Trái tim yêu như nắng thuở ban đầu

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 29/08/2018 05:08 GMT+7

TTCT - Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, nhiều bức thư của hai người lần đầu tiên được gia đình công bố (Xuân Quỳnh - nghịch lý của tình yêu và số phận - sách do NXB Trẻ phát hành), TTCT xin được trích đăngTTCT -

Ảnh: Gia đình cung cấp
Ảnh: Gia đình cung cấp

Chiều 29-8-1988, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí - sinh năm 1975) qua đời vì tai nạn giao thông ở chân cầu Phú Lương, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội. Sự ra đi bất ngờ của một gia đình nghệ sĩ danh tiếng đã gây chấn động mạnh trong giới văn học nghệ thuật và công chúng bạn đọc cả nước.

30 năm đã trôi qua, tháng 8 này, hàng loạt sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Hạnh phúc và đớn đau, tài hoa và bạc mệnh, mãi đến hôm nay cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu của họ vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người. 

Trong di cảo của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh có khá nhiều thư từ họ gửi cho nhau khi xa cách, những bức thư viết tay ố mờ qua thời gian đã cho thấy bao điều quý giá: sự đồng điệu trong tâm hồn, những mối quan tâm về gia đình, bạn bè, công việc và hơn hết là tình yêu mãnh liệt, nồng nàn họ dành cho nhau trong 15 năm chung sống. 

5-6-1976

Quỳnh thương yêu,

Em gắng đi về bằng máy bay cho khỏe, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh...

Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?

Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.

Hôn em rất lâu.

Gia đình Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh 1980.-Ảnh: Gia đình cung cấp
Gia đình Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh 1980.-Ảnh: Gia đình cung cấp

 Tối chủ nhật 3-10-1976

Quỳnh thương yêu

Tối nay em nghỉ ở đâu, Đà Nẵng, Bình Định hay Quy Nhơn, xa anh, xa Mí và các con lắm rồi. Và thư này đến em thì em đã ở Sài Gòn. Thương em đi đường một mình, buồn và vất vả. Anh định viết thư cho em ngay hôm sau, nhưng tíu tít lên vì việc cơ quan và Mí...

Mí ngủ sớm nhưng đến hai, ba giờ thì dậy khóc đòi mẹ, ăn bánh “từ từ sữa” mất đến hai tiếng mới ngủ lại. Anh thức đêm làm việc, dỗ con xong lại ngồi viết tiếp đến sáng. Hôm nay chủ nhật. Mí cũng chơi ngoan, ăn nhiều cơm. Đã biết nói “Mẹ đi tác”, “Mẹ đi dài đoòng” nhưng đến tối vẫn ngơ ngẩn buồn, thỉnh thoảng lại ngồi thần ra rồi gọi mẹ. Anh bế nó đi xuống đường cho nó quên, nhưng lúc về lên cầu thang nó đã nói “về mẹ, về mẹ”. Nó tưởng về nhà là sẽ lại có mẹ.

Nhưng nói chung, Mí ngoan, ngoan hơn anh và em tưởng. Khỏe, ăn nhiều. Anh cũng bận nhiều, bận việc cơ quan nhiều nơi đặt viết bài, và mình cũng muốn viết nhiều thứ, bận quá cả lên. Nhưng nhất là nhớ em, buồn lắm. Vậy em có nhớ anh không? Sống gần anh, anh làm cho em bực nhiều, khổ nhiều phải không, bực vì tính lười tính ẩu của anh. Em yên tâm đi, giữ gìn sức khỏe và gắng làm việc được, phải viết thư về 51 Trần Hưng Đạo cho anh. Đừng lo gì cho anh và con. Bố con anh sẽ thu xếp được. Xa em, nhớ em, ân hận lúc ở bên em chẳng giúp gì được em nhiều. Chúng mình sống với nhau đã ba năm, bao vất vả bận rộn, đã lúc nào thanh thản ở bên nhau. Mong và tin rằng năm 1977 này, anh và em sẽ làm việc được nhiều và em sẽ có thời giờ và sức khỏe hơn....

Nhớ em lắm, cái phòng của mình nhỏ thế mà trở nên trống trải vô cùng. Yêu em và muốn được ở bên em mãi mà sống, mà làm việc. Em đi xa đừng buồn nhiều, nhớ đến anh, lúc nào anh cũng nghĩ về em, yêu em.

Anh của em

Xuân Quỳnh. Ảnh: Gia đình cung cấp
Xuân Quỳnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

 8-6-1978

Anh nhớ thương của riêng em,

Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt ra được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều, nhưng bận quá và căng thẳng quá. Hôm em đi trời mưa, chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp và khoác cái mảnh nilông trắng. Em thương nhớ anh muốn khóc nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe. Em không còn nhớ được em đã nhìn thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và con. 

...Ở Lêningrat hai ngày, em đi thăm cung điện của Hoàng hậu Catơrin, thăm nhà Puskin, nơi Puskin chết, nơi Puskin đấu súng, Bảo tàng Ecmitage* (Bảo tàng Hermitage - bảo tàng tranh trong cung điện Mùa Đông). Trong bảo tàng này có rất nhiều tranh quý của các họa sĩ cổ điển và hiện đại. Không thể nào xem hết được trong hai tiếng đồng hồ, vừa xem vừa chạy như bay. Cuối cùng của phòng tranh là tranh của Léger. Ở đây bà Ina cũng tỏ ra rất hiểu hội họa. Nhưng bà ấy chê bai tranh Léger, bà ấy bảo: “Người ta đề cao tranh Léger sở dĩ ông ấy là người cộng sản”. Tranh Picasso thì nhiều... Em đi khắp thành phố - thăm nơi Puskin học, thăm cung điện Mùa Hè và hệ thống phun nước của Pierre đại đế. Tất cả đều lộng lẫy, diệu kỳ.

Cả thành phố Pétecbua là một thành phố bảo tàng. Các tên phố, tên dòng sông, con đường thường lấy tên các nhà thơ, nhà bác học. Tranh và tượng thì vô vàn, nơi nào cũng có. Có nhiều quảng trường, trong đó có một quảng trường là nhà hát, bảo tàng tranh, bảo tàng cung điện Mùa Đông do hoàng hậu Caterin mua tranh của các nước và lập thành, cung điện Mùa Hè do vua Pierre điều khiển về kiến trúc, chính tay nhà vua mang nhiều tranh ở Hà Lan về trang trí cung điện.

Đứng trước nền văn hóa cao vời vợi của họ, mình thấy mình như đứng trước biển: vô nghĩa và nhỏ nhặt. Em cảm thấy rằng: “Nếu như ta là đơn bào thì họ đã là con người. Nếu như ta là con người thì họ đã là siêu nhân”. Nghệ thuật ở đây đúng là vĩnh cửu, nó vượt qua thời gian và không gian, nó mạnh mẽ vậy nhưng nếu không có người giữ gìn bảo vệ thì nó tan ra như nước như khói. Vậy có lẽ người bảo vệ nghệ thuật còn quan trọng hơn chính nghệ thuật...

Anh bận nhiều, vất vả. Em nghĩ mà thương anh lắm. Không hiểu anh có nhớ em không, hay lại thấy là đang thoát khỏi sự khó tính bẳn gắt của em? Đừng giận em, em dù có những nhược điểm như vậy nhưng chủ yếu là em bao giờ cũng thương yêu anh lắm. Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu, mà về trí tuệ. Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.

Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang nổi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu, mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh. Em, em cảm thấy em khô cằn và bất lực. Em buồn lắm. Em thành thật nói với anh điều đó. Em vẫn cảm thấy hết. Vậy cho nên lúc nào em cũng thấy tình yêu của chúng ta mong manh. Em buồn lắm. Em không thể hình dung là nếu không có anh, em sẽ sống như thế nào. Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình. Có thể anh không cần như thế, nhưng em cần như thế. Vì chắc chắn rằng em trẻ hơn và đẹp hơn, anh sẽ yêu em hơn. Anh đừng bảo là em nghĩ cho anh những điều tầm thường. Người ta nhiều khi tưởng mình đã vượt qua những điều tầm thường rồi thế mà đôi khi vẫn quay lại, sự quay lại còn mạnh mẽ hơn lúc bắt đầu.

Ở người đàn bà, đôi khi chỉ cần nhan sắc thôi, nhan sắc là tài năng. Dẫu rằng có nghĩ về phía tinh thần thế nào đi nữa thì người thông minh tài năng cũng cần có nhan sắc, tài năng mới vẹn toàn.

Đôi khi em nghĩ quẩn là “có khi em phải bỏ anh đi để em khỏi phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh”. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi...

Xuân Quỳnh đọc thơ cho đơn vị bộ đội trên chốt ở Lạng Sơn 1979.-Ảnh: Gia đình cung cấp
Xuân Quỳnh đọc thơ cho đơn vị bộ đội trên chốt ở Lạng Sơn 1979.-Ảnh: Gia đình cung cấp

 9-6-1978

Quỳnh nhớ thương,

Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng. Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà. Hôm nào cũng bảo: bố với em đi đón mẹ đi. Mí ăn được, ngủ được, vẽ thêm nhiều tranh mới. 

Anh đang viết gấp cho xong tập sách diễn viên, cũng mới viết được mấy bài thơ và định viết truyện ngắn về Campuchia. Nhuận bút tập thơ của em mẹ bảo có lẽ hàng tháng mới có tiền. Mấy bố con cũng túng, nhưng cũng “cầm cự” được vì có cá khô, tôm khô rồi.

Anh làm mọi việc nhà xong, ru con yên thì đã 11 giờ lúc đó mới làm việc. Mới biết em ở nhà làm việc nhà vất vả thật.

Em cũng chẳng nên mất thời giờ quá về những việc dự định sẽ mua sắm bên đó, để sức mà đi xem, đi chơi. Đời sống vợ chồng con cái mình rồi cũng đã ổn dần, miễn là mình viết được và in được.

Nhiều việc muốn làm quá, anh rất sốt ruột, sức khỏe thì có hạn. Anh cũng muốn làm xong mọi “commăng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được.

Mới đó mà đã giữa năm. Em về hai vợ chồng sẽ đi đâu với nhau một chuyến. Em đi Liên Xô kỳ này anh cũng rất mừng, sống với nhau, anh chỉ mong em sung sướng và làm việc được. Anh thì mãi mãi vẫn thế: vẫn là anh của em với tất cả những nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn cả những ngày qua cộng lại...

Hôm qua, Mí vẽ cái tranh gọi tên là: “Mí đứng dưới ba cửa sổ chờ mẹ!” anh gửi cho em đây.

Hôn em. Nhớ em nhiều. Em ở bên đó xứ sở đẹp đẽ, giàu có, có nhớ đến gian buồng và cái sạp của bố con tôi không?

Anh của em

9-6-1978

Sáng nay đi thăm thành phố Riga. Em mệt muốn chết vì suốt đêm qua không ngủ. Vì ở đây hầu như không có đêm. Chương trình làm việc thì căng thẳng, em không làm sao còn để ý đến thành phố nữa. Em chỉ còn ý thức rằng em đang ở một thành phố bên bờ biển mà không có anh ở bên em.

Chiều nay em phát biểu. Sau bài phát biểu người ta hoan nghênh nhiệt liệt, họ xúm lại cảm ơn em, người ta mua cam, mua cà phê cho em uống. Họ bảo họ không ngờ có một người phụ nữ lại nói ra những điều thông minh và sâu sắc đến thế. (Riêng cái điều này mình đã đo được sự tài năng và thông minh của nhiều người trên thế giới). Tất cả những lời ngợi khen và thán phục ấy thuộc về anh. Người ta quý trọng xứ sở của chúng ta hơn, người ta quý trọng em hơn là nhờ anh. Trong những lúc ấy em luôn nghĩ như thế, em càng thấy yêu và cảm phục anh. Nhưng anh đừng nghĩ rằng chỉ có lúc này em nghĩ thế thôi, ngay cả những ngày sống bên anh, em cũng vẫn nghĩ như thế. Cái phần trí tuệ và thông minh anh bổ sung cho em làm cho em trở nên con người toàn vẹn hơn. Nếu như không có anh, chắc rằng em sẽ sống như một người tàn tật. Em biết ơn anh và em vẫn hiểu rằng cái phần về tinh thần anh dành cho em ấy còn giá trị hơn những sự nhọc nhằn về thể chất em cố gắng chịu thay anh. Nói thế không phải là một sự trao đổi sòng phẳng, mong anh hiểu cho em.

10-1985

Anh nhớ thương,

Có thể anh không mong thư em, em vẫn viết cho anh. Vì trước tiên là nhu cầu của em, em muốn được trò chuyện với anh.

Anh mới đi có 2 ngày mà em buồn quá. Con và em lại ốm. Hôm nay con đã ăn được tí cơm, em đã đỡ ho. Trời nóng, nhọc mệt nhiều. Chỉ muốn ở bên anh cho đỡ khổ.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn.

Sống với nhau 12 năm mà ngắn quá, dù có vài chục năm nữa ở bên nhau cũng chẳng là dài. Em và anh ngày càng già đi, càng buồn nhiều khi trông thấy những người thân mình ra đi. Em mong và sẽ cố gắng sao cho những năm sống của chúng ta vui và đỡ nhọc nhằn hơn. Em thương anh nhiều lắm. Anh vất vả chẳng có phút nghỉ ngơi. Làm sao mà đỡ đần sự nhọc nhằn được cho anh!

Nhớ giữ gìn sức khỏe và tình yêu của anh cho em và cho các con. Đừng ở lâu ở Sài Gòn. Em và các con mong anh lắm.

Em đây

Bìa sách
Bìa sách

 14-4-1987

Anh nhớ thương của em,

Anh đi đã hai ngày, hôm nay là 14-4. Sau ngày anh đi trời lại trở rét. Em đã giặt 5 cái chiếu và thảm - cả quần áo rét nữa. Thế là lại phải bỏ ra mặc. Trời rét như giữa mùa rét ấy. Vắng anh càng buồn. Nhà vắng vẻ, em đi về làm mọi việc như một cái máy. Thỉnh thoảng quên mất lại cứ chợt nghĩ như lát nữa anh về ăn cơm. Lấy nhau gần 14 năm rồi mà xa nhau em vẫn nhớ thương anh như thế. Có thể là không phấp phỏng vì tin cậy anh hơn, nhưng lại thương anh nhiều hơn. Chắc là anh bận nhiều công việc và nhiều bạn bè chả có thì giờ nghĩ đến em và con. Ba ngày nữa là sinh nhật anh, có lẽ từ ngày lấy em, lần đầu tiên anh xa nhà trong ngày sinh nhật. Em chẳng biết gửi gì cho anh. Định gửi điếu và thuốc lào, nhưng mẹ bảo là đừng gửi bắt dì Ngọc cầm tội dì. Em rất áy náy - chả làm gì cho anh được trong ngày sinh nhật. Mấy bông hoa loa kèn em mua hôm anh đi đã nở hết. Mọi việc ở nhà vẫn như thế, bình thường, chỉ nỗi nhớ anh là chả bình thường mà thôi. Càng nghĩ càng nhớ thương anh. Hiểu tính tình, công việc của anh lắm lúc thương anh xót cả ruột. Lắm khi em cứ nghĩ: em sẵn sàng sống cuộc đời đạm bạc để anh đỡ phải nhọc nhằn. Đối với em, em chẳng có nhu cầu gì nhiều, chỉ cần lo liệu cho con cái.

Như em đã dặn, anh đừng mua sắm gì, nhất là về quần áo, em và các con đầy đủ cả rồi. Có gì ăn thì mua về ăn cho vui, mà cũng mua ít thôi. Mang mọi thứ lỉnh kỉnh, vất vả ra.

Em đã sửa bài thơ Hoa cúc xanh, em chép lại tặng anh ngày sinh nhật. Anh xem có cần sửa thì sửa cho em.

7-11-1987

Quỳnh thương yêu

Anh đã nhận được thư và quà em gửi. Nhà vẫn bình thường. Tuấn Anh đã đi làm từ ngày 1-11. Mí ngoan, khỏe. Hôm nọ vừa đi lĩnh giải nhất cuộc thi viết về Liên Xô và hôm qua được đại sứ quán mời đến liên hoan, Mí sợ không dám đến, anh phải đèo Mí đến tận cửa sứ quán. Mí liên hoan mừng C.M.T.10, ăn tiệc với các bạn Liên Xô và được tặng một gói kẹo bánh to tướng, đủ cả sôcôla và các thứ kẹo ngon Mí mang về sướng lắm nhưng vẫn tỏ vẻ bơ đi, coi như rất bình thường. Việc của Kít vẫn có hi vọng vì bây giờ bộ đã có thêm bốn chỉ tiêu bổ sung, nhưng còn đang xin xem có quay phim không.

Anh vẫn bận bịu. Vở Chết cho điều chưa có ở Nhà hát Tuổi Trẻ đã công diễn. Vở Trương Ba 20 tháng này sẽ xong. Hôm qua chạy mộc trên sàn anh có mời anh Nguyễn Khải xem. Anh Khải thích lắm, bảo rằng là một vở kịch lớn. Anh mong em về xem, Trương Ba sẽ là một sự kiện văn hóa trong những ngày tới. Anh Khôi, Trần Tiến, Bích Thu, chị Dung đều đóng các vai chủ chốt. Châu, Phương làm mỹ thuật và âm nhạc. Vợ Lê Hùng làm biên đạo múa. Vở Ngọc Hân anh Đức làm cũng hết tháng thì xong.

Anh vừa viết xong một vở cho kịch Hà Nội, sẽ khởi công vào giữa tháng này. Anh mới nhận tặng thưởng kịch bản của Hội Nhà văn (tiếng thì oai nhưng giải có 10 ngàn). Tập kịch em biên tập anh Kiên, anh Nam đề nghị anh đưa thêm vở Trương Ba, thay cho 1 trong 2 vở của anh. Anh đã rút vở Nguồn sáng ra để thay Trương Ba vào. Hiện đã đưa nhà in. Tập thơ anh hiện cũng bắt đầu vào nhà in. Mọi việc nói chung ổn thỏa, tốt đẹp.

Anh bận rộn quá, còn nhiều việc chưa làm xong và chắc là anh sẽ không đi Liên Xô đâu. Nghe em kể và anh cũng không thích đi lâu thế, nhiều việc quá. Em cứ coi như anh không đi, cần mua gì thì mua đi nhé!

Anh rất nhớ em. Chúng ta sống với nhau đã 14 năm, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. Anh đã làm được nhiều việc, một phần cũng nhờ em, và biết rằng dù ở trên đời còn có nhiều cô gái khác - những “yêu tinh” như em vẫn nói - nhưng chỉ có em là yêu thương và hiểu anh, hiểu cả những thói tật đến công việc và những nỗi đam mê. Ở bên đó em đừng lo lắng gì về anh và các con, cũng đừng khổ trí quá về việc mua bán. Phải giữ gìn sức khỏe và tranh thủ đi chơi, đi xem, kẻo về nhà lại bận rộn nhiều việc không tên như bếp núc, chợ búa…

Anh Bùi Kim đã mất, vừa đưa đám hôm 9-11. Anh có mua vòng hoa viếng thay mặt cả em. Anh Kim mất rất tội, quằn quại cả mười ngày hấp hối mới mất được. Cũng may mấy tháng trước em kịp làm cho anh ấy tập sách. Bây giờ làm được việc tốt gì cho bạn, cho mọi người thì phải cố mà làm em nhỉ. Từ tuổi 40 trở lên là bạn bè, người thân sẽ cứ rơi rụng và rồi sẽ đến lượt mình. Anh nghĩ vậy nên cố sống thật hiền hòa, thanh thản và cố sức viết, tuy vậy vẫn lười lắm và thấy mình vẫn chưa làm được bao nhiêu.

Hôn em nhiều nhiều.

Anh

 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận