TTCT - Tính toán viện phí hợp lý để gỡ vướng mắc của các cơ sở y tế, có thể tăng thu nhập cho y bác sĩ nhưng không tạo áp lực quá lớn cho người dân là vấn đề mà dự Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải giải quyết được. Bệnh nhân làm thủ tục thanh toán viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duyên PhanBệnh viện kêu khó vì chưa tính đúng tính đủCác bệnh viện (BV) công nói rằng hiện họ mới thu 4/7 yếu tố cấu thành dịch vụ, bao gồm chi phí trực tiếp như thuốc, vật tư y tế; chi phí điện nước, xử lý nước thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị trực tiếp; tiền lương, tiền công cán bộ y tế. Ba yếu tố còn lại là chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và công nghệ thông tin - nghiên cứu khoa học chưa được tính vào các yếu tố cấu thành dịch vụ viện phí. Và đó là một trong những rào cản đối với BV công bởi hầu hết BV thực hiện tự chủ tài chính, viện phí là nguồn thu chính để chi trả lương và các khoản thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ.Giám đốc một BV cho biết hiện nay cơ cấu lương vào viện phí là mức lương cơ bản, trong khi thực tế thu nhập của y bác sĩ bao gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, trong đó lương cơ bản chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 của thu nhập. Vì vậy, để có nguồn chi trả phần thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, các lãnh đạo BV phải xoay xở đủ cách. Ngay cả khi tính chung lương cơ bản và thu thập tăng thêm cho y bác sĩ, đó vẫn là một mức thấp phi lý. Ví dụ, tại BV Ung bướu TP.HCM, thu nhập bình quân của y bác sĩ chưa tới 9 triệu đồng/tháng, BV Bạch Mai năm 2021 là 11,8 triệu đồng...Thêm yếu tố vào giá viện phíDự Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũ trong ba phiên bản 1-2 và 3 không đặt ra chuyện viện phí mà tới phiên bản thứ 4 mới đưa vào. Theo dự thảo mới nhất (ngày 19-10), giá khám chữa bệnh mới được quy định tại điều 108, nhưng với hướng dẫn "thực hiện theo Luật giá".Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đại biểu Quốc hội - cho rằng giá khám chữa bệnh là một vấn đề cực kỳ quan trọng, thu hút sự quan tâm của mọi người dân và các cơ sở khám chữa bệnh nhưng dự thảo lại chỉ quy định theo hướng bám sát nguyên tắc, quy định pháp luật chung về giá, không có quy định đặc thù riêng của dịch vụ y tế, và như vậy là chưa ổn. "Quy định trong Luật giá không điều tiết hết các đặc thù của việc khám chữa bệnh. Chưa kể hệ thống y tế theo quy định mới sẽ chuyển từ "bốn tuyến" lên "ba cấp" gồm cấp ban đầu, cấp cơ bản và chuyên sâu. Vậy quy hoạch ba cấp thế nào, mối quan hệ giữa các cấp ra sao, nếu cơ sở cấp cơ bản làm được dịch vụ cấp chuyên sâu thì giá thu theo cấp chuyên sâu hay cấp cơ bản... Đấy là những vấn đề cần làm rõ", bà Hà nói.Một chuyên gia của Bộ Y tế giải thích: hiện giá dịch vụ y tế chưa "thu đúng thu đủ" và quy định trong dự thảo luật chỉ đặt ra nguyên tắc, còn thực tế phải làm song song, vừa xây dựng luật vừa có thông tư hướng dẫn. Bộ Y tế và các bộ liên quan vừa họp bàn về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, sắp tới sẽ có quy định về vấn đề này và hướng dẫn xây dựng định mức kỹ thuật trong BV công.Theo Bộ Y tế, giá khám chữa bệnh mới sẽ bổ sung chi phí quản lý (yếu tố thứ 5 trong cơ cấu giá), dự kiến áp dụng từ năm 2023. Với yếu tố thứ 6 trong cơ cấu giá là khấu hao tài sản cố định thì "cơ quan chức năng đang xem xét". Vì mỗi cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đầu tư, sử dụng thiết bị khác nhau, chẳng hạn có BV dùng loại CT 32 lát cắt, có nơi dùng loại 64 lát, có BV dùng đến 256 lát cắt nên việc khấu hao sẽ khác nhau. Nếu tính yếu tố thứ 6 này vào viện phí thì mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế hiện nay (4,5% lương cơ bản) không đảm bảo, phải tăng phí bảo hiểm y tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân.Dự Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đệ trình Quốc hội tại phiên họp 24-10 và sẽ tiếp tục góp ý vào đầu tháng 11 tới. Nếu được thông qua, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Tuy nhiên, một số nội dung trong luật theo quy định sẽ có hiệu lực từ năm 2023 (cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên dinh dưỡng, cấp cứu ngoại viện và tâm lý điều trị...).Dự luật cũng giao nhiều vấn đề cho Chính phủ quy định chi tiết: 37/121 điều, trong đó có những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau như hệ thống cơ sở y tế, xã hội hóa, giá khám chữa bệnh, Hội đồng y khoa quốc gia... mà không quy định về mặt nguyên tắc cụ thể để Chính phủ hướng dẫn. Có đại biểu đề nghị lùi việc thông qua luật đến kỳ họp giữa năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.Làm sao để giảm áp lực cho bệnh nhân?Không tăng viện phí thì BV kêu khó, mà tăng viện phí sẽ tới lượt làm khó cho dân. Nhưng trên thực tế, đã có chính sách hỗ trợ cho y tế mà không tăng viện phí. Tại BV Chợ Rẫy - một trong số những BV đầu tiên thí điểm tự chủ tài chính toàn diện đã chuyển sang tự chủ tài chính nhóm 2, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên, các thiết bị và cơ sở vật chất vẫn do ngân sách đầu tư. Nhiều BV công lớn khác đang đề nghị áp dụng hình thức này để "giảm gánh nặng cho y tế".Trên nghị trường Quốc hội ngày 24-10, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định rõ cơ chế tài chính với các BV tự chủ về tự quyết sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi (trả tiền lương, tự trích lập các quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo). "Tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho BV tự lo, cần quy định rõ trong luật là Nhà nước không chi thường xuyên cho BV tự chủ, chi phí đó để dành chi trả cho bệnh nhân thuộc đối tượng xã hội, hỗ trợ thông qua cơ chế đặt hàng", ông nói.Trước đây Nhà nước vẫn cấp ngân sách cho BV theo quy mô giường bệnh nhưng sau này giao BV tự chủ, ngân sách đó chuyển sang hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, học sinh sinh viên... thông qua thẻ bảo hiểm y tế. Vấn đề là do viện phí vẫn ở mức cũ nên BV không đủ kinh phí hoạt động như có ngân sách đảm bảo trước đây.Giải pháp khác được một chuyên gia đưa ra là dùng Quỹ bảo hiểm y tế đầu tư cho các BV. Theo Bộ Y tế, đến hết năm 2020, Quỹ bảo hiểm y tế kết dư hơn 30.000 tỉ đồng, cuối năm 2021 con số này tăng lên 50.500 tỉ. Hiện Quỹ bảo hiểm y tế đang "treo" khoảng 5.000 tỉ các BV đã chi trả cho người bệnh nhưng chưa giải trình hợp lý, nếu quỹ trả hết số này thì vẫn dư trên 45.000 tỉ đồng.Cũng có ý kiến cho rằng nếu đưa tất cả bảy yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế vào viện phí thì dù có kết dư, quỹ bảo hiểm cũng không thể bù đắp nổi và buộc phải tăng mệnh giá thẻ. "Khi đó không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng bị áp lực do phải đóng 2/3 phí bảo hiểm cho người lao động. Vì vậy, dù mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa hết khung luật cho phép nhưng trước mắt chưa tính đến tăng phí bảo hiểm", một chuyên gia nhận định.Do vậy, dường như đang có sự đồng thuận của nhiều ý kiến, cho rằng giải pháp cơ chế tự chủ tài chính một phần (tự chủ chi thường xuyên) và ngân sách đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất là phù hợp. Và cơ chế tài chính này cũng cần quy định rõ với thiết bị liên doanh, thuê mượn... Khi đó BV công có thêm nguồn thu để tăng thu nhập cho cán bộ y tế và chất lượng dịch vụ được tăng lên.■Tranh cãi về quy định cấp giấy phép hành nghềTheo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên tổng biên tập báo Sức Khỏe Và Đời Sống (thuộc Bộ Y tế), dự Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có những điều khoản mới khiến giới thầy thuốc rất băn khoăn. Như quy định các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phải cập nhật kiến thức mới về chuyên môn và chỉ cấp chứng chỉ hành nghề năm năm, sau đó sẽ kiểm tra đạt yêu cầu mới cấp lại thay vì cấp chứng chỉ dựa theo bằng cấp như hiện nay, cấp một lần và có giá trị suốt đời. "Vấn đề ai là người kiểm tra kiến thức mới của các bác sĩ? Vả lại kiến thức mới chỉ là lý thuyết, từ lý thuyết đến áp dụng thực tế là một khoảng cách rất lớn, phụ thuộc vào thuốc, trang thiết bị và rất nhiều yếu tố khác. Chưa kể có những kiến thức mới còn rất nhiều tranh cãi, nhất là trong y học", ông Tuấn đặt vấn đề.Ông Tuấn cũng nêu câu hỏi: hàng chục ngàn bác sĩ cần cấp lại chứng chỉ hành nghề sau năm năm, cơ quan nhà nước lấy đâu nhân lực để kiểm tra, chưa kể thủ tục hành chính rất nhiêu khê, rối rắm? "Quy định mới này vừa mất thời gian, vừa gây phiền hà và tốn kém mà chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Theo tôi, chỉ cần kiểm tra những bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không làm chuyên môn trong thời gian năm năm, bây giờ quay lại làm chuyên môn mới phải qua bước kiểm tra, cập nhật kiến thức mới", ông đề xuất. Tags: Viện phíKhám chữa bệnhY tếLuật khám chữa bệnhDự thảo luật khám chữa bệnhTăng viện phí
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.