Trở lại… ngày xưa

MINH NHIÊN 28/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - “Du hành thời gian” đang trở thành một xu thế trong thời đại công nghệ thông tin của chúng ta? Trong lúc chờ đợi giả thuyết này được khẳng định hoặc phủ nhận, một thực tế là ngày càng xuất hiện thêm những công dân thế giới muốn chạy trốn khỏi hiện thực.

Sarah và Gabriel theo phong cách Victoria       -Hyo Gyung Choi
Sarah và Gabriel theo phong cách Victoria -Hyo Gyung Choi

“Du khách thời gian”

Những ai yêu thích du lịch chắc hẳn phải biết những “du khách thời gian” (time travelers) này: đó là những người chọn một kỷ nguyên, một thời đại yêu thích để mô phỏng tất cả khía cạnh của đời sống mình theo đó. Không chỉ bề ngoài của họ mà còn cả nơi sinh sống, thú tiêu khiển, kể cả cái nhìn. Chẳng hạn, mới đây nhất tờ The New York Post kể về một đôi vợ chồng người Anh đang sống theo tinh thần thập niên 1940:

Bà Kitten Von Mew và chồng, ông Richard, người Warwirckshire (Anh), đã dành trọn cuộc sống của họ để nhớ lại thập niên 1940. Người phụ nữ 35 tuổi chính thức đổi tên Michelle thành cái tên nói trên của thập niên 1940, đã say mê cuộc sống thời trước Thế chiến thứ hai từ năm mới 15 tuổi.

Mỗi buổi sáng, cô Von Mew cuộn tóc bằng ống cuốn và chọn những đồng phục học đường cũ thời này. “Tôi yêu mọi thứ của thập niên 1940, từ thời trang tới âm nhạc và thiết kế nội thất. Tôi hoàn toàn bị chúng quyến rũ, tôi dành cả đời mình để tái tạo quá khứ”.

Cô gặp người chồng tương lai của mình, Richard, tại một hội nghị chủ đề thập niên 1940. Ngay lập tức cô phải lòng người đàn ông có phong thái Clark Gable (1), trong khi Richard không thể rời mắt khỏi điệu nhảy nhạy cảm của Michelle.

Họ cưới nhau năm 2012 và đám cưới, đương nhiên, cũng theo phong cách và thời trang 1940. Con đầu lòng của họ được đặt theo cái tên cũ Betsy Rose. Mỗi ngày, Von Mew trông chờ để về nhà. Không chỉ để được gặp con gái, cô còn mong nhanh chóng bước qua cánh cửa nhà mình để “lọt” vào thập niên 1940. Cô tâm sự: “Cả cuộc đời tôi là sự hoài nhớ thập niên 1940, nhưng tôi lại thích chúng hơn thế giới trần tục hiện nay” (2).

Kitten Von Mew và chồng Richard cùng con gái Betsy Rose theo phong cách thập niên 1940-NY Post
Kitten Von Mew và chồng Richard cùng con gái Betsy Rose theo phong cách thập niên 1940-NY Post

Sống ở kỷ nguyên Victoria

Trong khi đó, đôi vợ chồng người Mỹ Sarah và Gabriel sống ở thành phố cảng Townsend, bang Washington (tự hào là một cảng biển thời Victoria) du hành vào một thời gian xa xưa hơn: thập niên 1880 và 1890 của thế kỷ 19, tức kỷ nguyên Victoria phồn thịnh của nước Anh. Do cả hai đều là các nhà sử học nên họ có thể hồi phục từ lối sinh hoạt đến trang phục và những chi tiết nhỏ nhất của xa xưa.

Thời Victoria người ta còn viết bằng bút lông, nên bạn đừng mong thấy ở nhà họ bút bi! Chuyển sang sống ở một biệt thự cổ xây từ năm 1888, việc đầu tiên họ làm là vứt bỏ cái tủ lạnh mà chủ nhà cũ để lại. Và cứ mỗi chiều xuống, Sarah và Gabriel lại đốt đèn dầu (họ tin rằng ánh sáng đèn dầu dịu hơn mà lại sáng hơn đèn điện).

Bà Sarah tự nướng bánh mì (dĩ nhiên không phải bằng lò nướng hiện đại). Để tắm, họ nấu nước và múc xối thay vì dùng vòi sen. Họ không xài sữa tắm mà dùng xà phòng Castile của một công ty được thành lập từ năm 1839 (Sarah kể gội đầu bằng xà phòng Castile là lời khuyên bà tìm thấy từ một tạp chí thời Victoria được xuất bản vào thời mà ngôi nhà bà được xây). Lược chải tóc của Sarah là một thiết kế có 130 năm tuổi, trong khi bàn chải đánh răng của bà làm từ lông heo rừng.

Hiển nhiên, cả vợ chồng bà đều không xài điện thoại di động. Họ cũng không có giấy phép lái xe. Khi phải đến những sự kiện nào đó, cả hai... đạp xe đạp, sử dụng một bản sao loại xe đạp ba bánh thập niên 1880.

Riêng xe đạp của Gabriel có thể đạp xa cả trăm dặm. Trong một kỳ nghỉ, cả hai đã đạp xe hơn 75 dặm quanh một tuyến đường sắt lịch sử giữa những mỏ bạc bị bỏ hoang. Đó là từ những ám ảnh của Sarah khi bà và chồng đọc được một bài báo năm 1883 của một tạp chí chuyên dành cho những người đi xe đạp, kể về những người đạp xe đi ra mỏ.

Trong một bài viết kể về cuộc sống - có thể là kỳ lạ với những người đương thời của mình (3), bà Sarah cho biết họ đã xây dựng cuộc sống hiện nay của mình một cách từ từ. Ngay trước khi gặp nhau, cả hai đều nhìn ra được những giá trị trong cách nhìn thế giới một cách xưa cũ này. Ông Gabriel đã được giáo dục, học tập tại nhà và không bao giờ tán thành sự phân biệt nghiêm ngặt hiện nay đang có giữa cuộc sống và việc học tập.

Khi trưởng thành, cả hai đều muốn tìm hiểu nhiều hơn về thời kỳ họ bị cuốn hút, và phải hỗ trợ lẫn nhau trong việc mà bà nói là “thách thức những giáo điều của xã hội về cách chúng tôi phải sống và học tập như thế nào”.

Họ đã bắt đầu từ những bộ quần áo của thập niên 1880. Sarah kể: “Mặc quần áo của thế kỷ 19 mỗi ngày cho chúng ta một cái nhìn sâu vào cuộc sống thân tình của quá khứ, những thứ quá riêng tư và tầm thường nên chưa bao giờ được viết ra. Những đặc điểm của tư thế, động thái, sự cân bằng, những điều vi diệu như cách mà những chiếc váy dài tới gót của tôi chuyển động giống như sự uyển chuyển của một chú mèo...

Tôi dần quen với những chuyển động của cái váy, nó cũng gửi đến cho tôi những tín hiệu nhỏ về sự gần gũi của tôi với những thứ xung quanh mình, về những cơn gió làm lay động những thớ vải, cả những cơn gió rất nhẹ gây ra bởi một người hay một con vật gần đó... Gabriel bảo nhìn tôi dần quen với mớ trang phục Victoria giống như nhìn tôi bung nở thành con người thật của chính mình”.

Từ trang phục, họ chuyển sang làm quen với những vật dụng hằng ngày. Theo bà Sarah, kỷ nguyên Victoria là thời kỳ vô cùng năng động với nhiều phát minh, và việc tương tác với những vật phẩm hữu hình thời đại này giúp bà nối kết và chia sẻ niềm lạc quan đó. Những vật dụng này giúp bà hiểu nền văn hóa đã tạo ra chúng - “một nền văn hóa tin vào việc thiết kế những vật dụng chắc bền, đẹp, có thể được sửa chữa bởi người sử dụng chúng”.

Phương tiện đi lại của Sarah và Gabriel: xe đạp ba bánh                       -Hyo Gyung Choi
Phương tiện đi lại của Sarah và Gabriel: xe đạp ba bánh -Hyo Gyung Choi

Những kẻ thất bại?

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ lối sống ngược thời gian này. Chẳng hạn trên cổng The Cut đã xuất hiện bài viết của tác giả Allison Davis (4) nói rằng “quá đủ rồi việc du hành trở về những kỷ nguyên thất bại, những kẻ thua cuộc ạ”. Tác giả cho rằng chẳng hay ho gì việc “một cặp chọn sống vào thời trước những cuộc ném bom của Thế chiến thứ hai, còn cặp khác loay hoay đạp xe”.

Thay vào đó, tác giả mỉa mai đề nghị chọn những giai đoạn lịch sử khác, đồng thời phải xác định cả về mặt địa lý, vì có thể trong cùng một kỷ nguyên người dân ở những khu vực khác nhau có những lối sống không giống nhau.

Ví dụ, nếu “sống” ở thập niên 1940 tại New York... thì “có triển vọng bị đâm trong tàu điện ngầm”. Hay gần hơn, như trở về năm 1995, khi bất kỳ đâu trên thế giới “cũng đã có lò vi sóng, áo fannel kẻ sọc, phim bom tấn nhưng chưa có Internet và Facebook”, thậm chí trở lại “thời kỳ đồ đá như trong phim The Flintstones, khi chẳng có ôtô buộc ta phải tập thể dục”... Allison Davis đã gọi những người chọn sống thời quá khứ này là “những diễn viên của các bảo tàng lịch sử sống”, mà thực tế chỉ là những kẻ trốn chạy khỏi cuộc sống hiện nay.

Nhưng dẫu sao, đó cũng là những dấu chỉ đa dạng của thời đại chúng ta!■

Sarah thắp đèn dầu                        -Hyo Gyung Choi
Sarah thắp đèn dầu -Hyo Gyung Choi

(1): Nam diễn viên lừng danh của điện ảnh Mỹ, từng đóng vai Rhett Butler trong bộ phim Cuốn theo chiều gió năm 1939.

(2): http://nypost.com/2015/09/30/english-couple-is-stuck-in-the-1940s-and-couldnt-be-happier/?utm_campaign=SocialFlow&utm_source=NYPTwitter&utm_medium=SocialFlow

(3): http://www.vox.com/2015/9/9/9275611/victorian-era-life

(4): http://nymag.com/thecut/2015/09/stop-time-traveling-to-such-lame-eras-losers.html?mid=facebook_thecutblog#

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận