Vì sao bị phản ứng?

VĨNH HÀ 12/10/2018 01:10 GMT+7

TTCT - Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: đề án sữa học đường là một đề án nhân văn, với mục đích bổ sung dưỡng chất cần thiết phát triển thể lực cho trẻ. Nhưng khi vừa triển khai cho phụ huynh các trường học ở Hà Nội đăng ký, đề án này đã vấp phải sự hoài nghi, phản ứng.

 

 

Khá nhiều phụ huynh (PH) học sinh cho biết đột nhiên được ấn vào tay tờ đăng ký, thậm chí có người nhận được hai lần giấy đăng ký tham gia chương trình sữa học đường. Một số PH cho rằng đây là chương trình quảng bá thương hiệu sữa, mà doanh nghiệp đã mượn hệ thống nhà trường để thực hiện. Một số khác lo ngại sữa kém chất lượng, sữa hết hạn sử dụng mới được đưa vào trường học, lợi dụng hệ thống nhà trường để ép PH mua sữa...

Hoài nghi về chất lượng

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Cầu Giấy thừa nhận thiếu sót vì “đã không thông tin đầy đủ, rõ ràng cho PH trước khi phát giấy đăng ký”. Tuy nhiên, cả khi đã thấy cần phải tuyên truyền thì có nhiều lãnh đạo, giáo viên các trường vẫn chỉ nhằm vào những “ưu điểm” như dùng sữa học đường thì PH được hỗ trợ 50% giá sữa, sẽ không tốn kém bằng mua sữa bên ngoài thị trường...

Trong một chia sẻ về đề án này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng ví “tiền mua sữa theo đề án trong một tháng của PH chỉ bằng tiền mua hai bát phở” để lý giải về giá sữa không phải tăng gánh nặng chi phí cho PH, nhưng lợi ích mang lại thì nhiều hơn thế.

Các giải thích này càng làm phát sinh những hoài nghi vì phần lớn PH tại Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành, không lo tốn tiền, mà cái họ quan tâm hơn và ngần ngại khi đăng ký là chất lượng sữa có tác hại đến con mình không. Hơn nữa, nhiều PH không có tâm lý thoải mái khi nghi ngờ mình bị lợi dụng để... tiêu thụ sữa, phục vụ một nhóm lợi ích nào đó.

Trên một số diễn đàn của PH, những ý kiến lo ngại nhất là “công ty sữa lợi dụng đề án để tiêu thụ sữa gần hết hạn sử dụng”. Chị Ph.D., có con học trường tiểu học ở Q.Cầu Giấy, cho biết: “Cô giáo nói với các con là chỉ được uống sữa tại trường, không được mang sữa về nhà, khi uống xong sẽ phải thu hết vỏ đúng bằng số lượng sữa đã phát ra...

Như thế có phải cách để giấu giếm, khiến PH không phát hiện sữa hết hạn không?”. Một số vấn đề khác cũng khiến PH lo ngại như kiểu “sữa đồng phục” như vậy có thể phù hợp với học sinh này nhưng không phù hợp với học sinh khác do thể trạng mỗi trẻ khác nhau, có thể không tốt cho sự phát triển của trẻ hoặc gây ra dị ứng, tiêu chảy...

Một PH có con học Trường tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, cho biết: “Cô giáo phổ biến và phát giấy đăng ký cho từng con. Như thế có phải ép buộc tất cả phải mua không?”. PH ở các trường tiểu học thuộc các quận Đống Đa, Thanh Xuân cho biết sau khi được con mang giấy đăng ký về đã điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm của con hỏi thì được cô giải thích: tất cả học sinh đều phải tham gia. “Cô giáo của con tôi nói nếu lớp có học sinh không tham gia sẽ bị phê bình, ảnh hưởng thi đua” - một PH cho biết.

Không ép buộc

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Không có chuyện ép buộc tất cả học sinh phải tham gia, cũng không có chuyện trừ thi đua các trường và giáo viên nếu không vận động được tất cả học sinh tham gia”.

Theo ông Tiến, việc tham gia đề án sữa học đường là tự nguyện. Đặc biệt, không bắt buộc PH tham gia phải đăng ký đồng loạt trong một thời điểm, mà có thể cho con tham gia ở những thời điểm khác nhau khi PH đã tìm hiểu và thấy tin tưởng. “Thậm chí bây giờ PH đăng ký khi chưa biết công ty trúng thầu cung cấp sữa, nhưng khi đã có thông tin mà vẫn không tin tưởng thì hoàn toàn có thể rút lại đăng ký không tham gia” - ông Tiến giải thích.

Về lo ngại chất lượng, ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cung cấp sữa cho đề án cũng phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra. Về lo ngại trước thông tin học sinh phải nộp lại vỏ hộp sữa đã uống, ông Tiến cho biết khi sữa chở đến trường sẽ nhập kho, giáo viên là người đến kho nhận, quản lý, hướng dẫn học sinh uống sữa, sau đó thu gom vỏ sữa chuyển lại cho nhà cung cấp tái chế. Mỗi trường có 3.000-4.000 học sinh, mỗi em uống một hộp sữa thì lượng vỏ hộp xả ra rất lớn, nếu không quy định thu gom để xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, học sinh có thể mang vỏ hộp về cho PH xem thành phần, hạn sử dụng để yên tâm. “Trường hợp chỉ có 50% số trẻ trong độ tuổi được cha mẹ đăng ký tham gia thì chúng tôi vẫn cho triển khai vì đây là một chương trình nhân văn, mang lại lợi ích cho học sinh” - ông Tiến nói.

Ngày 1-10 đóng thầu

Theo ông Phạm Xuân Tiến, có bảy đơn vị đăng ký tham gia dự thầu cung cấp sữa cho đề án sau khi Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan triển khai bán hồ sơ mời thầu và sẽ đóng thầu vào ngày 1-10. “Chúng tôi sẽ công bố công khai đơn vị trúng thầu trên phương tiện thông tin đại chúng và cho các PH” - ông Tiến cho biết. Cũng theo ông Tiến, đơn vị trúng thầu sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành của Bộ Y tế về chất lượng sữa và phải có đủ năng lực để cung ứng số lượng sản phẩm lớn, đủ cho học sinh tiểu học và mẫu giáo trên địa bàn.

“Có một điều chắc chắn là sữa cung cấp cho đề án không thể là các sản phẩm sữa bán trên thị trường. Ngoài các tiêu chí về chất lượng đáp ứng yêu cầu của đề án, chúng tôi cũng muốn tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Ví dụ nếu sử dụng cùng một sản phẩm sữa như bán trên thị trường có thể sẽ xảy ra tình trạng người cung ứng liên kết với các trường để nâng số lượng học sinh sử dụng nhằm tuồn sữa ra ngoài trục lợi hoặc tráo đổi sản phẩm, không đảm bảo chất lượng như các PH lo ngại” - ông Phạm Xuân Tiến nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cho biết sữa cung ứng cho đề án phải là sản phẩm chuyên biệt, được tăng cường các vitamin, khoáng chất cần thiết nâng cao thể trạng của trẻ ở tuổi mầm non, tiểu học. “Ban chỉ đạo chương trình dự kiến định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu sữa ngẫu nhiên để kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa tình trạng sữa kém chất lượng. Ngoài ra, ngay khi ký hợp đồng cũng sẽ yêu cầu nhà cung cấp sữa cam kết cung ứng sữa trong hạn sử dụng an toàn nhất, không có chuyện đưa vào sản phẩm sữa sắp hết hạn sử dụng”.

Bà Lâm khẳng định trong quá trình sử dụng, các nhà trường, giáo viên, PH có thể giám sát. Những trường hợp sữa bị nghi ngờ về chất lượng, thậm chí không đảm bảo an toàn do quá trình vận chuyển, cũng cần thông báo và ngừng cho học sinh sử dụng sản phẩm đó.■

Trên 90% số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa

Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em từ mẫu giáo tới tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1340/QĐ-TT ngày 8-7-2016 với mục đích: “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỉ lệ duy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em VN, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”. Chương trình triển khai theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia đóng góp của Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp.

Đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa; 100% bố, mẹ, người chăm sóc của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng...

Mức giá một hộp sữa 180ml dự kiến tối đa là 6.800 đồng và không tăng giá suốt thời gian triển khai. Để thực hiện đề án, ngân sách TP hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, PH học sinh đóng góp 50%. Như vậy, PH đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa. Học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo, là người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách… được uống sữa miễn phí (ngân sách TP và doanh nghiệp cùng hỗ trợ). Sữa dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế...

PGS.TS Bùi Thị Nhung

(trưởng khoa dinh dưỡng trường học Viện Dinh dưỡng quốc gia):

Trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Chương trình sữa học đường sẽ chú ý để không tăng thêm năng lượng dẫn tới bị béo phì. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều trẻ đang bị thừa cân khiến cha mẹ cho rằng phải cắt sữa. Nhưng các thực phẩm khác mà trẻ ăn hằng ngày như bánh bao, giò, xôi đều có lượng calo cao hơn sữa, nguy cơ béo phì nhiều hơn. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn các loại thức ăn khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận