Về một làng quê đang biến mất

THANH VÂN 30/07/2014 09:07 GMT+7

TTCT - Với 66 bài viết về 66 vấn đề thu hút mối quan tâm của dư luận, tác giả Tạ Duy Anh đã vẽ nên một bức tranh về xã hội Việt Nam hiện tại bằng vô vàn nhức nhối.

Trong tập bình luận xã hội này có chuyện kinh tế, giáo dục, chủ quyền, cũng có chuyện mạng chó mạng người, cướp bia, kinh doanh chùa chiền, giá xăng, án oan, thu hồi đất, clip sex, bảo mẫu bạo hành trẻ, thực phẩm bẩn, sửa quốc ca, đổi tên nước... Những bức xúc hằng ngày ta thường gặp phải gần như đều có trong cuốn sách.

Dù đã đọc qua nhiều bài báo liên quan, người ta vẫn bị giọng văn của tác giả cuốn hút nhờ cách tiếp cận sinh động, từ chi tiết nhỏ mở ra những khái quát bất ngờ, gợi nhiều suy nghĩ. Cuốn sách gắn liền với những sự kiện đang xảy ra hằng ngày hằng giờ mà căn nguyên là những tồn tại dai dẳng từ xưa tới nay, và mỗi lần khảo sát chúng ta lại được thấy thêm nhiều thú vị, tùy vào cách nhìn và tâm thế của từng người.

Là một nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm mang chủ đề xã hội, Tạ Duy Anh trăn trở với tình hình đất nước. Cái tên Làng quê đang biến mất? (*) của một bài viết được dùng để đặt cho cả tập chính là tinh thần của tập sách này. Làng quê trong mắt Tạ Duy Anh có ý nghĩa như một không gian văn hóa bao trùm tâm lý của người Việt Nam.

Khi còn sạch sẽ, ngăn nắp, không gian ấy “khiến con người, dù chưa hết đói nghèo, luôn giữ được sự thư thái, cảm giác bình an”. Với ông, để nhìn và hiểu người Việt Nam không thể tách rời gốc gác làng quê của họ. Dân tộc này gắn với đất, với nước, với quần thể làng xóm, mọi điều tốt và xấu của chúng ta đều sinh ra từ gốc rễ đó.

Làng quê đang biến mất nghĩa là không gian văn hóa của Việt Nam đang biến dạng rất nặng nề. Chưa bao giờ sự băng hoại lại diễn ra với tốc độ nhanh và rộng như thế.

Đặc biệt, mỗi người đều cảm thấy cuộc sống đang ngày càng khó sống, nhưng những chuyện khó chịu - tuy có nguyên nhân hẳn hoi - vẫn cứ lặp đi lặp lại mà không biết bắt đầu sửa từ đâu. Con người trở nên vô cảm và ngoảnh mặt đi, mặc cho cái ác và sự ngu dốt lan tràn.

Bình luận xã hội, tản văn hay các thể loại tương tự đều khó viết, đặc biệt là khi có quá nhiều thứ để viết. Nhất là khi những vấn đề lớn của xã hội thì ai cũng biết và ai cũng bàn bạc được. Làng quê đang biến mất? đặc biệt ở chỗ một vấn đề luôn được trình bày qua nhiều lớp nên đọc rất hấp dẫn.

Tác giả ngoài việc phơi bày hiện tượng luôn chú trọng đi sâu tìm căn nguyên để đưa ra những lý giải, tổng kết sắc sảo. Chẳng hạn, để giải thích vì sao những chiếc siêu xe cực kỳ hiện đại lại gây tai nạn liên tục như vậy, ông viết: “Đại gia lái siêu xe không phải lo bất cứ điều gì. Tiền cho họ tâm lý đó. Họ tin rằng mọi chuyện xảy ra đều có thể lo được bằng tiền. Vì thế bất cứ chiếc siêu xe nào chạy trên đường phố cũng có cái ung dung tự tại rất riêng mà chỉ có những tín đồ của ôtô mới nhận ra...”.

Vậy là chính những ưu thế tuyệt đối về kỹ thuật và thứ hạng xã hội của siêu xe, tâm lý tôn thờ vị thế tuyệt đối của tiền bạc cộng với thói quen trưởng giả thấm vào máu người Việt là những nguyên nhân đưa khá nhiều ông chủ giàu có đến chỗ khốn nạn, thậm chí thân bại danh liệt...

Chung quy, chỉ có thể nói vắn tắt bộ điều khiển văn hóa của chúng ta thật sự đang có vấn đề về nhận dạng hành vi. Khi thay tiền vào vị trí của phẩm hạnh thì chuyện gì chả có thể xảy ra.

Những cách lý giải này khiến người đọc cảm thấy thú vị, thỏa mãn và cả đau xót lo âu, như khi đọc kết luận về hậu quả của cách giáo dục và dùng người hiện nay: “Khi những người có thực tài bị loại chỉ vì họ không biết gian dối, thì lẽ công bằng giống như một thứ mỹ từ chỉ có tác dụng nhạo báng. Những tâm hồn còn chưa vẩn đục ấy sẽ khó mà không vẩn đục gấp bội để trả thù cho sự trong trắng ngu ngốc của mình”.

Có thể nói Làng quê đang biến mất? là cuộc thám hiểm những cố tật của văn hóa Việt mà mỗi người đều tìm thấy chân dung của mình trong đó.

(*): Làng quê đang biến mất?, tập bình luận xã hội của Tạ Duy Anh. NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam, 2014.

Phóng to

Nhà văn Tạ Duy Anh sinh năm 1959. Cử nhân văn học. Từng là cán bộ kỹ thuật tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, giảng viên Trường viết văn Nguyễn Du.

Tác phẩm chính: Bước qua lời nguyền, Lãng du (tập truyện), Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối (tản văn) và các tiểu thuyết: Lão Khổ, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối, Sinh ra để chết...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận