TTCT - Lướt qua dự tính trong những nghị quyết gần đây: “Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2030, trở thành một nước phát triển vào 2045…”, tôi có một chút tần ngần. Nhưng mới rồi, khi kinh tế Việt Nam vẫn khỏe mạnh vượt qua đại dịch và khi nghe một nhà đầu tư lớn nước ngoài đang tiếp tục đổ tiền vào các dự án tại Việt Nam phát biểu “10 năm nữa kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh, vươn xa và trở thành một nền kinh tế lớn…”, thì sự tần ngần đó vơi dần. Ảnh: Quang Định Giải thích cho tính toán chiến lược của mình, nhà đầu tư thêm: “Tình hình giống như Đài Loan thập niên 80, 90 thế kỷ trước: có một đảng thống nhất chỉ đạo, cam kết và thực hiện được các kế hoạch dài lâu, ổn định, đưa đến các thành tựu kinh tế lớn. Việt Nam hiện có điều kiện giống như vậy… rồi một thị trường lớn, những quan hệ đối tác tốt với hầu hết các nền kinh tế lớn toàn cầu, và quan trọng nhất là một xã hội nhập cuộc, một thế hệ trẻ bắt đầu yêu mến kinh doanh, hừng hực tinh thần khởi nghiệp”. Sự tần ngần đã biến mất. Tôi thấy bị thuyết phục.Điểm bùng phát (Tipping Point) là tên của một quyển sách, một quan sát và nghiên cứu quy trình vận hành của xã hội, lịch sử, kinh tế do Malcolm Gladwell viết từ năm 2004. Ông chỉ ra rằng trong dòng chảy xã hội có vẻ chậm chạp, nhưng đến một điểm nào đó, nếu đúng hướng, tích tụ đủ một số điều kiện thì sẽ đạt tới điểm bùng phát - khoảnh khắc kỳ diệu khi một ý tưởng, một khuynh hướng hay một hành xử xã hội vượt ngưỡng, đạt đỉnh và lan mạnh, tạo ra bước nhảy vọt. Tôi có cảm giác Việt Nam đang đứng trước thời cơ có một điểm bùng phát như vậy.Các điều kiện khách quan đã có nhiều số liệu, sự việc dẫn chứng, ở đây tôi muốn nói đến cảm nhận riêng về điều kiện chủ quan: một tinh thần xã hội.Ở nước ta, khoảng 25 năm trước khi còn làm việc ở một tạp chí kinh tế, tôi từng day dứt bởi sự hờ hững, thậm chí là sợ sệt của rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ lúc đó, khi được đề nghị dấn thân vào làm ăn. Nhớ lại xã hội miền Nam trước năm 1975, tôi thấy các nghề nghiệp chiếm đa số là công chức, tư chức (nhân viên các hãng tư nhân), quân nhân…, rất ít người làm nghề buôn bán, thỉnh thoảng có danh xưng “thầu khoán”, và một số khác thì gọi mình là dân “áp phe”.Do quy định của thời đại, xã hội lúc đó, hầu hết mọi người vẫn chọn tư thế “danh giá”, “sĩ diện” theo bậc hàm Khổng Nho: sĩ, nông, công, thương, mà thương gia đứng bét (chưa kể hơn một triệu lao động hữu ích phải phục vụ cho quân đội và bộ máy chiến tranh). Một số người cũng giàu lớn, đặc biệt nếu làm ăn với Mỹ. Nhỏ thì thầu hốt rác Mỹ, thầu giặt đồ Mỹ, thầu cung cấp thức ăn, rau quả chất xanh cho căn cứ của Mỹ…, còn lớn thì thầu xây building cho Mỹ thuê, thầu các chương trình viện trợ Mỹ để xây dựng nông thôn, dân sinh… thường về tay của các đại xì thẩu, sân sau của giới quan chức cấp cao chính quyền. Họ mặt đối mặt với thị trường, biết mình phải làm gì và khát khao tạo dựng một “sản nghiệp” riêng.Sau ngày thống nhất, xã hội một thời gian dài sản xuất tập thể, không có kinh tế tư nhân, tâm lý lên án “con phe” (từ ngắn của “áp phe”), tự làm ăn bên ngoài, “quần chúng lạc hậu”... là phổ biến. Tinh thần kinh doanh mờ nhạt, thương gia là một khái niệm xa lạ, cho tới sau Đổi mới… Còn nhớ hồi 1996, lúc mới bắt đầu tiến trình mở cửa kinh tế nhưng tâm thế xã hội chưa kịp mở hẳn, trong một loạt bài báo, tôi dùng chữ “doanh nhân” mà vẫn còn thấy rụt rè. Cũng xin kể một câu chuyện nghề về chữ tiếng Anh “entrepreneurship”, mà tự điển Oxford định nghĩa là “hoạt động sáng lập một công việc, tự chịu rủi ro về tài chánh để hi vọng tìm ra lợi nhuận”. Chúng tôi loay hoay dịch chữ này cho hợp thời. Có người bảo dịch “hoạt động kinh doanh” là xong, nhưng sau cùng chúng tôi lại chọn một cụm có hơi “siêu hình” là “tinh thần doanh nghiệp”.Bởi cái chính ta cần để thoát ra lúc ấy là một tinh thần, một tâm thế; thay vì kinh tế chỉ vận hành quanh khái niệm “xí nghiệp” hầu hết là “quốc doanh”, nay phải là chữ “doanh” trong nghĩa kinh doanh khi gắn với chữ “nghiệp”, để trở thành “doanh nghiệp” - một sự nghiệp để làm kinh doanh, tự chịu rủi ro để tìm lợi nhuận cho chính mình, không phải là “doanh” cho… “quốc”, tức chả ai chịu rủi ro cả. Nghe điều này, thế hệ trẻ bây giờ có thể khó hiểu vì “hiển nhiên” quá, nhưng hơn 1/4 thế kỷ trước nó không “tự nhiên” chút nào.Bây giờ tôi gặp “tinh thần doanh nghiệp” khắp nơi, không chỉ ở đô thị, ở trung tâm với các “start-up công nghệ 4G” bảnh bao, hào nhoáng mà ở tận các vùng xa, vùng sâu hẻo lánh. Có thể nói toàn dân khao khát kinh doanh. Một chị ở miền Cần Thơ mùa nước nổi, sông nước dập dềnh lục bình trôi dạt, nhớ đến món ăn “chống đói” mẹ làm thuở nào, vớt lục bình, bóc ngó lục bình ra, phơi, dầm dấm, cho vào lọ và tạo ra thương hiệu “Ngó Lục Bình” làm dân nhậu khao khát.Cũng ở miệt vườn Cần Thơ, một chị chủ vườn mãng cầu xiêm nhận ra tính chất lúc thừa lúc thiếu bất ổn của loại trái cây này nên nghiên cứu chế biến và hình thành hợp tác xã “trà mãng cầu xiêm”, đóng gói bán khắp nơi cho thị trường đang cần thức uống giải nhiệt. Ở An Giang, anh nông dân mùa lúa thất bát, nghiên cứu thị trường chuyển qua trồng măng tây, vừa nhẹ công, vừa đỡ cực mà sản phẩm của đùng một cái nhảy lên “menu” mấy nhà hàng Tây sang chảnh, và đương nhiên giá bán cũng… sang hẳn lên.Rồi, mỗi sáng đi làm, có lúc tôi hơi chột dạ khi thấy các cháu thanh niên xinh xắn, đeo kính, mang tạp dề khoanh tay lễ phép bên các xe bán xôi, bánh mì, cà phê mang đi… với tấm bảng “tụi con bán xôi”, “con bán bánh giò nóng ngon”… Có một thoáng tôi đã tự thán “Ăn học sao mà ra đứng trông tội thế!”, để rồi lại nhớ rằng chính mình và nhiều bạn cùng thế hệ những năm tháng sau ngày thống nhất cũng vậy. Giai đoạn hậu chiến đa đoan, một cậu công tử cũ là tôi cũng đã lao đầu ra đường phố để tìm cách sinh tồn và làm chủ số phận của mình như thế.Tôi kịp nhận ra các cháu ấy dù đứng lễ phép khiêm nhường bên lề đường trong dòng xe cuồn cuộn mỗi buổi sáng nhưng là tư thế để tìm sự tự tin, mặt đối mặt với thị trường, biết mình phải làm gì và khát khao tạo dựng một “sản nghiệp” cho riêng mình. Chính những câu chuyện nho nhỏ đó ở khắp nơi, chứ không chỉ là các start-up hào nhoáng, mới khiến tôi tin rằng “điểm bùng phát” của Việt Nam đã ở gần. ■ Tags: Việt NamKhởi nghiệpLƯU VĨ LÂNĐiểm bùng phát
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Xe Phương Trang tông vào đuôi xe Hồng Sơn trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, 2 người chết tại chỗ ĐỨC TRONG 19/09/2024 Vụ tai nạn nghiệm trong giữa 2 xe giường nằm hãng Phương Trang và Hồng Sơn vừa xảy ra khoảng 0h ngày 19-9 tại Km191+500 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.
Bà nuôi cháu mất cha mẹ từ mới lọt lòng: Nó đậu đại học tui mừng quá! LÊ TRUNG 19/09/2024 Mới 4 ngày tuổi cha tai nạn giao thông qua đời, một năm rưỡi sau mẹ bệnh mất. Nữ lớn lên không nhớ mặt cha mẹ. Mười mấy năm bà nội nuôi đứa cháu mồ côi Lê Trần Ngọc Nữ (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nay Nữ vào đại học.
Diễn biến áp thấp nhiệt đới rất phức tạp, có thể thay đổi cấp độ, hướng di chuyển NGỌC AN 18/09/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 98 ngày 18-9 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tập đoàn của ông Donald Trump đề xuất đầu tư sân golf, tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên BẢO NGỌC 18/09/2024 Tập đoàn The Trump Organization thuộc sở hữu của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bày tỏ mong muốn được đầu tư khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí tại Hưng Yên.