Tương lai của các triển lãm nghệ thuật như thế nào?

MAI MAI HƯƠNG 21/11/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Giữa những đợt phong tỏa vì dịch bệnh, các nhà khai thác nghệ thuật đã tìm mọi cách để đưa trọn vẹn cả không gian triển lãm của họ đến với công chúng. Họ đã tạo ra những trải nghiệm triển lãm hoàn toàn mới và kể từ nay, rất có thể đó sẽ là cách thưởng thức nghệ thuật chủ yếu của chúng ta.

 
 Không gian triển lãm We are here. Ảnh: USC

Đầu năm 2020, khi nỗi lo sợ về một loại virus từ Trung Quốc lan rộng ở Mỹ, làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á dâng cao, Bảo tàng USC Pacific Asia (TP Pasadena, bang California, Mỹ) quyết định tổ chức một triển lãm nghệ thuật nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về cộng đồng người gốc Á trong vùng.

Có tên là We Are Here: Contemporary Art and Asian Voices in Los Angeles (Chúng tôi ở đây: Nghệ thuật đương đại và tiếng nói của người châu Á ở Los Angeles), triển lãm giới thiệu tác phẩm của bảy nữ họa sĩ, trong đó có hai nữ họa sĩ gốc Việt là Phung Huynh và Ann Le với những tác phẩm cho thấy cách các gia đình Việt đã nỗ lực không ngừng để ổn định cuộc sống và vươn lên ở Mỹ.

Đưa thực tại vào thế giới ảo

We Are Here khai mạc ngày 13-3-2020, hai ngày trước đó, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dự định mở đến ngày 14-6, triển lãm phải đóng cửa vào ngày 15-3. “Thật là tan nát cõi lòng” - giám đốc của Bảo tàng USC Pacific Asia, bà Bethany Montagano, chia sẻ với báo USC News. Cuối cùng, để đem những gì đã làm giữa các bức tường bảo tàng đến với mọi người, USC Pacific Asia sử dụng phần mềm Matterport tạo ra bản sao kỹ thuật số 3 chiều của bốn gian trưng bày rồi đưa lên Internet.

Giờ đây, 19 tháng sau khi triển lãm đóng cửa, người ta vẫn có thể đến xem We Are Here, đi vào từng gian phòng, dừng trước từng tác phẩm, tiến lại gần, lùi ra xa để ngắm nhìn, và mở các thiết bị nghe nhìn đặt cạnh đó để xem thêm thuyết minh... Y như là ngoài bảo tàng!

Công nghệ sử dụng máy ghi hình 360o và đồ họa 3 chiều để số hóa các không gian đã được hoàn thiện từ nhiều năm trước đại dịch (và được Google ứng dụng nhiều năm nay để tạo chế độ Street View trên Google Map). Thế nhưng, các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật lâu nay không mặn mà tiếp nhận, vì vẫn nghĩ người ta đến các cuộc triển lãm là do nhu cầu muốn sờ tận tay xem tận mắt. Cho đến khi đại dịch xảy ra và phải vật lộn với một khó khăn tương tự như USC Pacific Asia, các nhà khai thác nghệ thuật ở Mỹ và khắp thế giới mới tìm đến các giải pháp công nghệ để đưa các không gian nghệ thuật đến với công chúng.

 
 Khám phá triển lãm của Christie's trên web. Ảnh chụp màn hình

Khi các cuộc giới thiệu tranh trước đấu giá cũng rơi vào tình cảnh không người ghé xem, các nhà đấu giá như Sotheby’s và Christie’s từ đầu năm 2020 cũng đã số hóa các không gian trưng bày của họ và đưa lên mạng để giới thiệu với khách hàng tiềm năng khắp thế giới. Ngay lúc này, nhà Christie’s đang có triển lãm các tác phẩm của Cox Collection, một trong những bộ sưu tập nghệ thuật nổi tiếng của Mỹ, với 25 tác phẩm của Caillebotte, Cézanne, Monet, Van Gogh...

Không gian trưng bày thực đặt tại Phòng tranh Rockefeller Center ở New York chỉ mở từ ngày 30-10 đến 11-11-2021 và phải hẹn trước mới được vào. Nhưng phiên bản trực tuyến của sự kiện này thì đã đón khách khắp thế giới ghé đến bất kể ngày đêm từ vài tuần nay. Hãy đến đó lúc nào có thể, đi xuống gian trưng bày cuối cùng, ngắm một bức tranh trên cánh phải của bức tường cuối gian. Đó là bức L'Estaque aux toits rouges (Ngói đỏ ở làng biển L'Estaque) của Paul Cézanne (1839 - 1906), nó đang có mức định giá cao nhất bộ sưu tập, khoảng 35 - 55 triệu USD.

 
 Không triển lãm được số hóa trên trang web của nhà Christie's. Ảnh chụp màn hình

Đưa thế giới ảo ra thực tại

Các hội chợ nghệ thuật lớn trên thế giới như Art Basel hay The Other Art Fair đã tổ chức không gian trưng bày ảo trên nền tảng có tên là Kunstmatrix để duy trì các sự kiện giới thiệu nghệ thuật. Tất cả đều dựa trên việc số hóa không gian trưng bày thực rồi đưa lên Internet để mọi người có thể xem và tương tác qua màn hình máy tính, hay sang chảnh hơn thì qua một bộ thiết bị nghe nhìn thực tại ảo đeo trên mắt.

Nhưng đó là những công nghệ “thời 2020”. Đến năm 2021, triển lãm trực tuyến đã trở nên siêu ảo hơn: những cuộc trưng bày hoàn toàn không có trong thế giới thực.

Bảo tàng ảo VOMA là một ví dụ. Sử dụng phần mềm trò chơi điện tử Unreal Engine, nhà sáng lập Stuart Semple, cùng một nhóm nghệ sĩ, chuyên gia ngành nghệ thuật và công nghệ, đã xây dựng không gian trưng bày có khả năng mở rộng bất tận và tùy biến theo mọi yêu cầu.

Hiện có hai phòng tranh, một không gian tượng ngoài trời và một sảnh cho nghệ thuật trình diễn, VOMA hiện đang tổ chức triển lãm Why We Shout: Art and Protest (Vì sao chúng tôi quát tháo: Nghệ thuật và Phản kháng). Đó là một cuộc trình diễn vượt qua mọi rào cản của thế giới thực, khi một bức bích họa của Diego Rivera từng trưng bày tại Rockefeller Center ở New York City (và đã bị phá hủy) đặt cạnh một trong tác phẩm của Banksy từng được vẽ trên một bức tường ở Palestine.

Triển lãm teamLab: Continuity (teamLab: Sự liền mạch) đang được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở San Francisco lại tiến thêm một bước nữa: đưa những tác phẩm ảo vào thế giới thực. Tập thể cả trăm người - gồm các nghệ sĩ, lập trình viên, đồ họa viên, kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư - của teamLab tạo ra các tác phẩm bằng thuật toán và đồ họa kỹ thuật số rồi phóng chiếu vào những căn phòng thực. Xuất hiện lần đầu năm 2008, công nghệ này giờ đã ngoạn mục hơn nhiều ở triển lãm teamLab: Continuity: Khi một cô gái bước vào gian trưng bày, một bầy bướm vây quanh chân cô chốc lát rồi tản ra, hòa vào hằng hà sa số bươm bướm rập rờn quanh phòng. Khẽ chạm vào một con bướm ánh sáng, cô gái giật mình khi thấy những cái cánh lấp lánh rơi ra. Cô gái có một trải nghiệm tương tác với con bướm ảo, còn những người khác trông thấy cảnh đó lại có một trải nghiệm quan sát về sự giao kết giữa thực và ảo, rồi chợt hiểu ra những gì mà teamLab đã giới thiệu: “Qua mối quan hệ tương tác giữa khách tham quan và tác phẩm nghệ thuật, con người trở thành một phần nội tại của tác phẩm nghệ thuật đó”. TeamLab: Continuity đã xóa hết mọi ranh giới giữa thực và ảo, cả ranh giới giữa tác phẩm và khách tham quan.

 
 Giao diện khám phá triển lãm We Are Here trên nền web. Ảnh chụp màn hình

Tương lai: Triển lãm đa nền tảng

Các bảo tàng và phòng trưng bày lâu nay đã giới thiệu triển lãm trên không gian mạng, nhưng chỉ xem đó là kênh phụ vì cho rằng không gì sánh bằng việc ngắm tác phẩm trong không gian thực. Các nghệ sĩ cũng suy nghĩ như vậy.

KV Duong, một họa sĩ gốc Việt ở Anh, phân tích với tạp chí công nghệ Wired: “Nghệ thuật cần được ngắm nhìn trực tiếp. Những người yêu nghệ thuật muốn nhìn thấy kết cấu trên tác phẩm, ngửi thấy không khí nghệ thuật, gặp gỡ mọi người”. Nhưng vào năm 2020, chính KV Duong đã lần đầu tiên đưa tác phẩm của mình vào một triển lãm ảo. Họa sĩ này cũng sử dụng công nghệ không gian ảo để chuẩn bị cho một triển lãm thực. Các bức tranh được sắp xếp trong không gian mô phỏng trước khi thật sự được đưa lên tường phòng triển lãm.

Triển lãm ảo đã không làm phai nhạt nhu cầu tiếp cận trực tiếp nghệ thuật của công chúng. Khi bảo tàng và phòng tranh mở cửa trở lại, những người yêu nghệ thuật lại tìm đến những không gian giữa các bức tường gạch để tận mắt ngắm các tác phẩm. “Một điều chúng tôi đã hiểu được khi mở cửa lại là mọi người thèm có sự hiện diện thực sự của các tác phẩm nghệ thuật như thế nào”, Theresa Papanikolas, một nhà tổ chức triển lãm của Bảo tàng nghệ thuật Seattle, cho biết.

Từ triển lãm Jacob Lawrence: The American Struggle (Jacob Lawrence: Cuộc vật lộn của người Mỹ) tổ chức vào tháng 3-2021 tại bảo tàng, bà nhận thấy khách tham quan lưu lại phòng trưng bày lâu hơn bình thường. Giờ thì không cần phải bàn đến việc nên hay không nên tổ chức triển lãm trên không gian số nữa, mà cần nhìn nhận đó như là một kênh tiếp cận công chúng tất yếu trong thời đại số.

Đại dịch cuối cùng đã mở ra cho các nhà khai thác nghệ thuật hướng đi mới: triển lãm đa nền tảng. Những chuyến thưởng lãm nghệ thuật trong tương lai sẽ là sự kết hợp giữa các trải nghiệm trực tuyến và trực tiếp. Các không gian ảo trực tuyến và các không gian thực ở bảo tàng hay phòng trưng bày sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau cho khách tham quan trên cùng một nội dung triển lãm.

Giám đốc Montagano của Bảo tàng USC Pacific Asia cho biết tổ chức của bà sẽ ưu tiên cho mô hình triển lãm lai ghép này vì thể nghiệm từ triển lãm trực tuyến We Are Here đã mang lại những hiệu quả bất ngờ: Người xem đến từ khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ trong khu vực thành phố Pasadena hay bang California. Tiếp cận đông đảo người xem hơn, tác động của triển lãm vì thế đã trở nên rộng lớn và mạnh mẽ hơn. Những nhà tổ chức chẳng mong gì hơn thế. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận