Vỉa hè, sân golf, cây xà cừ và...

VŨ THÁI HÀ 16/06/2017 18:06 GMT+7

TTCT - Sẽ là vô lý khi trông chờ vào một xã hội ngày mai ngăn nắp, trật tự, nền nếp... trong khi dính mắc quá chặt với di sản đầy “thuận tiện” và thiếu sắp xếp của ngày hôm qua

Có nhiều thứ, thoạt tiên thấy chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thật ra lại gần nhau đến kỳ lạ. Chuyện giải phóng vỉa hè ở Q.1 (TP.HCM), chuyện giữ lại hay giải tỏa sân golf ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện giữ hay chặt hàng xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) là ví dụ điển hình: mỗi chuyện có vài ba luồng ý kiến trái chiều chan chát, xôn xao từ phương tiện truyền thông chính thức cho đến các diễn đàn không chính thức và mạng xã hội. 

Minh họa: Lê Thiết Cương
Minh họa: Lê Thiết Cương

Lùi lại một bước và nhìn chúng, người ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng thật ra dư luận cũng chỉ quan tâm đến cùng một điểm mà thôi, đó là những gì được xem là tài sản chung của cả xã hội đang được quản lý và khai thác như thế nào. 

Vỉa hè chẳng của ai cả mà là của chung mọi người, hàng xà cừ trồng mấy chục năm bây giờ cũng đã là của cả thành phố, đất làm sân golf có vẻ làm ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay cửa ngõ của cả nước, vậy chúng đang được dùng ra sao, ai đang hưởng lợi từ đó? Một câu hỏi như thế là cực kỳ chính đáng!

Chìa khóa của các giải pháp đối với các vấn đề có tác động lớn về mặt xã hội chính là sự công bằng, chính xác hơn là làm thế nào để người dân có được cảm nhận tốt về sự công bằng. Nếu phần đông mọi người cảm thấy rằng các tài sản chung đang được quản lý và sử dụng sao cho các giá trị sinh ra từ chúng được phân chia một cách phù hợp, bình đẳng thì sẽ không có vấn đề gì gay gắt.

Ngược lại, nếu họ thấy các giá trị đó đang được phân phối thiên lệch, đem lại nhiều lợi ích hơn cho một cá nhân hay nhóm người nào đó thì người ta sẽ khó bỏ qua, mà ở trạng thái cực đoan nhất thì cái “khó bỏ qua” đó có thể trở thành ngòi nổ của những bất an trên bình diện toàn xã hội.

Ở một phía khác, công bằng xã hội là một lý tưởng để phấn đấu đạt đến chứ không phải là con đường để đi qua, cũng như trước khi lên đến đỉnh núi để được ngắm cảnh đẹp huy hoàng thì người ta phải đổ mồ hôi len lỏi qua những bụi rậm và lối mòn thiếu ánh sáng. Cảm nhận về sự thiếu công bằng hiện diện thường trực trong mỗi con người và vẫn tạo ra những gợn sóng dư luận ngay cả khi mọi thứ có vẻ đang yên ắng.

Từ một quan sát khác, quá trình hình thành các thiết chế phục vụ an sinh xã hội là một quá trình dài, và cũng giống mọi việc khác, luôn có hai lối tiếp cận: hoặc là tiếp cận theo lối thuận tiện, hoặc là tiếp cận theo lối hệ thống. Một đằng là đến đâu xây đến đó, chỗ nào còn trống thì chọn sử dụng; một đằng là có quy hoạch tổng thể, cái gì đặt ở đâu sẽ có dự kiến và cứ theo hoạch định ấy mà làm. 

Không quá khó để hình dung ra kết quả: một đằng sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn nhưng sẽ đòi hỏi thay đổi liên tục để chạy theo nhu cầu phát sinh mỗi lúc mỗi khác, cho nên sẽ lộn xộn; một đằng sẽ ổn định, ít thay đổi, cho dù có lúc sẽ bất tiện do nhu cầu chỉ đến mức này nhưng đáp ứng đã quá xa.

Thực tế phát triển của xã hội Việt Nam cho thấy giai đoạn phát triển ưu tiên sự thuận tiện đã kéo dài quá lâu, có quá nhiều thứ đã hình thành và dường như cố định, từ đường sá, công trình công cộng cho đến nhà cửa. Cây xanh cũng vậy, vỉa hè cũng vậy, chúng chỉ là vài ví dụ trong muôn vàn. Không thể chối cãi được rằng lối tiếp cận theo hệ thống sẽ phải được ưu tiên trong dài hạn, bởi trật tự và ổn định là đích đến tất yếu. 

Và như thế thì chuyện trả giá cho sự thuận tiện cũ là không thể tránh khỏi. Không sớm thì muộn, đường sá sẽ phải được làm lại, công viên hay cây xanh sẽ phải được sắp xếp lại, vỉa hè sẽ phải được thu dọn lại. Câu hỏi chỉ còn là thời gian và cách làm: bao giờ sẽ làm và chi phí cho việc đó là bao nhiêu? Đứng trước các quyết định thay đổi như thế, đặc biệt là trong hoàn cảnh của sự thuận tiện kéo dài quá lâu, thì không tránh khỏi có lúc người ta sẽ thầm ước: “Giá như...”.

Để vượt qua rào cản của tâm lý quen thuộc và ưa thuận tiện, quay lại với cách tiếp cận kinh điển của lợi ích: tính toán thật chi li để biết đâu là lợi ích của sự thay đổi, đem trừ đi chi phí của việc thay đổi đó xem có còn lại chút “lãi” nào không. Bài toán kiểu đó, xét trong bối cảnh quản lý xã hội, là bài toán có độ phức tạp cao, do phạm vi ảnh hưởng của nó đến an sinh của người dân, và cả tâm lý, tình cảm của họ nữa. 

Tất cả làm cho mọi phép tính trở nên cực kỳ tương đối, bởi các ước lượng sẽ rất khó che kín được các khả năng vô cùng phong phú của đời sống xã hội trên diện rộng. Và ngay cả khi giữ nguyên hiện trạng thì người ta cũng vẫn phải trả giá: trả giá cho chuyện không làm gì cả, không thay đổi gì cả.

Có một quy tắc rất có ý nghĩa khi làm một việc gì đó có độ rủi ro cao, là: nếu kết quả là khó ước đoán thì hãy chặt chẽ với quá trình dùng để tạo ra kết quả đó. Bằng cách như vậy, người ta có quyền hi vọng, hay ít ra cũng cảm thấy yên tâm hơn vì biết mình đang bước đi như thế nào. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đồng hành trong các quá trình thay đổi. 

Để người dân đồng hành với chính quyền trong các quyết định làm thay đổi cuộc sống hằng ngày của họ thì chính quyền, ở mức tối thiểu, cần cho họ biết việc thay đổi đã được tính toán và sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng dù gì thì cũng sẽ là vô lý khi trông chờ vào một xã hội ngày mai ngăn nắp, trật tự, nền nếp... trong khi dính mắc quá chặt với di sản đầy “thuận tiện” và thiếu sắp xếp của ngày hôm qua.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận