​Vào lớp học sáng tạo

ĐOÀN BẢO CHÂU 14/09/2014 03:09 GMT+7

TTCT - 7g tối, vừa tan sở Huỳnh Thị Hồng Nhung (23 tuổi) lại tất bật chuẩn bị đi học.

Các học viên lớp học origami tự làm giấy xếp - Ảnh: Đ.B.C
Các học viên lớp học origami tự làm giấy xếp - Ảnh: Đ.B.C

Không phải học để có bằng nộp cơ quan hay học để thăng tiến, bạn đi học vì vui với tranh vẽ, xếp giấy origami, nặn đất tại các lớp học ở Toa Tàu, một tổ hợp học tập sáng tạo (creativity learning hub) đang gieo mầm niềm vui học cho mọi người từ trẻ em đến người lớn.

Logo Toa Tàu là sự kết hợp của ba tác phẩm lớn về trẻ em trên thế giới: Toa tàu của Totto-chan bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi), làn khói hình con rắn của Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), slogan Đón trẻ đồng xanh gợi nhớ đến Bắt trẻ đồng xanh (J. D. Salinger).

Và đúng với tinh thần niềm vui thơ trẻ đó, Toa Tàu lấy nghệ thuật làm trung tâm, từ đó kết nối đầy ngẫu hứng, sáng tạo với thế giới xung quanh.

Làm mỏng lớp vỏ định kiến

Ngồi quây quần quanh chiếc bàn lớn, hơn chục thành viên của lớp origami đang chăm chú quét màu lên giấy theo ý thích của mình, thay vì dùng giấy xếp được cắt sẵn, in sẵn ngoài thị trường. Người dùng ống hút thổi để màu bắn vung ra trên giấy, người quét bảy sắc cầu vồng lên giấy, người khác chỉ chọn hai màu đen trắng... 

Đến phần xếp giấy, thay vì chọn sẵn giáo án xếp lần lượt con vật nào trước sau, thầy Nguyễn Tú Tuấn bắt đầu bằng một phim hoạt hình ngắn vui nhộn Heo tập thể dục với diễn viên chính là đàn heo xếp kiểu origami do mình tự thực hiện.

Những gương mặt đang căng thẳng vì lo lắng về các công thức xếp giấy phức tạp giãn hẳn, tiếng cười sảng khoái vang lên theo những chuyển động ngộ nghĩnh của các chú heo. Sau đó, học viên được hướng dẫn các nguyên tắc chung nhất để tạo ra một mẫu mới, rồi tự mình làm rất nhiều mẫu vật ngộ nghĩnh như Pikachu, Totoro... 

Nhật Anh, một học viên 17 tuổi, hào hứng cho biết: “Trước đây, lúc nào học origami tôi cũng chỉ chăm chăm đếm xem mình làm được mẫu nào rồi, ráng nhớ để về làm lại nhưng sau đó quên liền. Ở đây ngược lại, từ một nguyên tắc chung tôi đã có thể tự làm ra rất nhiều mẫu theo sở thích của mình. Tôi còn được thầy giải thích các ứng dụng vật lý trong cách làm cánh chong chóng, ứng dụng hóa học trong cách pha màu làm giấy nữa, rất lý thú!”. 

Không riêng lớp học origami, Toa Tàu giữ tinh thần “đón trẻ đồng xanh” - vô tư và thoải mái trong tất cả các lớp hiện đang vận hành: vẽ kể chuyện (cho người lớn và thiếu nhi), thuyết trình kể chuyện, đất nặn...

Ở lớp học vẽ kể chuyện thiếu nhi, có hôm thầy cô còn mang vào một chú chó thật sự để các em cùng chơi, cùng trò chuyện và sau cùng là tự vẽ lại theo những gì em đang thấy.

Phụ huynh em Trần Nhật Đăng (7 tuổi) cho biết: “Từ ngày đi học, tôi thấy cháu hóm hỉnh hơn, vui vẻ hơn. Cháu vẽ không chỉ để trả nợ cho cô giáo nữa, mà mỗi bức tranh đều có một câu chuyện thú vị để cháu luôn hào hứng kể lại mỗi khi tan lớp”. 

Vậy thử thách nhất là dạy cho đối tượng nào? “Cho người lớn” - anh Bút Chì, tức Đỗ Hữu Chí, người đứng lớp vẽ kể chuyện, tiền thân của Toa Tàu và thành viên sáng lập tổ hợp này, trả lời.

“Khác với trẻ em, chúng ta có một thứ gọi là “quán tính người lớn” - lớp màng cứng của rất nhiều nguyên tắc, định kiến, ví dụ đi học thì phải đạt điểm cao, học vẽ thì phải có tranh đẹp đem về...

Khóa học nào tôi cũng dành ra 3/9 buổi để giúp mọi người thả lỏng và bắt đầu lại với niềm vui nguyên sơ nhất là được kể lại cuộc sống của mình bằng nét bút, hình vẽ, như những người nguyên thủy từng làm trong hang động cách đây hàng nghìn năm. Khi thật sự tin vào niềm vui khi học, đó mới là lúc khởi phát sự học ở mỗi người”.

Các bé hào hứng trong lớp vẽ kể chuyện cho trẻ em - Ảnh: Đ.B.C
Các bé hào hứng trong lớp vẽ kể chuyện cho trẻ em - Ảnh: Đ.B.C

Những dao động cùng tần số 

Một khi đã khơi dậy được niềm vui trẻ thơ trong mỗi người lớn, vòng sóng lan tỏa của lớp học mở rộng ra đến mức đáng ngạc nhiên khi vợ rủ thêm chồng cùng học, mẹ theo con vào lớp... Lớp vẽ kể chuyện luôn có trung bình 20-30 học viên theo học đều đặn hằng tháng, từ bác sĩ, bộ đội, thầy giáo đến các em học sinh, cán bộ hưu trí...

Sự thích thú đó có thể thấy rõ nhất qua những tâm sự mà các học viên gửi đến Toa Tàu sau khi học xong: “Vẽ kể chuyện như một phép mầu xuất hiện trong đời mỗi người, để từ đó họ bắt đầu một cuộc sống thú vị và nhiều màu sắc hơn, bắt đầu sống theo chiều sâu của cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần theo chiều dài của nó” (Blog Khai Sáng), hay “Vẽ kể chuyện là lớp học duy nhất mà em rất mong mình sẽ được lưu ban lại để học tiếp”... 

Ngay cả thầy cô ở Toa Tàu cũng bắt đầu lớp học của mình rất tình cờ. Ban đầu là học viên lớp vẽ kể chuyện, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, tiến sĩ quản lý xây dựng dự án ĐH Texas Austin (Mỹ), bắt được tâm huyết về một tổ hợp học tập sáng tạo để rồi trở thành một trong những thành viên sáng lập và đứng lớp thuyết trình kể chuyện, một môn học còn rất mới lạ ở Việt Nam. Còn anh Nguyễn

Tú Tuấn vốn là kỹ sư có gần 20 năm kinh nghiệm, sau đó bỏ nghề và chỉ tập trung nghiên cứu về origami. Lúc rảnh rỗi anh tranh thủ học lớp vẽ kể chuyện và quyết định ở lại giảng dạy ngay khi kết thúc lớp. 

Bắt đầu đơn giản nhưng không có nghĩa là một lớp học sơ sài. Đội ngũ sáng lập đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các phương pháp giáo dục sáng tạo trên thế giới, đặc biệt là ở Bắc Âu, Mỹ, kết hợp với kinh nghiệm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam để cho ra đời những giáo án mang đậm tính “Toa Tàu”, ngay cả ở các môn quen thuộc như âm nhạc, đất nặn. 

Đông đảo bạn trẻ hào hứng với lớp học - Ảnh: Đ.B.C
Đông đảo bạn trẻ hào hứng với lớp học - Ảnh: Đ.B.C

Chẳng hạn ở lớp học trải nghiệm âm nhạc cùng Ukulele, anh Lê Vũ sẽ không chỉ dạy cách chơi nhạc ukulele (một loại nhạc cụ), rồi học vài bài tủ để trình diễn như thường thấy, mà là tạo ra một không gian trải nghiệm của âm nhạc, giúp học viên có được câu trả lời về những thắc mắc: Chúng ta đã bao giờ thật sự nghe thấy âm nhạc?

Có biết âm nhạc ảnh hưởng thế nào đến bản thân, gia đình?...

Tự nhận việc đến với nhau là do những dao động cùng tần số, Toa Tàu sở hữu một chương trình rất linh hoạt, có thể điều chỉnh ngay sau mỗi buổi học, khi nhận được góp ý từ giáo viên các lớp khác.

“Chúng tôi không có khái niệm người dạy hay người học vì chúng tôi liên tục học lẫn nhau. Ở đây người dạy chỉ là người khơi nguồn cảm hứng, mình không thể đặt toàn bộ khối kiến thức của bản thân lên người học, buộc họ phải giống hệt mình và tước đi vai trò chủ động của họ” - chị Đỗ Thị Ngọc Loan, giáo viên lớp đất nặn polymer, giải thích. 

Nhận được hưởng ứng nhiệt tình là thế nhưng Toa Tàu cũng phải đối mặt với không ít thử thách, đặc biệt là tâm lý băn khoăn của phụ huynh khi cho trẻ đến với các lớp học này, chẳng hạn mức độ tự do sáng tạo sẽ là bao nhiêu và có thật sự hiệu quả với trẻ vốn đã hiếu động, cùng khoản học phí này (khoảng 1-2 triệu đồng/tháng) có thể cho con đi học thêm để nâng điểm trong lớp... 

Chị Phương Huyên, thành viên sáng lập Toa Tàu, cho biết: “Ý tưởng thì đã có từ bảy năm trước, nhưng đi từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường dài. Để đạt được điểm A, đôi khi chúng tôi phải chấp nhận những điểm B, C như kinh phí để tự chủ về địa điểm, lương giáo viên, học cụ, kể cả giữ chất lượng ổn định trong từng buổi học.

Mặt khác, về tinh thần tự do của trẻ, chúng tôi nỗ lực thuyết phục phụ huynh bằng cách dạy cho trẻ cách tôn trọng môi trường xung quanh, truyền cho các em tình yêu bố mẹ trong từng sản phẩm học được như khung tranh với hình vẽ gia đình, làm thiệp tặng mẹ...”. 

Dần dà nhiều phụ huynh đã gật đầu cho trẻ học tiếp. Chị Hương Lan, một phụ huynh, cho biết: “Học vừa xong buổi thứ hai lớp đất nặn, con gái đã về nhà dặn đi dặn lại mẹ nhớ đăng ký cho con học khóa kế tiếp nha, con thích lắm… Hiếm có lớp học nào mà trẻ lại hào hứng đi học như vậy, làm sao mình nỡ tước đi niềm vui đó?”.

Cứ thế, từ một phòng học nhỏ chỉ 20m2, giờ đây giấc mơ về một ngôi trường Toa Tàu bắt đầu thành hình ở một nhà kho cũ trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, từ chính tiền túi của ba thành viên sáng lập.

Không phải xây dựng mô phỏng như hình dáng một toa tàu, nhưng tinh thần “Toa Tàu” là điều mà tất cả thành viên luôn nung nấu: một mái nhà chung cho nghệ thuật và đời sống, nơi mọi người luôn vui vẻ khi tìm đến, không chỉ để học mà còn là đọc sách, cùng trao đổi ý tưởng… 

“Sau khi rời Toa Tàu, người học có tiếp tục giữ được đứa trẻ hồn nhiên, sáng tạo trong họ hay không là phụ thuộc vào chính họ. Nhưng điều quan trọng nhất là một hạt mầm đã được gieo, một ngọn lửa đã được đánh lên. Với chúng tôi, đó đã là niềm vui đáng để theo đuổi dài lâu rồi” - anh Bút Chì chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận