TTCT- Các nền tảng thanh toán di động đang nhắm đến thị trường Việt Nam, thậm chí có bàn chân đã bước qua ngưỡng cửa. Nhiều người không muốn mình rớt lại phía sau nhưng cái gì cũng có giá của nó... Hình thức thanh toán bằng thẻ ra đời đã giảm bớt bất tiện khi phải mang tiền mặt trong người, nhưng công nghệ ví di động (mobile wallet) và thanh toán di động (mobile payment) lại mang đến sự tiện lợi còn hơn thế. Ta có thể vứt ví ở nhà mà vẫn có thể mua sắm, chi trả được đủ thứ dịch vụ bằng smartphone, thứ luôn “kè kè” theo người. Tiền mặt sẽ biến mất, bao giờ? Theo New York Times ngày 14-11, các nước Scandinavia có thể xem là thành công nhất trong công cuộc xây dựng xã hội không tiền mặt. Nhiều ngân hàng ở Thụy Điển không còn sẵn tiền mặt và giao dịch chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng có hiệu lực tức thời, không cần phải đợi. Trong khi đó, Mỹ lại chậm hơn các quốc gia giàu có khác trong việc loại bỏ tiền mặt. Các giao dịch chuyển khoản qua nhà băng ở Mỹ vẫn thường mất ít nhất một ngày mới hoàn tất, còn thẻ debit (ghi nợ) và thẻ tín dụng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất. Một khảo sát trên 4.000 người do PayPal công bố hồi tháng 8 cho thấy “tiền mặt vẫn là vua” ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Theo đó, 57% người được hỏi cho biết vẫn thích dùng tiền mặt cho giao dịch mỗi ngày, và 24% thích dùng các phương thức thanh toán truyền thống như chuyển khoản, Internet banking và quẹt thẻ. Chỉ có 12% cho biết thường xuyên dùng ví điện tử. Tuy vậy, New York Times nhận định mọi chuyện sẽ thay đổi nếu các hãng công nghệ có thể thành công trong việc “biến chuyện trả tiền cho bữa trưa hay ly cà phê sáng dễ dàng hơn mà không cần phải rút ví”. Hồi tháng 7, cây bút Adam Minter của Bloomberg cũng cho rằng các công nghệ thanh toán di động sẽ ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng hơn và sẽ “biến xã hội không tiền mặt thành thực tế sớm hơn dự đoán”. Vậy công nghệ thanh toán di động hiện đã “hấp dẫn” đến mức nào? Thử nhìn vào Trung Quốc, nơi được cho là đã thực hiện thành công “cách mạng thanh toán di động”. Thay vì móc ví hay “cà” thẻ, chỉ việc đưa điện thoại ra QR và câu chuyện Trung Quốc Không thể bàn đến thanh toán di động ở Trung Quốc mà không kể đến sự trở lại của mã QR, một công nghệ đã có từ những năm 1990. Cách đây hơn 2 thập niên, Tập đoàn Denso (Nhật Bản) nhận thấy mã vạch chỉ có thể lưu trữ thông tin rất hạn chế nên đã tạo ra mã mới có dạng hình vuông, có thể đọc nhanh hơn mã vạch đến 10 lần và vì lẽ đó gọi nó là QR (quick response - phản hồi nhanh). Hai ứng dụng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, Alipay (do Ant Financial, công ty tài chính thuộc Alibaba, phát triển) và WeChat Pay (Tencent) đều phát triển công nghệ thanh toán di động xoay quanh mã QR. Người dùng Alipay hay WeChat Pay sẽ kết nối ứng dụng với tài khoản ngân hàng của họ và được cấp một mã QR cá nhân. Khi cần thanh toán, thay vì quẹt thẻ, người mua sẽ đưa smartphone ra để máy POS quét mã QR này và bấm nút xác nhận thanh toán ngay trên điện thoại. Hình thức này gọi là “thanh toán không tiếp xúc” (contactless payment), khác với việc “cà” thẻ. Ngược lại, người bán có thể liên kết với Alipay hoặc WeChat Pay để tạo mã QR cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi giao dịch, người mua sẽ dùng smartphone quét các mã đó và hoàn tất thanh toán. Apple Pay và Samsung Pay cũng thanh toán kiểu “không tiếp xúc” nhưng thông qua công nghệ giao tiếp tầm gần (NFC) chứ không phải mã QR. Tạp chí Economist ngày 2-11 nhận định đây là lý do khiến hai ứng dụng này chỉ phổ biến ở Mỹ và châu Âu vì “các thiết bị và công nghệ cần để hỗ trợ kiểu thanh toán này rất đắt đỏ đối với các nước nghèo”. Tương tự, Minter cũng viết trên Bloomberg rằng thanh toán bằng mã QR tiện hơn vì “những người bán hàng nhỏ lẻ, vốn chiếm đa số ở các nước phát triển, đâu có lý do gì phải đầu tư tốn kém để chấp nhận Apple Pay hay Samsung Pay khi giá trị các giao dịch của họ chỉ tương đương nửa đôla?”. Còn e ngại điều gì? Trừ Trung Quốc, nơi mà từ xe hàng rong đến cửa tiệm sang trọng đều nhận thanh toán qua di động, ví di động xem ra vẫn chưa thể soán ngôi thẻ thanh toán chứ chưa nói đến tiền mặt ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, dù đã có vài ứng dụng ví di động nhưng chuyện người nhận lương qua thẻ vẫn rút tiền mặt cho bằng hết còn rất phổ biến. Vì sao lại thế? Theo TechRadar ngày 10-11, có thể kể đến các yếu tố như mối lo về bảo mật (giao tiền cho một công ty công nghệ có an toàn như giao cho nhà băng?), lý do chính có thể là câu hỏi: vì sao phải dùng ví di động? “Việc gì phải tải và cài đặt ứng dụng ví điện tử, chấp nhận rủi ro bảo mật và dùng nó để thanh toán khi ta cũng có thể dễ dàng làm điều đó bằng cách “quơ” thẻ tín dụng trước máy POS?” - TechRadar đặt vấn đề. Đương nhiên khi thu ngân yêu cầu thanh toán mà ta đĩnh đạc chìa smartphone để quét mã QR ra thì trông rất oách, nhưng “giải quyết khâu oai” chỉ được vài lần chứ đâu phải mãi mãi. Vấn đề nữa là không phải chỗ nào cũng chấp nhận thanh toán di động, và nếu cửa hàng A dùng ví X mà cửa hàng B lại chỉ chấp nhận ví Y, việc phải cài nhiều ví điện tử lên điện thoại cũng không phải là điều tiện lợi cho cam. Chưa kể ở nhiều nơi thậm chí thanh toán bằng thẻ còn không được thì trông đợi gì thanh toán thời thượng bằng di động? Những người ủng hộ thanh toán bằng di động cho rằng hình thức này có rất nhiều thuận tiện như không lo bị cướp giật khi mang tiền trong người, không sợ bị tiền giả và tránh được tội phạm tiền tệ và né thuế. Ngoài những sự tiện lợi này, thanh toán di động lại có mặt trái mà có thể người tiêu dùng không để ý hoặc xem nhẹ: các giao dịch điện tử rất dễ theo dõi và người dùng sẽ không còn quyền riêng tư với lịch sử giao dịch của mình. Với Trung Quốc, nơi công dân làm gì, đi đâu, nói gì trên mạng đều không lọt khỏi tầm mắt của chính quyền, việc họ mua gì, chi nhận tiền ra sao... cũng lọt vào danh sách bị kiểm soát. Hệ sinh thái từ ví di động Thị trường thanh toán di động cũng đầy cơ hội cho các nhà bán lẻ khi họ có thể tự phát triển công nghệ thanh toán cho riêng mình để từ đó thu thập được nhiều thông tin từ khách hàng hơn, mà những dữ liệu này là “mỏ vàng” trong thời kinh tế số hiện nay. Chẳng hạn như Walmart, vốn cho ra đời ví điện tử Walmart Pay từ năm 2015, được dự báo sẽ vượt Apple Pay về lượng người dùng thường xuyên vào cuối năm 2018. Nguyên nhân trước hết là vì Walmart Pay được chấp nhận tại hơn 4.000 cửa hàng Walmart khắp nước Mỹ và nhờ có công nghệ thanh toán riêng, Walmart có thể biết khách hàng đã xem gì và mua gì, ở đâu, thanh toán tiền mặt, thẻ hay di động. Từ đó, Walmart có thể tạo các gói khuyến mãi hay lời chào hàng “đo ni đóng giày” với từng khách hàng có sử dụng công nghệ thanh toán của họ, điều mà Apple Pay không thể làm được. Tương tự, Starbucks cũng có ứng dụng riêng kèm tính năng thanh toán và ưu tiên nhận nước uống mà không cần phải xếp hàng. Thương hiệu cà phê này có thể hiểu rõ khách hàng thông qua các thanh toán của họ để có chiến lược chăm sóc “thấu hiểu” từng người dùng. Alipay cũng thế, nhất là khi nó là “người nhà” của gã khổng lồ Alibaba. Năm 2016, Alibaba chi 1 tỉ USD để nắm cổ phần chi phối trang thương mại điện tử Lazada, được xem là “Amazon của Đông Nam Á”, và sang tháng 4-2017, Ant Financial tiếp tục thâu tóm helloPay, nền tảng thanh toán do Lazada phát triển để phục vụ khách hàng của mình. Có thể hình dung tương lai khách hàng Lazada sẽ được hưởng khuyến mãi hay giá ưu đãi tốt hơn nếu thanh toán bằng Alipay, và đằng nào cũng là có lợi cho Alibaba của ông chủ Jack Ma.■ WeChat Pay hiện có đến 963 triệu người dùng thường xuyên, so với 520 triệu người dùng của Alipay tại Trung Quốc, nơi thị trường thanh toán di động trị giá đến 5.000 tỉ USD hồi năm 2016 và có thể tăng lên 45.000 tỉ vào năm 2021. Trong quý 1-2017, Alipay chiếm 54% lượng thanh toán qua di động ở đại lục, còn WeChat Pay nắm 40% thị phần. Tại Trung Quốc, thay vì trưng bảng “chấp nhận thẻ VISA”, các cửa hàng từ bình dân đến cao cấp đã để biển chấp nhận Alipay và WeChat Pay. Câu đùa “đến ăn xin cũng nhận thanh toán qua di động” cũng rất phổ biến khi nói về xu hướng “không tiền mặt” ở Trung Quốc. Khi đã chiếm lĩnh thị trường trong nước, Alipay và WeChat Pay bắt đầu vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, trong đó có Việt Nam. Trang The Verge cho biết Alipay hiện được chấp nhận tại 70 nước, so với chỉ 15 nước của WeChat Pay. Apple Pay hiện có mặt tại 15 quốc gia và Android Pay (khác với Samsung Pay) chỉ mới được hỗ trợ ở 10 nước. Việc “vươn vòi” ra hải ngoại của Alipay và WeChat Pay ban đầu là phục vụ du khách Trung Quốc, nhưng giới phân tích nhận định hai “đại gia” Trung Quốc này có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường thanh toán di động ở nước sở tại. Tags: Không tiền mặtVí di độngThanh toán không tiền mặt
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm, vùng núi cao dưới 10 độ C CHÍ TUỆ 23/11/2024 Dự báo từ đêm 26-11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm với nhiệt độ phổ biến 16-18 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.