉ vùng biển phía đông Sơn Đông - Giang Tô, nay gọi là Hoàng Hải; sau thời Minh, chỉ vùng biển từ bắc cửa sông Trường Giang đến đảo Nam Áo (Quảng Đông), cũng có khi với nghĩa rộng hơn là chỉ toàn vùng biển phía đông Trung Hoa.Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao Trung Hoa thời Minh còn dùng từ Đông Hải cho một không gian địa lý khác, tức gọi vùng biển phía đông Đại Việt. Điều này có thể thấy trong Thù vực chu tư lục (1574), Tứ di quảng ký (1598); và về sau là một vài sách thuộc loại bách khoa thư, chuyên thư như Tam tài đồ hội (1607), Võ bị chí (1619), An Nam chí (thời Minh).Dùng tên Đông Hải để chỉ Biển Đông (Việt Nam) sớm có lẽ do người ở Hành nhân ty (tức bộ ngoại giao) là Hành nhân Cấp sự trung Nghiêm Tòng Giản trong bộ sách Thù vực chu tư lục (Tập lục tư liệu các nước khác). Sách này, trong quyển 6 chép về nước An Nam và quyển 7 chép về nước Chiêm Thành đã viết: “Biên cảnh [An Nam], phía đông 320 dặm đến Đông Hải”, và “biên cảnh [Chiêm Thành], phía đông đến Đông Hải”.Thông tin về tên gọi Đông Hải trong Thù vực chu tư lục vài chục năm sau còn được Thận Mậu Thưởng lặp lại trong phần Hải quốc quảng ký (Ghi chép rộng về các nước trên biển) của bộ Tứ di quảng ký (Chép rộng về người di bốn phương), tác giả là quan chức ở Tứ di quán (cơ quan phiên dịch và nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cùng một số nước hải ngoại). Trong phần viết về cương giới An Nam, Hải quốc quảng ký xác định phía đông là biển Đông Hải; còn ở phần viết về cương giới Chiêm Thành, xác định phía đông Chiêm Thành là Đông Hải và phía bắc là Giao Chỉ Đại Hải.Ngoài hai sách trên, còn thấy bộ bách khoa thư về quân sự Võ bị chí do Mao Nguyên Nghi biên soạn, liên quan đến vấn đề phòng thủ trên biển mà sách này khảo sát khá nhiều về các nước xung quanh, trong phần Tứ di, quyển 236 viết: “Chân Lạp vốn là thuộc quốc của Phù Nam, còn có tên Chiêm Lạp, ở trong Đông Hải”. Hay như bộ loại thư (bách khoa môn loại) Tam tài đồ hội của Vương Kỳ, loại Địa lý quyển 13, mục Nam di viết: “Chiêm Thành bên Đông Hải, tây là Vân Nam, nam là Chân Lạp, bắc là An Nam, đông bắc là Quảng Đông”. Cũng phải kể đến sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng, tuy thành sách thời Thanh nhưng bối cảnh thuộc thời Minh, là loại sách địa dư chí mang tính kế thừa, trong quyển 2, mục Cảnh vật có kể đến núi Yên Tử, mô tả: “Núi ở châu Đông Triều, cao ngất tầng không, chạy xa đến tận Đông Hải, ít dấu chân người”.Gọi tên Đông Hải sớm hơn các quan chức ngoại giao nhà Minh độ trăm năm có lẽ là văn thần Đại Việt Nguyễn Trãi. Trong Lời bố cáo dẹp xong giặc Ngô [Bình Ngô đại cáo, nếu gọi đúng sử kiện là Bình Minh đại cáo, 1427], Nguyễn Trãi viết: “Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô” (Dốc cạn nước Đông Hải không đủ để rửa dơ).Trong việc định danh, các sử liệu Trung Hoa nêu trên đều viết rất rõ “đông chí Đông Hải” (đông đến Đông Hải), tức coi đó như địa danh, khác với Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí viết “đông để hải” (đông đến biển), còn trong Hoàng Việt địa dư chí (cả hai bản in 1833 và 1907) thì viết “đông lâm đại hải” (đông đến biển lớn). Cũng nói luôn về cách dẫn tư liệu nguồn không đúng đối với trường hợp Hoàng Việt địa dư chí trong mục từ “Biển Đông” trên Wikipedia.Khi nói đến Đông Hải như một mục từ, thấy cũng cần bàn thêm vài điều trong lĩnh vực nghiên cứu hải ngoại của một số học giả Trung Hoa hiện nay. Trong Cổ đại Nam Hải địa danh hối thích (Thu thập rộng và chú giải địa danh cổ đại vùng Nam Hải) xuất bản năm 1986 (tái bản 2000), bộ sách được cơ cấu theo hình thức từ điển địa danh, đối tượng thu thập gồm tất cả địa danh hải ngoại từng được chép trong thư tịch cổ. Đây là công trình có ảnh hưởng đáng kể với học giới trong và ngoài Trung Hoa trong việc giải mã ghi chép cổ về khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Tuy nhiên, các tác giả sách trên hình như đã né tránh không nhập từ “Đông Hải” với nghĩa rất rõ là chỉ vùng biển phía đông Giao Chỉ và Chiêm Thành (tức Biển Đông Việt Nam ngày nay).Mặc dù tên “Đông Hải” chỉ xuất hiện trong một số sách thời Minh, nhưng địa danh này thật sự phù hợp với tiêu chí “hối thích” (thu thập rộng và chú giải), nên đúng ra “Đông Hải” phải được lập mục từ (tương tự như các mục từ Đông Nam Hải, Tây Nam Hải, Đông Nam Dương, Tây Nam Dương, Nam Dương…). Thiếu sót này khó thể nói do sơ suất trong thu thập tư liệu nguồn, bởi trong sách này đã dùng đủ những bộ sách Thù vực chu tư lục, Tứ di quảng ký, Tam tài đồ hội, Võ bị chí, Hải ngoại kỷ sự, An Nam chí kể trên để trích lục và trưng dẫn gần như toàn bộ các địa danh ngoài Trung Hoa có ghi nhận. Căn cứ trên nhiều yếu tố, có thể thấy rằng các tác giả Cổ đại Nam Hải địa danh hối thích không phải do sơ suất mà đã cố tình né tránh không nhập từ “Đông Hải” với ý chỉ Biển Đông Việt Nam.Người Việt từng gọi Biển Đông từ cửa miệng lâu đời, nhưng đối với những trường hợp dùng tên Đông Hải để ghi chép trong sử sách Trung Hoa có vẻ khá đặc biệt, vì chúng thể hiện sự đúng đắn trong cách gọi phù hợp với tiêu chí lấy quốc gia tiếp giáp vùng biển làm chuẩn, cũng là cách gọi theo đúng cách mà chủ thể đã gọi.■(Trích từ bản thảo Địa danh trên Biển Đông trong thư tịch cổ Trung Hoa) Bản đồ cổ của Bồ Đào Nha về khu vực Đông Nam Á. Ảnh: architectureofbuddhism.comTên biển Hoa Nam, hay Nam Hải (South China Sea) xuất hiện khá muộn, do giới hàng hải phương Tây muốn tìm đường đi từ châu Âu và Nam Á sang Trung Quốc đặt. Tới thế kỷ 16, các thủy thủ Bồ Đào Nha gọi Biển Đông là biển Trung Hoa (Mare da China); rồi sau đó để phân biệt với các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc, mới gọi nó là biển Hoa Nam. Trong thời Đông Hán (22 - 220), giới cai trị Trung Quốc gọi Biển Đông là Trướng Hải (biển dâng cao) hoặc Phí Hải (biển động), cũng là những tên gọi phổ biến thời Nam - Bắc triều (386 - 589). Tên Nam Hải chỉ thực sự trở nên phổ thông từ thời Thanh (1639 - 1912), theo Hoa Lâm Phủ, Tráp đồ bản Trung Quốc địa danh sử thoại (Tề Lỗ thư xã, 2006).Ở Đông Nam Á, Biển Đông từng được gọi là biển Champa, theo tên vương quốc hàng hải Champa từng rất phát triển ở vùng Trung bộ Việt Nam cho tới thế kỷ 16. Trong Thế chiến II, phần lớn Biển Đông do Nhật Bản kiểm soát sau khi Đế quốc Nhật chiếm được các lãnh thổ Đông Nam Á xung quanh vào năm 1941. Nhật Bản gọi Biển Đông là Minami Shina Kai (Nam Chi Na Hải) cho tới năm 2004, khi Bộ Ngoại giao và các cơ quan Nhật Bản khác chuyển sang gọi vùng biển này là Nam Hải. Philippines gọi biển này là biển Tây Philippines, quyết định được chính thức hóa bởi sắc lệnh hành chính số 29 tháng 9-2012, ban hành dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III.Tháng 7-2017, để xác lập chủ quyền, Indonesia đặt tên cho vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế phía bắc của nước này (tức phía nam Biển Đông) là biển Bắc Natuna, nằm ở phía bắc quần đảo Natuna. Indonesia cũng gọi vùng biển nằm giữa quần đảo Natuna và các quần đảo Lingga và Tambelan là biển Natuna. Tags: Biển ĐôngPhạm Hoàng QuânHải ngoại kỷ sựChủ quyền biển đảo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.