TTCT - Từ cuối quý 2-2012 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi leo thang, nhiều nông dân bị lỗ nặng khi giá gia súc, gia cầm không tăng. Phóng to Chỉ khi vùng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy hoạch và phát triển thì ngành chăn nuôi mới bớt bấp bênh - Ảnh: Trần Mạnh Trong khi nông dân đang lỗ nặng vì giá thức ăn chăn nuôi (chiếm 65-70% chi phí đầu vào) tăng cao thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng “than thở” tỉ suất lợi nhuận giảm mạnh. Việc mổ xẻ tìm nguyên nhân của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian vừa qua đang được các cơ quan nhà nước vào cuộc thanh tra (1). Rủi ro cho người nuôi Nếu nhà hoạch định chính sách cho rằng phải điều tiết thị trường thì cần làm hai việc: hỗ trợ khi nông dân thua lỗ và trích lập quỹ bình ổn khi nông dân có lợi nhuận cao để chuyển cho nông dân khi thua lỗ. Bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính tốt để thực hiện việc điều tiết sản lượng. Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi là một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm toàn cầu. Họ nhập khẩu hoặc thu gom các loại nông sản trong nội địa làm nguyên liệu đầu vào để chế biến thành thức ăn chăn nuôi, sau đó bán cho các hộ nông dân sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tháng 8 năm ngoái, một đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong năm thập kỷ đã xảy ra ở vùng trung tây nước Mỹ, khu vực có diện tích trồng bắp, yến mạch lớn nhất thế giới. Sản lượng bắp của thế giới sụt giảm mạnh do hạn hán đã đẩy giá bắp tăng cao. Giá bắp từ mức 267 USD/giạ vào tháng 6 đã tăng lên tới gần 333 USD/giạ chỉ trong vòng một tháng (tăng gần 25%). Đến đầu năm nay, giá bắp giảm dần nhưng vẫn đứng ở mức cao (2). Tương tự, giá đậu tương, một nguyên liệu chính yếu của các công ty sản xuất thức ăn cho cá tra, heo..., cũng tăng khoảng 48% suốt năm ngoái từ mức thấp nhất vào tháng 12-2011 lên mức cao nhất vào tháng 8-2012 (3). Các loại nguyên liệu khác như lúa mì, bột cá dùng trong sản xuất thức ăn cho cá tra cũng tăng mạnh trong năm 2012. Tham khảo báo cáo tài chính của hai công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng chuyên sản xuất thức ăn cho cá tra và Tập đoàn Dabaco chuyên sản xuất thức ăn cho heo) cho thấy biên lợi nhuận gộp của hai công ty này sụt giảm mạnh do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra không tăng tương ứng, biên lợi nhuận gộp của Việt Thắng giảm từ 8% vào quý 1 còn 4% vào quý 4. Có thể thấy rằng giá thức ăn chăn nuôi tăng thời gian vừa qua có nguyên nhân chính là do sản lượng các loại nông sản chính trên thế giới sụt giảm mạnh khiến giá tăng cao. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã buộc phải điều chỉnh giá bán ra tương ứng để không bị thua lỗ. Tuy nhiên, có một thực tế là dù giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nhưng các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có lãi. Điều đó cho thấy rủi ro kia đã được “đẩy” sang người chăn nuôi vốn là các hộ nông dân nhỏ, lẻ, không có sức mạnh mặc cả. Xây vùng nguyên liệu, bớt nhập khẩu Do chi phí đầu vào tăng cao, việc giá các loại thịt heo, thịt gà, các loại trứng gia cầm tăng theo là điều nền kinh tế và người tiêu dùng buộc phải chấp nhận dù không mong muốn. Điều này cần được chia sẻ giữa các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và cả người tiêu dùng. Không nên phản ứng thái quá với việc giá cả của ngành chăn nuôi biến động vì đó là một quy luật của chuỗi sản xuất mà chúng ta phải chấp nhận. Việc kiểm soát giá cả đầu ra của ngành chăn nuôi, ví dụ như việc kiểm soát giá trứng, chỉ là việc làm ở ngọn. Hơn nữa, về lâu dài sẽ khiến nông dân thua lỗ và không tiếp tục tái đàn. Khi nông dân không tiếp tục tái đàn do giá cả đầu vào tăng cao, giá đầu ra bị kiểm soát, hậu quả là nguồn cung thực phẩm trong tương lai sẽ sụt giảm. Trong khi đó, việc cần tập trung làm là xây dựng vùng nguyên liệu trong nước để bớt phụ thuộc nước ngoài lại chẳng mấy tiến triển. Một đất nước nông nghiệp mà mỗi năm phải bỏ ra khoảng 3 tỉ USD để nhập bắp, bã đậu nành, cám... về làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là điều phi lý. Các nhà hoạch định chính sách có thể điều tiết giá cả bằng cách hỗ trợ nông dân khi họ thua lỗ để có thể tiếp tục đầu tư. Hỗ trợ cũng có nhiều cách mà không ngại vi phạm quy định của WTO như phát triển thủy lợi, nghiên cứu, phát triển giống... ___________ (1): http://cafef.vn/nong-thuy-san/thanh-tra-vi-sao-gia-thuc-an-chan-nuoi-qua-cao-2013032721223827016ca52.chn(2): Biểu đồ giá bắp: http://www.indexmundi.com/commodities/?commodity=corn&months=60(3): Biểu đồ giá đậu tương: http://www.indexmundi.com/commodities/?commodity=soybeans&months=60 Tags: Nông dânNgành chăn nuôiThức ăn chăn nuôiBẠCH HUỲNH DUY LINH
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.