Việt Nam trong ảnh của Catherine Karnow

TRẦN ANH 07/05/2015 01:05 GMT+7

TTCT - Mùa hè năm 1990, chị lần đầu tiên đến Việt Nam và từ đó bắt đầu mối lương duyên với mảnh đất từng chứng kiến cuộc chiến khốc liệt bậc nhất của thế kỷ 20. Chị trở thành bạn thân với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi lại rất nhiều những bức hình về Việt Nam thay đổi suốt 25 năm qua. Để kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, Art Vietnam Gallery (Lý Quốc Sư, Hà Nội) trưng bày bộ ảnh “Vietnam: 25 years of documenting a changing country” (Việt Nam: 25 năm ghi lại một đất nước thay đổi) của Catherine Karnow từ ngày 10-4 tới 8-5. Đây là một số bức hình từ bộ ảnh.

Một hồ bơi tập thể ngay cạnh hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của John McCain bị bắn rơi hồi năm 1967

Sau một ngày làm việc, người dân đợi phà Thủ Thiêm năm 1990 


Coca-Cola tới Việt Nam: các công nhân sơn bảng quảng cáo cho Coca-Cola năm 1994. Tác động của đổi mới đã khuyến khích đầu tư từ nước ngoài. Các sản phẩm nổi tiếng của Mỹ như John Deere, Hewlett Packard và Coca-Cola dần đến Việt Nam


Cô gái với con gà trên xe Vespa năm 1994. Nguyễn Phương Anh, một Việt kiều lớn lên ở Nam California. Cô trở về TP.HCM năm 1992 và mở quán Q Bar. Cô bị phát hiện là Việt kiều với cách nắm gà của mình: người Việt Nam không cầm gà ở cổ mà cầm ở chân. Bức hình với cô gái mặc bikini ra đường khi đó đã gây sốc

 

Ông thầy dạy nhạc về hưu ở cả ngày trong căn phòng khiêm tốn ở một phố vắng tại Hà Nội. Ông không có học sinh và ngồi một mình chơi những bản tình ca trên chiếc đàn guitar một dây

 

Chị Catherine Karnow và một nạn nhân da cam. Chị nói những khi ở Việt Nam, luôn có điều gì đó xảy ra như một phép mầu, những cuộc gặp gỡ, những hội ngộ nhẹ nhàng, nhân bản và đẹp đẽ. Chị gọi vậy là “gặp duyên”

 

Dù ở Việt Nam mọi thứ thay đổi chóng mặt, vẫn có những khung cảnh duy trì mãi, kể cả trong thành phố. Ở Hà Nội, những người thợ cắt tóc mở cửa hàng ngay trên phố. Bùi Phạm Quát (bên trái) không chỉ là thợ cắt tóc mà còn là một nghệ sĩ điêu khắc, ông sáng tạo bức phù điêu sau lưng. Người Việt Nam rất mơ mộng và Quát nói: “Ngay cả thợ cắt tóc cũng có một người nghệ sĩ trong tâm hồn”

Nữ nhiếp ảnh gia Catherine Karnow sinh ra ở Hong Kong trong những năm 1960 khi cha chị, nhà báo nổi tiếng Stanley Karnow, đang là trưởng văn phòng cho tạp chí Time-Life (sau đó là phóng viên của The Washington Post). Cuốn sách Vietnam: a history của ông được coi là cuốn sách kinh điển hàng đầu về chiến tranh Việt Nam.

Mùa hè năm 1990, chị lần đầu tiên đến Việt Nam và từ đó bắt đầu mối lương duyên với mảnh đất từng chứng kiến cuộc chiến khốc liệt bậc nhất của thế kỷ 20. Chị trở thành bạn thân với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi lại rất nhiều những bức hình về Việt Nam thay đổi suốt 25 năm qua.

“Tôi vẫn nghĩ những gì cha mình làm là để giúp người Mỹ thấy được Việt Nam và hiểu được cuộc chiến thật sự là gì, đưa đến những góc độ và kết nối những chia rẽ. Nhiều thập kỷ sau, tôi theo bước chân ông bằng cách đem hai dân tộc lại gần, kể những câu chuyện chân thực về một Việt Nam tôi yêu và hiểu rất rõ” - chị cho biết.

       

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận