Vì sao chiến tranh tiền tệ nguy hiểm hơn thương chiến

LOAN PHƯƠNG 10/08/2019 18:08 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi phát đang lên đến cao trào sau khi Tổng thống Donald Trump áp thêm 10% thuế lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỉ USD có hiệu lực từ 1-9 tới, đã xuất hiện cáo buộc Bắc Kinh đáp trả bằng “lưỡi gươm và lá chắn” quen thuộc của họ: hạ giá đồng nhân dân tệ.

Ảnh: Bitcoin.com
Ảnh: Bitcoin.com

 

Keith Bliss, phó chủ tịch cấp cao Cuttone & Co., phân tích trên Yahoo News: “Trung Quốc hiểu khá rõ cách thức họ điều chỉnh đồng tiền để có được những thứ nhất định. Họ nghĩ là họ có trong tay đòn bẩy. Có thể mô tả là họ dùng đồng nhân dân tệ cả như thanh gươm và lá chắn.

Lá chắn để bảo vệ những hãng xuất khẩu của họ, nhưng đồng thời là thanh gươm nếu họ cần thứ gì đó từ các đối tác thương mại. Và tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến điều đó ngay lúc này”.

Cuối ngày 6-8, Bộ Tài chính Mỹ đã gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, một cáo buộc mà Mỹ chỉ đưa ra vài lần trong cả lịch sử. Tuy nhiên, một số chuyên gia nói không có bằng chứng ủng hộ cho cáo buộc Trung Quốc can thiệp để làm hạ giá đồng nội tệ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng ra một thông báo nói Trung Quốc không “phá giá mang tính cạnh tranh” với đồng tiền và vẫn tuân thủ tỉ giá hối đoái do thị trường quyết định.

“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải cẩn thận vì Mỹ có khả năng thao túng đồng USD và có tầm với tác động lớn hơn nhiều so với Trung Quốc trong việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ” - ông Bliss phân tích. Trước đó, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm vào ngày 6-8, một động thái bị coi là đe dọa các hãng sản xuất Mỹ bởi khiến sản phẩm họ bán sang Trung Quốc đắt đỏ hơn.

“Tình hình sẽ rất nghiêm trọng nếu căng thẳng thương mại Trung - Mỹ biến thành chiến tranh tiền tệ” - Washington Post dẫn lời giáo sư Eswar Prasad chuyên về chính sách thương mại ở Đại học Cornell. “Cuộc chiến có thể dẫn tới Mỹ về cơ bản sẽ đóng cửa với mọi sản phẩm từ Trung Quốc.

Họ có thể sử dụng cáo buộc làm công cụ áp đặt thuế trừng phạt đơn phương, và cáo buộc đó chắc chắn là một lá chắn về mặt lập luận và chính trị để đánh thuế thêm. Có nguy cơ Mỹ sẽ coi việc đồng nhân dân tệ mất giá là một hành động khiêu khích về kinh tế và đáp trả tương xứng”.

Hậu quả khá rõ ràng của một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ là tăng trưởng kinh tế chậm lại với Mỹ và Trung Quốc, đồng nghĩa là tăng trưởng chậm lại với toàn cầu, và trong một kịch bản tồi tệ có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái lần nữa.

Nguy cơ áp thuế và cuộc đua phá giá đồng tiền không khỏi khiến các sử gia kinh tế nhớ lại giai đoạn ngay trước cuộc Đại suy thoái những năm 1930. “Chúng ta không muốn bước lại con đường đấy. Đó chính xác là những gì xảy ra trong cuộc Đại suy thoái: tất cả các nước dựng lên rào cản thuế quan và tìm cách đánh bại đối tác thương mại bằng cách phá giá đồng tiền - Steven Charles Kyle, giáo sư kinh tế học ở Đại học Cornell, bình luận - Vài năm sau đó, thương mại thế giới giảm gần một nửa”.

Vấn đề còn nằm ở chỗ Trung Quốc không có nhiều cách đáp trả hữu hiệu trước cuộc tấn công do Tổng thống Trump khởi phát. Lấy ví dụ, việc Trung Quốc ngưng nhập nông sản Mỹ mà điển hình là đậu nành, thực ra không có nhiều ý nghĩa.

Đậu nành là hàng hóa có thể thay thế dễ dàng. Khi Trung Quốc chuyển sang mua đậu nành từ Brazil, châu Âu sẽ quay ra mua đậu nành của Mỹ. Thị trường đậu nành thế giới là duy nhất, không phân biệt, bóp chỗ này nó sẽ phình ra chỗ khác.

Tương tự là vấn đề đất hiếm. Trung Quốc quả là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, nhưng đất hiếm thực ra không “hiếm” đến thế. Mỹ không thiếu nguồn tài nguyên này và từng là một nhà sản xuất lớn trước khi ngừng khai thác vì không cạnh tranh được với giá rẻ của Trung Quốc.

Các đòi hỏi môi trường ngặt nghèo ở Mỹ khiến việc khai thác đất hiếm không còn hiệu quả kinh tế, và khai thác loại quặng này chỉ rẻ ở Trung Quốc vì tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo ở đó.

Nếu Trung Quốc áp lệnh cấm xuất đất hiếm, giá sẽ tăng lên, và từ góc độ môi trường đó có thể là điều tốt. Đất hiếm cũng là mặt hàng có thể thay thế, như Trung Quốc đã hiểu ra khi họ áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản vào năm 2010. Vài năm sau, các phân tích cho thấy lệnh cấm hầu như không có tác dụng. Còn nếu Trung Quốc vẫn bán đất hiếm ra ngoài thì Mỹ có thể đơn giản mua lại từ các bên thứ ba.

Cuối cùng, biện pháp đáp trả được nhiều người gọi là “nguyên tử” của Trung Quốc: bán tháo 1,1 nghìn tỉ USD trái phiếu Mỹ họ đang nắm giữ, thật ra cũng không ghê gớm như truyền thông phóng đại.

Các chuyên gia kinh tế phân tích hiện lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3 nghìn tỉ USD, nghe thì rất nhiều nhưng so với quy mô và mức độ thương mại của nền kinh tế Trung Quốc, tỉ lệ dự trữ như thế là tương đương các nước đang phát triển khác.

Thêm nữa, 1,1 nghìn tỉ USD cũng chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong tổng nợ chính phủ Mỹ 22 nghìn tỉ USD. Cần biết rằng giá trị giao dịch trái phiếu Mỹ hằng ngày chỉ riêng ở thị trường giao ngay (chưa tính các thị trường hoán đổi, quyền chọn, và tương lai) đã là 500 tỉ USD!

Tóm lại, trừ việc tác động lên đồng nội tệ, Trung Quốc không có nhiều đòn đánh nào thực sự đáp trả được Mỹ trong cuộc thương chiến. Nhiều chuyên gia cũng nhất trí rằng Bắc Kinh lúc này chỉ có thể chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 và mong ngóng một ai đó khác ông Trump sẽ vào Nhà Trắng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận