TTCT - 1. Một ngày mùa hè, chúng tôi đón một gia đình người bạn sang du lịch ở Singapore. Đã đi du lịch thì tất có chuyện thăm thú cảnh quan, vào trung tâm mua sắm và ăn uống. Phóng to Giữa sân Văn Miếu: hồn nhiên hay tùy tiện? (ảnh chụp mồng 8 Tết Quý Tỵ 2013) - Ảnh: Giáp Văn Dương Mọi chuyện đều tuyệt vời nếu không có một câu chuyện lẻ như sau: khi vào khu ăn uống sầm uất, chúng tôi đưa con gái nhỏ đi rửa tay và vệ sinh, đồng thời rủ gia đình bạn tôi đi cùng. Âu cũng là một cách chỉ cho bạn vị trí của khu vệ sinh. Bạn tôi hồn nhiên bảo không cần. Chúng tôi tất nhiên tôn trọng lựa chọn của bạn. Mười lăm phút sau, giữa khu ăn uống, con trai bạn tôi, khoảng 3 tuổi, thông báo muốn... ”tè”. Vợ tôi cuống quýt giục bạn cho cháu đi vệ sinh và chỉ đường ra toilet. Nhưng bạn tôi khăng khăng bảo không cần vì đã chuẩn bị sẵn rồi. Rồi hai vợ chồng lục túi lấy chai nước La Vie đã uống hết cho cháu “tè” vào trước sự sửng sốt của bao người. Vì còn nhỏ nên cháu “điều khiển” không được như ý. Sản phẩm rót vào miệng chai thì ít mà ra sàn nhà thì nhiều, thậm chí còn bắn vào chân thực khách bàn bên cạnh làm một vài người co rúm, chỉ thiếu nước hét lên. Sự sửng sốt còn được nhân lên khi một số người bắt đầu bàn tán và chỉ trỏ về phía khu vệ sinh của tòa nhà chỉ cách đó chừng 20m. Chúng tôi tất nhiên cũng sửng sốt nhưng hơn cả là sự ngượng ngùng. 2. Sáu tháng sau, một ngày đầu xuân, gia đình tôi đến thăm Văn Miếu. Trước khi đi, tôi giải thích cho con rằng đây là chốn thiêng liêng, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, xây dựng cách đây gần một nghìn năm. Các đại học danh tiếng như Oxford, Cambridge cũng chỉ có lịch sử lâu đời như thế. Các gia đình muốn con ngoan học giỏi, trọng chữ nghĩa, sống có văn hóa thì đầu năm thường đưa con đến Văn Miếu thăm viếng và xin chữ. Tất nhiên là cháu rất thích, rất tò mò và hãnh diện. Chúng tôi đến nơi vào khoảng giữa trưa. Sau khi mua vé, cả nhà tiến vào lối đi cổng chính. Tôi vừa đi vừa giải thích cho con về kiến trúc, cảnh quan và trang trí đầu xuân, vừa tránh những người đi ngược chiều. Nhưng sự giải thích của tôi gần như không có hiệu quả vì cháu đang ngạc nhiên nhìn những người nhảy qua hàng rào để tạo dáng chụp ảnh quanh các bồn cây, các chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín... được xếp bằng hoa. Chúng tôi đi sát mép hành lang để tránh va quẹt vào du khách. Tôi nhắc cháu cẩn thận kẻo giẫm chân lên cỏ. Thật bất ngờ, cháu chỉ vào sân cỏ và phản ứng ngược: “Làm gì có cỏ hả bố, người ta giẫm chết hết cỏ rồi!”. Tôi sững người. Trẻ con tin vào những gì chúng quan sát chứ không tin bảng hiệu và những thuyết giảng suông. Chúng tôi tiến vào sân Văn Miếu. Quá đông người. Ở đây không còn cảnh nhảy rào tạo dáng chụp ảnh như bên ngoài nữa. Thay vào đó là hàng người vào ra thắp hương ở điện chính và đặc biệt là một hàng dài rồng rắn xếp hàng xin chữ đầu năm. Kín cả một góc sân, kẻ đứng người ngồi hong chữ. Người hờ hững trải chữ trên sân, người lại cẩn thận giữ chặt trong tay, phòng hờ gió thổi bay đi mất. Ở góc sân phải trái là hai hàng kem di động. Kẻ đứng người ngồi huyên náo, tiếng quát trẻ con, tiếng gọi nhau í ới và lời than mỏi. Ngay giữa sân có ba bố con nhà nọ đang phơi chữ. Mỏi chân, ông bố ngồi chồm hổm. Chữ đã gần khô nên không có gì phải vội. Cậu con trai nhỏ bất thình lình kéo quần “tè” giữa sân Văn Miếu. Ông bố đang căng thẳng vì chờ đợi, nhìn con trai bật cười sảng khoái. Tịnh không có một lời nhắc nhở. Sau rất nhiều giải thích cho trẻ nhỏ, chuyến đi thăm Văn Miếu của chúng tôi đã không có được kết quả như mong đợi. Trên đường trở về, tôi bắt đầu nghĩ đến một thứ có tên là “sự tùy tiện”. 3. Chúng tôi đi trên vỉa hè và những con phố nhỏ của Hà Nội. Các bức tường dày đặc số điện thoại khoan cắt bêtông. Tôi biết nếu đi tiếp đến những góc phố vắng, thế nào cũng gặp những dòng “Cam Dai Bay” nguệch ngoạc chảy dài trên các bức tường. Những chữ này đang là nỗi xấu hổ của người Việt, đi vào giai thoại tiếu lâm mà những người nghe cười được không nhiều. Tôi bắt đầu xâu chuỗi những gì đã thấy: một em bé được gia đình hồn nhiên cho “tè” vào chai giữa nơi đô hội trong chuyến du lịch nước ngoài, một em bé khác “tè” giữa sân Văn Miếu trong một ngày xuân mới, rất nhiều khoan cắt bêtông và “Cam Dai Bay” trên các bức tường. Có cái gì đó rất chung ở đây, một thứ quá phổ biến đến mức đã trở thành một kiểu “văn hóa”. Tôi chỉ có thể gọi tên nó là “sự tùy tiện”. Sự tùy tiện có ở khắp mọi nơi. Nó không chỉ là của văn hóa và thẩm mỹ. Ở góc độ quản trị, sự tùy tiện cũng xuất hiện ở bất cứ chỗ nào mà ta để mắt đến. Những con đường giao thông hỗn loạn, những dự thảo “chính chủ” mới đây, “cấm người ngực lép đi xe” hồi trước, những chỉ tiêu đặt ra mà không bao giờ thực hiện... Có gì giống với em bé hồn nhiên “tè” giữa sân Văn Miếu, những “khoan cắt bêtông” dày đặc trên các bức tường? Có chứ, đó là sự tùy tiện. Với trẻ nhỏ thì đó chỉ là tùy tiện một cách hồn nhiên, vô ý thức thì với người lớn đó lại là tùy tiện một cách có ý thức và vô trách nhiệm. Tags: Văn minh đô thịVăn hóaTùy tiệnSự tùy tiện
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.