​Viêm xoang có thể gây mù mắt

BS LÊ TUYẾT HOA 04/06/2015 01:06 GMT+7

Mẹ tôi bị viêm xoang mũi thời gian dài, gần đây mắt mờ đi và đau nhức nhiều. Xin bác sĩ cho biết tình trạng đau mắt có liên quan gì đến viêm xoang? Thanh Hương (Bình Dương)

undefined
Nội soi xoang mũi tìm bệnh - Ảnh: Quang Định

Ở gần, rủi ro cao

Hầu hết viêm xoang mũi đều ổn định, ít gây biến chứng. Tuy nhiên một số trường hợp sau lần viêm xoang có thể bị biến chứng đến mắt. Một trong những biến chứng này là nhiễm trùng quanh mắt hoặc sâu hơn là vùng hốc mắt (còn gọi là ổ mắt).

Vách của hốc mắt là một màng xơ dày có tác dụng ngăn nhiễm trùng từ bên trên mặt lan đến những mô nằm sâu trong hốc mắt. Các xoang cận mũi như xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm là những cấu trúc nằm gần mắt, rủi thay dễ bị viêm nhiễm nên dễ hại cho mắt.

Chẳng hạn xoang sàng nằm ngay sát trong của ổ mắt, chỉ cách nhau một lớp xương mỏng, vì vậy khoang hốc mắt rất dễ bị lây nhiễm từ xoang. Viêm xoang vì thế có thể đưa đến biến chứng viêm mô tế bào hốc mắt.

Sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên, thường 2-3 tuần là thời gian đủ gây nhiễm trùng ở mắt. Lúc này bệnh nhân có thể bị sưng toàn bộ một bên mắt, kết mạc sưng phù, khó mở mắt, có thể là viêm mô tế bào quanh mắt hoặc viêm mô tế bào sâu trong hốc mắt. Hai biến chứng này đôi khi lẫn lộn nhưng cần phân biệt rõ, nhiễm trùng nông nếu chỉ là viêm mô tế bào quanh mắt, còn viêm mô tế bào hốc mắt là nhiễm trùng sâu.

Thăm khám khó phân biệt viêm nhiễm quanh mắt với viêm mô tế bào hốc mắt, cần những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ. Tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện, chỉ những ca sưng nhẹ mi mắt mới điều trị ngoại trú nhưng vẫn phải theo dõi sát sao.

 

Coi chừng nhiễm trùng sâu

Viêm quanh mắt không đe dọa thị lực hay tính mạng. Nhưng viêm mô tế bào hốc mắt là nhiễm trùng sâu bên trong ổ mắt rất nguy hiểm vì gây hại đến thần kinh thị giác: sợi thần kinh bị chèn ép trực tiếp hoặc gián tiếp bởi những chất chuyển hóa trung gian độc tính gây mù. Nhiễm trùng này còn đe dọa tính mạng nếu lan tới não.

Theo dõi sát nhằm chẩn đoán đúng và sớm, chủ động điều trị tích cực ngay từ đầu để tránh mù và ngăn nhiễm trùng lan đến não. Nhiễm trùng sâu có thể lan đến các tĩnh mạch não phía sau gây huyết khối tĩnh mạch xoang hang cực kỳ nguy hiểm, kéo theo nhiễm trùng nội sọ lan rộng (như apxe ngoài màng cứng, dưới màng cứng hay apxe não, viêm màng não và viêm não).

Những dấu chứng bất thường về thị giác, những biểu hiện lơ mơ hôn mê, cứng cổ là biểu hiện rất muộn, khó trở tay kịp.

Chụp CT đầu có cản quang giúp phân biệt tổn thương nông bên ngoài hay đã vào hốc mắt hoặc lan đến nội sọ, cho phép bác sĩ quyết định phải phẫu thuật hay không. Ngoài ra nếu nghi ngờ có biến chứng nội sọ thì MRI là một kỹ thuật giúp xác định tốt hơn CT. Do vậy tùy từng trường hợp mà bác sĩ đề nghị kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phù hợp.

Điều trị cần tích cực, kháng sinh sớm phù hợp. Các bác sĩ thường kết hợp khoa tai mũi họng và nhãn khoa, nếu nhiễm trùng lan đến nội sọ rất cần hội chẩn với cả bác sĩ phẫu thuật thần kinh. Nếu không cải thiện hoặc ngay từ đầu biến chứng nặng nề cần mổ dẫn lưu xoang dẫn lưu apxe để giải áp cho não.

Nếu điều trị đúng và sớm, phù quanh hốc mắt sẽ giảm, thị lực và cử động của mắt được cải thiện rõ. Nhưng quan trọng hơn cả là những viêm nhiễm vùng mũi xoang cần được điều trị sớm, điều này đặc biệt lưu ý ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải biến chứng nặng nề ở mắt này. Đó là người có cơ địa giảm miễn dịch (tiểu đường, dùng thuốc giảm miễn dịch, nhiễm HIV, đang dùng corticoid kéo dài...).  

Những dấu chứng cho biết hốc mắt đã bị ảnh hưởng gồm lồi mắt, đỏ mắt, đau nhức mắt, hạn chế cử động mắt, nhìn đôi, rối loạn nhìn màu sắc, giảm thị lực.

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận