Vĩnh biệt người say mê vẻ đẹp của chữ số

TUẤN SƠN 30/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Sudoku đã có mấy thập kỷ mang lại niềm vui cho độc giả các tạp chí trên toàn cầu và trong mùa COVID, lại càng là điểm tựa lớn cho những người sống cảnh cách ly. Nhưng Maki Kaji, “cha đỡ đầu” của trò chơi giải đố với các con số thuộc hàng phổ biến nhất thế giới, đã không còn nữa.

 
 Ông Maki Kaji. Ảnh: AFP

Maki sinh ngày 8-10-1951 tại Sapporo, thủ phủ tỉnh Hokkaido miền Bắc Nhật Bản. Ông qua đời hôm 10-8 ở tuổi 69 sau một thời gian chống chọi với ung thư ống mật.

Sau khi bỏ ngang chuyện học tại Đại học Keio vào năm 1970, Maki dành nhiều thời gian tại các trường đua ngựa và đặc biệt bị hấp dẫn bởi các con số. Ông thích chụp ảnh biển số xe đẹp, và một trong những thú vui của Maki là ghi lại mã số những chú ngựa được ông cược tiền rồi cố gắng tìm ra quy luật để liên kết những con số ngẫu nhiên ấy. Năm 1980, ông cùng hai người bạn học cũ lập ra Nikoli, tạp chí đầu tiên tại Nhật chuyên về các câu đố có thể giải bằng giấy bút. “Nikoli” lấy theo tên con ngựa đua ưa thích của Maki.

Thời gian rảnh, ông hay tìm đọc các tạp chí nước ngoài cùng chủ đề để học hỏi và tìm nguồn cảm hứng. Trong một lần cầm trên tay một cuốn tạp chí của Mỹ, câu đố mang tên Number Place với đề bài cực kỳ đơn giản đặc biệt thu hút sự chú ý của Maki: điền các chữ số từ 1-9 vào các ô còn trống trong bảng 9x9 sao cho không chữ số nào lặp lại trong cùng một hàng hoặc cùng một cột. Vốn tiếng Anh của Maki không nhiều nên đó là câu đố duy nhất ông hiểu được trong toàn bộ cuốn tạp chí.

Tin rằng độc giả của Nikoli cũng sẽ thích câu đố này, Maki quyết định cải tiến luật chơi để cho ra đời phiên bản của riêng mình và đặt tên là Sudoku - viết tắt của một cụm tiếng Nhật Suji wa Dokushin ni Kagiru, nghĩa là “những con số độc thân, chưa kết hôn”. Các cải tiến của Maki gồm số lượng số cho trước (gợi ý) không quá 32, và các gợi ý được sắp xếp theo quy luật đối xứng như trong trò ô chữ, theo tờ The Guardian.

Câu đố Sudoku đầu tiên được xuất bản trên Nikoli năm 1984 và sau đó trở thành mục cố định của tạp chí này, dù khi ấy chưa gây được tiếng vang. Hơn chục năm tiếp theo, hầu như vẫn không mấy ai biết đến Sudoku ngoài lượng độc giả trung thành của tờ Nikoli.

Mãi đến năm 1997, Wayne Gould, một người New Zealand sống ở London, mới bắt gặp cuốn tạp chí này cùng câu đố Sudoku trong một hiệu sách khi đang nghỉ mát ở Tokyo. Khi trở về nhà, Gould mất 6 năm để viết một phần mềm máy tính tự động ra đề rồi bán ý tưởng này cho tờ Times của Anh. Số báo Times đầu tiên có Sudoku được in năm 2004 và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Chỉ trong vài tuần, hầu như mọi tờ báo ở xứ sở sương mù đều có chuyên mục giải Sudoku trên các ấn phẩm của mình. Trào lưu này lan nhanh sang các nước khác và đến cuối thập niên 2000 Maki ước tính số lượng người chơi Sudoku thường xuyên trên thế giới đã vượt mốc 100 triệu.

Việc Sudoku trở nên quá phổ biến trên khắp thế giới khiến Maki không thể đăng ký thương hiệu cho trò chơi ở bất kỳ nơi nào khác bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Vì lý do này mà ông chỉ kiếm được một phần nhỏ trong tổng số doanh thu của Sudoku toàn cầu, nhưng đổi lại, việc không được bảo hộ thương hiệu lại là một yếu tố giúp đưa Sudoku trở thành “trò chơi quốc dân” làm độc giả khắp nơi say mê.

Sinh thời, Maki xem mình là nghệ sĩ mang lại niềm vui và sự sảng khoái cho bạn đọc tạp chí thông qua trò chơi kết hợp những con số và tư duy logic. Với ông, mỗi câu đố là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ. Chính vì vậy mà một trong những yêu cầu bắt buộc của Maki đối với nhân viên là mọi câu đố in trong tạp chí Nikoli đều phải do con người ra đề chứ không phải được lập trình bởi thuật toán máy tính. Ông muốn mỗi câu đố phải là một cuộc đối thoại giữa người ra đề và người giải đố, vì vậy cái hồn và yếu tố ngẫu hứng của trí óc con người là không thể thay thế.

Ông cũng muốn các câu đố chỉ dừng lại ở độ khó vừa phải. “Chúng tôi muốn mọi người thích thú với các câu đố chứ không phải cảm thấy căng thẳng vì chúng” - The Guardian dẫn lời ông Maki. Dù trò Sudoku được mệnh danh là câu đố mang lại niềm vui tư duy toán học cho nhiều người nhất thế giới, Maki chưa bao giờ xem chúng như một bài toán. “Tôi thấy mình giống một đạo diễn điện ảnh hay đạo diễn kịch nói hơn là một nhà toán học” - ông có lần chia sẻ.

Maki không quên cảm hứng tạo ra Sudoku đến từ đâu, và chưa bao giờ nhận hết công trạng sáng tạo ra trò chơi về phần mình. Trên danh thiếp của ông cho đến khi mất chỉ ghi vỏn vẹn chức danh khiêm tốn: “cha đỡ đầu (godfather) của Sudoku”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận