Vật cực tất phản

HUY THỌ 02/12/2022 09:25 GMT+7

TTCT - Sự mặc định trong bộ óc con người thật dễ sợ. Những bài viết, những status, những bình luận trên truyền hình về một đội Đức của hôm nay là "ý chí thép", "xe tăng", "xe lu"... là một ví dụ.


Vật cực tất phản - Ảnh 1.

Đội tuyển Đức ngày nay chơi hoa mỹ nhưng yếu ớt. Ảnh: AP

Với báo chí Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, những biệt danh để chỉ một đội Đức lạnh lùng, bản lĩnh, ý chí như thép có lẽ bắt đầu phổ biến từ sau ngày 8-7-1982. 

Hôm ấy tại Sevilla, ở bán kết World Cup 1982, Đức và Pháp tranh vé dự chung kết. Bóng đá Pháp bấy giờ đang có những tài hoa lỗi lạc như Platini, Tresor, Tigana, Giresse...

Hai đội đã làm nên một cuộc rượt đuổi ngoạn mục. Đầu tiên, Littbarski mở tỉ số cho Đức ở phút 17, nhưng chỉ 10 phút sau Platini gỡ hòa cho Pháp. 

Tỉ số 1-1 được giữ đến hết hai hiệp chính. Sang hiệp phụ, Pháp tưởng như cầm chắc chiến thắng khi Tresor và Giresse liên tiếp ghi bàn giúp đội nhà vượt lên dẫn 3-1.

Tuy nhiên, người Đức chứng tỏ bản lĩnh tuyệt vời bằng hai bàn gỡ của Rummenigge và Fischer, đưa trận đấu đến trên chấm luân lưu. Ở cuộc đấu súng, Pháp đã phải ôm hận nhìn Đức vào chung kết. 

Trận đấu còn có sự cố kinh thiên động địa hồi ấy là pha va chạm kinh hoàng giữa thủ môn Schumacher của Đức với tiền đạo Battiston của Pháp khiến anh này bất tỉnh, gãy 2 chiếc răng và 3 chiếc xương sườn. Đài BBC gọi đấy là "trận cầu của thế kỷ 20".

Từ đó, người ta bắt đầu kính nể bản lĩnh của bóng đá Đức: cả khi đang bị dẫn bàn, họ vẫn tỉnh như không. 

Cũng kể từ đó, báo chí Việt Nam bắt đầu ví von đội Đức với những phẩm chất lạnh lùng và cứng cỏi; nặng nề, chậm chạp, nhưng đủ sức san phẳng tất cả chướng ngại trên đường đi.

Tuy nhiên chất thép đấy có còn ở tuyển Đức bấy giờ không?

Sự thay đổi có lẽ bắt đầu từ World Cup 2006 trên sân nhà, dưới triều đại HLV Klinsmann. Ông và Beckenbauer muốn xóa bỏ hình ảnh cũ của tuyển Đức trong mắt người hâm mộ - người ta có thể kính nể bản lĩnh và hiệu quả của tuyển Đức, nhưng bảo yêu thích đội bóng này thì khó! 

Không phải ngẫu nhiên mà chủ nhà World Cup 2006 đã tổ chức một cuộc triển lãm hình ảnh, vật dụng liên quan đến "trận cầu thế kỷ" năm 1982. 

Các hiện vật "đinh" là... hai chiếc răng gãy của Battiston năm xưa. Có thể nói đây là màn "tự phê" nghiêm khắc của bóng đá Đức, rằng họ sẽ không lặp lại hình ảnh xấu xí đó.

Cũng từ đó, tuyển Đức đá thiên về tấn công, thêu hoa dệt gấm, sáng tạo và tinh tế. Chiến thắng ở World Cup 2014 của họ đã thuyết phục được hoàn toàn giới mộ điệu yêu bóng đá đẹp.

Nhưng vật cực tất phản: xem màn sẩy chân của tuyển Đức ở trận ra quân World Cup 2022 này trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn Nhật Bản, ta thấy họ cuống quýt, thậm chí là hoảng loạn, sau khi bị gỡ hòa, rồi bị dẫn bàn. 

Ở tuyển Đức thời xưa cũng không bao giờ có màn cà rỡn như khi Rudiger chạy cao chân đùa cợt cầu thủ Nhật, sau khi đã dẫn điểm và chiếm thế thượng phong.

Thật lòng mà nói, tôi vẫn thích tuyển Đức ngày xưa hơn. Vì như vậy, khi xem World Cup, mới có được trải nghiệm về bản sắc của từng quốc gia, thậm chí từng khu vực địa lý, hay cả châu lục. 

Lúc đó, chúng ta sẽ thấy điệu Samba của Brazil, sự hồn nhiên hoang dã châu Phi, ý chí của châu Á, và sự lạnh lùng của người Đức.

Còn bây giờ, tất cả đang ngày càng nhạt nhòa, pha trộn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận