Vẻ đẹp của dữ liệu

TỊNH ANH 24/06/2024 06:05 GMT+7

TTCT - Dữ kiện trên mặt báo không chỉ phải chính xác, mà còn cần được trình bày theo kiểu hấp dẫn, vui vẻ.

Một biểu đồ trong bài viết về sở thích âm nhạc của người Mỹ trên Department of Data. Ảnh: Washington Post

Một biểu đồ trong bài viết về sở thích âm nhạc của người Mỹ trên Department of Data. Ảnh: Washington Post

Cách đây đúng một năm, tháng 6-2023 tờ The Washington Post mở chuyên mục hằng tuần The Department of Data (tạm dịch: Ban dữ liệu), nơi chủ mục Andrew Van Dam đào xới, phân tích các tệp dữ liệu thường bị bỏ qua hay đánh giá quá thấp, "để tìm ra những hiểu biết mới mẻ khiến độc giả ngạc nhiên và thích thú". 

Nhưng chuyên mục không chỉ nhằm mục đích giải trí - các con số biết nói còn có thể giúp người đọc vỡ lẽ trước một số quan niệm sai nhưng mãi chưa thấy ai nói lại cho rõ.

Van Dam được Lori Montgomery, biên tập viên kinh tế The Washington Post, đánh giá là nhà phân tích dữ liệu xuất sắc, từ lâu đã đóng góp nhiều cho mảng kinh tế của báo. Với chuyên mục mới, Van Dam được tự do tìm tòi, khám phá chủ đề rộng hơn và đưa ra ý tưởng độc đáo để gây hứng thú và tò mò cho độc giả.

Bài mở màn cho The Department of Data minh họa cho cả ba mục tiêu của chuyên mục: một sự thật thú vị + trình bày dữ liệu dễ hiểu + kiến thức mới về một quan niệm đã lạc hậu mà ít người nhận ra.

Quận Prince George ở bang Maryland, vốn nổi tiếng là quận người da đen chiếm đa số giàu có nhất nước Mỹ. Bằng cách xử lý dữ liệu từ Cục Điều tra dân số và trình bày lại chúng theo cách trực quan sinh động, Van Dam cho thấy Prince George có thể đã mất ngôi đầu vào tay Charles, một quận khác ở Maryland. Yếu tố kinh tế và xã hội nào đã thúc đẩy sự thay đổi đó? Phải đọc nhiều báo cáo, phân tích nhiều dữ liệu, vẽ nhiều biểu đồ. Van Dam sẽ làm tất cả những chuyện đó.

"Ở Ban Dữ liệu, chúng tôi tận tâm khám phá sức mạnh lạ thường và kỳ diệu của dữ liệu, thứ đã làm nên thế giới của chúng ta" - chủ mục nói trong một bài viết khác.

Ảnh: Washington Post

Ảnh: Washington Post

Ngoài tự nghĩ đề tài, Van Dam khuyến khích độc giả có thắc mắc gì cần trả lời bằng dữ liệu cứ liên hệ với ông. Và có vẻ ý tưởng dù quái đến đâu, cũng có thể có câu trả lời.

David Montgomery, một nhà báo dữ liệu lâu năm, hơi bực khi một người bạn của ông không có lấy một bộ dao ăn bít tết ra hồn nào ở nhà. Montgomery muốn chứng minh cho anh ta như thế là rất kỳ khôi, và cứ dựa vào dữ liệu - thế mạnh của ông - mà nói chuyện thôi. Nhà báo dữ liệu kỳ cựu này "tình cờ" lại đang làm việc tại YouGov, hãng nghiên cứu thị trường chuyên khảo sát đủ thứ trên đời.

Để khiến người bạn tâm phục khẩu phục, Montgomery bèn để YouGov thăm dò 1.000 người Mỹ trưởng thành về ngăn đựng dụng cụ ở nhà bếp của họ. "Tôi không nghĩ ra mục đích làm khảo sát nào hay hơn là để dẹp yên các cuộc tranh luận trong nhóm chat" - Montgomery kể lại với Van Dam.

Kết quả: 91% người được hỏi có ít nhất một bộ dao ăn bít tết, không kém cạnh lắm so với tỉ lệ có bộ nĩa, muỗng và dao ăn tối (lần lượt là 99%, 98% và 96%). Thắng thua giữa Montgomery và người bạn đã rõ, nhưng ông chủ The Department of Data còn thấy có thể khai thác kết quả khảo sát thú vị kia theo một cách khác.

Đào sâu kết quả, Van Dam nhận ra chuyện có dao nĩa trong nhà khác nhau tùy theo nhân khẩu học và khuynh hướng chính trị của gia chủ. Cụ thể, nĩa có vẻ là dụng cụ ăn uống ưa thích của nam giới trẻ tuổi; một nửa số người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha có bộ muỗng, so với chỉ 29% người da trắng; người theo Dân chủ thích dùng nĩa xiên thịt hơn người Cộng hòa (47% so với 27%).

Tóm lại, càng đào thì sẽ càng có lắm điều hay. Nhưng dữ liệu không phải là cuộc chơi của mọi người. Lợi thế của một tờ báo Mỹ là có nhiều nguồn dữ liệu, từ nguồn chính phủ công khai đến các khảo sát tư nhân, của các ngành nghề. Không có số bột này thì cũng khó mà gột nên hồ.

Chỉ có những vấn đề cắc cớ như thế này mới khiến Van Dam bó tay: tại sao người ở các khu vực địa lý khác nhau thì có cách ăn bắp khác nhau - chỗ cắn theo chiều dọc, chỗ thích "cạp" theo chiều ngang, lại có chỗ ăn vòng vòng (câu hỏi từ bạn đọc).

Năm 2022, YouGov có khảo sát người Mỹ thích ăn bắp còn nguyên lõi hay phải tách ra. Kết quả cho thấy đa số thích ăn còn nguyên lõi, dù là nhóm nhân khẩu học nào. Duy chỉ có khác biệt về độ tuổi: càng trẻ thì càng thích bắp không lõi hơn. 

Khảo sát không hỏi về sở thích ăn bắp theo chiều nào. Nhưng nếu nhờ David Montgomery hỏi tiếp, thì hai năm sẽ rõ mười. Dù sao chính ông ấy đã khảo sát người Mỹ về một chuyện "tầm phào" như có gì trong ngăn đựng dao nĩa ở nhà kia mà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận