Vì sao tôi mở công ty ở Singapore?

LÊ NAM 17/08/2016 20:08 GMT+7

TTCT- Nhiều người sang Singapore mở công ty không chỉ vì thuế doanh nghiệp thấp, chi phí vận hành một doanh nghiệp không quá cao, mà tư cách công ty quốc tế giúp giao dịch với các đối tác nước ngoài thuận lợi hơn…

Bên trong Công ty Straits Silicon-Lê Nam
Bên trong Công ty Silicon Straits -Lê Nam


Quy trình mở công ty chỉ chưa đến một tuần, doanh nghiệp có thể tham gia các chương trình hỗ trợ, giảm chi phí đầu tư ban đầu, hỗ trợ thuế... là những hỗ trợ mà Chính phủ Singapore cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại đây.

Chỉ cần “1 đô sing”

Chiều 29-7, chúng tôi đến một công ty chuyên tư vấn mở doanh nghiệp tọa lạc ở tầng 41 một tòa nhà cao tầng tại khu Raffles Place (Singapore), đặt yêu cầu muốn mở công ty tại Singapore để xuất nhập rau quả, trái cây từ nước khác mang về Việt Nam.

Tiếp chúng tôi là U. Sue, trợ lý cao cấp của công ty, cô cầm theo 10 tờ giấy A4 in sẵn các thông tin cần thiết cho chúng tôi. Theo lời U. Sue, tổng thời gian để tiến hành lập công ty tư nhân như chúng tôi đề nghị chỉ mất chưa đầy một tuần làm việc, số vốn tối thiểu là 1 đô Sing - SGD (1 SGD tương đương 16.400 đồng), có thể tăng thêm bất kỳ thời điểm nào sau khi công ty hoạt động.

Tuy nhiên, công ty phải do một công dân Singapore hoặc thường trú nhân hoặc một người có EP (employment pass, tạm hiểu là người có giấy phép lao động) đứng tên làm giám đốc. Phải có ít nhất một cổ đông, một thư ký, một địa chỉ xác định và tên của công ty phải được đăng ký và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

“Anh phải tìm được người chịu đứng tên làm giám đốc cho công ty, sau đó liên lạc lại với chúng tôi để được tư vấn các bước cần thiết khác” - Sue khẳng định. Khi chúng tôi cho biết muốn thuê người đứng tên làm giám đốc (nominee director) và thuê luôn cả thư ký để lo các công việc giấy tờ của công ty sau này, Sue cho biết giá thuê giám đốc là 3.500 SGD/năm kèm theo 5.000 SGD đặt cọc.

Nếu chúng tôi chỉ thuê thư ký lo việc giấy tờ thì phí phải trả là 398 SGD/năm, nếu làm luôn cả báo cáo thuế và việc hành chính thì phí sẽ là 600 SGD/năm. Sue cũng hướng dẫn nếu công ty có cổ đông là cá nhân, phí thành lập là 600 SGD, miễn phí thuê thư ký hành chính 1 năm; cổ đông là công ty thì phí thành lập sẽ là 800 SGD, một năm miễn tiền thuê thư ký hành chính.

“Thuế doanh nghiệp là 17%/năm nhưng nếu doanh thu công ty trong ba năm liền dưới 100.000 SGD sẽ được miễn thuế” - Sue nói khi tiễn chúng tôi.

Thoải mái kinh doanh

Đã có nhiều doanh nhân Việt Nam sang Singapore mở công ty hoạt động từ nhiều năm trước, gần đây ngày càng có nhiều công ty công nghệ được lập. Cũng trong chiều 29-7, chúng tôi tìm đến khu Ayer Rajah Crescent (One North) - nơi có trụ sở Công ty Silicon Straits (gọi tắt là SS) do Bùi Hải An làm giám đốc điều hành.

Công ty này còn có trụ sở thứ hai ở TP.HCM. SS được Bùi Hải An “khai sinh” ở Singapore từ ba năm trước với sự hợp tác của hai đối tác: một người có quốc tịch Singapore và một thường trú nhân.

Mở cửa đón chúng tôi vào trong, Sandra Toh, giám đốc tài chính SS, cho biết công ty đang được chuyển đi nơi khác vì khu này đang tăng giá thuê. Bùi Hải An cho biết khách hàng công ty chủ yếu đến từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia... nên việc đặt công ty ở Singapore sẽ thuận lợi hơn.

“Khi giao dịch với khách hàng, chúng tôi vẫn nói mình là công ty của Singapore để có nhiều thuận lợi hơn về thanh toán, pháp lý, bảo vệ bản quyền...”. Theo Hải An, khách hàng khi ký hợp đồng với công ty tại Singapore vẫn thoải mái hơn là ký với công ty tại Việt Nam.

Các khoản chi dùng tài khoản công ty khá dễ dàng chứ không lằng nhằng buộc phải có hóa đơn, hợp đồng, phải đóng thuế nhà thầu... như ở Việt Nam.

Hải An cho biết các công ty vừa và nhỏ (SME) ở Singapore được chính phủ cho phép tham gia những chương trình giảm trừ thuế: nếu doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị đúng theo chương trình hỗ trợ của chính phủ sẽ được khai vào chi phí của doanh nghiệp mà không phải đóng thuế; các thiết bị công nghệ thông tin: máy tính, máy in... nếu đúng quy định của chính phủ sẽ còn được hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí mua thiết bị để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh công nghệ thông tin.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin khác, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, có xu hướng sang Singapore lập doanh nghiệp là vì rút ngắn thời gian để các cổ đông mới dễ dàng rót vốn và tham gia điều hành công ty.

Nếu ở Việt Nam phải làm giấy phép mua bán cổ phần và các thủ tục liên quan có thể mất ít nhất sáu tháng trong khi ở Singapore chuyện này chỉ tốn 1-2 tuần.

Một nhà đầu tư phân tích quy trình rót vốn vào công ty mới ở Singapore sẽ do công ty tư vấn thực hiện nhưng quy trình công khai, minh bạch và rất nhanh, còn ở Việt Nam chưa kể bị lâu, kéo dài nhiều khâu mà còn mập mờ và khi thực hiện mình cũng không biết là làm đúng hay sai.

Thuê người làm giám đốc

Nhiều công ty thuê người Singapore gốc Việt hoặc thường trú nhân người Việt đứng tên làm giám đốc để dễ dàng giao dịch và giá thuê cũng rẻ hơn.

Bà T.N.T. là một trong những trường hợp như vậy. Bà T.N.T. là người Singapore gốc Việt, sang Singapore được hơn 12 năm, hiện đang làm việc cho một công ty nhà nước của Singapore, đồng thời làm giám đốc cho hai công ty của người bạn ở Hà Nội mở tại đây được bốn năm nay.

Cả hai công ty này đều thuê văn phòng ảo (virtual office) để khách hàng giao dịch, chủ công ty trả tiền thuê một năm để nhận điện thoại, thư gửi theo đường bưu điện và thực hiện các dịch vụ kế toán liên quan đến hoạt động công ty. Bà T.N.T. được trả lương cố định mỗi năm là 2.500 SGD.

Theo bà T.N.T., sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký mở công ty, chủ thật sự của doanh nghiệp có thể ra ngân hàng mở tài khoản và thực hiện các giao dịch thông thường.

Các hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài sẽ được công ty tại Singapore ký, lợi nhuận sẽ được chuyển vào tài khoản công ty Singapore, sau đó chính công ty Singapore sẽ ký hợp đồng gia công, thực hiện các yêu cầu hợp đồng với công ty ở Việt Nam và mọi nội dung của hợp đồng sẽ do công ty Việt Nam thực hiện.

Thuế doanh nghiệp ở Singapore thấp hơn ở Việt Nam nên làm điều này sẽ lợi hơn cho chủ doanh nghiệp. “Trong các hợp đồng ký với đối tác quốc tế khi xảy ra tranh chấp đều ghi là sẽ giải quyết tại tòa án của Singapore, điều này tạo cảm giác an tâm và thoải mái hơn nếu đề nghị giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam” - ông P.V.H., một giám đốc được thuê, cho biết. ■

“Chính quyền đừng làm nhà đầu tư mạo hiểm” là lời khuyên của các chuyên gia trên Bloomberg. Bởi khi nhà nước bỏ tiền, họ có nguy cơ làm tăng chi phí với các nhà đầu tư tư nhân và duy trì hoạt động của những doanh nghiệp không còn hiệu quả.

Trong một lĩnh vực cạnh tranh cao như khởi nghiệp, luôn là tốt hơn khi để thị trường quyết định tiền đầu tư sẽ đi về đâu. Các công ty đầu tư mạo hiểm đã tăng đầu tư ở khu vực này hơn 127% kể từ năm 2010, vượt mốc 1 tỉ USD vào năm ngoái.

Chính quyền, trong khi đó, có thể dùng nguồn lực quý giá cho những việc khác. Chẳng hạn, đơn giản chỉ cần cải thiện sự tiếp cận của người dân với Internet, đơn giản hóa thủ tục liên quan tới thương mại điện tử và cuối cùng, đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu và trường đại học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận