Vaysha mù (Một câu chuyện dang dở)

GEORGI GOSPODINOV 29/12/2023 04:43 GMT+7

TTCT - Và mặc dù cả hai mắt đều mở to, giống như đôi mắt của tất thảy những người sáng mắt, nhưng Vaysha vẫn là kẻ mù lòa. Mọi người gọi nó là Vaysha mù...

Vaysha mù (Một câu chuyện dang dở)- Ảnh 1.

Mắt trái nó chỉ thấy được quá khứ, còn mắt phải thì cũng chỉ thấy được những điều sắp diễn ra trong tương lai. Và mặc dù cả hai mắt đều mở to, giống như đôi mắt của tất thảy những người sáng mắt, nhưng Vaysha vẫn là kẻ mù lòa. Mọi người gọi nó là Vaysha mù. Nó hầu như chả ra khỏi nhà, và khi ra ngoài sân, nó bước đi hai tay quờ quạng về phía trước, vấp phải cây anh đào, bị bụi mâm xôi đen cào khắp người, và làm đổ mấy cái chậu trong nhà kho. Với nó, cây anh đào, bụi mâm xôi đen và mấy cái chậu đều không tồn tại, giống như bản thân cái ngày hôm ấy cũng không tồn tại. Đối với con mắt trái, những thứ ấy vẫn chưa trồi ra khỏi mặt đất, còn đối với mắt phải thì chúng đã chết và đã chui trở lại mặt đất rồi.

Khi Vaysha còn bé, mẹ nó là người đầu tiên phát hiện ra nó bị mù kiểu kỳ quặc này. Làm sao mà bà biết được rằng đối với con mắt trái của Vaysha, người phụ nữ đang cúi người xuống với nó là một cô bé đang chập chững những bước đi đầu đời, còn đối với mắt phải thì lại là một bà già còng lưng xấu xí?

Khi Vaysha học nói và cố giải thích nhát gừng những gì đang nhìn thấy, người ta quả quyết rằng mắt nó có tà thuật. Các bà già bắt đầu ghé nhà, hết bà này tới bà khác, quay đầu nhổ nước bọt, bứt tai, tặc lưỡi.

Trà hạt mẫu đơn uống trước lúc mặt trời mọc, uống hằng ngày, trong vòng bốn mươi ngày…

Mật chim ó, nướng cháy rồi đắp lên mắt khi còn ấm…

Mề gà đen tuyền, lột ra, chỉ lấy lớp màng, và áp lên mắt…

Duy một mụ ngồi tách riêng ra, lắc cái đầu rùa, chẳng nói chẳng rằng. Cuối cùng, sau khi những người khác về hết, mụ đứng dậy và ngay trước khi bước ra khỏi nhà, mụ dịu dàng bảo sẽ chẳng có thứ gì có tác dụng đâu, trừ phi đến khi có một cái gì đó xuất hiện để gom hai con mắt lại thì mới đưa nó trở lại thế giới được.

Vaysha cứ thế lớn lên, trở thành một phụ nữ trẻ đẹp. Và việc mắt trái màu nâu còn mắt phải màu xanh lá chỉ càng làm cô đẹp hơn.

Một hôm có một chàng trai trẻ đến xin hỏi cưới cô, đứng trước mặt Vaysha, và khi nhìn anh, cô thấy những thứ sau:

TráiPhải
Ôi Chúa ơi, thằng bé con mũi dãi lòng thòng kia đang hỏi cưới mình á, thằng bé đáng yêu, áo thì phanh ra, đầu gối trầy xước, mình đáng tuổi mẹ nó ấy chứ, thế mà người ta đưa nó đến đây để hỏi cưới mình, họ trêu mình à, ôi Chúa ơi…Tay thì run lẩy bẩy, đầu thì bạc trắng, tội lỗi quá đi mất, ôi Chúa ơi, sặc mùi đất, lão sắp chết tới nơi rồi mà còn muốn lấy vợ, mình lên giường với lão thế nào được, mình nhìn lão thế nào được đây, ôi Chúa ơi...

Và câu chuyện y hệt thế này cứ lặp đi lặp lại với bất kỳ ai đến gặp cô. Tuyệt không một ai có thể gom hai con mắt lại với nhau.

Năm tháng trôi qua, Vaysha xinh đẹp cứ thế sống với một mắt nhìn thấy quá khứ, còn mắt kia thì thấy những ngày tháng tương lai xa xăm. Thảng hoặc, đường biên của những thứ cô nhìn thấy xích lại gần nhau hơn, suýt khớp lại với nhau trong hiện tại. Nhưng trong khi với mắt phải mặt trời vẫn đang mọc, thì mắt trái đã thấy mặt trăng rồi. Tuy nhiên, nhiều lúc, khoảng cách giữa quá khứ và tương lai rời xa nhau ra với một tốc độ dữ dội, và Vaysha thầm thì rằng với mắt trái, trái đất không có hình thù gì và trống rỗng, còn bóng đen phủ ập lên biển cả, và thứ gì đó (cô không tìm được đúng từ để miêu tả) dịch chuyển trên mặt nước. Và ngay đúng lúc đó, một thành phố hình vuông chiều dài bằng chiều rộng xuất hiện trước mắt phải, tường thành lát bằng đủ các loại đá quý - lớp lát đầu tiên là ngọc bích đỏ, lớp thứ hai đá sapphire, lớp thứ ba đá canxedon, lớp thứ tư đá ngọc lục bảo, lớp thứ năm đá sardonyx, vân vân.

Đêm đêm nằm trên giường, Vaysha không sao khiến cho mắt nghỉ ngơi được. Những giấc mộng cứ thế tách làm hai như lưỡi rắn, và trong mơ, với một mắt cô đuổi bướm và mẫu đơn cao vụt ngang tầm cô, còn giấc mơ trong mắt kia thì mẫu đơn lại đã bị ngắt và phủ đầy lên thi thể lạnh ngắt của cô, còn bướm thì đuổi nhau trên mặt cô.

Vaysha mù (Một câu chuyện dang dở)- Ảnh 2.

Cuộc sống trở thành một gánh nặng thực sự với Vaysha. Có lần cô quyết móc một con mắt ra, dùng luôn ngón tay mà giật ra. Được thôi, nhưng bên nào? Nếu móc mắt trái, cô sẽ phải sống mà chỉ nhìn thấy những gì sắp xảy đến, mà như thế thì tuyệt nhiên chả hay hớm gì. Rồi những ngày sắp tới cô sẽ sống với ai, cô sẽ quen biết ai? Chà, thế thì cô sẽ móc con bên phải ra. Những ngày đã qua thì luôn ấm áp hơn, an toàn hơn. Nhưng cô biết nhìn mẹ nhìn cha thế nào đây, hai đứa trẻ con ấy, mà cô biết gọi chúng là gì, cô sống với chúng thế nào đây? Không có lối thoát nào cho Vaysha cả, dù là trong quá khứ hay tương lai.

Câu chuyện này không có hồi kết. Bởi vì trên thế gian này không gì có thể gom hai con mắt Vaysha lại với nhau để mọi thứ có thể trở nên giống nhau cho cả mắt trái lẫn mắt phải.

Và nếu các ngươi, kẻ đọc câu chuyện này, nhắm mắt phải lại và chỉ đọc bằng mắt trái, không nhìn thấy chữ cái hay câu chuyện nào cả mà chỉ thấy một trang giấy trắng vốn có trước khi câu chuyện được in ra hay thậm chí còn chưa phải là trang giấy mà chỉ là một cái cây sẽ làm nên trang giấy đó, thì khốn thay cho các ngươi.

Còn nếu các ngươi, khi nhắm mắt trái lại và đọc mọi thứ bằng mắt phải, vẫn không thấy chữ cái nào bởi chúng đã biến mất và tờ giấy đã biến thành bụi trắng, thì khốn thay cho ta. Cho dù các ngươi có đọc bằng đôi mắt của Vaysha mù hay không, thì câu chuyện này cũng lụi tàn như mẩu giấy và như cái thế giới đang vỡ vụn, héo tàn này. 

* Zét Nguyễn dịch từ bản tiếng Anh "Blind Vaysha" in trong tập truyện ngắn And Other Stories của Georgi Gospodinov do Alexis Levitin và Magdalena Levy dịch từ tiếng Bulgaria.

Vaysha mù (Một câu chuyện dang dở)- Ảnh 3.

Georgi Gospodinov (1968) là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia Bulgaria đương đại có tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất (25 thứ tiếng). Gospodinov được coi là một trong những tác giả quan trọng hàng đầu của văn chương châu Âu hiện nay, với các tiểu thuyết đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, như giải Jan Michalski cho Văn chương vào năm 2016, giải Văn học Trung Đông Angelus vào năm 2019. Cuốn tiểu thuyết Time Shelter của ông đã được trao giải Booker quốc tế vào năm 2023. Truyện ngắn "Vaysha mù" đã được nhà làm phim người Canada gốc Bulgaria Theodore Ushev chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 2016 và được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận