Xác già cõng mãi giấc mơ hãi hùng

PHÙNG HI 27/05/2014 08:05 GMT+7

TTCT - Chỗ tôi ngồi thi gần cửa sổ. Ngó ra cổng trường thấy cha tôi đứng nhìn vô qua song sắt. Buổi thi làm văn của kỳ thi lên đệ thất (lớp 6), tôi viết: “Anh hùng là làm những gì người khác không làm được”.

Minh họa: viip

Thầy hiệu trưởng mở lớp luyện thi, không đỗ trường công không lấy tiền, đứng bên tôi tự lúc nào. Ông nắm tai tôi, dằn qua dằn lại, dằn tới dằn lui gầm: “Thế thằng ăn cướp cũng anh hùng à?”. Thầy thả tai tôi, tôi choáng, máu chảy ra mấy giọt. Quái, đang buổi thi ai cho ông hiệu trưởng vô phòng thi. Thì ra đang mơ.

Tôi chạy, chạy qua tất cả các dãy hành lang của tầng trệt, tầng một, tầng hai. Ai cũng cắm cúi làm bài thi. Học sinh, giám thị không ai nhìn tôi cả. Tôi không biết mình thi ở phòng nào. Im lặng rợn người. Mồ hôi tôi túa ra, tay chân bủn rủn. Tại sao tôi không nhớ số phòng thi của tôi nhỉ?

Tôi là thằng tồi tệ. Tôi vô phòng nào cũng bị giáo viên phất tay đuổi ra. Không được thi thì rớt chắc rồi, làm sao tôi dám về nhà! Cha tôi học hết lớp 7, ông ước tôi học lên cấp ba rồi vào đại học nữa kia. Tôi khóc không có tiếng nhưng đầy nước mắt. Tôi leo qua lan can nhảy xuống đất từ tầng hai. Tôi không rơi cái bịch mà lơ lửng trên cây phượng già, mấy con sóc cắn chân tôi. Tôi sực tỉnh, ôi mơ.

Tôi nhìn khắp phòng thi, nghe tiếng giấy bút sột soạt. Thời gian bồng bềnh trôi đi. Bao lâu rồi nhỉ? Nhìn lên, giám thị 1 gườm tôi. Ngó xuống, giám thị 2 trợn tôi. Tôi không nhớ gì cả. Não tôi như bị điếng vậy. Khi tôi sợ quá muốn tiểu ra quần thì óc tôi bừng sáng.

Tôi nhớ lại từng dòng chữ của bài nhôm trong sách hóa 11, nhớ từ tiêu đề cấu hình nguyên tử cho đến mục cuối cùng sản xuất nhôm. Óc tôi hiện ra bãi đất đỏ mênh mông của khu khai thác bôxit Tân Rai. Tôi chép quíu tay nhưng không kịp nữa rồi, hồi trống hết giờ vang lên như trống đưa hồn tôi xuống huyệt mộ.

Tôi chết rồi sao? Tôi vụt chạy ra khỏi phòng thi theo đoàn xe tang. Tôi khóc, mắt mờ không thấy đường, táng đầu vô cây dương ở nghĩa địa. Tỉnh giấc, ôi chỉ mơ thôi mà. Khiếp quá.

Hôm nay thi nhưng tôi thức dậy quá trễ, nắng đã lên cao lắm. Sao mẹ không kêu tôi dậy sớm? Mẹ ơi, chết con rồi. Tôi phóng lên xe đạp vù đi, đạp cuồng chân, sao lâu đến trường quá. Xe nổ lốp “bùm” còn tôi lên cơn đau ruột. Tôi dắt xe chạy bộ, nước mắt trào ra. Cây viết rớt đâu rồi, tôi quay lại tìm. Tôi són tiểu ra quần.

Tôi chạy nhưng thua người đi bộ, chân rớt lại đằng sau. Đến được trường thì các bạn đã thi xong. “Ê mày, đi trễ à, tiêu đời mày rồi”, thằng bạn cười phấn khích. Tôi đấm nó. Nó đấm tôi. Nó vật tôi ngửa ra, đè lên trên, bảo: “Tao làm gì mày mà mày đánh tao?”. Tôi nghẹt thở. Lại mơ, khổ thế kia chứ.

Nay tôi tuổi năm mươi, làm giáo viên gần 30 năm. Tôi ra đề kiểm tra, đề thi học kỳ cho học trò biết bao lần, coi thi biết bao lần, vậy mà những giấc mơ thi cử hồi còn đi học cứ lâu lâu ghé thăm. Mỗi lần như vậy mồ hôi vã ra như tắm. Tỉnh giấc và ngạc nhiên: “Sắp xuống lỗ (chết) rồi mà nỗi sợ thi cử cứ còn nguyên như thế. Cái xác già cõng mãi giấc mơ hãi hùng của thời niên thiếu. Chuyện thi cử ngày xưa theo ám mãi vầy sao?”.

Tôi biết có những học sinh nếu không có cha mẹ chở đi thi, lo ăn uống ngủ nghỉ thì chúng “tiêu” ngay từ môn thi đầu tiên vì ngủ quên hay đói ngất xỉu. Còn nữa, thời gian khống chế thi cử là thứ kinh khiếp nhất cho sĩ tử. Đành vậy, cuộc chơi còn phải loại bớt huống hồ việc học. Nhưng sao bày ra thi cử với khuôn thời gian ấn định bằng hồi trống giục có vẻ tàn bạo đối với con người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận