Vì sao World Cup phải "thuê" cầu thủ?

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 04/11/2022 12:03 GMT+7

TTCT - Theo dòng thương mại hóa, World Cup ngày càng vượt qua nhiều cột mốc về doanh thu, giá trị bản quyền, chi phí tổ chức, và cả… phí thuê cầu thủ.

Có lẽ ít ai để ý, nhưng sự thật là để các cầu thủ có thể ra sân chơi cho đội tuyển quốc gia, chính FIFA phải trả tiền đền bù cho các CLB.

Vì sao World Cup phải thuê cầu thủ? - Ảnh 1.

Trung vệ Varane của tuyển Pháp bật khóc vì dính chấn thương nặng ngay trước thềm World Cup. Ảnh: REUTERS

CLB xếp trên tuyển quốc gia

12 năm trước, FIFA lập Chương trình Chia sẻ lợi nhuận cho các CLB (Club Benefit Programme, CBP) - khoản quỹ dùng để chi trả cho CLB có cầu thủ góp mặt ở World Cup 2010. Khi mới thành lập, CBP đã được cấp 40 triệu euro. 

Với tổng số 756 cầu thủ của giải năm đó, mỗi CLB sẽ nhận được khoảng 60.000 USD cho mỗi cầu thủ đá đến trận chung kết. Barcelona, với tổng cộng 15 cầu thủ dự World Cup và 7 người vào chung kết, nhận được khoản tiền khoảng 700.000 euro từ FIFA.

Vì sao FIFA phải trả khoản tiền này, khi mà việc khoác áo tuyển quốc gia là nghĩa vụ và niềm tự hào mà thường bất cứ cầu thủ nào hẳn cũng mơ ước? Câu trả lời là màu cờ sắc áo thì cũng phải... sòng phẳng.

Phán quyết Bosman ra đời năm 1995 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quyền lợi cầu thủ. Khi nắm được lợi thế trong những cuộc đàm phán hợp đồng, mức lương các ngôi sao bóng đá tăng vọt. Đến nay, hầu như mọi tuyển thủ tham dự World Cup đều có lương tính bằng triệu USD/năm. Các CLB là bên phải gánh những khoản lương khổng lồ đó.

Những đội bóng hàng đầu thế giới có quỹ lương cầu thủ từ 100 - 400 triệu USD/năm. Thống kê của Plane Football cho thấy ở châu Âu có đến 12 CLB có quỹ lương hơn 100 triệu USD và 49 đội có quỹ lương hơn 30 triệu USD. 

Tất cả những CLB đó đóng góp hầu hết các ngôi sao cho những đội tuyển quốc gia hàng đầu thế giới. World Cup, Euro (Giải vô địch châu Âu), Copa America (Nam Mỹ), Asian Cup (châu Á) hay AFCON (châu Phi) đều là gánh nặng với họ. Vì càng về tuyển nhiều thì nguy cơ chấn thương càng tăng, và toàn bộ thời gian ở đội tuyển quốc gia thì cầu thủ vẫn ăn lương CLB.

Barca là một ví dụ xương máu. Trong đà suy thoái của đội bóng xứ Catalan 3 năm qua, do quá nhiều trụ cột chấn thương, đội bóng đã mất cân bằng tài chính nghiêm trọng khi khoản lương hàng trăm triệu USD chủ yếu là chi cho những thương binh.

Các CLB chịu nhiều rủi ro, trong khi FIFA "ngồi mát ăn bát vàng". Cơ quan đầu não bóng đá thế giới thu lợi hơn 500 triệu USD trong những năm không World Cup, và cả tỉ USD trong năm có World Cup. Năm 2018, FIFA ghi nhận khoản lợi nhuận kỷ lục lên đến 4,61 tỉ USD nhờ kỳ World Cup ở Nga.

Cuộc chơi không thể bền nếu "lời tôi ăn, lỗ anh chịu" như vậy. Từ World Cup 2010, FIFA đặt ra CBP nhằm xoa dịu các CLB. Đến World Cup 2014, cơ quan đầu não bóng đá thế giới lại nghĩ ra thêm Chương trình Bảo vệ quyền lợi CLB (Club Protection Programme, CPP) để bồi thường thiệt hại cho đội bóng nếu có cầu thủ chấn thương trong những đợt lên tuyển.

Năm 2014, ngân sách của CBP tăng lên 70 triệu USD và của CPP là 88 triệu USD. Đến World Cup 2018, những con số tương ứng lại tăng mạnh thành 209 triệu và 134 triệu USD. Năm nay lại là một mức tăng đột biến nữa: 310 triệu USD cho CBP và 220 triệu USD cho CPP.

Theo TotalSportal, mỗi CLB sẽ nhận được 8.530 USD sau thuế cho mỗi ngày có một cầu thủ của họ góp mặt tại World Cup 2022. World Cup 2022 kéo dài 4 tuần. Như vậy, nếu một CLB có một cầu thủ vào đến chung kết, họ sẽ nhận được 238.840 USD - không phải quá cao, nhưng vẫn là một khoản bảo hiểm đáng kể. 

Thêm vào đó là khoản "phí chấn thương" 20.000 USD cho mỗi ngày cầu thủ chẳng may dính chấn thương (nhưng CLB chỉ được nhận tiền nếu cầu thủ chấn thương phải ngồi ngoài hơn 4 tuần). Tất nhiên, đây là khoản phí mà chẳng ai muốn nhận.

Cơn giận của các HLV

Những khoản phí bồi thường của FIFA thực ra còn thấp và khó lòng thỏa mãn hết các CLB, nhất là những đội hàng đầu. Về phương diện tài chính, mức bồi thường cao nhất 20.000 USD/ngày vẫn còn thấp so với lương của những ngôi sao hàng đầu. Điều kiện chấn thương đủ 4 tuần lại càng khó.

CLB cũng chỉ nhận được tiền bồi thường nếu cầu thủ của họ chấn thương khi lên tuyển, cụ thể là trong các giai đoạn thi đấu chính thức theo lịch của FIFA. Tác động gián tiếp, có nguyên nhân là sự tham lam của FIFA và UEFA, gây ra cơn bão chấn thương bởi một lịch thi đấu dày đặc, là điều chưa hề được tính đến. 

Cầu thủ có thể không chấn thương khi đang chơi cho đội tuyển quốc gia, nhưng chính vì phải đá quá nhiều trận, di chuyển liên tục, mà khi trở về CLB, họ dễ chấn thương hơn nhiều. Bức xúc lên đến đỉnh điểm năm nay, khi World Cup lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức vào mùa đông, đi kèm là một lịch thi đấu bị xáo trộn và khắc nghiệt chưa từng thấy. 

Suốt 3 tháng qua, các CLB hàng đầu châu Âu phải chơi bóng với mật độ 2 trận/tuần không nghỉ để chuẩn bị cho World Cup.

"Kế hoạch tổ chức kỳ World Cup này thực sự khiến tôi tức giận. Các cầu thủ có vỏn vẹn một tuần để chuẩn bị, và cũng chỉ một tuần sau World Cup. Tất cả đều biết chuyện này không hợp lý, nhưng không ai có thể nói gì. Họ không cho chúng tôi cơ hội", HLV Jurgen Klopp của CLB Liverpool giận dữ nói trước truyền thông. 

Ông Klopp cũng chỉ trích UEFA đã quá tham lam khi đẻ ra UEFA Nations League - một giải đấu không khác gì những trận giao hữu nhưng khiến lịch thi đấu thêm dày đặc. ■

Ba tuần trước khi ngày hội bóng đá thế giới khởi tranh, Premier League ghi nhận đến 51 cầu thủ đang chấn thương. Tương tự, La Liga có 32 ca, Bundesliga 41, Serie A 61 và Ligue 1 là 20.

Tổng cộng 205 cầu thủ đang dính chấn thương khá nặng ở năm giải vô địch hàng đầu châu Âu. Họ phải mất ít nhất một tuần điều trị và gần như chắc chắn không được dự World Cup. Không ít người là những ngôi sao lớn như N’Golo Kante, Paul Pogba, Raphael Varane, Diogo Jota, Richarlison, Reece James…

The Guardian đưa ra một thống kê khác: có 29 cầu thủ tham dự World Cup 2018 đã ra sân 50 lần trong 12 tháng trước đó. Đến Euro 2020, con số này tăng gấp ba, và World Cup 2022 này được dự đoán sẽ còn tăng nữa.

Càng né càng… chấn thương

Trước tình trạng nhiều ngôi sao thi đấu "giữ chân" thời gian qua để tránh chấn thương trước thềm World Cup, HLV Pep Guardiola cảnh báo: "Nếu tôi nhận thấy bất kỳ cầu thủ nào muốn giữ chân, tôi sẽ không sử dụng họ. Thật không may với những người đã dính chấn thương và phải chia tay World Cup. Nhưng tôi luôn nhắc nhở các cầu thủ rằng cách tốt nhất để tránh chấn thương là tập trung hết mức vào trận đấu. Khi bạn tìm cách lảng tránh, chấn thương sẽ tìm đến bạn".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận