Trung Quốc bình đẳng giới nhất làng thể thao?

HUY ĐĂNG 24/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Suốt 20 năm qua, những nữ VĐV Trung Quốc luôn áp đảo các đồng đội nam giới ở đấu trường Olympic. Liệu điều đó có cho thấy Trung Quốc là quốc gia có làng thể thao bình đẳng nhất thế giới?

Deng Linlin (giữa) như một cô bé 12-13 tuổi dù đã 20 khi vô địch Olympic. Ảnh: NY Daily News
Deng Linlin (giữa) như một cô bé 12-13 tuổi dù đã 20 khi vô địch Olympic. Ảnh: NY Daily News

Có nhiều cách để chứng thực tính bình đẳng giới trong thể thao, biểu đồ thành tích ở các kỳ đại hội thể thao lớn (Olympic, Asiad…) là một trong những cách điển hình. Trong quá khứ, số lượng nội dung thi đấu dành cho nữ giới ở các kỳ đại hội thể thao từng rất ít. Vào những năm thập niên 1950, có chưa đầy 100 huy chương dành cho nữ ở các kỳ Olympic, trong khi con số tương tự dành cho VĐV nam là khoảng 400.

Theo thời gian, nữ ngày càng tiệm cận nam về số lượng huy chương, và đến thời điểm hiện tại, số lượng huy chương dành cho nam và nữ ở mức 5-4 (hơn 500 huy chương cho nam và hơn 400 huy chương cho nữ ở Olympic 2016).

Cũng vì vậy, biểu đồ thành tích giữa nam và nữ của các quốc gia ở Olympic cũng là hai đường khúc khuỷu - mà đường đại diện cho nữ giới luôn xếp dưới (nhưng ngày càng tiệm cận nam giới với những quốc gia bình đẳng giới cao).

Tiêu biểu như Mỹ - những thập niên 1950-1970, các VĐV nam của họ giành được khoảng 60-80 huy chương mỗi kỳ Olympic, còn nữ chỉ dao động ở mức 20-30. Kỳ Olympic 2008 đánh dấu một cột mốc trong lịch sử bình đẳng giới thể thao Mỹ, khi nữ lần đầu tiên vượt mặt các đồng nghiệp nam về số huy chương (56 so với 55).

Qua các biểu đồ này, rất dễ nhận biết những quốc gia có tính bình đẳng giới thấp - tiêu biểu là nhóm các nước Trung Đông, nơi phụ nữ gặp nhiều hạn chế về thể thao. Ở Olympic 2016, Iran (cường quốc thể thao đứng đầu khu vực) có 8 VĐV giành được huy chương, và chỉ mình Kimia Alizadeh của môn judo là nữ.

Thậm chí, cô cũng là VĐV nữ đầu tiên của Iran giành được một tấm huy chương tại Olympic. Ở đấu trường cấp thấp hơn là Asiad, các VĐV nữ Iran cũng chỉ giành được 17 huy chương (trong đó chỉ có 1 HCV) vào năm 2018, trong khi con số của nam là 44 (19 HCV).

Những quốc gia khác của châu Á như Nhật cũng tương tự các nước phương Tây, với sự bình đẳng giới trong thể thao ngày càng tiến bộ. Ở Olympic 1984, Nhật giành 32 huy chương nhưng vỏn vẹn 3 trong số đó là của các cô gái. Đến Olympic 2016, số huy chương của VĐV nữ Nhật đã tăng lên 18, trong khi nam là 23.

Nói chung ở các nước phát triển, biểu đồ thành tích của nữ là một đường khúc khuỷu ngày càng tiệm cận nam giới. Với các nước Trung Đông, biểu đồ này thậm chí mới là một… dấu chấm xuất hiện vào những năm gần đây.

Chỉ duy nhất Trung Quốc là trường hợp đặc biệt. Bắt đầu từ Olympic 1984, các VĐV nữ của họ đã vượt những đồng nghiệp nam về số huy chương (15 so với 13). Và hơn 20 năm qua, các cô gái Trung Quốc luôn duy trì khoảng cách nhiều hơn ít nhất 10 tấm huy chương so với các đồng nghiệp nam.

Điều đó có đồng nghĩa Trung Quốc là cường quốc thể thao giàu tính bình đẳng giới nhất?

Người phương Tây không nghĩ vậy, đặc biệt là khi thông tin về chuyện tập luyện khắc nghiệt của thể thao Trung Quốc được tiết lộ ra ngoài nhiều từ những năm đầu thập niên 2010. Johannah Doecke - một HLV lặn nổi tiếng của đội bơi ĐH Indiana (Mỹ), cho biết bà rất sốc khi làm việc với Chen Ni - một VĐV lặn ưu tú ở Trung Quốc, từng được đưa sang Mỹ tập huấn.

Biểu đồ số lượng huy chương của Mỹ và Trung Quốc qua các kỳ Olympic. Đường vàng: nam giới, đường xanh: nữ giới. Ảnh: AP
Biểu đồ số lượng huy chương của Mỹ và Trung Quốc qua các kỳ Olympic. Đường vàng: nam giới, đường xanh: nữ giới. Ảnh: AP

“Khi cô ấy mắc một lỗi gì đó, cô ấy rối rít xin lỗi tôi. Cô ấy đã quen với phong cách đó khi ở Trung Quốc, nếu nói không với bất cứ điều gì, cô ấy sẽ bị trừng phạt, thậm chí là bị tát. Điều đó thật tàn bạo”, HLV Doecke nói. Doecke cũng khẳng định phần lớn những HLV ở Trung Quốc là nam giới không quan tâm gì đến các vấn đề của phụ nữ mà chỉ chú trọng thành tích.

Sự phẫn nộ với hệ thống huấn luyện tàn bạo của Trung Quốc càng lớn hơn khi Hãng tin Barcroft tung ra loạt ảnh cho thấy những gì diễn ra trong Trung tâm huấn luyện thể dục dụng cụ Nam Ninh vào năm 2012. Những đứa trẻ - gồm nhiều bé gái, cong mình bật khóc khi bị HLV bẻ tay chân, treo lên xà, ép người… Đó là cách để HLV Trung Quốc đào tạo nên những VĐV với cân lượng lý tưởng.

Deng LinLin (Đặng Lâm Lâm), một “nữ hoàng thể dục dụng cụ” (từng giành 2 HCV Olympic) của Trung Quốc, là ví dụ. Năm 2012, cô đánh bại đồng đội Sui Lu (Huy Lộc) và đối thủ lừng danh Alexandra Raisman của Mỹ để đoạt HCV nội dung cầu thăng bằng. Tất cả khán giả vỗ tay nhiệt liệt và rồi ngã ngửa khi biết… tuổi thật của Deng - 20 tuổi.

Năm đó, Deng cao khoảng 1,45m và nặng vỏn vẹn 30kg, mang hình hài của một đứa trẻ 12-13 tuổi. Còn Raisman - người nhỏ hơn cô hai tuổi - tràn đầy sức sống với cơ thể nảy nở của một phụ nữ trưởng thành. Không có gì ngạc nhiên khi Deng giữ thăng bằng tốt hơn Raisman, vốn nặng hơn đến 20kg.

Vì sao Trung Quốc chú trọng thể thao nữ? Câu trả lời có vẻ là bởi khả năng kiếm được huy chương ở các nội dung nữ rộng cửa hơn so với nội dung nam giới. Lấy ví dụ, rất nhiều quốc gia Trung Đông mạnh về thể thao ở các kỳ Olympic trong các nội dung nam của những môn như điền kinh, cử tạ, các môn võ…, trong khi cũng các nước này gần như “bỏ thí” mảng thể thao nữ. Nếu chú trọng thành tích và biết đầu tư, đó sẽ là một “kho vàng” với thể thao Trung Quốc.

Vậy thế nào mới là bình đẳng giới thực sự trong thể thao? Với người phương Tây, đó là khi Fiona Kolbinger - một nữ sinh viên y khoa người Đức - vượt mặt mọi đối thủ nam trong cuộc đua xe đạp lừng danh Transcontinental. Hay Jasmin Paris - một nhà nghiên cứu y học người Anh - giành chiến thắng trong cuộc đua chạy bộ Montane Spine Race dành cho cả nam lẫn nữ.

Bằng sự tiến bộ từ từ nhưng chắc chắn, phụ nữ nói chung đang ngày càng tiệm cận nam giới trên sân chơi thể thao, để giành được sự bình đẳng giới thực thụ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận