Việc nhà thì nhác, việc game thì siêng

HOA KIM 30/01/2024 14:56 GMT+7

TTCT - Trò chơi điện tử đã biến hai chữ "việc nhà" trở nên hấp dẫn, thậm chí có tính phiêu lưu, kỳ ảo. Dọn nhà trong game khoái hơn ở ngoài là có lý do cả.

Giao diện game Unpacking

Giao diện game Unpacking

"Chưa bao giờ việc lau nhà lại có cảm giác lớn lao đến thế" - trang The Gamer nhận xét về các dòng game mà người chơi chỉ có mục tiêu duy nhất là dọn dẹp những mớ bừa bộn hoặc sắp xếp các món đồ trong một không gian nhất định sao cho hợp lý.

Lấy thí dụ trò Moving Out của các nhà phát triển đến từ Thụy Điển và Úc: người chơi hóa thân thành một nhóm bạn cùng nhau tìm cách tống càng nhiều đồ đạc càng tốt lên chiếc xe tải chuyển nhà trong khoảng thời gian giới hạn. 

Với game này, dọn dẹp không khác gì một môn thi đấu điền kinh trong đó sàn nhà và khoảnh sân là đường piste còn thú cưng, bể bơi và thậm chí các hồn ma vất vưởng là chướng ngại vật - còn các định luật vật lý thì được phóng đại quá mức để tăng phần vui nhộn. 

Người chơi còn có thể làm những thứ họ không thể trong đời thực chẳng hạn như đập bể kính cửa sổ để quẳng đồ ra cho nhanh hoặc ném đồ từ tầng cao xuống thay vì dùng cầu thang.

"Chúng ta được mời gọi đón nhận niềm vui thú trong sự liều lĩnh. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi việc mua nhà và ngày càng nhiều thứ để lấp đầy chúng, Moving Out đưa ra phương án phá hủy tài sản như một giải pháp thay thế mang tính thanh tẩy" - Lesley Speed, giảng viên nghiên cứu truyền thông Đại học Federation University Australia, viết trên The Conversation.

Trò Unpacking của Công ty Witch Beam (Úc) khai thác công đoạn tiếp theo của việc chuyển nhà: lấy mọi thứ ra khỏi thùng và tỉ mẩn sắp xếp chúng một cách hợp lý tại nơi ở mới. Unpacking tự mô tả là một trò chơi giải đố có tính thiền - một kiểu "chữa lành" dành cho thế giới hỗn loạn mà chúng ta đang sống.

Trong một trò chơi khác mang tên Rumu, người chơi lại sắm vai một robot giúp việc nhà với nhiệm vụ dọn sạch đồ ăn thức uống đổ trên sàn và xếp gọn quần áo song song với điều tra sự mất tích bí ẩn của gia chủ.

Giao diện game House Cleaning Survival

Giao diện game House Cleaning Survival

Tiến sĩ tâm lý học Jamie Madigan - chủ trang blog "Tâm lý học của trò chơi điện tử" - nói với tạp chí PC Gamer rằng cảm giác thú vị khi dọn dẹp trong game có thể liên quan đến niềm vui phổ quát hơn khi hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu. 

Theo ông, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra con người có xu hướng ghi nhớ những việc mình đang bỏ dở hơn là những việc đã hoàn thành. Chính cảm giác "không trọn vẹn" đó đè nặng lên tâm trí ta. 

Một trong những giả thuyết vì sao game dọn dẹp thu hút nhiều người chơi là bởi ai cũng có nhu cầu dọn sạch "rác" tâm trí, nhưng nếu quá lười để cầm chổi quét nhà thì chơi game cũng là một giải pháp thay thế hữu hiệu.

Nếu trong đời thật ta cảm thấy khó khăn để bỏ một món đồ nằm phủ bụi trong xó nhà vào thùng rác (lỡ sau này cần thì sao?), trò chơi điện tử có thể mô phỏng sự lộn xộn đó bằng một mạng lưới được đánh dấu rõ ràng: có ô vuông sạch và có ô vuông rác, và tất cả những gì người chơi cần làm để lập lại trật tự là nhấp chuột. 

"Có lẽ việc xóa bỏ sự bừa bộn ảo thật dễ chịu vì nó cho phép chúng ta tận hưởng việc dọn dẹp và sắp xếp trong một không gian tách biệt khỏi đồ đạc thật sự của bản thân" - cây bút Tyler Wilde viết cho PC Gamer.

Madigan cho rằng một lý do nữa mà chúng ta thiếu động lực để dọn dẹp không gian sống nhưng lại hăm hở đi dọn vệ sinh trong thế giới ảo là vì "phần thưởng" cho công sức lao động ngoài đời không thể sánh với trong game. 

"Bạn luôn nhận lại phản hồi ngắn gọn, cụ thể về những gì bạn làm trong game; được thấy tiến trình hướng tới mục tiêu; nhận được các nhiệm vụ lớn hơn được chia thành các mục tiêu phụ có thể đạt được nhanh chóng. Việc dọn dẹp nhà cửa thì… không mang lại những phản hồi như vậy" - Madigan lý giải.

Việc nhà thì nhác, việc game thì siêng- Ảnh 3.

Đặt ngược vấn đề, có cách nào để chuyện dọn dẹp nhà cửa cũng thú vị như game không? Năm 2021, một người dùng Reddit tên VoxelGuy công bố video chứng minh điều này là khả thi. 

Bằng cách ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR), VoxelGuy đã biến chuyện hút bụi thành game. Anh vừa dọn dẹp vừa đeo thiết bị VR, trước mắt sẽ là giao diện "game hút bụi", hút tới đâu đạt "tiền thưởng" tới đó. 

Không gian trong game chính là bản mô phỏng tỉ lệ 1:1 của chính không gian cùng đồ đạc của căn phòng bên ngoài. Thế là nhất cử lưỡng tiện, vừa khoan khoái khi được chơi game, vừa lau được nhà. Quả là một mô hình cần nhân rộng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận